Chia sẻ

Tre Làng

NỤ HÔN XÃ GIAO

1. Cuối cùng thì Đàm Vĩnh Hưng cũng đã lên tiếng sau vụ "khóa môi" nhà sư trên sân khấu. Trong bức thư xin lỗi của anh, nổi lên top các tờ báo mạng hôm qua, dư luận đã thông cảm phần nào với tình cảnh của anh, khi phải trao tặng nụ hôn cho nhà sư chiến thắng trong chương trình đấu giá. 

Thật ra, không ai dám nghi ngờ về "tấm lòng vàng" của chủ nhân "Dạ tiệc trắng" trong các hoạt động từ thiện hoặc vì cộng đồng xưa nay, cho dù, người ta có thể có đôi chút nghi ngờ về cảm xúc giới tính của anh trong cách "khóa môi" nồng nhiệt quá mức cần thiết.

Nhưng ở đây xin được bàn về vật phẩm được đem ra để đấu giá từ thiện. Cũng vì mục đích giúp đỡ cho Wanbi Tuấn Anh, nếu như Bằng Kiều hăng hái vác... điếu cày của mình lên sàn đấu giá (nghe đâu cùng với chiếc áo phông đã bán được những 100 triệu) thì Mr. Đàm không ngần ngại xách chai rượu: "Nhận được lời mời tham dự đêm nhạc gây quỹ từ thiện giúp một đồng nghiệp đang gặp bạo bệnh..., tôi đã mang chai rượu của một khán giả tặng cho mình lên sân khấu" (Trích thư của Đàm Vĩnh Hưng).

Không rõ là rượu gì, Tây hay Ta, nồng độ cồn bao nhiêu phần trăm, nhưng có lẽ Mr. Đàm nên chọn một vật phẩm gì đó văn hóa hơn, ý nghĩa hơn như một kỷ vật gắn bó với sự nghiệp lừng lẫy của mình. Chai rượu của Mr. Đàm so với chiếc điếu cày của Bằng Kiều đều giống nhau ở sự... tầm phào, có lẽ không thích hợp lắm cho một cuộc đấu giá từ thiện trong những không gian văn hóa. Ấy là chưa tính đến chuyện rượu (giả sử như là rượu mạnh) hay thuốc lá (gồm cả thuốc lào) vốn không phải là thứ được hoan nghênh trên sân khấu. 


2. Nếu như điếu cày của Bằng Kiều được tặng kèm với chữ ký của anh và các ngôi sao, thì chai rượu của Mr. Đàm cũng được "khuyến mãi" bằng 2 nụ hôn.

Công bằng mà nói, việc tặng nụ hôn cũng là một cử chỉ văn hóa, nhưng vấn đề là cách hôn. Ta từng thấy trên thế giới, bên cạnh cử chỉ ngoại giao thông thường là bắt tay nhau, có những quốc gia mà các vị quan chức, vị nào cũng râu ria xồm xoàm, nhưng gặp nhau là ôm hôn nồng nhiệt. Nhưng đó là nụ hôn vào... má, nụ hôn có tính ước lệ, ngoại giao, theo phong tục tập quán.

Mr.Đàm cũng có thể tặng nụ hôn, vấn đề là hôn như thế nào? Chưa nói đến cách "khóa môi" nhà sư gây sốc thực sự, khiến hai nhà sư bị "biệt chúng" trong 3 tháng, giả sử như nếu chiến thắng là một người tuổi vị thành niên hoặc một em bé thì sao? Mr. Đàm cứ "khóa môi" kiểu đó để... giữ "chữ tín" trong phiên đấu giá, thì cũng gây phản cảm không kém, thậm chí còn có thể bị phụ huynh các em kiện vì....lạm dụng con em đang tuổi vị thành niên của họ.

3. Bức thư xin lỗi của Mr. Đàm khiến dư luận thông cảm một phần vì sự nồng nhiệt thái quá của anh, nhưng qua đó, giới showbiz cũng cần phải nhìn lại chính mình trong việc tham gia "đấu giá từ thiện".

Cách chọn vật phẩm đem ra đấu giá cũng thể hiện ý thức văn hóa của người chọn. Và hơn nữa, cách xử sự với những tình huống bất ngờ trước công chúng (không cứ là trên sân khấu biểu diễn) cũng phản ánh bản lĩnh văn hóa của người đó.

Trong trường hợp thấy người chiến thắng bước lên sân khấu, có thể là người tu hành, hoặc cũng có thể là người không thể "hôn môi", thì Mr. Đàm có thể linh động thay phần “khuyến mãi” ấy bằng một cử chỉ phù hợp hơn. Một cái chắp tay, một câu chào theo kiểu nhà Phật chẳng hạn... Tin rằng, sẽ chẳng ai đòi hỏi Mr.Đàm phải thực hiện "chữ tín" trong hoàn cảnh đó, nếu việc thực hiện khiến "xấu chàng hổ ai".

Nguyễn Mỹ

2 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog