Chia sẻ

Tre Làng

TIỀN LỆ ĐẶNG HÙNG VÕ

Cuộc đối thoại của ông Đặng Hùng Võ có mở ra tiền lệ về việc chịu trách nhiệm của quan chức nghỉ hưu?...

GS. Đặng Hùng Võ tại cuộc đối thoại với dân, diễn ra ở hội trường Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều ngày 8/11 - Ảnh: Dân Việt.

Khi nhận quyết định "nghỉ hưu theo chế độ" vào năm 2007, GS. Đặng Hùng Võ có lẽ không ngờ rằng 5 năm sau đó ông sẽ trở về nơi ông từng làm Thứ trưởng để "đối thoại" với người dân về một văn bản ông đã ký từ rất lâu trước đó.

Còn khi ông Võ, trong chiếc áo cộc tay màu nâu giản dị, bình thản tiến bước vào hội trường Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều ngày 8/11, sẽ không quá khi nói rằng ông đã tạo ra một tiền lệ: tiền lệ Đặng Hùng Võ

Tiền lệ

Có lẽ cũng không cần nhắc nhiều đến nội dung cuộc đối thoại chiều 8/11, đã được tường thuật trực tiếp trên báo chí. Ông Võ, trong cuộc đối thoại được mô tả là "mang tính cá nhân" nhưng "được sự chấp thuận của cơ quan chức năng" đã thừa nhận rằng 2 tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT), mà khi đó ông đang là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là "đã trình không đúng thẩm quyền".

Điều ông muốn nhấn mạnh là, thủ tục trình và thu hồi đất nhanh như vậy là gắn với chủ trương thu gồi đất gắn liền với cầu Thanh Trì và các dự án trọng điểm khác và do đó cần phải đẩy nhanh tiến độ. Hơn nữa, "việc làm các tờ trình nhanh như thế "đã được cấp trên thông qua", theo tường thuật trên báo Dân Việt.

Ông cũng thừa nhận về thẩm quyền việc ký thu hồi đất trong vụ việc này không đúng thẩm quyền, hay hiểu cách khác là đã làm trái thẩm quyền. Ông cũng rất thẳng thắn: “Làm gì thất thoát cho bà con là lỗi của tôi”, GS Võ nói.

Với những phát biểu này, rất có thể câu chuyện Văn Giang sẽ đi theo hướng khác trong thời gian tới, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất chính là việc dường như người dân Văn Giang không có ý định đến dự cuộc đối thoại này để ra một phán quyết đối với vị Thứ trưởng về hưu.

Điều họ mong mỏi chính là việc một quan chức về hưu dám đứng ra đối thoại với họ.

Thế giới không thiếu những trường hợp cựu quan chức ra tòa án để đối chất về một vụ việc cụ thể nào đó trong quá khứ, kể cả cấp tổng thống hay thủ tướng. Tính "hồi tố" rất cao đối với các chính trị gia, cả về lý thuyết và thực tiễn, chính là điều khiến các chính trị gia thế giới phải đắn đo nhiều khi hạ bút ký vào một văn bản nào đó.

Khác biệt đáng kể chính là việc ở Việt Nam, hầu như khi đã về hưu, các quan chức tầm cỡ thứ trưởng như ông Võ, gần như đã có thể rũ bỏ mọi trách nhiệm trước đó. Không phải ngẫu nhiên mà 8 năm trước, khi ra tòa trong vụ án Lã Kim Oanh, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Quang Hà cũng từng được coi là một tiền lệ: ít người tin một thứ trưởng nghỉ hưu lại có thể phải ra tòa.

Nhưng ông Hà, cũng như một vài cựu quan chức khác ra tòa là với tư cách bị can, có giấy triệu tập của tòa án. Nhiều quan chức lớn nhỏ khác, dù chịu sức ép trách nhiệm ghê gớm từ công luận, họ vẫn chọn giải pháp im lặng vì về hưu được coi là đã "hạ cánh an toàn".

Nhiều người từng nghĩ ông Võ có thể chọn cách đó, khôn ngoan và bình yên hơn nhiều, trong bối cảnh những trang mạng đăng tải những đơn thư chống lại ông đã được chính thức coi là "không chính thống". Ông cũng có thể trả lời một cách đại khái rằng tất cả những việc ông làm là do "chỉ đạo": cấp Thứ trưởng, trong phần lớn các tình huống công việc quan trọng, vẫn chỉ như là người thừa hành! Điều này, những ai đang làm việc trong hệ thống hành chính hiện nay đều hiểu được.

Nhưng cuối cùng, ông chọn đối thoại.

Đặng Hùng Võ

Có điều gì đó thật khó lý giải, nhưng rõ ràng, hình ảnh ông Đặng Hùng Võ trong công luận khác biệt khá nhiều với phần đông quan chức khác. Xuất thân "khoa học", tính cách, bản lĩnh của ông khiến người ta nghĩ về ông với tư cách một chuyên gia hơn là một vị thứ trưởng.

Cởi mở và thành thật hết sức với báo giới, thừa nhận mình yêu đương "như thanh niên", thừa nhận giỏi tính toán, thích kiếm nhiều tiền và chịu khó dùng facebook... dường như những đạo mạo ít ỏi của một nhiệm kỳ quan chức cũng đã được ông "bàn giao" luôn cùng với các giấy tờ, tài liệu tại Bộ Tài nguyên Môi trường vào thời điểm nghỉ hưu.

Gần đây, khi lên tiếng về một loạt vấn đề của thị trường bất động sản và của Luật Đất đai, ông hẳn cũng đã khiến nhiều người hậm hực vì những phát ngôn đầy "nghịch nhĩ", dù những phát ngôn đó đầy tính xây dựng và quan tâm sâu sắc đến lợi ích của người dân, như trong vấn đề giá nhà chung cư mà VnEconomy đã có dịp đăng tải gần đây.

Từng tự hào đã cùng đồng sự hoàn tất dự thảo Luật Đất đai 2003 chỉ trong vòng vài tháng, nhưng gần đây, chính ông đã công khai về những tiếc nuối khi một số nội dung đầy tâm huyết đã không được đưa vào văn bản đó, để ít nhiều đang để lại hệ lụy cho xã hội và nền kinh tế hiện nay.

Năm 2007, khi về hưu, ông trả lời trên báo Tiền Phong rằng "Tâm trạng của tôi rất vui bởi vì từ nay tôi chuyển sang giai đoạn bản thân mình được tự quyết định tất cả những việc gì mà mình thích. Khi còn là công chức nhà nước, có nhiều vấn đề không phải cứ thích gì làm nấy được". Lời thành thật này, thật đáng để liên hệ với câu chuyện đối thoại hôm nay, khi ông đứng ra đối thoại và xin lỗi người dân.

Cũng trong thời điểm đó, ông kể câu chuyện mà ông tâm đắc về cụ Nguyễn Công Trứ, người từng làm quan đến bậc Thượng thư rồi lại bị cách xuống làm dân thường, đã nói một câu rất góc cạnh rằng "làm quan không thấy vinh thì làm dân không thấy nhục" và rằng "tuổi Bính Tuất vốn vẫn hay chọn cách nhọc nhằn, để cho tâm được yên tĩnh".

Sau cuộc đối thoại không kém phần nhọc nhằn vào ngày 8/11, yên tĩnh liệu có về, dù nhiều người mong cho ông điều đó?

2 nhận xét:

  1. Đúng là giả nhân giả nghĩa, ăn cơm của nhà nước giờ đã quay lại cắn rồi

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là cái loại ăn cháo đá bát. Chưa khỏi vòng đã cong đuôi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog