Chia sẻ

Tre Làng

Tùng Dương: CÂY TÙNG CÓ THẾ ĐỨNG CONG CONG

Nếu như khát vọng của hầu hết ca sĩ hiện nay là được “ôm” cỡ tám lăm triệu khán giả (hơn nữa thì càng tốt) vào lòng mình thì có vẻ như Tùng Dương là kẻ lội ngược với dòng chảy ấy. Dường như Dương đang ngày càng nỗ lực để phần lớn khán giả “miệt thị”, thậm chí “nguyền rủa” mình bằng lối hát diễn cùng phong cách thời trang rất dễ làm “mích lòng” kẻ yếu vía. Song, cái may mắn của Dương là anh cũng có được một góc thị phần trong một thị trường vốn dĩ chật chội. May nữa, thị phần ấy có độ bền cùng sức chịu đựng khủng khiếp hay ít nhất, nó đủ bao dung để “nuông chiều” cho sự tung tẩy của Tùng Dương. 

Dương mà lại… âm

Trước hết, cần phải thấy rằng Tùng Dương là một “quả độc” và rất khó để “chạm vào”. Hoặc không khó lắm nhưng giới truyền thông ở ta vốn… ngại, chẳng ngại mang tiếng “khiếm nhã” thì ngại “dính chưởng” nhỡ (nhỡ thôi nhé) Tùng Dương “lồng” lên. Tạng của Tùng Dương (và những kẻ như Dương) thường thế.

Rõ ràng, Dương… âm tính. Tuy chưa đến mức mang váy hay áo dài hoặc xỏ giày cao gót lên sân khấu nhưng không ít người lại mặc định phong cách của Tùng Dương thuộc về giới tính phù phiếm nào đó, chưa rõ ràng. Phàm, điều gì chưa rõ ràng người ta đành phải mượn một giá trị nào đó gần gụi để nói về nó. Với trường hợp của Tùng Dương, người ta hiếm khi đặt cạnh anh với những Tấn Minh, Quang Dũng, Kasim Hoàng Vũ, Hà Anh Tuấn, Anh Khoa…mà thường hơn là tựa vào cái “chiếu” của các nữ hoàng nhạc nhẹ.

Thật vậy, ngoài tố chất của một tài năng âm nhạc, Tùng Dương có vẻ chịu ảnh hưởng rất nặng thứ “bản năng” của Thanh Lam. Thêm vào đó, Tùng Dương còn có sự quyết liệt đến cực đoan của Trần Thu Hà. Ở đâu đó, Mỹ Linh bảo không nên gọi Dương là diva thứ năm vì đó là cách gọi thiếu tôn trọng anh và Dương cũng không ít lần tỏ vẻ phiền lòng trên mặt báo khi cứ bị ai đó gọi mình như thế nhưng rất khó để gọi khác khi những thứ mà anh bày ra trước mặt thiên hạ (là hình ảnh trên sân khấu cũng như trong các sản phẩm âm nhạc) không mang dáng dấp của một divo. Và người ta gọi anh là diva thứ năm, thậm chí “tàn nhẫn” hơn, có người gọi anh là Lady Gaga cũng là vì thế!

Quay lại 2004, năm có thể xem là đáng nhớ của nhạc Việt nói chung và Tùng Dương nói riêng. Đáng nhớ là bởi không khí của nhạc Việt khi ấy đang là một dấu lặng khổng lồ. Các diva đang “trùm mền” sau những năm tung hoành đến kiệt sức, bầu trời âm nhạc khi ấy chỉ còn lại dăm ba ngôi sao như Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường, Cẩm Ly, Thanh Thảo…đang cố gắng phát sáng bằng những “sung mãn” cuối cùng, gặm nhấm tàn dư hay đúng hơn là hốt hụi chót còn những cái tên như Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng chỉ vừa bắt đầu được biết đến.

Không khí âm nhạc trong năm 2004 nóng lên và đỡ tẻ nhạt đi nhờ sự xuất hiện của cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn và giải thưởng âm nhạc Cống hiến (khi ấy còn là Tiền Cống hiến). Với một format được pha trộn giữa ta và tây, Sao Mai Điểm Hẹn khi ấy hẳn là một làn gió mới, phóng khoáng và tươi trẻ thổi vào các cuộc thi, liên hoan tiếng hát truyền hình. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi ca hát, khán giả được quyền lựa chọn tài năng cho mình thay vì chỉ có một vài ban giám khảo nào đó. Sao Mai Điểm Hẹn là tiền đề để thổi lên cơn bão Việt Nam Idol. Cũng trong năm ấy, giải thưởng âm nhạc Cống hiến, một giải thưởng được cho là danh giá nhất bởi sự tôn vinh những giá trị âm nhạc mới mẻ lấp ló trước thềm cửa làng giải trí. Nói không ngoa, năm ấy cũng là năm của Tùng Dương khi anh đại thắng ở cả hai cuộc đua này. Sau khi chinh phục Hội đồng nghệ thuật của Sao Mai Điểm Hẹn 2004 để đứng trên bục cao nhất của cuộc thi, Tùng Dương tiếp tục “phe cánh” với giới báo chí để ôm về cho mình giải thưởng ca sĩ của năm ở mùa giải Cống hiến đầu tiên.

Song, cần phải thấy rằng, ở thời điểm ấy, những người cầm bút chọn Tùng Dương không phải vì anh có chất giọng quý giá hay kỹ thuật hát điêu luyện mà rất đơn giản, người ta chọn Tùng Dương chỉ bởi anh có cái gu là lạ và có chút máu liều. Giữa một rừng ca sĩ đèm đẹp và rất chịu na ná nhau, chính cái gu lạ cùng chút máu liều giúp Dương tách mình ra khỏi cánh rừng ấy để trở thành một thứ của riêng độc đáo. Ngày ấy, Dương để tóc dài, trang phục giản dị có điểm tý hoa văn và chơi loại âm nhạc đỏng đảnh của Lê Minh Sơn - khi đó vốn vẫn còn “bí mật”. Chỉ với “lạ” và “liều”, Tùng Dương tỏa sáng.

Thẳng thắn mà nói, nếu xét về âm sắc thì giọng hát Tùng Dương hoàn toàn lép vế với các giọng ca nam hiện nay. Chất giọng của Dương không đẹp, cũng chẳng có gì đặc biệt nếu chẳng muốn nói chất giọng ấy quả là tầm thường khi so với thứ vốn “giời cho” của Trọng Tấn, Tấn Minh, thậm chí tệ hơn cả cái khàn đến cháy lòng và nhão đến tái tê trong tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng hay chất trữ tình trong giọng ca Quang Dũng. Giọng của Dương không được như vậy mà gần như đất, Dương nhả chữ ra đã thấy mùi khói đồng, rơm rạ, hay nói theo kiểu sổ toẹt là… quê mùa. Giọng hát Dương khỏe khoắn, làn hơi vẫn đầy đặn khi trèo lên âm vực cao nhưng âm thanh phát ra thường thô ráp, cỗi cằn và khét.

Song, bù lại Dương có cái nền vững vàng của một gia đình ít nhiều có duyên nợ với âm nhạc (có bố từng là ca sĩ, ông là nhạc sĩ Trần Hoàn), có sự say nghề và giỏi tài biến hóa. Dương biết cách cày xới, vun vén cánh đồng của mình để làm nên một không gian trù phú, mỡ màng. Ngay cả khuyết điểm của mình Dương cũng biết cách khai thác để tạo ra một thế đứng độc tôn trong cái ao nhạc Việt. Điều quan trọng nữa là Dương cực kỳ “nhạy sáng”, nhất là thứ ánh sáng của cái mới. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa khi bảo Dương là tín đồ, là kẻ cuồng tín cái mới.

Sính cái mới nhưng Dương tỉnh táo, kỹ tính và ý thức làm nghề - điều này có vẻ Dương giống Hồng Nhung nên chắc chắn Dương không phải là kẻ chăm làm và ra album xoành xoạch để "đi bão” với các ngôi sao. Thay vào đó, cái mới của Dương nằm ở tinh thần, những sản phẩm âm nhạc của Tùng Dương luôn bùng nổ sáng tạo hay ít nhất nó phải là một cuộc “cách mạng” với chính anh. Cuộc cách mạng ấy đẩy Dương lên từng nấc, một cách chắc chắn.

Nếu với Chạy trốn (album được phát hành vào năm 2004), Dương thỏa sức nghịch ngợm trong bờ - ao - chuồng của Lê Minh Sơn - dòng nhạc mà người ta quen gọi là dân gian đương đại thì đến 2007, Dương nghĩ mình cần phải có một không gian âm nhạc rộng lớn hơn để thỏa sức bay nhảy. Với dự án Những ô màu khối lập phương, Tùng Dương thả mình vào không gian mênh mang của dòng New Age với sự đồng hành cùng nhạc sĩ của những bức thư tình Đỗ Bảo. Như thấy không gian ấy vẫn còn chật chội, tù túng so với năng lượng ngang núi lửa chực phun trào trong người mình, Dương tiếp tục “bập” vào dòng nhạc electronic - một không gian âm nhạc ảo giác, đa chiều và giàu tính gợi mở với dự án Li ti (được làm với nhạc sĩ ở Đức - Nguyễn Công Phương Nam). Album này được giới làm nghề đánh giá cao bởi nó mang màu sắc phương Tây với những bản phối giao hưởng từ các thiết bị điện tử nhưng chất của Dương cũng chẳng lẫn vào đâu được.

Song, điều đáng quý nhất, cơ bản nhất, điều đã “nhào nặn” nên một Tùng Dương hôm nay nằm chính ở sự “cong cong”, nhạy cảm trong tâm hồn anh. Tâm hồn ấy vừa mê đắm, cháy khát yêu thương lại vừa dễ đứt gãy, tổn thương nên theo bản năng, Dương chuyển sang trạng thái xù lông, cong cánh trông đến là kiêu hãnh. Xét cho cùng, sự kiêu hãnh ấy chỉ là một lớp son phấn để anh tự bảo vệ mình trước những ngổn ngang, bề bộn của đời sống còn tận cùng, Dương vẫn là lữ khách cơ đơn đi tìm kiếm một bến bờ bình yên, ấm áp. Đó là lý do mà người ta thấy một Tùng Dương luôn trong tư thế gai góc, bất cần và sẵn sàng đanh đá. Rất rõ ràng rằng trong Dương luôn tồn tại sự day dứt hay chính xác hơn là xung đột nội tâm mãnh liệt. Và đó chính là chất kích thích, là thứ vũ khí hạng nặng để Tùng Dương vắt kiệt mình trong các dự án. Đó cũng chính là lửa để Dương thiêu cháy mình trên các sân khấu ca nhạc mà người ta vẫn gọi là Dương hát như lên đồng, hát như rút ruột rút gan, hát như lần cuối cùng Dương được hát.

Vật tế thần khi các bà hoàng đi vắng

Song, ở đời, cái gì hay nhất và tinh túy nhất bao giờ cũng dừng lại mức độ vừa phải. Điều mà hiện nay trong các diva mỗi Trần Thu Hà làm tốt nhất. Hà biết phá ở chỗ nào và dừng lại ở đâu là hợp lý. Trong các dự án của Trần Thu Hà, người ta vẫn thấy có sự nổi loạn trong một tổng thể tinh tế, hài hòa. Các diva còn lại thì không thể.

Dăm năm trở lại đây, nếu Mỹ Linh bị kỹ thuật hát lấn át cái hồn thì Hồng Nhung làm người ta có cảm giác chị thiên về cái giả. Còn Lam lại rơi vào trạng thái ngược lại, càng có tuổi chị lại càng nông nổi và hoang dã. Lam giờ đây làm nhạc theo kiểu nhà mình có bao nhiêu củi thì chị mang hết ra sân rồi chất lên mà đốt. Lửa càng to chị càng thích, càng máu, càng khoái cảm mà quên mất rằng chị cần phải giữ lại chút gì đó cho riêng mình. Thế nên, cứ “cháy” xong là hết, Lam chẳng còn gì cả. Người ta có thể sướng khi đang nghe Lam hát nhưng chị hát xong là thôi, không có tý gì có thể bám lại trong lòng người. Tùng Dương cũng thế, anh vướng phải điều này khi con đường âm nhạc của anh nhỡ ảnh hưởng nặng nề từ cái bóng Thanh Lam.

Người ta bảo Dương có… gu, cái gu cần kể đầu tiên là ăn mặc. Ai cũng thừa nhận Dương có gu ăn mặc nhưng người ta quên mất rằng đó là cái gu xấu, nếu chẳng muốn nói cực xấu. Dương cố choàng lên mình những bộ trang phục nào đó cho bằng được mà chẳng cần biết nó xấu, đẹp hay phản cảm trong mắt khán giả. Đành rằng, ai cũng cần cái “lạ”, cái “riêng biệt” nhưng không phải là cái lạ, cái riêng biệt kiểu Tùng Dương. Hay nói như một nữ ca sĩ thì khi không làm được thiên nga, Dương cố ý biến mình thành quạ đen. Thế thôi!

Không chỉ làm “ông kẹ” trong cách ăn mặc, lối hát của Dương cũng còn khối vấn đề. Đồng ý mỗi lần Dương hát là mỗi lần anh lên đồng và vắt kiệt mình trên sân khấu - điều rất đáng quý khi đứng giữa một làng ca sĩ thiên về lối hát đại khái, qua loa. Song, cũng chính vì thế mà Dương gần như không thể kìm hãm, tiết chế được cảm xúc của mình để thế mạnh của Dương lắm khi trở thành thế yếu của anh. Dương hát hay bị chênh phô. Cái chênh phô nằm trong những con chữ mà anh nhả ra, không thiếu những lần người ta cảm thấy có vẻ như Dương đang la làng, tru tréo trên sân khấu chứ không phải là hát. Hẳn nhiên, Dương có quyền nghĩ rằng đó là cách mà anh bày tỏ cảm xúc hay thể hiện nội tâm nhưng trong đôi tai của những kẻ kén nhạc, người ta lại cho đó là biểu hiện của lối hát suồng sả, kém tinh tế. Nói ví von, cách hát của Dương như cách thổi một mớ bọt xà phòng màu mè, sặc sỡ vào không khí. Lúc thổi lên, mớ bọt ấy có thể làm người ta chóng mặt, hoa mắt nhưng để lại thứ gì đó thì không.

Lại phải nói, Tùng Dương có khởi đầu rất may mắn khi vừa bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp như đã nói ở phần đầu. Sự may mắn ấy ít nhiều làm Tùng Dương tự tin thái quá vào những lựa chọn cho đường hướng âm nhạc của mình hay ít nhiều cũng có thể gọi đó là sự ảo tưởng vào các giá trị tự thân để giờ đây, ít nhất là trên dưới bảy năm “thăng hoa”, những gì mà Dương đang có không thể tiệm cận được với đại chúng mà điều này những đàn chị của Dương đã làm rất thành công. Khán giả giờ đây nhiều người không ngần ngại báng bổ về lối hát của Tùng Dương dù giới làm nghề lẫn cánh báo chí cứ tung hô anh hết năm này sang năm khác. Hay nói như lời một ca sĩ có nghề chia sẻ với người viết thì chị rất nể và tôn trọng sự tìm tòi của Tùng Dương nhưng để nghe, để say đắm thì không, chị chọn Uyên Linh.

Suy nghĩ của ca sĩ này cũng gần gụi với những người hiểu chuyện, nhạc Việt hiện nay đang trong cái thế khó “gỡ”, khi người ta trao cho Dương những chiếc cúp danh giá cũng đồng nghĩa với việc họ kỳ vọng vào anh sẽ làm được một điều gì đó. Tiếc là Dương không làm được, ít nhất là cho đến giờ phút này, sau nhiều năm được tán thưởng nhiệt thành thì Dương cũng chỉ có thể hát cho mình và một đám đông nào đó rất khiêm tốn. Cứ tưởng tượng giờ mà Dương có thêm vài giải thưởng Cống hiến nữa cũng thế, đại chúng vẫn chẳng chịu nghe anh. Có thể đại chúng là một đám đông ngổn ngang nhưng đừng nghĩ họ không có lý của họ. Khi họ tin anh, trao cờ cho anh mà anh không chịu phất lên mà chỉ chạy theo cái tôi của mình thì họ sẽ trao cờ vào tay người khác. Và một trong những người khác mà công chúng đang tin tưởng để đặt kỳ vọng là Uyên Linh. Có thể Uyên Linh cũng chẳng làm nên cơm cháo gì giữa thời buổi khó khăn này nhưng ít nhất, cô tạo ra được một sự sục sôi rạo rực hiếm có cho một làng âm nhạc vốn đang buồn tẻ.

Nói thẳng thường khó nghe và Tùng Dương cũng có quyền từ chối đón nhận những góp ý và anh hoàn toàn có thể yên tâm về lượng fan “cứng cựa” của mình nhưng nếu chẳng chịu đổi thay mà vẫn giữ cho mình cái style âm nhạc lẫn thời trang có xu hướng như thế thì trong mắt không ít người, anh mãi chỉ là một dạng vật tế thần khi các nàng diva đi vắng mà thôi. Ví von vui vẻ tí, rằng khó có hình ảnh nào lột tả chân thực hơn về Dương ngoài hình ảnh một cây tùng có dáng đứng cong cong. Cây tùng ấy lại còn đang reo ca như đang trong cơn khoái cảm và cực kỳ kiêu hãnh bởi vẻ đẹp của mình. Đó cũng là cái thế của Tùng Dương hiện nay trên cái thang nhạc Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog