Chia sẻ

Tre Làng

THẰNG GIÀ! BIẾN NGAY CHO NƯỚC NÓ TRONG!


“Ghế đá công viên thành giường trời”. Đàn ông thường mắc bệnh “đái đường”. Giới trẻ thì ăn nói “lệch chuẩn”, quỳ mọp dưới chân thần tượng nhưng lại kiệm lời, không biết nói lời “cám ơn”, “xin lỗi”. Hàng quán thì “bún mắng, cháo chửi”.

Ngoài đường phố, dù một va chạm nhỏ, người ta cũng không tiếc lời rủa xả nhau. Người đáng tuổi con cũng túm ngực người đáng tuổi cha chú: “Thằng già! Biến ngay cho nước (nó) trong”.

Đây là những gì mà Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, TS Lê Thị Bích Hồng nói trên báo Đất Việt. Không cần phải nói thêm, ai cũng biết bà Hồng đang nói đến văn hóa Hà thành, mảnh đất 1000 năm văn hiến, nơi nhan nhản những “khu dân cư văn hóa” và những công dân “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”.

Mới biết những chiếc khẩu hiệu, có hai chữ văn hóa, không làm nên văn hóa. Và cũng không phải ngẫu nhiên “Thăng Long” luôn được gắn liền với hai chữ “Kẻ chợ”.

Quan chức có trách nhiệm nhất của ngành văn hóa Thủ đô, ông Phạm Quang Long cũng dùng từ “báo động” để nói về những hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử, về “sự xuống cấp” của văn hóa cộng đồng.

Báo động là phải. Lo lắng cũng không sai.

Có điều, “sự xuống cấp”, những “hiện tượng tiêu cực” đó không phải là cái cớ để Hà Nội dựng lên một đề án vô nghĩa lý như đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội” tầm nhìn 2020.

Sự vô nghĩa lý là bởi cái thiếu trong sự xuống cấp về văn hóa ứng xử không phải là thiếu những đề án vài chục trang giấy, tiêu tốn không ít tiền của mà không một người dân nào muốn đọc. Chẳng phải là chúng ta đang tiến hành cuộc vận động mang cái tên dài ngoằng “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với nhan nhản các “Gia đình văn hóa”,“Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản Văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” đó sao?

Những cuộc vận động kiểu phong trào, những đề án “mang đến lại mang về”, và những lời lẽ, con chữ hô hào chết gí trên giấy, có vẻ giống với việc có thứ để giải ngân, mà theo Đất Việt “là một con số không nhỏ”, hơn là phương thức hữu hiệu để có thể “nâng cấp” văn hóa.

4 tháng trước, một tờ báo chính thống đã cho đăng những lời lẽ sau đây của một người tự nhận “Tìm được người Tràng An như tôi khó lắm”: “Những thói hư tật xấu, tất cả đều do người ngoại tỉnh mang vào”. “Tất cả cũng là do lối sống buông thả, xem nhẹ giá trị đạo đức của những người tỉnh lẻ mà ra”. “Con gái tỉnh lẻ ranh mãnh, giỏi mồi chài, con trai thì không đầu gấu cũng bảo kê”.

Hình như văn hóa không phải là việc vỗ ngực xưng người Tràng An hay một đề án với số tiền của “một con số không nhỏ”?!

Đào Tuấn

2 nhận xét:

  1. thực tế cho thấy văn hóa ứng xủ ở việt nam rất kém.không văn minh cho lắm

    Trả lờiXóa
  2. đấy cũng là cái đã ngấm vào con người việt nam rồi mà

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog