Chia sẻ

Tre Làng

CAMPUCHIA VÀ HỘI NGHI CẤP CAO ĐÔNG Á: ĐỘNG LỰC NÀO CHO HỘI NGHI THÀNH CÔNG?

Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ mang đến cho Campuchia cơ hội để khôi phục lại uy tín sau sự kiện đáng tiếc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) hồi tháng 7. Động lực cho điều này chính là hình ảnh của Campuchia, là lợi ích của ASEAN cũng như tất cả các bên liên quan.


Campuchia sẽ hoàn thành nghĩa vụ quan trọng cuối cùng trong vai trò chủ tịch ASEAN khi là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN hàng năm và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 vào ngày 18-20/11 tới. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ mang đến cho Campuchia cơ hội để khôi phục lại uy tín sau sự kiện đáng tiếc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) hồi tháng 7. Tại AMM-45 vừa qua, Campuchia đã lợi dụng đặc quyền của mình trong vai trò là Chủ tịch ASEAN để loại bỏ bất kỳ sự đề cập nào đến tình hình tranh chấp trên Biển Đông trong bản thông cáo chung ở cuối phiên họp, khiến cho tổ chức này lần đầu tiên trong lịch sử hình thành không thể đưa ra văn kiện cuối của cuộc họp.

Thất bại này đã làm dấy lên sự nghi ngờ về khả năng phát triển và đương đầu với những thách thức lớn của ASEAN. Nó đã tạo ra nhiều cáo buộc về việc Campuchia đặt mối quan hệ thân thiết giữa họ và Trung Quốc lên trên lợi ích của các nước thành viên ASEAN. Tất cả những thiệt hại gây ra trong tháng 7 sẽ không thể sửa chữa được chỉ trong 3 ngày họp của tháng 11. Nhưng nếu EAS diễn ra tốt hơn so với AMM-45, hình ảnh của Campuchia sẽ có cơ hội được cải thiện và những tiếng nói nghi ngờ về sự phát triển của ASEAN sẽ phải dịu xuống. Một EAS thành công và rộng hơn là một kết cấu khu vực vững chắc hơn tại Châu Á – Thái Bình Dương là lợi ích của mọi thành viên tham gia, bao gồm cả Hoa Kỳ. Mấu chốt là phải hỗ trợ Campuchia trở thành một vị chủ tịch thực sự hiệu quả.

EAS chỉ mới được hình thành từ năm 2005, nhưng các thành viên và sứ mệnh của nó đã đóng vai trò rất quan trọng đối với cấu trúc khu vực. So với các tổ chức Châu Á – Thái Bình Dương khác, EAS là tổ chức tập hợp thành viên hiệu quả nhất, bao gồm toàn bộ 10 thành viên ASEAN cộng thêm Úc, New Zealand, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ. Nó không chia cắt ASEAN như APEC, nó cũng không loại trừ các cường quốc quan trọng như đối với ASEAN+3, hay chứa quá nhiều thành viên dẫn đến không hiệu quả như Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao Đông Á năm nay có thể sẽ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phát triển xanh, thông qua Tuyên bố về các loại thuốc chống sốt rét, và tìm các biện pháp khác nhau để thúc đẩy kết nối ASEAN. Campuchia mong muốn sử dụng chức chủ tịch của mình để đạt được những điều này và một số mục tiêu tương đối dễ khác. Tuy nhiên, một nhiệm kỳ chủ tịch sẽ không chỉ được đánh giá dựa trên việc đạt được những thành quả đáng biểu dương trong những vấn đề không gây tranh cãi. Trái lại, nó được đánh giá dựa trên việc nước chủ tịch đó có khả năng và sẵn sàng điều phối một cuộc thảo luận trung thực, công bằng và hiệu quả đối với những vấn đề gai góc gây chia rẽ các thành viên hay không.

Chương trình nghị sự tại EAS 2012 sẽ bao gồm một số vấn đề như vậy. Nổi bật nhất trong số đó sẽ là vấn đề an ninh biển và những tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Một số thành viên có thể muốn tránh chủ đề này, chủ đề vốn đã gây tranh cãi tại gần như tất cả các hội nghị do ASEAN chủ trì trong 3 năm qua. Nhưng Việt Nam, Philippin và Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ nêu vấn đề này, và các thành viên khác, bao gồm Hoa Kỳ, sẽ không im lặng một khi vấn đề này đã được đưa ra.

Hội nghị cũng sẽ có nhiều cuộc họp bên lề liên quan đến hai tầm nhìn khác nhau về hội nhập kinh tế khu vực - Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện được Trung Quốc ưa chuộng và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được Hoa Kỳ dẫn dắt. Ngay cả khi đạt được tiến bộ đáng kể trong những vấn đề then chốt này là rất khó khăn, nếu thúc đẩy một cuộc đối thoại thẳng thắn và thực chất thì Campuchia sẽ thể hiện được vai trò của một vị chủ tịch có trách nhiệm như lời đã hứa đầu năm nay.

Chỉ có sự lãnh đạo mạnh mẽ của Campuchia cùng với phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước sự thiếu đồng thuận trong các vấn đề then chốt mới giúp loại bỏ được những nghi ngờ về tính đoàn kết và thống nhất của ASEAN. Nó sẽ góp phần củng cố vị trí trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc chính trị, an ninh và kinh tế của khu vực. Campuchia giữ chức chủ tịch tại một thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN và do đó đã phải gánh vác một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên đó cũng chính là cơ hội nếu nước này lèo lái thành công qua các vấn đề gai góc trước mắt.

Campuchia nên tận dụng những thành quả có thể đạt được của EAS để giảm thiểu thiệt hại từ những vấn đề gây tranh cãi. Vai trò quan trọng nhất của chủ tịch là đặc quyền xây dựng chương trình nghị sự tại hội nghị. Campuchia không thể ngăn các nước đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận, nhưng nước này có thể chủ động sắp xếp buổi thảo luận sao cho có hiệu quả. Sắp xếp thảo luận vấn đề Biển Đông xuống cuối chương trình sau khi đã đạt được một số mục tiêu dễ dàng, giúp tạo ra bầu không khí tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên, hay xen kẽ giữa các chủ đề khác để giảm bớt không khí căng thảng là hoàn toàn phụ thuộc vào Campuchia. Tuy nhiên Campuchia không thể lặp lại hành vi của mình như tại AMM-45 khi tìm cách loại bỏ các vấn đề nhạy cảm ra khỏi chương trình nghị sự và tỏ thái độ tức giận khi các nước khác từ chối tham gia. Vai trò của chủ tịch là hướng dẫn, chứ không phải ngăn cản hay phản đối việc thảo luận.

Campuchia giữ vai trò chủ tịch ASEAN sau những thành công rực rỡ của Việt Nam (2010) và Indonesia (2011). Với hai nước này, một năm thành công trên cương vị chủ tịch ASEAN đã tạo dấu ấn cho chính sách đối ngoại của họ và nâng tầm vị thế của họ trên trường khu vực và quốc tế. Thành công này đã đẩy các giá trị của ASEAN tiến thêm một bước xa hơn và đến gần hơn với vai trò trung tâm của khu vực; tuy nhiên mặt trái của thành công này là nó đẩy những mong đợi lên quá cao so với so với khả năng đáp ứng của các thành viên tiếp theo. Brunei sẽ làm chủ tịch ASEAN trong năm 2013, tiếp theo là Myanmar (2014) và Lào (2015).

Hành động của Campuchia tại AMM-45 đã củng cố thêm cho những nhận định rằng sự yếu kém và chia rẽ là kết quả tất yếu khi các nước nhỏ và kém phát triển hơn của ASEAN giữ vai trò chủ tịch. Điều này dĩ nhiên là không thể không tránh được - Campuchia vẫn có thể chủ trì thành công Hội nghị Cấp Cao ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á. Điều quan trọng là Campuchia phải tạo ra được một tiền lệ để các nước chủ tịch tiếp theo có thể thảo luận các vấn đề gây tranh cãi nhưng vẫn quản lý được căng thẳng giữa các nước lớn trong khu vực.

Điều này đặc biệt đúng, nhất là trong cách Campuchia xử lý quan hệ với Trung Quốc. Campuchia, cũng như Lào và Myanmar, đều phụ thuộc rất lớn vào đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc. Và cũng như hai nước kia, nước này không có một quan hệ chiến lược sâu rộng với Hoa Kỳ để cân bằng với sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Kết quả là Campuchia phải chịu sức ép từ Trung Quốc nhiều hơn so với hầu hết các nước ASEAN khác. Một ví dụ điển hình đã xảy ra tại AMM-45 khi Trung Quốc lợi dụng quan hệ với Campuchia để phá vỡ sự đoàn kết ASEAN và bảo vệ các quyền lợi của mình. Nếu lặp lại sự việc như thế tại các hội nghị thượng đỉnh sắp tới thì sẽ vô cùng tồi tệ; nó càng củng cố cho lập luận ở Bắc Kinh rằng một ASEAN chia rẽ sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc, đồng thời gửi đi thông điệp đến các thành viên dễ bị chi phối khác của ASEAN rằng hy sinh sự đoàn kết của tổ chức này để đi theo Trung Quốc là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Thay vì hành xử theo hướng đó, Campuchia cần phải khẳng định với Trung Quốc, bằng lời nói và hành động, rằng nước này không thể thao túng vị trí chủ tịch ASEAN chỉ để phục vụ các lợi ích của Trung Quốc. Đây sẽ là thông điệp không dễ dàng gì, nhất là khi EAS diễn ra trong thời điểm chuyển giao quyền lực rất nhạy cảm của Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc, Campuchia sẽ phải để cho các nước láng giềng thảo luận những vấn đề tranh cãi quan trọng đối với họ một cách trung thực và công khai. Tuy nhiên nước này cũng phải dẫn buổi thảo luận để bảo đảm không chọc giận Trung Quốc một cách không cần thiết. Việc đặt các vấn đề khó như vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự ngay từ đầu là tối quan trọng, bởi vấn đề đó chắc chắn sẽ được nêu lên; hơn nữa đưa Trung Quốc vào thế bị động cũng không có lợi cho bất kỳ thành viên nào.

Đảm bảo tất cả các thành viên đều có tiếng nói trong việc hình thành nên bản thông cáo chung sau cuộc họp – và dĩ nhiên bắt buộc phải có – cũng là một việc quan trọng. Quan trọng không kém là đưa ra thông điệp rõ ràng ngay từ đầu rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương cản trở việc thông qua các tuyên bố và thảo luận tại hội nghị là khống thể chấp nhận được. Nếu thành công, sự chủ trì mạnh mẽ của Campuchia sẽ là một bước đi quan trọng đầu tiên trong quá trình thuyết phục Trung Quốc tham gia các cấu trúc khu vực như EAS, và tham gia một cách minh bạch thay vì lợi dụng các mối quan hệ song phương để làm suy yếu đoàn kết ASEAN.

Hoa Kỳ và các đối tác của mình có thể đóng một vai trò hỗ trợ trong tiến trình này. Hoa Kỳ phải tỏ rõ lập trường đối với các vấn đề tranh chấp, đặc biệt là tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển, nhưng không nên tìm cách cô lập Trung Quốc tại các hội nghị thượng đỉnh. Chẳng hạn, Hoa Kỳ phải khẳng định lại tính trung lập của mình trong các tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hoa Kỳ cũng cần tiếp tục khẳng định giá trị của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng không chống đối Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện. Làm như vậy chả có tác dụng gì mà chỉ càng gây ra tâm lý cạnh tranh “một mất một còn”. Mục đích chung của Mỹ và các thành viên EAS khác là nêu lên quan điểm của mình một cách trung thực và cởi mở, ủng hộ vai trò chủ tịch của Campuchia và không đẩy nước này đến chỗ phải chọn giữa Trung Quốc và các thành viên khác.

Thành công của Campuchia trong tháng 11 có thể có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của ASEAN trong những năm sắp tới. Nếu các hội nghị thượng đỉnh có thể đối mặt với những vấn đề khó khăn một cách thẳng thắn và có những bước tiến lớn để đạt tới các mục tiêu khu vực thì thất bại tại AMM sẽ chỉ là rất nhỏ. Campuchia sẽ giúp khôi phục niềm tin vào tính hiệu quả và vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc khu vực.

Điều này rất quan trọng bởi nó có thể tạo tiền đề cho Brunei, Myanmar và Lào đảm nhiệm thành công chức chủ tịch ASEAN trong những năm sắp tới. Những năm sắp tới sẽ là bước ngoặt đối với ASEAN trong quá trình tìm kiếm vai trò trung tâm trong khu vực. Đây là cơ hội tốt nhất để một cơ chế đa phương thúc đẩy hoà bình, ổn định và tiếp tục phát triển kinh tế trong khu vực. Tất cả các thành viên của EAS, nhất là Trung Quốc và Mỹ, đều nên hoan nghênh mục tiêu này và ủng hộ Campuchia nỗ lực đưa nó đến gần hơn với hiện thực.

Gregory Poling là nghiên cứu viên cộng tác của Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington DC. Alexandra Sandra là nhà nghiên cứu của Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á. Bài viết này lần đầu tiên được đăng trên CSIS.

Tuấn Việt (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog