Chia sẻ

Tre Làng

Gái đẹp luận

Nhân tranh luận sôi nổi về Ngọc Trinh nói riêng và gái đẹp nói chung, mình cũng muốn mạn đàm một chút cho vui. Mình tự biết không phải chuyên gia về gái, vì thế những quan điểm cũng như kiến thức của mình rất hạn hẹp, chẳng qua là khởi đầu để mọi người có thể bàn luận rôm rả.
1. Hoa hậu là logo của một nền văn hóa
Hoa hậu là mực thước của gái đẹp, là chuẩn mực cho cái đẹp quan trọng nhất trong các loại cái đẹp. Việc đặt ra tiêu chuẩn và chọn lựa mẫu mực đó không phải là một nhóm người có thể quyết định, mà đằng sau nó là cả một nền văn hóa, với hệ thống triết học, lịch sử, mỹ học, mỹ thuật, thang giá trị v.v… Vì vậy, nghiên cứu hoa hậu có thể biết về một nền văn hóa, và ngược lại, hiểu rõ nền văn hóa, có thể đưa ra kiến giải về hoa hậu.
2. Đẹp tự nhiên hay nhân tạo?
Tiêu chuẩn gái đẹp ở các nền văn hóa rất khác nhau, nhưng cũng có thể quy về hai thể loại chính, loại tôn sùng cái đẹp tự nhiên, không mông má, không cưỡng chế, và loại tôn sùng cái đẹp nhân tạo. Điều này xuất phát từ triết lý rất cơ bản về vai trò của con người và tất cả những hoạt động của con người trên đời.
Những nền văn hóa tôn sùng gái đẹp tự nhiên có hai loại quan điểm, loại thứ nhất cho rằng thiên nhiên vốn hoàn hảo, và con người là một phần của thiên nhiên, vì vậy con người cũng hoàn hảo. Và con người nên vô vi, thuận theo tự nhiên mà hành xử. Loại thứ hai cho rằng con người là chúa tể thiên nhiên, do đó là mực thước của vũ trụ, người làm gì cũng đúng, cũng chuẩn, như chúa làm, không cần tra xét ý nghĩa.
Những nền văn hóa tôn sùng cái đẹp nhân tạo thì lại cho rằng thế giới cũng như con người là không hoàn hảo, và con người có trách nhiệm hoàn thiện nó, cải tạo nó. Để làm việc đó, con người phải có bản lãnh, phải có cá tính, có sức chịu đựng, ý chí v.v… Và con người thể hiện điều đó thông qua việc tự đàn áp, biến đổi cơ thể của mình.
3. Những vẻ đẹp tự nhiên
Có một số dạng tôn thờ vẻ đẹp tự nhiên, xuất phát từ các nền văn hóa rất khác nhau:
3.1. Hy Lạp và vẻ đẹp của tỷ lệ cơ thể
Nền văn hóa Hy Lạp cho rằng con người là trung tâm vũ trụ, là chúa tể vũ trụ. Cũng vì vậy mà các thần Hy Lạp về bản chất giống người, chẳng qua bất tử hoặc sống lâu hơn, khỏe hơn, tài hơn người thường. Từ niềm tin này mà có hệ thống dân chủ.
Minh chứng cho vai trò chúa tể này là vì con người có tỷ lệ cơ thể chuẩn mực cho cái đẹp của vũ trụ. Đây là triết lý chủ đạo của Anthropometrie, một triết lý giải thích và áp dụng các loại thước đo, tỷ lệ trên cơ sở tỷ lệ con người. Hình người đứng trong hình tròn và hình vuông của kiến trúc sư Vitruv có thể coi như logo của nền văn hóa Hy Lạp, La Mã, thể hiện con người là chuẩn mực, chúa tể của trời đất. Hình này được Leonardo da Vinci vẽ lại, được coi như biểu tượng của thời Phục hưng. Và sự cải biên của hình này trong Modulor của Lecorbusier lại một lần nữa trở thành logo của kiến trúc, đô thị, nội thất và nhiều loại nghệ thuật tạo hình hiện đại phương Tây.
Các thức cột Hy Lạp, La Mã, Phục hưng có thể coi như những cơ thể chuẩn mực, trần truồng, do đó tự chúng tạo thành cốt lõi, định nghĩa của kiến trúc. Có thức cột Doric với tỷ lệ đàn ông, Corinth với tỷ lệ đàn bà và Ionic với tỷ lệ của thiếu niên.
Vì ý thức về cơ thể và tỷ lệ cơ thể, người Hy Lạp đặc biệt chú trọng chăm sóc, rèn luyện cơ thể cũng như thể hiện nó. Từ đó mà có tổ chức Olympic. Gymnasium, trường học cho tất cả các nhà khoa học, chính trị, triết gia, công dân tự do của Hy Lạp, có nghĩa là “trần truồng”. Từ Hy Lạp cho tới về sau, việc tôn thờ cơ thể con người và tỷ lệ của nó được áp dụng trong mọi lĩnh vực đời sống, mà rõ nét nhất là kiến trúc, điêu khắc, hội họa, phim ảnh, nhưng cũng có trong cả những lĩnh vực khác như quy hoạch đô thị, văn học, âm nhạc, múa và các thể loại trình diễn v.v…

Với một truyền thống lâu đời và dầy dặn như vậy, việc tuyển chọn hoa hậu với những màn khoe cơ thể và các tiêu chí cơ bản về các tỷ lệ, các vòng đo của phương Tây đương đại là điều dễ hiểu và có căn cứ sâu sắc.
Đền Erechtheion, Hy Lạp. Cột Hy lạp là những cơ thể người.
3 thức cột Hy Lạp. So sánh phần đầu cột.
3 thức cột Hy lạp là trừu tượng hóa 3 tỷ lệ của cơ thể đàn ông, đàn bà, thiếu niên.
3 thức cột Hy lạp là trừu tượng hóa 3 tỷ lệ của cơ thể đàn ông, đàn bà, thiếu niên.
Tỷ lệ con người thể hiện trong từng cái cột cũng như ở cả mặt bằng công trình.
.
Chỉ có một nền văn minh thực sự tôn thờ vẻ đẹp cơ thể và tỷ lệ của nó mới tạo ra được những tuyệt tác thế này. Nhưng ngay cả Hy Lạp cũng chưa có đưa ra khái niệm ba vòng cơ bản. Nàng Vệ nữ này chắc không thể chuẩn bằng Ngọc Trinh.
.
Hình vitruv của Leonardo da Vinci...
... và modulor của Lecorbusier khẳng định tính thần thánh và phổ quát của tỷ lệ cơ thể người.

3.2. Các nền văn hóa phồn thực
Đối với rất nhiều nền văn hóa khác, đa số còn có nguồn gốc nguyên thủy hơn Hy Lạp, thì cái đẹp không nằm ở tỷ lệ cơ thể, mà ở bộ phận sinh dục. Thể loại văn hóa này có ở khắp nơi, nhưng đạt đỉnh cao ở những văn hóa như Hindu, Champa, Khơ me. Đối với những văn hóa này, nguyên lý vũ trụ không phải là ở tỷ lệ hình khối, mà ở sự giao hòa âm dương. Đặc trưng của cái đẹp khi đó chính là sự phi tỷ lệ của bộ phận sinh dục. Khi đó, nếu có tuyển hoa hậu, chắc chắn những yếu tố như chân dài, mặt xinh, ba vòng đều là thứ yếu. Chỉ có hai chỗ cơ bản và cốt phải to.
Linga, Ioni và vú, những cốt lõi của cái đẹp giới tính.
.
Bức tượng trong đó miêu tả một người phụ nữ với bộ ngực lớn, mông lớn và bộ phận sinh dục phóng đại, được cho là ít nhất 35.000 năm tuổi được làm từ ngà voi Mamut. Được tìm thấy từ hang Hohle Fels ở Đức.

3.3. Đạo giáo và những văn hóa tự nhiên
Đối với những tư tưởng văn hóa cho rằng con người là một bộ phận của thiên nhiên, và thiên nhiên vốn là hoàn hảo thì cái đẹp của con người rất tương đối. Trang Tử có nói đại khái: Tây Thi đối với ta là đẹp, nhưng đối với con cóc đực thì chỉ con cóc cái là đẹp. Nếu cái đẹp của con người không phải chuẩn của thiên nhiên, thì cái đẹp của một người nhất định cũng không thể là chuẩn cho mọi người. Người đó dù có nghiêng nước nghiêng thành như Tây Thi, hay đui què mẻ sứt, đít biến thành bánh xe, tay biến thành cung tên v.v… thì cũng chẳng có gì quan trọng. Như thế, cái đẹp ngoại hình không quan trọng bằng cái đẹp nội tâm, tức là cái đẹp của sự thanh tĩnh, thoát tục, của sự giác ngộ. Các cô tiên trong đạo giáo thường được miêu tả tiên phong đạo cốt, phiêu phiêu hốt hốt, uyển chuyển như nước, trong vắt như thủy tinh, không một vết bụi trần, có nghĩa là toát lên tính phi vật chất. Đặc điểm phi vật chất này sẽ tự dẫn tới những nét thiên về thanh mảnh hơn là phốp pháp, đầy đặn.
Những người đẹp nhặt hoa. Tranh của Zhou Fang đời Đường ( 618-907).

3.4. Nho giáo và cái đẹp quẻ Khôn
Theo quan điểm Nho giáo, phụ nữ đại diện cho quẻ Khôn, trong khi nam giới đại diện cho quẻ Càn. Mỗi quẻ có một vẻ đẹp riêng. Quẻ Khôn có những đức tính là tinh tế trong cảm nhận, hậu trọng, vuông vắn trong hình thức và bền bỉ, thừa thuận trong việc làm. Người phụ nữ đẹp do đó phải có đủ 3 tố chất đó: cảm nhận thì rất tinh vi, tế nhị, hình thức thì vững chãi, đầy đặn, việc làm, cử chỉ thì uyển chuyển, mềm mại, đức độ. Ba tố chất này được bộc lộ trong 4 đức của người phụ nữ nho giáo là Công, dung, ngôn, hạnh. Và không phải ngẫu nhiên mà tứ đức có thứ tự như vậy. Đứng đầu là công, nghĩa là năng lực làm việc của người phụ nữ, nó là điều kiện đảm bảo sự sống cho gia đình, và cũng là vai trò hàng đầu của quẻ Khôn. Tiếp đến mới là dung mạo hình thức. Cái này cốt ở đầy đặn đoan chính, được coi là cái đẹp vượng phu ích tử. Nó đảm bảo sự lành mạnh, khỏe khoắn về thể chất cho giống nòi. Trung Quốc chưa bao giờ có nhận thức về cái đẹp từ tỷ lệ, hình khối cơ thể như Hy lạp. Sau Công, Dung rồi mới đến lời nói, đức hạnh. Nhiều người đời sau chỉ nhắm vào chữ hạnh, lại coi hẹp cái hạnh ở trinh tiết, thành ra tiêu chuẩn này trở nên cứng nhắc, thiếu sức sống.
Phụ nữ Hà Nội xưa.
Vẻ đẹp vượng phu ích tử.

Nói một cách tổng quát thân hình diện mạo đôn hậu, đẹp một cách oai vệ, cử chỉ ngôn ngữ thư thái ôn hoà: khuôn mặt cân phân về cả tam đình, ngũ nhạc.
Nếu đi sâu vào từng chi tiết ta thấy:
- Ấn đường rộng rãi không xung phá, diện mạo tươi tỉnh. Đặc biệt là sắc mặt trắng ngà, mắt phượng môi hồng.
- Mũi thuộc loại Huyền đảm tỵ đúng cách: màu da khuôn mặt tươi nhuận đặc biệt là chuẩn đầu và tỵ lương sáng sủa, phối hợp với mày thanh mắt đẹp.
- Lòng bàn chân hoặc trong thân thể (rốn hoặc khu vực trên dưới rốn một chút, phần ngực dưới hai vú, hai bên háng) có nốt ruồi đen huyền hoặc son.
- Bất kể gầy mập mà lòng bàn tay mập, nếu lòng bàn tay có thịt quá đầy thì đa dâm và có thể ngoại tình mặc dầu vẫn vượng phu: màu sác hồng nhuận ấp áp, ngón tay thon dài, thẳng, khít nhau, chỉ tay rõ và đẹp.
- Rốn hoặc khu vực dưới rốn đôi chút có nốt ruồi màu son tàu.
- Xung quanh khu vực bụng có thịt nổi rõ như một vành đai. Người phụ nữ có hai đặc điểm về tướng cách cuối cùng như trên dường như chắc chắn sẽ sinh quý tử bất kể diện mạo xấu đẹp ra sao.

4. Những vẻ đẹp nhân tạo
Như trên đã đề cập, các nền văn hóa đề cao vẻ đẹp nhân tạo thường gắn liền với những tác động rất mạnh vào cơ thể con người. Mục đích của những tác động này không hẳn là để đạt tới những nét đẹp mơ ước, như trường hợp gót sen ba tấc, mà chủ yếu để khẳng định một nghị lực và sức chịu đựng phi thường của con người cũng như khẳng định vai trò của con người là tạo ra những thứ mà thiên nhiên không có. Sức chịu đựng và sự sáng tạo này là lý do và hứa hẹn cho sự trường tồn của giống nòi.
Một thời, Trung Quốc có hủ tục bó chân để tạo gót sen 3 tấc. Đây là một phát triển dị biệt, thực ra chẳng xuất phát từ những tư tưởng lớn, mà là một lối chơi của nhà giàu. Việc bó chân nhằm đạt đến một tiêu chuẩn chân nhỏ mơ ước mà người thường không có được, đồng thời thể hiện bản lĩnh và độ chín chắn của người phụ nữ. Tương tự như gót sen của Trung Quốc là phong trào thắt eo của phương tây. Ví dụ gót sen cũng như thắt eo cho thấy tác hại của việc đưa ra những tiêu chí về cái đẹp phi tự nhiên sẽ dẫn đến sự què quặt của cả một xã hội, và sự uất ức truyền đời của người phụ nữ.
Người đẹp cổ dài, Thái Lan
.
Phụ nữ của bộ tộc Mursi ở miền Nam Ethiopia.
Người đẹp tai to
Người đẹp đầu dài
.
Người đẹp eo nhỏ
Gót sen ba tấc

5. Thi hoa hậu Việt Nam – hoạt động a dua không có thực chất
.

Về hình thể: Nguyên tắc, cái đẹp chuẩn mực bao giờ cũng phải là cái đẹp đặc trưng, đấy là sự thuần chủng. Nếu tiêu chí được rút ra từ cái đặc trưng, thì thứ nhất là có bản sắc, thứ hai là có một số lượng lớn đối tượng để lựa chọn, thứ ba là hình mẫu có tác dụng định hướng cho xã hội. Người phụ nữ Việt Nam có chiều cao trung bình khoảng 1m55. Vậy nếu chọn trong khoảng này, sẽ có nhiều đối tượng, và trong nhiều đối tượng đó, sẽ có những người hoàn hảo cả về những mặt khác. Nay hoa hậu được chọn phải rất cao, không biết chuẩn là bao nhiêu, nhưng có lẽ dưới 1m70 không bao giờ được xét, để có thể đứng cạnh hoa hậu Đức, Thụy Điển v.v… Mà quả là trong dàn hoa khôi thế giới, nếu không quay cận lại, đố ai biết cô nào từ Việt Nam, cô nào từ Đức. Như vậy chỉ có một số rất ít người, với nguy cơ mất cân bằng hoormon cao và những bất thường khác có liên quan về trí não mới lọt vào vòng sơ tuyển.
Tương tự, người Việt Nam bình thường có tỷ lệ chân ngắn hơn người châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà người mẫu hoàn hảo theo phương Tây có tâm điểm ở khu vực sinh dục, trong khi người Á Đông có quan niệm trung tâm ở Đan điền, tức là vùng dưới rốn. Chọn chân Á Đông dài như tỷ lệ chân châu Âu, sẽ dẫn đến tỷ lệ bất thường lớn, trong đó ẩn chứa nhiều thứ mất cân bằng khác không dễ nhận ra.
Tỷ lệ 3 vòng đo cũng rất khác nhau ở mỗi chủng tộc. Vì thế không thể có một tỷ lệ vàng cho cả loài người. Rõ ràng là tỷ lệ phần ngực và mông của người Việt thuần không thể như phụ nữ châu Phi hay châu Âu thuần chủng được.
Như vậy, việc tuyển chọn hoa hậu Việt Nam theo tiêu chí châu Âu thứ nhất là dẫn đến lựa chọn những cá thể biến dạng, không đặc trưng của chủng tộc, tiềm ẩn nguy cơ bất thường cao. Điểm thứ hai, cho dù chọn được một cô Việt Nam giống Tây hơn cả Tây, thì về nguyên tắc, người Việt Nam sẽ không đồng cảm được với cái đẹp này, giống như cóc đực chẳng thể thấy Tây Thi là đẹp. Nhưng vì đã được giới chuyên môn coi là đẹp, nên ông nào cũng phải khen đẹp, để chứng tỏ mình là đàn ông thực thụ, là người sành. Như thế, tác dụng của những người mẫu bất thường này sẽ là làm sai lệch thẩm mỹ bình thường của giới mày râu. Từ thẩm mỹ méo mó đó, lại dẫn đến áp lực lên những người phụ nữ bình thường, bỗng dưng tự cảm thấy là mình không bình thường, và cũng không được coi là bình thường. Do đó dẫn đến các loại vẽ rắn thêm chân, độn mông nâng ngực, nới vòng nọ bóp vòng kia một cách ngớ ngẩn, không khác gì việc bó chân của người Tàu, để rồi lại uất ức vì mình bị coi như món đồ chơi của giới đàn ông.
Trí tuệ, khéo léo, đức hạnh
Tuy chọn hoa hậu là theo chuẩn về tỷ lệ hình thức, đã dẫn đến lựa ra những cá thể đột biến, nhưng các ông lại vẫn không thoát khỏi tư tưởng công dung ngôn hạnh, muốn đòi hoa hậu ngoài cái đẹp phải có cả ba cái kia, như thế chẳng phải lú lẫn sao. Nếu có được văn hóa Hy Lạp, chỉ cần nhìn thấy tỷ lệ là như thấy Chúa trời, cần gì những thứ khác. Còn đã không có cái văn hóa đó, thì nhìn tỷ lệ cũng không thấy đẹp, nên cho là thiếu. Thế mà phàm đã là cá thể dị biệt, thì sống được là may, còn đòi hỏi lắm thứ cái nỗi gì.

Việc định ra tiêu chí hoa hậu sao cho hay và có ý nghĩa là việc làm vô cùng khó, có quan hệ đến vận mệnh dân tộc. Phải chăng cả trường mỹ thuật công nghiệp nên tập trung vào giải bài toán này, thay vì dành một hai bài luận văn bàn về cổ tay hay lông mày Ngọc Trinh.

1 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog