Chia sẻ

Tre Làng

BÀI CA ẤY, LOÀI HOA ẤY, ĐẸP NHƯ EM...

Mình biết khái niệm "Giáo viên cắm bản", lần đầu tiên vào mùa đông năm 2000, trong chuyến công tác dài đầu tiên, lên mấy xã biên giới của 2 huyện Yên Minh và Quản Bạ (Hà Giang) cả tuần.

Buổi trưa hôm ấy, mấy anh em, sau nửa buổi luồn rừng, được cậu cán bộ xã hớn hở bảo: "Sắp đến điểm Trường rồi, có cái ăn rồi!" và hú to, tiếng hú lăn dài trên núi, đẩy nhau ngân vọng mãi, khắp triền núi đá dăng thành.

Nói thế, nhưng cả tiếng sau, tụi mình mới bước chân lên khu đất bằng phẳng, dăm ba căn nhà lá níu vào nhau mà đứng, dưới đỏ rực lá cờ Tổ quốc duy nhất đỏ và bay phần phật, giữa xám xịt núi đá.

Lần đầu tiên, mình chứng kiến cảnh các cô giáo, rất trẻ trung và rất thông minh, mặc nguyên những bộ quần áo rất mới, rất đẹp, nguyên nếp gấp, tíu tít chạy ra chạy vào, bắt gà nấu cơm - rót rượu mời "các anh dưới xuôi lên", rồi uống rượu rất nhiều, đến lịm đi...

Chia tay các cô, hình như lúc ấy rượu mới tuôn ra cùng những dòng nước mắt và mình nhớ nhất, cô giáo người Tuyên Quang, mặc nguyên bộ quần áo trắng, tên Giang, nắm tay bảo: "Các anh đi rồi, bao giờ chúng em mới nhìn thấy mặt người đây?", khiến bước chân chia tay, cứ chùng chình trên núi đá.

Xa lắm rồi, người trên đỉnh, kẻ dưới núi, vẫn thấy mấy cái bóng áo màu trắng, màu đỏ và da cam, bé tí đứng ngóng đơn côi, dưới bóng núi, cũng đơn côi...

Chuyến công tác đầu tiên, biết về các bạn - các em ấy, in đậm trong đầu mình hình ảnh về những thầy cô giáo cắm bản và hình ảnh cứ lớn dần lên, thành nỗi day dứt, qua hơn 10 năm làm báo, mỗi năm đi miền núi - biên giới khó khăn đến cả chục lần và lần nào, cũng ghé qua, thăm các bạn - các em.

Mình nhớ...

Mình nhớ- Những cô giáo trên địa đầu Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu nửa buổi dạy học sinh, nửa buổi kéo nhau ra rừng, chặt cây về làm hàng rào, ngăn thú dữ.

Dừng lại với các em, giữa hành trình khảo sát xây dựng trụ sở liên cơ cấp xã của ngành KHĐT, cuộc trò chuyện giữa những người trẻ, khao khát chuyện miền xuôi, với người miền xuôi, lâu lắm rồi mới ghé qua, cứ ngắt quãng bởi các em chạy ra ngoài rút - phơi áo quần, khi nắng lúc mưa, ở nơi quanh năm sương mù bao phủ, ngày nắng phơi quần áo, chỉ đếm trên đầu ngón tay chân...

Mình nhớ - Cô giáo Thủy, dạy lớp Mầm Non gần cột mốc A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), chiều chiều tha thẩn ngoài khoảnh sân trường mâp mô, lồi lõm đến khi tối nhọ mặt người, mới lụi hụi chui vào chái nhà ngay đầu hồi lớp học, mái lá vách tranh, quệt diêm châm đèn dầu, lóc cóc đổ nước sôi ngập bánh mì tôm làm canh và đổ cơm nguội vào bát mì lõng bõng nước, nhệu nhạo thành bữa tối để có sức thấp thỏm đêm lạnh, co kéo chăn chờ trời sáng, lại xòe tay - áp má dạy học sinh hát múa.

Mấy năm rồi, tuổi trẻ em lặn trong má lúm đồng tiền, mòn dần, trong mỗi vết chân ngoài sân nhỏ đơn côi...

Mình nhớ - Buổi chiều Nhìu Cồ San (Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lao Cai), lạnh cứng tay, mờ ảo pơ mu trầm mạc trong sương dày đặc, tưởng như cắt ra được thành miếng, cô giáo Thu 2 tay dắt 2 đứa học sinh Mầm non mới 4 tuổi, bập bõm mờ dần trên triền dốc, sau lưng 3 cô trò, lóc xóc túi bánh - gói kẹo và bao áo rét, tụi mình măng lên cho hơn chục đứa trẻ điểm bản cuối cùng, xa nhất xã với lời chào như muốn khóc và khiến bao người phải khóc: "Điểm Trường em không đến được bằng xe máy, chỉ dám đưa 2 cháu khỏe nhất ra đại diện nhận quà và xin được về ngay, vì còn 2 tiếng đường rừng!".

Mình nhớ - Lớp học bản Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) nằm lưng chừng dốc, hứng hết các loại gió rét từ trên núi òa xuống, dưới sông hất lên khiến cô giáo, dù choàng thêm tấm chăn ở ngoài áo khoác, làm tấm khoác, cũng khụy xuống, lần theo hàng rào ra rút thân ngô, mang vào đốt thành đống giữa lớp, cho học sinh xúm quanh hít hà, lúc ấy cô giáo mới gục xuống bàn vì mệt - lạnh. Lay gọi mãi, em mới tỉnh và lí nhí gượng cười: "Các anh chị dưới trường, đang gửi gạo lên nấu ăn!"...

Và, còn rất nhiều những điều phải nhớ, về những thầy cô giáo cắm bản mà tên tuổi của họ, mãi mãi in hằn trong tâm tưởng người dân, bằng chữ viết hoa, chỉ có trên miền núi cao: THẦY CÔ GIÁO.

Giống như tên tuổi của bao thầy cô, đang ghi trên bia mộ trong các Nghĩa trang Liệt sĩ rải rác dọc biên giới phía Bắc, nhắc đến những người đã ngã xuống, khi bảo vệ học sinh - trường lớp trước sự tấn công của quân xâm lược Trung Quốc, trong những ngày đầu tháng 2/1979 và ròng rã vừa cầm phấn vừa cầm súng, suốt chục năm sau này, giữ đất biên cương - giữ học trò biên giới...

Giống như bao nhiêu truyền thuyết - câu chuyện về những thầy cô giáo đã ngã xuống, nhưng không bao giờ được vinh danh Liệt sĩ, khi bị cây đổ, thú dữ tấn công, nước cuốn, lũ quét... trên đường tới lớp dạy học hay ở tại những điểm trường cheo leo cắm bản, chờ dạy học sinh... 

Ngày 20/11. Hà Nội lại đông thêm, sực nức thêm mùi quà bánh - tiền bạc chen vào giữa "nghĩa thầy, tình cô", khiến đến cả phát thanh viên kênh VOV Giao thông cũng phải nhắc nhở lái xe "tránh các Trường học - cơ sở đào tạo".

Mình không biết, trong số những đông đúc - hớn hở - son phấn, áo dài và liên hoan ăn nhậu hôm nay, có mấy người chợt nghĩ đến những thầy giáo - cô giáo bao năm rồi quanh quẩn với trường đơn độc, núi rừng nhàm chán và học sinh lít nhít, để giữ trọn đạo làm thầy, góp sức bảo vệ bờ cõi biên cương?..

Thế nhưng có điều mình chắc chắn: Chính các anh chị đã làm lời bài hát "Bài ca Người Giáo viên nhân dân" mãi mãi đẹp, từ ca từ, lời hát, hình ảnh. Bởi những đóng góp của các anh chị tuy đơn giản, nhưng mà thật thà và cao cả.

Như loài hoa biên giới, không tên gọi, không có giá trị mua bán tặng, nhưng luôn làm sáng bừng, mỗi góc rừng, bờ suối, triền núi, cánh đồi... trên miền tít xa xôi.

Xin được gửi lời tri ân, đến các Thầy cô giáo, nhất là những người, đang thầm lặng gieo chữ nơi vùng cao - biên giới thân thương...

Nguồn ở đây

1 nhận xét:

  1. Nặc danh18:17 20/11/12

    Đây chính là câu chuyện có thật và hoàn toàn nghiêm túc mà tôi đã có dịp kể cho các bạn nghe.
    Xót xa cho các trò, xót xa cho các cô giáo vùng cao.
    Những người có trách nhiệm nghĩ gì khi thấy cảnh này?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog