Chia sẻ

Tre Làng

PHÊ PHÁN VÀ BIỂU DƯƠNG - ĐÂU LÀ RANH GIỚI?

Đòi hỏi người thầy những tiêu chí khắt khe nhưng xã hội và Nhà nước trao cho họ những quyền gì? Quyền duy nhất mà họ có là dạy theo những gì mà sách giáo khoa đã viết, làm theo những gì mà nội quy đã quy định, và hưởng một chế độ thấp nhất trong các nghề đòi hỏi trí tuệ.

Phê phán và biểu dương khi thực hiện đúng sẽ là động lực cho sự phát triển. Nhờ phê phán kịp thời, biểu dương đúng lúc mà các cá nhân, tổ chức có điều kiện nhìn lại mình, hoàn thiện mình. Tuy nhiên có vẻ như ở nước ta phê phán đang là hoạt động tự phát của cộng đồng còn biểu dương là quyền của tổ chức.

Vì là hoạt động của cộng đồng nên không thể quản lý và do đó rất nhiều trường hợp phê phán trở thành "ném đá". Người "ném" luôn coi họ là đại diện của chân lý và hầu như không mấy người nghĩ rằng những viên đá vô hình đó tuy không gây chảy máu nhưng vẫn có thể làm tổn thương nhiều người. Không loại trừ trong số đó có những kẻ lợi dụng để thỏa mãn tức giận cá nhân, còn với một vài phương tiện truyền tải thông tin phải chăng đây chỉ là sự vô tình?

Gần đây có nhiều bài viết về ngành giáo dục. Không ít bài trong số đó đề cập trực tiếp đến hình ảnh người thầy. Phê phán thói hư tật xấu, biểu dương nét đẹp của thầy cô giáo nói riêng và ngành GD nói chung đương nhiên là phải làm. Vấn đề là phê phán như thế nào và biểu dương như thế nào?

"Ném đá"

Dạo một lượt trên báo có thể tìm được vô số bài với các tít đại loại:

Thầy giáo trường tôi chuyên lừa tình sinh viên (VNE). Khi thầy "tha hóa", sao trò "tôn sư"!? (DT). Thời của nhà giáo... vô trách nhiệm? (VNN). Thầy giáo "gạ tình", trộm tiền của nữ sinh...

Nhìn nhận vấn đề một cách nhân văn, chúng ta thấy sự khác biệt giữa người thầy và những người khác là ở nghề nghiệp mà họ gắn bó chứ không phải ở khía cạnh "con- người". Nếu biết rằng đội ngũ giáo viên các cấp và cán bộ quản lý GD ở nước ta có tới hàng triệu người, thì việc một số cá nhân có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, tư cách, kém chuyên môn là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên GD không nằm trong bốn lĩnh vực (cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng) mà Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới điểm mặt. Nói như thế không có nghĩa là bao che cho những yếu kém, bất cập của ngành, mà phải thấy một thực tế khách quan, rằng lỗi của một số thầy cô, của ngành GD có nguyên nhân sâu xa ở cơ chế, ở hệ thống.

Khi mà mấy chục năm qua ngành GD buộc phải tuyển chọn làm giáo viên nhiều người ở vào cái thế "chuột chạy cùng sào". Không ít người trong số thầy cô "bất đắc dĩ" đó bước vào nghề với chỉ số IQ thấp nhưng chỉ số... "AQ" lại rất cao, sự ức chế và phản ứng của họ âu cũng là điều có thể hiểu. Trong hoàn cảnh đó việc đăng tải các bài viết về đội ngũ thầy, cô giáo với những tít quá mức như trên có phải là cần thiết, có phải là liệu pháp tốt cho ngành GD nói riêng và xã hội nói chung?

Gơben (Josef Goebbels), Bộ trưởng tuyên truyền của trùm phát xít Hitle đã cho rằng: "Một điều lừa dối, bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ được mọi người tin là thật".

Nếu các báo viết, báo mạng ngày nào cũng có các bài viết với các tít giật gân như vậy, thì học trò sẽ nghĩ thế nào về người thầy của mình? Và nếu tình trạng còn tiếp diễn, thì liệu sau bao nhiêu năm nữa người thầy sẽ "thực sự" trở thành kẻ "vô lại" không chỉ trong suy nghĩ của người lớn mà cả trong con mắt trẻ thơ?

Phê phán người thầy vừa mang tính thời sự lại không sợ vướng vào chuyện nhạy cảm, có phải vì thế nên sẽ là uổng công nếu cố đi tìm bài viết với tiêu đề kiểu: "Lãnh đạo huyện, tỉnh... chuyên lừa tình nhân viên". Hay "Khi cấp... trưởng tha hóa, sao cấp... viên tôn trọng?"...

"Ném đá" giờ đây đang trở thành phổ biến không chỉ trên các trang mạng xã hội. Có người thấy người khác "ném" thì vội vàng "ném" theo, bất kể ném vào ai và ném bằng cái gì. Chuyện cô giáo dạy văn và câu ca dao "... canh gà Thọ xương" đến nay vẫn còn dư âm đâu đó.

Liệu những người "ném đá" có tìm được bằng chứng khẳng định, rằng tác giả (cụ Dương Khuê?) khi viết bài thơ bốn câu "Tức cảnh Hà Nội" đã ghi chú rằng "canh gà Thọ xương" không phải là món ăn, mà là tiếng gà gáy báo sang canh ở đồn Thọ xương? Đem cái suy diễn (dù là logic) của thời nay gán cho bài thơ đã trở thành cao dao, dù sao cũng vẫn cần sự thận trọng.

Giới truyền thông phương Tây từng lưu truyền một giai thoại về ngài Yasser Arafat (cố Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine - PLO). Truyện rằng những tín đồ đạo Hồi khi hành hương về thánh địa Mecca đều phải nhặt bảy viên sỏi (đã được để sẵn) và ném chúng vào tượng ác quỷ.

Y. Arafat nhặt bảy viên nhưng chỉ ném sáu viên và giữ lại trong tay một viên. Phóng viên phát hiện thấy đã hỏi ông: "Tại sao ngài không ném hết bảy viên?", Y. Arafat trả lời: "Hãy giải thích cho tôi, tại sao tôi phải ném cả bảy viên?". Không phóng viên nào giải thích được điều đó.

Vơ đũa cả nắm kiểu Khi thầy "tha hóa", sao trò "tôn sư", phần nào thể hiện cái "tâm" của người viết. Thiết nghĩ thấy một ngọn cây chưa có nghĩa là đứng trên đỉnh núi, hứng một giọt mưa chưa có nghĩa là thu được mây trời. Nếu ai chưa bao giờ làm thầy, hãy thử đặt mình vào địa vị đó một lần trước khi buông lời mỉa mai.

Câu nói "thái quá bất cập" hẳn nhiều người biết, cái gì quá cũng đều là không tốt. Yêu quá là không tốt, ghét quá là không tốt và tốt quá cũng là không tốt. Phê phán đến mức "quá" có thể thỏa mãn cơn giận (dù là chính đáng) của người viết, nhưng kết quả nó mang lại chưa chắc đã có ích cho cộng đồng, cho mai sau.

Rất mong rằng không phải chỉ những người "ném đá" mà cả những "phương tiện" giúp cho "đá bay" cũng nên bình tĩnh xem lại? Sự quá đáng chỉ mang lại niềm ưu tư cho hàng triệu thầy, cô giáo đang vất vả mưu sinh, đang chịu nhiều áp lực của nghề nghiệp. Chính sự thái quá này cũng gieo vào lòng học trò hình ảnh méo mó về người thầy.


... Và biểu dương

Trong khi người thầy đang bị phê phán với những ngôn từ mạnh nhất có thể xuất hiện trên mặt báo thì sự biểu dương khen thưởng với họ như thế nào?

Trong danh sách do Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012, hoàn toàn vắng bóng công nhân, nông dân, những người trực tiếp sản xuất. Gần như 100% người được đề nghị đều là quan chức.

Riêng ngành GD, năm 2012, sau khi quá trình bình chọn kết thúc, tỷ lệ giáo viên được công nhận là Nhà giáo Nhân dân chiếm 47.5%, Nhà giáo Ưu tú chiếm 46,3%. Trong số 294 NGƯT thuộc các địa phương, chỉ có 69 nhà giáo là giáo viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy (đạt 23,4%).

Cứ cho rằng số lượng lãnh đạo từ cấp tổ phó, phó bộ môn trở lên chiếm 20% tổng nhân sự toàn ngành thì sẽ thấy số lượng lãnh đạo được vinh danh gấp hơn bốn lần số giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Nếu chỉ nhìn vào các con số mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày người ta hẳn sẽ cho rằng Bộ cũng đã có nhiều chú ý đến thầy cô nhưng thành tích của những "con ong thợ" này còn rất hạn chế, chưa đủ tầm để xếp vào hàng... ưu tú.

Người ta hay dùng từ "chức danh" để nói về vị thế của một ai đó trong ngành GD. Logic của vấn đề có lẽ nằm ở chỗ chữ "chức" đứng trước chữ "danh" nên muốn có "danh" thì trước hết phải có "chức". Còn muốn có chức thì "mèng ra" cũng phải 100 triệu, kiểu như ông Trần Trọng Dực, một lãnh đạo thành phố Hà Nội đã công khai phát biểu.

Vấn đề là người ta cần cái "danh" gì? Chắc chắn đó không phải là cái "danh còm" kiểu "chiến sĩ thi đua cấp bộ". Chẳng thế mà năm 2008 tất cả chiến sĩ thi đua cấp bộ ngành GD ngoài một triệu đồng tiền thưởng, thì không có bất kỳ một giấy chứng nhận hay bằng khen nào của Bộ.

Hỏi ra mới biết Bộ không có chủ trương cấp bằng khen cho danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ (có lẽ do đa số chiến sĩ thi đua đó chỉ là phó thường dân?). Khi có chức, có danh (to) thì đương nhiên người ta sẽ được đặt ở vị trí "danh dự". Đến đây thì vòng tròn "chức - danh - dự - chức" trở nên khép kín bởi vì có "danh" thì người ta sẽ được "dự" nhiều hơn, đặc biệt là dự các cuộc bầu bán, bình xét, lấy phiếu này nọ...

Các điều kiện "cần" và "đủ" này các giáo viên cắm bản, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện và thời gian nghĩ đến. Thời gian của họ ngoài việc gieo con chữ cho trẻ thơ còn phải lo kiếm củi, kiếm măng rừng, vì đến chợ là mất cả ngày đường.

Một lần công tác ở Bắc Quang - Hà Giang, người viết được biết một trường tiểu học dựng trên sườn núi cheo leo có sáu cô giáo. Thương cô, học trò khi đi học mỗi cháu đeo thêm một ống vầu đựng nước, leo dốc đến trường có ống nước chỉ còn non nửa. Mấy chục ống nước ấy dành cho các cô giáo và học trò sử dụng trong một ngày.

Nếu có ai nói với họ rằng họ xứng đáng là Nhà giáo Ưu tú chắc chắn tất cả sẽ lắc đầu, họ cần những cái khác thiết thực hơn thế. Giáo viên vùng xuôi không phải lo chuyện nước, chuyện rau nhưng những áp lực từ phụ huynh học sinh và những vị có "chức - danh - dự" khiến họ không thể yên tâm công tác.

Một độc giả tâm sự: "Giáo viên tiểu học còn không được để học sinh ở lại lớp, bài thi kém phải cho thi lại nhiều lần để đạt. Không để học sinh bỏ học. Vì như thế xem như giáo viên đó không hoàn thành nhiệm vụ, mà hai năm như thế sẽ bị buộc chuyển xuống làm nhân viên hoặc về vườn".

Chính sách đối xử với người thầy cũng đặt ra những dấu hỏi lớn. Trong một trường đại học, với những điều kiện làm việc hoàn toàn như nhau, phần lớn thầy cô được phụ cấp ưu đãi 25%, trong khi đó một số ít người lại được hưởng 45%. Không thể nói những người hưởng phụ cấp cao hơn là vì họ làm việc ở những ngành khoa học mũi nhọn hay trong điều kiện độc hại.

Thật khó để tìm lý do biện minh cho sự khác biệt này, nếu không nói đó là sự phân biệt đối xử. Nó hoàn toàn trái với tiêu chí "công bằng - dân chủ - văn minh" mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Sự bất công diễn ra ngay trong ngành GD, nơi dạy về đức làm người thật sự là điều cần suy ngẫm.

Mức độ tôn trọng dành cho nhà giáo của một số người viết, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể nói đã không còn thấp hơn được nữa. Đòi hỏi người thầy những tiêu chí khắt khe nhưng xã hội và Nhà nước trao cho họ những quyền gì? Quyền duy nhất mà họ có là dạy theo những gì mà sách giáo khoa đã viết, làm theo những gì mà nội quy đã quy định, và hưởng một chế độ thấp nhất trong các nghề đòi hỏi trí tuệ.

Một khi người thầy bị bó tay không thể trách phạt học trò dẫu chỉ bằng một lời nói nặng, không thể phát huy sự sáng tạo, không được đối xử công bằng trong các chủ trương chính sách, thì mọi ngôn từ hoa mỹ về nghề dạy học sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là một sự thật mà ai cũng biết song không phải ai cũng có ý định thay đổi.

Những người và cả những phương tiện ưa "ném đá" hãy làm như Y. Arafat, dành lại cho bản thân, cho con cháu trong nhà ít nhất là một viên sỏi.

TS.Dương Xuân Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog