Chia sẻ

Tre Làng

CÁI LẮC ĐẦU CỦA QUẢNG NAM


ít ra, thủy điện cũng có một tác dụng lật tẩy những trá ngụy mang danh nghiên cứu khoa học, những lời lẽ an dân nổ như sấm từ tầm cỡ quản lý to đoành như bộ trưởng, cho đến những vị khoác áo khoa học gia với giày cộp những danh hiệu giáo sư, tiến sĩ.

Nghị trường ngày 14-6-2012, tại phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp đến hàng triệu cử tri, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã cam kết sẽkiểm tra, phát hiện các công trình thủy điện không khả thi. Riêng với thủy điện Sông Tranh 2, ông khẳng định đây là “sự cố hi hữu”, sẽ “khắc phục bằng được”.Và trên cơ sở lời hứa “Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng”.
Và sau lời hứa của Bộ trưởng, điều gì đã xảy ra?
Các khe hở Sông Tranh được trám theo kiểu “đút nút đầu ra”. Và, chưa kịp tích nước, Sông Tranh trở thành thủ phạm đã gây ra dữ dội những trận động đất. Cũng may, động đất chưa vượt quá mức thiết kế 5,5 độ richter, dù nó có khả năng vượt con số max thiết kế này vài độ. Nhưng nghiêm trọng hơn, là những cơn rung chấn trong dư luận, trong lòng người. Những cơn rung chấn của niềm tin.
Vài hôm trước, một tiến sĩ của, với tư cách là một nhà khoa học, đã gửi tâm thư tới Chủ tịch nước bày tỏ những nỗi lo ngại mà thủy điện có thể gây ra đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hơn 137 ha rừng, lại thuộc diện “di tích quốc gia diện đặc biệt”, sẽ bị tàn phá bởi thủy điện chứ đâu phải chỉ vài cái lá trên cây. Và đến hôm qua, Quảng Nam quyết định dừng 19 thủy điện với lời tuyên bố dõng dạc của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh: “Làm thủy điện, địa phương đã mất nhiều hơn là được. Vì thế, loại khỏi quy hoạch càng nhiều dự án càng tốt”.
Vị tiến sĩ có lương tâm để lo lắng.
Quảng Nam có thực tiễn để chua chát lắc đầu.
Bởi một chính quyền vì dân không thể dửng dưng trước tài sản, tính mạng của người dân. Bởi giờ đây, việc phát triển ồ ạt thủy điện, bởi việc ngăn sông bậc thang, trái với quy luật tự nhiên, không còn đơn thuần là việc tàn phá môi sinh nữa. Cũng không chỉ là những “con lũ” nhân tạo thổi trôi ra biển tài sản, tính mạng, quét sạch cả hiện tại, quá khứ, tương lai của những người dân đã mất mát, hy sinh quá nhiều cho “động lực phát triển”, cho tương lai của một ai đó. Thủy điện từ sau vụ Sông Tranh, còn đồng nghĩa với động đất. Và nghiêm trọng nhất, là đồng nghĩa với rung chấn trong lòng người.
Cũng hôm qua, bên cạnh việc stop 19 thủy điện, còn kèm theo đó một phát ngôn biểu hiện rõ ràng rành bài học về sự trả giá: “Bỏ được cái nào, quý cái đó”. Trước sự thật phải trả, cũng bằng cái giá đắt nhất là niềm tin, được trải nghiệm qua thực tế: “Mất rừng, mất đất, tái định cư làm khổ dân”. Lần này, thật tình cờ, cả chính quyền và người dân đều tin rằng thủy điện là hiểm họa, thủy điện là mất mát. Bởi thủy điện là dối trá.
Tất nhiên, cần phải nói một cách công bằng, bên cạnh những “Thủy điện phá rừng”; “Thủy điện gây lũ”; “Thủy điện tạo động đất”, thì ít ra, thủy điện cũng có một tác dụng. Đó là sự “mịt mờ” trong tính toán, trong phản biện- chữ dùng của ĐBQH Dương Trung Quốc; Đó là tác dụng lật tẩy những trá ngụy mang danh nghiên cứu khoa học, những lời lẽ an dân nổ như sấm từ tầm cỡ quản lý to đoành như bộ trưởng, cho đến những vị khoác áo khoa học gia với giày cộp những danh hiệu giáo sư, tiến sĩ.
Câu chuyện dừng thủy điện ở Quảng Nam còn bao hàm một ý nghĩa thực tiễn khác: Trong khi EVN mua điện của Trung Quốc với giá ở trên giời, trong khi giá bán điện đã tăng tới 3 lần từ năm 2011 vì thiếu điện, thì nhiều nhà máy thủy điện VN lại bị “hạn chế” phát điện. Cái lắc đầu của Quảng Nam, vì thế, có thể là cái lắc đầu với tương lai, mờ mịt ở đâu đó, nhưng đó là cái lắc đầu trách nhiệm với thực tiễn, với những người đang hàng ngày nai lưng trả tiền cho các bộ trưởng và các tiến sĩ.

Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog