Chia sẻ

Tre Làng

CON CÒ TRONG CA DAO


Trong các loài chim, dường như cò và vạc được ca dao Việt Nam nhắc đến nhiều; Quốc văn giáo khoa thư [1] cũng lấy những bài ca dao ấy làm các bài học thuộc lòng cho học trò từ hồi còn lớp đồng ấu, dự bị. Thế nhưng để hiểu rõ nghĩa của các bài ca dao này thiết nghĩ không phải là điều đơn giản.

Với bài “cái cò, cái vạc, cái nông”:
Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày giậm lúa nhà ông, hỡi cò?
Không, không tôi đứng trên bờ,
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi.
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia.

Quốc văn giáo khoa thư giải thích: “Bài này lấy chuyện con cò, con vạc, con nông, mà ngụ cái ý chê người nhà quê hay có tính xấu đôi co (đôi chối) mách lẻo”.
Hồi còn nhỏ, khi đi học và được nghe thầy giải thích như vậy, tôi yên tâm học thuộc lòng để trả bài cho thầy. Nay tuổi đã già, tóc đã bạc, mới thấy cái cách cắt nghĩa như vậy nó có cái gì hơi kỳ kỳ, thiếu công bằng. Tại sao phải “người nhà quê” mới có tính xấu hay đôi co đó mà người các vùng khác lại không có? Nghĩ tội nghiệp cho người nhà quê vừa bị thiệt thòi mọi bề mà còn gánh lấy những điều tai tiếng!!!

Rồi đến bài “Con cò mà đi ăn đêm”:
Con cò mà đi ăn đêm,
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Quốc văn giáo khoa thư lại giải thích: “Bài này mượn chuyện con cò mà ngụ ý luân lý rất cao. Con cò sa xuống nước, người ta bắt được sắp đem làm thịt, mà nó vẫn xin nấu bằng nước trong, để cho chết cũng được trong sạch. Cũng như người ta nghèo khó đi làm ăn lỡ sa cơ thất thế, bị phải tai nạn, nhưng bao giờ cũng giữ lấy tấm lòng trong sạch, không làm điều gì ô uế.”
Hai cách cắt nghĩa trong hai bài ca dao vừa trích về hình ảnh con cò trong cùng một cuốn sách có chút gì không nhất quán, mâu thuẫn.

Ðặc biệt, bài “con cò mà đi ăn đêm” đã được học giả Lê Văn Siêu luận giải:
“Nó là cái tình trong trắng của người quân tử cha đối với danh dự của người quân tử con. Chính nó là cái tình của “con cò mà đi ăn đêm”. Không phải vì tình cờ mà cha ông chúng ta đã tìm ra được con cò để dùng làm con chim tượng trưng cho cả một tư cách quân tử của mình như vậy.

Cò không bao giờ có lông đen, dù lốm đốm đen cũng không có. Cò không bao giờ no đầy diều. Lúc nào người ta cũng thấy nó khẳng khiu, cái da bọc cái xương. Lúc nào người ta cũng thấy nó lom khom lặn lội ở bờ ao, một cách rất tội nghiệp, chỉ vì thương con mà phải đi kiếm những tôm những tép về cho con ăn.

Rồi có một bữa kia, vì quá đói, đêm hôm tăm tối cũng phải mò đi. Xưa nay cò vẫn kiếm ăn giữa thanh thiên bạch nhật. Một lần đầu trong cuộc đời cò đi ăn đêm. Cũng là một lần đầu cò lộn cổ xuống ao mà không cách gì thoát mình ra được. Cò phải cầu cứu với ông lão đánh dậm đêm. Cò phải thề thốt nặng lời: ‘Tôi có lòng nào ông sẽ xáo măng’. Và cuối cùng cò phải lạy van: Nếu ông nhất định ăn thịt tôi, tôi cũng không phàn nàn gì, chỉ xin ông vì danh dự của con tôi, mà ‘xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con’”. [2]

Trước hết chúng tôi thấy giải thích của tác giả có chút gì hơi quá cường điệu về “tư cách quân tử” qua hình ảnh “con cò”; trong dân gian có câu “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà, nuôi cò mổ mắt” là một bằng chứng về sự đối nghịch với ý vừa giải.

Thật ra, cái màu trắng của con cò có sau tên gọi. Như nhiều loài chim người ta gọi tên phần đông theo cái âm thanh mà nó kêu lên, như le le, bồng bồng, đa đa, manh manh, te te, quành quạch, sa sả, se sẻ, trao trảo, vỏ vẻ, bìm bịp, chích chòe, dòng dọc, quạ, chim vịt, vạc, diệc, chim ục, chim cú, bồ cắt và còn nhiều vô số kể, rồi sau mới phân biệt màu sắc, hình dáng mà có nhiều tên để phân biệt từng loại trong cùng dòng họ; cò cũng không ngoại lệ.
Cò trắng phần đông là cò ma (tên khoa học Egretta Alba) chân dài màu xanh, cổ cao lêu nghêu, mỏ vàng và thẳng, với lông màu trắng như tuyết, dưới ức và trên lưng có lông cước phủ dài xuống như râu người già.

Rồi có giống cò trắng, (tên khoa học Wood ibis Mycteria America), phần từ cổ liền với đầu màu nâu pha vàng, mỏ dài, chót cách lông màu đen. Người nhà quê quen gọi loại cò này là cò trâu vì chúng hay theo các đàn trâu đang ăn cỏ trên đồng để ăn cá tép và ăn ruồi bám trên lưng trâu.


Lại còn có cò quắm đỏ (tên khoa học Plegadis chihi) với cái mỏ dài và quắm xuống, lông màu đỏ sậm, có viền trắng ở hai khóe mắt.

Ngoài ra còn có cò quắm trắng (tên khoa học Eudocimus albus) với mỏ và chưn màu đỏ, khi còn nhỏ lông màu nâu, lớn lông màu trắng như tuyết, mỏ dài và quặm.

Cò quắm lửa (tên khoa học Eudocimus ruber) còn gọi cò ráng đỏ, khi nhỏ lông màu nâu, ức màu trắng.

Cò sao (tên khoa học Aramus guarauna) lông màu nâu pha trắng xen lẫn đều trên lưng và cánh như sao trên trời.

Về phần này, ca dao cũng có phân biệt nhiều loại cò như:
Cái cò trắng bạch như vôi,
Cô kia có lấy chú tôi thì về.
hoặc:
Cái cò là cái cò vàng,
Mẹ đi đắp đàng, con ở với ai.
hoặc:
Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai.

Qua vài ghi nhận vừa dẫn cho thấy không phải cò nào cũng trắng như tác giả đã khẳng định “cò không bao giờ có lông đen nào, dù lốm đốm đen cũng không có”, mà có loại cò còn pha thêm nhiều màu khác.

Thứ đến, tại sao tác giả lại nghĩ “con cò mà đi ăn đêm” bị “lộn cổ xuống ao” này là hình ảnh của người cha mà không là hình ảnh của một người mẹ. Trong lời ca dao, có chữ nào để ta phân biệt con cò trống và con cò mái đâu mà biết con cò lộn cổ xuống ao là cò cha? Ðể nói về cò mái, ca dao không thiếu như:

Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Hoặc:
Cái cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về?
Cò về đến gốc cây đề,
Anh đón anh bắn, cò về làm chi.

Và còn nhiều nữa, không kể xiết.
Ca dao mặc dù được xếp vào loại văn chương bình dân truyền khẩu, ai cũng biết, ai cũng thuộc, nhưng cắt nghĩa ca dao không phải lúc nào cũng dễ dàng; nó đòi hỏi tính hợp lý, các đặc tính của sự vật được ví von và nhất là phải cảm thông với lớp người mà các tác giả vô danh đã mượn ca dao gởi gắm nỗi niềm, mới mong cắt nghĩa ca dao được phần nào rõ nghĩa.

LâmTrực@

[1] Quốc văn giáo khoa thư (lớp Dự bị) do Việt Nam Tiểu học tùng thư ấn hành năm 1948 (trang 180 và trang 204)
[2]Văn minh Việt Nam của Lê Văn Siêu do Nam Chi tùng thư ấn hành năm 1964 (trang 155).

6 nhận xét:

  1. người nghèo khổ nhưng sống luôn có tình người.không như nhiều người cạy có tiển rất hách dịch khinh bỉ người khác

    Trả lờiXóa
  2. con cò con đại diện cho người mẹ tần tảo nuôi con,không ngại khổ thức khuya dạy sớm lo cho con.

    Trả lờiXóa
  3. Con cò hay hình ảnh của người mẹ lam lũ trong ca dao nuôi con khôn lớn...

    Trả lờiXóa
  4. Cánh cò cũng biểu tượng cho sự mênh mông của đất nước ta nữa mà?

    Trả lờiXóa
  5. “Con cò mà đi ăn đêm”:
    Con cò mà đi ăn đêm,
    Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
    Ông ơi ông vớt tôi nao!
    Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
    Có xáo thì xáo nước trong,
    Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con.


    Trước lúc chết nhưng con cò vẫn muốn giữ hình ảnh tốt đẹp trong mắt cò con.

    Trả lờiXóa
  6. Những bài ca dao cua người dân Việt Nam hay và đầy ý nghĩa

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog