Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC CÀNG HUNG HĂNG CÀNG ÍT BẠN

Học giả Trung Quốc gần đây nhìn nhận Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong quan hệ láng giềng. Nhưng chưa nhận ra cái gốc vấn đề: tâm thức văn hóa và ứng xử nước lớn chưa theo kịp tốc độ lớn mạnh của Trung Quốc.
Trung Quốc vừa gặt hái một mùa ngoại giao đa phương không mấy thành công. Tình trạng khá bị cô lập tại các diễn đàn ARF, EAS vừa qua tại Bali cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong quan hệ với láng giềng có nhiều bất cập. Trạng thái nghi ngại, đề phòng Trung Quốc của các nước cận biên tăng lên. Gần đây các học giả Trung Quốc thảo luận khá thẳng thắn những bất cập đó.
Càng HUNG HĂNG càng ít bạn, càng giàu càng ít ảnh hưởng chính trị
Giáo sư Diêm Học Thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại của ĐH Thanh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng của Trung Quốc về quan hệ quốc tế, trong phát biểu gần đây tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie ở Washington cho hay, Mỹ - Trung cứ tìm cách nói chuyện một cách thân thiện, nói tới hợp tác; trong khi trên thực tế, đôi bên cạnh tranh với nhau để tranh giành ảnh hưởng.
“Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách Mỹ muốn cạnh tranh với nhau. Cả ông Hồ Cẩm Đào lẫn ông Obama đều muốn giảm bớt xung đột và tăng cường hợp tác. Họ muốn tránh xung đột nhưng trên thực tế, điều đó vượt khỏi khả năng của họ. Bởi vì một khi sự chênh lệch về sức mạnh được thu hẹp, xảy ra xung đột là một việc không thể tránh được. Quy luật khách quan là như vậy, ý chí chủ quan không thể thay đổi được”, Giáo sư Diêm Học Thông nhận định.
Mỹ và Trung Quốc cần nhận rõ thực tế khách quan này để tránh xảy ra những tính toán sai lầm và cố gắng làm thế nào để cho sự cạnh tranh giữa hai nước mang tính chất tích cực thay vì tiêu cực.
Trong lúc Mỹ tiếp tục củng cố các mối quan hệ đồng minh hiện có và phát triển những mối quan hệ đồng minh mới, Trung Quốc chỉ có hai đồng minh là Triều Tiên và Pakistan (Triều Tiên là đồng minh trên giấy tờ nhưng không có thực chất, trong khi Pakistan là đồng minh trên thực tế nhưng không có hiệp ước).
“Trung Quốc ngày càng mạnh hơn nhưng bạn bè lại ít đi. Trung Quốc ngày càng giàu hơn nhưng ảnh hưởng chính trị lại giảm bớt. Tôi không nghĩ rằng đây là một sự việc bất thường. Và nếu Trung Quốc cứ khăng khăng theo đuổi nguyên tắc phi liên kết thì Trung Quốc không thể nào thay đổi được tình trạng này”, ông Thông nhấn mạnh.
Giáo sư Diêm Học Thông hối thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ chủ trương do cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đề xướng từ mấy chục năm qua và tìm cách cung cấp sự bảo đảm an ninh cho các nước đồng minh để cạnh tranh với Mỹ trong một thế giới mới mà ông cho là một thế giới lưỡng cực với quyền chủ đạo nằm trong tay Mỹ và Trung Quốc.
Vấn đề biển Đông trong ngắn hạn sẽ mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Lý do là vì các nước như Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản đang theo đuổi chính sách đối kháng với Trung Quốc mà Bắc Kinh không có cách nào để làm cho họ từ bỏ chính sách này.
 “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có thể dùng tiền để mua tình bạn hay không. Nếu tiền bạc không có tác dụng chúng ta phải làm sao? Tôi cho rằng tiền bạc sẽ ngày càng không có tác dụng đối với các nước láng giềng. Cho nên, Trung Quốc phải nghĩ tới việc thiết lập quan hệ quân sự với các nước xung quanh. Tôi không cho rằng Trung Quốc có thể làm cho mọi nước láng giềng trở thành đồng minh quân sự của mình, nhưng có một số nước sẵn sàng làm đồng minh của Trung Quốc. Yêu cầu của họ thường xuyên bị Trung Quốc bác bỏ, chỉ vì Trung Quốc vẫn theo đuổi nguyên tắc phi liên kết”, ông Thông khẳng định.
Tồn tại ngòi nổ vấn đề chủ quyền với 10 nước láng giềng
Báo Thanh niên Trung Quốc có bài tổng hợp ý kiến của các học giả trong nước, cho biết ngoại giao với các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Vào cuối năm 2010, sau khi đặt dấu chấm hết cho một năm ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, tình hình dường như trở lại điểm xuất phát.
Vào tháng 12 của năm đó, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế - ĐH Bắc Kinh Vương Dật Đơn công bố bài viết trên báo chí, nhìn lại tình hình ngoại giao trong năm cho biết “điểm sáng không nhiều”.
Một năm sau, vào cuối năm 2011 tình hình dường như vẫn thế. Tranh chấp ở biển Đông đột ngột nóng lên khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines căng thẳng, đồng thời Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton trong bài viết “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” xác định rõ trở lại châu Á sẽ là chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21.
Tình hình hiện nay càng không lạc quan. Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, ĐH Bắc Kinh Chu Phong, mới đây viết trên báo Liên hợp buổi sáng của Singapore cho biết, do xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Philippines, lại thêm sự kiện Chính phủ Myanmar ngừng dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc bỏ vốn khiến quan hệ Trung Quốc-Myanmar căng thẳng, quan hệ bình thường giữa Trung Quốc với nước láng giềng đột ngột xuống dốc.
“Vùng biên giới phía Nam trước đây hòa bình nay dường như trở thành khu vực láng giềng thù địch với Trung Quốc sâu sắc nhất, chính sách láng giềng của Trung Quốc có thể đưa ngoại giao khu vực của Trung Quốc đến một lĩnh vực chưa biết trước triển vọng”, Giáo sư Thông cho hay.
Giáo sư ĐH Khoa học công nghệ Trung Quốc ở Đài Bắc Bao Thuần Lượng cho rằng, Trung Quốc tuy vẫn chưa có khả năng chủ đạo trật tự thế giới hoặc Đông Á nhưng bởi nước Mỹ đã cảm nhận được áp lực dịch chuyển quyền lực, các nước xung quanh cũng có tâm lý lo sợ mất đi tính tự chủ nên Mỹ và các nước xung quanh Trung Quốc “đều rất dễ chìm vào trạng thái nghi ngờ hợp lý về việc đề phòng Trung Quốc, nếu Mỹ đi đầu cân bằng với Trung Quốc thì không ít nước xung quanh sẽ nổi lên hưởng ứng”.
Giáo sư Vương Dật Đơn cho rằng, Trung Quốc phải có một chiến lược lớn trung hạn và dài hạn mang tính sáng tạo, hay cũng có thể nói dưới tiền đề không phủ nhận chính sách “không can thiệp công việc nội bộ của nước khác”, không từ bỏ giấu mình chờ thời, sẽ tham gia nhiều hơn vào các công việc quốc tế với thái độ tích cực hơn, làm một “nước lớn khiêm tốn và thận trọng”.
Tuy nhiên, trong một lần diễn giảng, Vương Dật Đơn thừa nhận vấn đề an ninh chủ quyền và an ninh biên giới của Trung Quốc là đặc biệt khó khăn. Vương Dật Đơn tính toán rằng cho đến năm 2010, Trung Quốc có những ngòi nổ đang tồn tại với 10 nước trong vấn đề chủ quyền. Trung Quốc vừa không thể để mất chủ quyền, cũng vừa không thể đơn giản đoạt lại mà việc này biến thành một “nhiệm vụ vừa khó khăn vừa phức tạp”.
Vương Dật Đơn mô tả đối sách mà Trung Quốc cần áp dụng là “không cần ngộ nhận cho rằng, Trung Quốc bị âm mưu của Mỹ bao vây, trói chân trói tay, lại càng không thể phô bày thế kình địch tử chiến đến cùng với nước lớn siêu cường vào lúc này. Có một việc Trung Quốc phải thấy rõ là, một nước láng giềng yên ổn, một môi trường xung quanh vững chắc và một tiến trình hợp tác khu vực đi vào chiều sâu sẽ cực kỳ có lợi cho sự phát triển của bản thân Trung Quốc.
Trung Quốc cần tích cực thể hiện thiện chí của mình chứ không phải đối kháng hay đối đầu, phải tăng cường loại bỏ nghi ngờ trong các công việc liên quan đến quốc phòng, tuyên truyền quân sự đối ngoại, “bằng mọi cách tránh để cho những công tác này trở nên gay gắt và tránh phải đặt bài ngửa” trong những tranh chấp phức tạp như tranh chấp chủ quyền.
Các biện pháp kinh tế và an ninh của Trung Quốc bị mất hiệu quả
Phó giám đốc Học viện quan hệ quốc tế - ĐH Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh cho rằng Trung Quốc không cần thiết phải có sự ứng biến với chiến lược của Mỹ, mà cần phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”, xử lý tốt vấn đề phát triển trong nước, với bên ngoài sẽ tiếp tục “giấu mình chờ thời”, thêm bạn, bớt thù.
Phó giáo sư Tôn Học Phong thuộc Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế-ĐH Thanh Hoa nhắc nhở mọi người không được coi thường một thực tế là chính chiến lược này của Mỹ sẽ đem lại cơ hội giúp cho chính sách khu vực của Trung Quốc có hiệu quả hơn, chẳng hạn như đem lại không gian phát triển cho mô hình hợp tác “10+3” mà Trung Quốc khởi xướng, thành lập Hội nghị cấp cao Đông Á để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Chiến lược châu Á của Mỹ dần dần rõ thêm, tạo cơ hội để Trung Quốc xác định rõ hơn cơ cấu mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ. Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế - ĐH Bắc Kinh Vương Tập Tư cho rằng mâu thuẫn về cơ cấu khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ rõ hơn sẽ giúp Trung Quốc áp dụng chiến lược rõ ràng, xác định rõ hai nước Trung-Mỹ đứng trước cạnh tranh trong những vấn đề nào, có thể hợp tác trong lĩnh vực nào.
Trung Quốc có thể nhờ đó để xác định rõ điểm tới hạn trong chính sách của mỗi bên, thực tế như vậy sẽ có thể đặt cơ sở cho việc xây dựng khuôn khổ chiến lược ổn định ở khu vực Đông Á.
Nói đi nói lại vẫn thấy giới học giả Trung Quốc chưa nhận thấy cái gốc của vấn đề là do sự lớn mạnh quá nhanh, Trung Quốc đã đòi hỏi quá nhiều, hành động quá mạnh tay với các nước láng giềng.
Quân sự mạnh tay lấy mạnh hiếp yếu, kinh tế cũng mạnh tay bằng mọi giá kiếm lời cho mình. Bất chấp các nước láng giềng cảm nghĩ gì, nhìn nhận thua thiệt ra sao, bị ép buộc thế nào. Tóm lại là tâm thức văn hóa nước lớn chưa kịp hình thành. Giờ là lúc Trung Quốc phải định hình ra các nguyên tắc chỉ đạo phù hợp với một thế giới mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog