Chia sẻ

Tre Làng

"BỌN GIẶC GIÀ, HÃY XÉO VỀ ĐI"

CuTeo@ - Tôi không đồng ý với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu. Làm như thế là kéo dài sự trì trệ và làm nhụt ý chí phấn đấu của lớp trẻ. Với tuổi 65, nhiều người đã lú lẫn và chí ít là lẩm cẩm, mặt khác chúng ta bằng kinh nghiệm thực tiễn, hãy tin vào lớp trẻ. Vì lí dó đó, tôi đăng bài của anh Bùi Hoàng Tám, đây là bài mà tôi có cùng quan điểm.
Hình để ngắm chứ không minh họa - Nhưng lá chuối có đặc tính bấu víu vào thân cây khủng khiếp - Xin đừng cố níu kéo!

Bùi Hoàng Tám 12-03-2013

Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Nếu người này, thế hệ này “sân siu” 1 năm là “ăn gian”, là “đánh cắp” của thế hệ sau 1 năm, “sân siu” 10 năm là “ăn gian”, “đánh cắp” 10 năm.

Vì vậy, đừng lấy cớ “sân siu”, “ngoại lệ” để ăn cắp thời gian của thế hệ sau. Đừng để bọn trẻ chửi thầm chúng ta trong bụng: “Bọn giặc già, hãy xéo về đi”.

Bức thư này không phải những người trẻ không viết được. Thậm chí là “nạn nhân”, họ viết còn hay hơn cái “lão già” Bùi Hoàng Tám này nhiều. Họ không dám viết bởi sợ bị qui chụp là hỗn láo, vô lễ với bậc cao niên… Thôi thì đành chấp bút giúp họ vậy.

Thưa các bác!

Trong tất cả các văn bản, chúng ta đều nhấn mạnh đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Xin hỏi có hay không sự nói một đằng, làm một nẻo? Bởi nếu làm đúng như những gì đã nói, chúng ta không đến mức thiếu trầm trọng cán bộ trẻ như hiện nay.

Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ hàng đầu thế giới nhưng nhìn vào bộ máy lãnh đạo các cấp, ta thấy rõ sự già nua đến mức nào?

Ở hàm Bộ trưởng, có lẽ người trẻ nhất là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tròn 50 tuổi. Số bộ trưởng dưới 55 tuổi đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng tương tự. Thậm chí, trưởng phó phòng cấp sở ngoài 40 tuổi vẫn được coi là cán bộ… trẻ.

Ngay tại Hà Nội, cơ cấu bầu vào HĐND vừa qua không đủ số lượng đại biểu trẻ là một ví dụ điển hình. Một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thủ đô của đất nước mà thiếu cán bộ trẻ thì thật đáng báo động.

Trong lịch sử, ngay từ ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm hàng loạt các bộ trưởng ở độ tuổi ba mươi mà tên tuổi của họ rạng danh đến ngày nay. Đó là các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Rồi các bậc các mạng tiền bối như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… Họ đều rất trẻ.

Nếu nhìn vào lịch sử, chúng ta còn thấy những bậc hào kiệt như Quang Trung Nguyễn Huệ 35 tuổi xưng vương, 36 tuổi đại phá quân Thanh với trận Đống Đa – Ngọc Hồi lưu danh thiên sử.

Thưa các bác!

Nếu quả thật thiếu cán bộ trẻ, nguyên nhân do đâu nếu không phải do chính những người già chúng ta bởi trong các khâu phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc đều nằm trong tay chúng ta.

Những người lớn tuổi chúng ta thường có cái nhìn kẻ cả, không tin và cũng không dám tin thế hệ trẻ. Đó là sự nhầm lẫn tai hại. Nhất là trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hôm nay, diện mạo thế giới thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ thì việc lỗi thời của một thế hệ như chúng ta là điều khó tránh khỏi.

Và giả sử họ không đáng tin thật thì chả lẽ chúng ta sống mãi, khỏe mãi để ôm đồm?

Có một cái cớ mà chúng ta hay vin vào mỗi khi đề bạt, cất nhắc là bởi thế hệ trẻ chưa từng trải, ít vốn sống, thiếu kinh nghiệm. Đó là lý do… hài hước bởi trẻ thì làm sao đã có “từng trải”, làm sao nhiều “vốn sống” và “kinh nghiệm”?

Vả lại về sự “từng trải”, xin thưa hầu hết mọi công việc ở cơ quan lớn nhỏ chúng ta đều ôm đồm bằng hết, có cho họ được tham gia đâu mà đòi hỏi họ “từng trải”? Còn cái gọi là “vốn sống và kinh nghiệm”, xin nói thẳng tư duy bây giờ là tư duy sáng tạo chứ không phải tư duy “kinh nghiệm” kiểu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.

Khi khoa học càng phát triển thì chủ nghĩa kinh nghiệm càng bị thu hẹp. Yếu tố quyết định làm nên thành công của thế giới hôm nay là tư duy sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới thay đổi được thế giới. Mà sáng tạo thì thưa các bác, nó thuộc về thế hệ trẻ như nó đã từng thuộc về chúng ta những ngày còn trẻ.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận kinh nghiệm song nó chỉ là một yếu tố khiêm tốn. Tiếc thay giờ đây, nhiều khi nó được dùng như tấm bùa cho tư tưởng “sống lâu lên lão làng”.

Điều đáng lo ngại nhất là khi những lý do trên chỉ là cái cớ của sự tham quyền cố vị. Cái thói “đó rách ngáng chỗ” đã kìm hãm phát triển và đây chính là bi kịch của đất nước.

Vì vậy, trong khi chúng ta chưa có một cơ chế sàng lọc hữu hiệu thì cách ít tệ hại nhất hiện nay là về hưu đúng độ tuổi. Nếu có chăng, chỉ trừ một số rất ít những nhà khoa học thuần túy, thực tài và không dính vào công tác quản lý.

Còn lại, đến tuổi nghỉ là nghỉ, tuyệt đối không có bất cứ ngoại lệ dù là ai, ở bất cứ cương vị gì. Kiên quyết xóa bỏ tư duy “sân siu” tuổi tác để nấn ná, bấu víu. Có như thế, luật pháp mới nghiêm minh, đất nước mới mong có kỉ cương.

Thưa các bác!

Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Nếu người này, thế hệ này “sân siu” 1 năm là “ăn gian”, là “đánh cắp” của thế hệ sau 1 năm, “sân siu” 10 năm là “ăn gian”, “đánh cắp” 10 năm.

Tôi chấp bút cho họ bởi tôi cũng ít nhất là không còn trẻ nữa. Nói với người mà cũng là nói với chính mình, để răn mình vậy…
Kính!

22 nhận xét:

  1. Hãy để cơ hội cho giới trẻ phát huy khả năng của mình, hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ.

    Trả lờiXóa
  2. Bác viết bài này kiếm cái ảnh lố quá, mình họa thì thiếu gì cách, đây đang nói về tuổi già cơ mà? Đó là ý kiến về cái ảnh. Còn ý kiến về bài viết đó là: Theo quan điểm cá nhân tồi, tôi cùng khá tương đồng với quan điểm của người viết bài, đó là không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tạo điều kiện cho giới trẻ phát huy sức trẻ của mình. Còn về kinh nghiệm thực tiễn...thì tôi có ý kiến chút đó là nếu đối với một số công việc cần nhiều kinh nghiệm thì những người đến tuổi về hưu có thể ở lại cơ quan thêm 1-2 năm với điều kiện không giữ chức vụ, tham gia công việc của cơ quan như 1 cố vấn, chuyên gia đầu ngành, đầu lĩnh vực thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thì đồng qua điểm với tác giả, đồng thời bổ sung thêm, với bộ máy hành chính cồng kềnh như VN bây giờ nếu muốn giảm biên chế chỉ cần đóng cửa không tuyển công chức vài năm thì mỗi năm có khoảng 1 vạn người nghỉ hưu, mất sức.... Còn bạn Trung Hiếu nói những việc cần thì ở lại 1- 2 năm không giữ chức vụ là sự lãng phí tiền thuế mà thôi. Nếu cần chuyên gia thì sử dụng họ theo hợp đồng là cách tốt nhất, về đi.

    Trả lờiXóa
  4. bai dai qua minh chua doc duoc het, nhung minh san sang san siu 1 ty cho the he tre noi doi, gio da dang thay thoi the qua kho khan voi ho roi con sau nay chang biet the nao nua ?

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng đồng quan điểm với tác giả. Tôi nghĩ nhiều người ở cái tuổi 65 đã đầy bệnh tật, suy nghĩ bắt đầu cổ hủ và chậm chạp rồi. Nhiều người không bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Ví như việc sử dụng Internet và máy tính, không phải tất cả nhưng số đông các bác over 60 là chậm chạp về cái này lắm.

    Trả lờiXóa
  6. Ôi ôi! Trên 60 là lẫm cẫm lắm rồi. Chẳng phải nói trên 60, trên 50 là đã già rồi. Ở lại làm gì, tham quyền cố vị, lại kẻ cả bắt nạt bọn trẻ. Mà ở cơ quan tôi, có ông già cậy mình lớn tuổi bắt bọn trẻ phải thế nọ, phải thế kia, nhưng ông ý có làm đâu.

    Trả lờiXóa
  7. Bác chủ top đăng cái ảnh hot quá! Làm em tò mò phải vào xem liền. Hê hê...Cái vụ tăng tuổi nghỉ hưu này tôi nghĩ cũng không được nhiều người ủng hộ đâu. Nhiều người già còn muốn nghỉ hưu sớm vì người ta còn muốn về quê ở cho nhàn hạ, kiếm cái nhà vườn ở quê an dưỡng tuổi già, còn sướng hơn là bon chen cho mệt người.

    Trả lờiXóa
  8. Hot! hot đây! Em là em thích cái ảnh nhất! Em thấy là mấy bác lãnh đạo sao phải xoắn. Già rồi thì về cho con cháu có đất phát triển. Già rồi còn cố làm gì. Người ta lại còn nói cho là ăn giầy ăn tất ăn cả đất xung quanh ý ạ. Nhục lắm!

    Trả lờiXóa
  9. Đúng vậy.Theo mình nghĩ đến 65 là quá lâu.Đến tuổi đó con người có thể nói là đã già yếu ,không thể làm tốt công việc được nữa.Đã như vậy thì đi làm cũng chẳng có ích gì.Tốt nhất nên về hưu sớm nhường cho thế hệ trẻ có thể làm việc tốt hơn

    Trả lờiXóa
  10. Cái ảnh nhìn cũng được mà..hi..Đúng là gừng càng già càng cay nhưng mà cũng phải để giới trẻ có dịp thể hiện nữa chứ. Tôi nghĩ tầm 55 tuổi nghỉ hưu là hợp lý rùi không nên kéo dài thêm.

    Trả lờiXóa
  11. Hình minh họa là nhấn mạnh vào tàu lá chuối chứ ko phải người con gái đâu bạn ơi. Lá chuối có đặc điểm là khi khô vẫn không lìa khỏi thân cây mà vẫn bám víu. " Tre già măng mọc" đó là truyền thống từ xưa đến nay của ông cha ta, nay nên dổi lại là " Tre già rôi thì nên nhường chỗ cho măng nó mọc" các bạn nhờ.

    Trả lờiXóa
  12. rất kính các bác có thâm niên kinh nghiệm nhưng nhiều bác khá cổ hũ và khắt khe,nhiều bác sợ giới trẻ lên sẽ đàn áp và bác sẽ mất chức hay sao

    Trả lờiXóa
  13. tuổi trẻ tài cao thì lại bảo ngựa non háu đá,vắt mũi chưa sạch mà dám dạy đời tiền bối.mà đã hồn láo với tiền bối thì chỉ coc bị chèn ép thôi

    Trả lờiXóa
  14. Việc trẻ hóa bộ máy là rất tốt và cần thiết nhưng chúng ta nên từng bước tiến hành không nên nóng vội quá, sẽ có thể gây ra nhiều hậu quả xấu

    Trả lờiXóa
  15. Thế hệ trẻ Việt Nam có rất nhiều người tài giỏi và đang muốn chứng tỏ mình. Hãy trao cho họ cơ hội.

    Trả lờiXóa
  16. Thế hệ trẻ có nhiều người tài giỏi và tiếp thu những điều tiên tiến từ nước ngoài khá tốt, nhưng cũng cần có thời gian nhất định giúp họ đạt độ "chín" thì mới có khả năng đảm đương các vị trí quan trọng được

    Trả lờiXóa
  17. Bác này đưa cái ảnh ra đê câu view thì phải, tui phản đối cái ảnh. Nhưng còn bài viết và bức thư thì tui xin giơ cả hai tay đồng ý. Trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn,thù trong giặc ngoài, mỗi sách lược đưa ra nếu có sơ hở sẽ trở thành mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ cho bọn xấu. Tôi đoán quỹ hưu của ta cũng không phải là đã hết, dân số của ta chưa phải là già, đừng lấy bất cứ lý do nào để ra một sách lược không hay như thế chứ

    Trả lờiXóa
  18. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  19. Trường giang sóng sau xô sóng trước, tre già thì măng mọc, hãy để cho thế hệ trẻ đc phát triển

    Trả lờiXóa
  20. mỗi người một quan điểm, một ý kiến bạn à! cũng có nhiều người họ cho rằng nam 65 tuổi về hưu là sớm, nên dãn ra khoảng vài năm nữa vì như thế khi họ về sẽ cô đơn và nhớ nghề

    Trả lờiXóa
  21. còn theo cá nhân tôi thì độ tuổi hiện nay về hưu hiện tại đã là phù hợp với sức khỏe của người Việt Nam nói chung rồi đó, và nhân tiện thì cái hình minh họa rất chi là ấn tượng hehe

    Trả lờiXóa
  22. Vả lại về sự “từng trải”, xin thưa hầu hết mọi công việc ở cơ quan lớn nhỏ chúng ta đều ôm đồm bằng hết, có cho họ được tham gia đâu mà đòi hỏi họ “từng trải”? Còn cái gọi là “vốn sống và kinh nghiệm”, xin nói thẳng tư duy bây giờ là tư duy sáng tạo chứ không phải tư duy “kinh nghiệm” kiểu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”...Mình thích đoạn này và đúng là mình hay nghe đưa bạn ở cùng mình nó hay nói là ở chỗ nó người có kinh nghiệm k muốn dạy người mới về vì họ muốn làm hết để hưởng hết, đúng là tham lam và ích kỉ rồi cũng chết sớm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog