Chia sẻ

Tre Làng

VĂN HÓA TỪ CHỨC


Tác giả: QUYỀN DUY

Từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thái độ trung thực với chính mình, biết xấu hổ khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cơ quan, tổ chức và cộng đồng

Từ chức được hiểu xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ. Như vậy, từ chức chỉ có thể xảy ra ở những người có chức, có quyền. Từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thái độ trung thực với chính mình, biết xấu hổ khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại nguyện vọng của cơ quan, tổ chức và cộng đồng, là biểu hiện của sự cao thượng, dũng cảm, tự trọng.

LTS: Trong phần sinh hoạt tư tưởng của Tạp chí cộng sản, ngày 18/1 đăng bài văn hóa từ chức. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc như một góc nhìn tham khảo. Mời bạn đọc cùng thảo luận.

Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta đang được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Từ chức chỉ được xem là một hành vi có văn hóa khi người ta tự nguyện và mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Ở các nước phát triển, từ chức là văn hóa hành xử của những người có chức, có quyền và đã trở thành trách nhiệm của người có chức, có quyền, được dư luận xã hội chấp nhận.

Từ xưa, nước Việt ta có khá nhiều người tài giỏi nhưng đã treo ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... Các ông từ chức không phải không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn mà phần nhiều là do khảng khái, không đồng ý với quan điểm của vua. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở Việt Nam từ xưa đã có văn hóa từ chức rồi thì chưa hẳn đúng.


Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức và coi từ chức - thuộc khía cạnh văn hóa của chế độ công vụ - là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Tại sao Chính phủ lại phải xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức? Theo tôi là do những nguyên nhân sau đây:

Một là, công tác tổ chức cán bộ của chúng ta còn yếu kém, nhất là trong việc giáo dục, lãnh đạo, quản lý đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính và thiếu gương mẫu, không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn nhưng hầu như không thấy ai có lời xin lỗi hoặc từ chức cả.

Hai là, chúng ta chưa có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý nên thiếu cơ sở để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan giám sát.

Ba là, việc từ chức hiện nay khó quá nên không thấy ai tự nguyện từ chức nên phải có quy định, đồng thời ở nước ta hiện nay chưa hình thành văn hóa từ chức. Điều đó có nghĩa là một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có lòng tự trọng, thiếu trung thực, ứng xử chưa liêm khiết.

Tại sao việc từ chức lại khó và ở ta chưa có văn hóa từ chức? Qua nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu có thể khái quát như sau:

- Chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả. 

- Học để “làm quan” đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt và vì thế truyền thống coi “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất.

- Dư luận xã hội chưa được định hướng để đồng tình hay ủng hộ việc tự nguyện từ chức. Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để thoát tội, để hạ cánh cho an toàn…

Rõ ràng, quyền lực thể chế nào cũng liên quan tới lợi ích cá nhân. Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ khi lợi nhuận tới 300% - Các Mác”, thì người có quyền, có chức càng không thể dễ dàng từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì gia”.

Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có chức, có quyền. Họ được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân cách đạo đức, biết lãnh đạo bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương mẫu thì không thể thuyết phục được mọi người. Để có văn hóa từ chức theo tôi cần:

- Phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức phải dựa trên nền tảng cải cách, xây dựng được quy chế công chức thật chuẩn về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị trí công tác.

- Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; nên khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội cũng không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức.

- Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh.

Việc từ chức tự nguyện của người có chức, có quyền sẽ tạo cơ hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự hợp lý tốt hơn trong xã hội. Điều đó giúp những người thực sự có nhân cách, tài giỏi, có trình độ, năng lực thực tiễn có thể phát huy cao nhất năng lực của mình nếu ở đúng vị trí, đồng thời cũng giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng có.

Văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người và là tất yếu của cuộc sống, thế nên, văn hóa từ chức cũng biểu hiện sự tất yếu của cuộc sống. Thiết nghĩ, từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong đời sống lãnh đạo, quản lý ở nước ta, đồng thời, văn hóa từ chức cũng từ đó mà hình thành và phát triển.

Theo Quyền Duy (Tạp chí Cộng sản)

7 nhận xét:

  1. chức đang ngon thì mấy ai muốn từ,miếng cơm manh áo người ta mà

    Trả lờiXóa
  2. cái việc học để làm quan rồi một người làm quan cả họ được nhờ từ thời phong kiến vẫn còn đó.làm nhân tài thì khôgn trọng dụng được mà càng làm thêm nhiều bè phái

    Trả lờiXóa
  3. chạy chọt chạy tiền quá phổ biến ở việt nam.nghĩ mà buồn

    Trả lờiXóa
  4. nhức nhối lắm cảnh làm quan ở việt nam làm khổ dân,làm quan thì phải kéo theo cả họ chứtừ chức cái gì

    Trả lờiXóa
  5. đảng và nhà nước hãy thay đổi bộ máy làm việc kiểu này chắc chắn đất nước sẽ phát triển hơn

    Trả lờiXóa
  6. In Cô Vơ19:33 25/1/13

    Đang có chức có quyền thì ai mà muốn bỏ chứ.Mất bao công mới lên được thì hưởng thụ đã =.=

    Trả lờiXóa
  7. Cần sớm hoàn thiện các chế định về việc từ chức của cán bộ, công chức nhưng theo tôi cần hơn hết là thay đổi suy nghĩ của xã hội về văn hóa từ chức. Từ chức là cần thiết nếu anh không làm được việc, năng lực của anh không đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhưng rất tiếc, đồng tiền đi liền khúc ruột. Có quyền sẽ có tiền. Sẽ chẳng ai tự nhiên xin từ chức nếu lãnh đạo cấp trên không có ý kiến này nọ. Văn hóa từ chức khó nhưng phải thực hiện thì mới mong bộ máy hành chính nước ta làm việc hiệu quả được!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog