Chia sẻ

Tre Làng

NẮNG MƯA LÀ VIỆC CỦA GIỜI, CHÚNG TÔI DỰ BÁO TẠM THỜI THẾ THÔI


Đào Tuấn - Một “Thạc sĩ Bờ Hồ bảo mưa đá là “bình thường”, là “đúng quy luật”, là “với quy mô nhỏ nên không thể dự báo trước được”. Bình thường khi mưa đá, to như cái bát tô, khủng như cái xô, chỉ một đêm biến huyện lỵ Mường Khương (Lào Cai) tan hoang như bị đánh bom?

Hôm qua, một vị Thạc sĩ của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, trên truyền hình dùng 2 từ “bình thường” để nói về những trận mưa đá liên tiếp ở Mường Khương, ở Bắc Hà, ở Simacai, ở Phố Ràng (Lào Cai), ở Vị Xuyên (Hà Giang), ở Võ Nhai, Đồng Hỉ (Thái Nguyên), ở Quan Hóa (Thanh Hóa), ở…

Ngoài việc giải thích đó là bình thường, là “không có gì bất thường so với thế giới”. Các chuyên gia còn bảo nó “đúng quy luật”, là “với quy mô nhỏ nên không thể dự báo trước được”.

Bình thường khi mưa đá, chỉ một đêm biến huyện lỵ Mường Khương tan hoang như bị đánh bom?.

Không có gì bất thường khi những ngôi trường mầm non gần như bị san phẳng?.

“Quy mô nhỏ” là những viên đá ngày 26.3 to cỡ “cái bát tô”, đến ngày 29 đã “to bằng cái xô”?.

Không có gì bất thường vì đến mũ bảo hiểm có tem CR- anh nhà báo nào đó thật thời sự và vui tính- cũng bị đột thủng?.

Và “đúng quy luật” trước một trận mưa đá mà ngay chính Chủ tịch Mường Khương Hoàng Duy Dũng đã rùng mình gọi đó là những trận mưa đá “lịch sử”, là “trăm năm có một”.

Thưa Trung tâm dự báo, những người dân ở Tả Thàng, ở Mã Tuyển không hề biết trước khi giữa đêm “đá trên trời” xuất kỳ bất ý như trời giáng xuống giấc ngủ, xuống hiện tại và cả tương lai của họ.

Thưa các vị Thạc sĩ ngồi phòng máy lạnh ở Hà Nội, ở bản người dao Lũng Pâu, không mái nhà nào còn nguyên vẹn. Không một cây ngô nào còn có thể đứng thẳng. Không một lá đậu nào còn lành lặn.

Và thưa ai đó, 40-50 người dân Tả Gia Khâu giờ đang trú ngụ trong mái nhà duy nhất chưa thủng toàn bộ, trong Trường Mầm non.

Họ đã quá sợ hãi trước những điều các nhà khoa học, sau đó giải thích là “bình thường”.

Thật khó để tìm kiếm một thông điệp gì đó sau lời giải thích với hai chữ “bình thường” của những người đáng lẽ phải có trách nhiệm cảnh báo trước.

Thông điệp, nếu có, chỉ là những trận mưa tàn phá với những viên đá bằng cái bát, bằng cái xô, lao đi như viên đạn, có thể xuyên thủng mũ bảo hiểm, vẫn cứ là “nhỏ”, là không thể báo dự báo trước?

Nhưng thế thì ít nhất nên đổi tên Trung tâm Dự báo thành... Trung tâm Giải thích sau mưa bão.

Tháng 8 năm ngoái, khi cơn bão số 8, bão Sơn Tinh hoành hành trong sự bất lực của kính thưa các loại Thạc sĩ, Tiến sĩ Dự báo, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thanh minh trên Thanh niên: “Chúng tôi đã làm hết sức mình”.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư giải thích việc “bão nhảy” từ dự báo cấp 8, lên cấp 14 trong thực tế như sau: Tuy nhiên khi vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị, chỉ trong buổi chiều 27.10, bão đã ‘nhảy’ từ cấp 12 lên cấp 14. Trong vòng 4 – 5 giờ, việc nhảy cấp này không mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh thêm nhiều như vậy”.

Việt không thể dự báo, Mỹ, Nhật cũng không thể dự báo. Có điều, bão vào Việt Nam chứ không vào Nhật Mỹ.

Riêng chuyện bão đổi hướng, ông Đức, bấy giờ đã có lời giải thích bất hủ “Dự báo chỉ là dự báo thôi”.

Dự báo chỉ là dự báo. Và nhỏ nên không thể dự báo.

Cứ tạm chép lại ra đây những lời lẽ giải thích hay ho của các nhà dự báo.

Trong khi đó, người dân Sông Tranh tiếp tục thử thách thần kinh, giờ có lẽ đã chai tê, khi hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất khuya 29, rạng sáng 30.3.
Sông Tranh có cái hay là không cần phải các Thạc sĩ - Tiến sĩ Dự báo, chính người dân biết trước lâu lâu lại có động đất, bởi, chẳng có gì khó hiểu.

Đó là thứ động đất nhân tạo...
***
Nhan đề bài viết do TreLang đặt, không phải nguyên bản của tác giả. 

Nguồn: Đào Tuấn

24 nhận xét:

  1. Việc dự báo thời tiết là rất quan trọng để giúp người dân biết trước được tình thế để có thể hạn chế các đợt thiên tai gây ra, do đó không thể chủ quan, coi nhẹ việc dự báo thời tiết được.

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả bài viết cũng có phần không đúng lắm. Ngay như nhật bản với công nghệ , trình độ hơn hẳn việt nam mà sóng thần, động đất cũng có dự đoán được đâu dẫn đến hậu quả thực sự là nghiêm trọng. Cái gì cũng phải có cái sai chứ làm sao mà hoàn thiện được, vậy với gọi là dự báo thời tiết, nếu chính xác thì gọi là báo thời tiết đi chứ cần gì phải thêm câu dự báo vào nữa cho mệt

    Trả lờiXóa
  3. Dự báo thời tiết của chúng ta chỉ mang tính chất tương đối,không thể chính xác tuyệt đối được.Nhưng ít ra có mưa đá thì phải cảnh báo bà con trước để chuẩn bị những phương án xấu nhất có thể.

    Trả lờiXóa
  4. Nói gì thì nói nhưng mà dự báo thì cũng phải chính xác hơn tí chứ ko chỉ khổ người dân ở những nơi địa bàn bị ảnh hưởng nhiều thời tiết

    Trả lờiXóa
  5. đúng vậy việc dư báo thời tiết chứ có phải báo thời tiết đâu. nhưng nhà nước ta cung cấp cho trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia toàn hàng đầu về công nghệ và kĩ thuật. việc dự báo để người dân việt nam biết được thời tiết mà chuẩn bị cho công việc và dự định trong công việc của mình tránh những thiên tai

    Trả lờiXóa
  6. Nếu mọi sự đều bình thường có lẽ người dân không cần các anh dự báo làm gì cả. Nếu các anh làm tốt, người dân đã không phải điêu đứng, khổ sở hứng chịu thiên tai một cách kém chủ động như thế. Các anh được cung cấp những thiết bị tốt nhất, những công nghệ hàng đầu nhất, chỉ để có nhiệm vụ báo cho dân được thông tin thời tiết chính xác, có như vậy thôi mà bao nhiêu lần các anh không làm được, nếu không làm được phải chăng các anh nên nhận lỗi về mình chứ đừng cho tất cả mọi chuyện là "bình thường" một cách bình thường như thế.

    Trả lờiXóa
  7. thật sự trong thời gian qua, cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, rất khó đoán biết được! cần phải đầu tư hơn nữa các trang thiết bị hiện đại để có thể dự báo chính xác vấn đề thời tiết trong thời gian tới đảm bảo hoạt động cho người dân!

    Trả lờiXóa
  8. Mình thấy trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cần cập nhật ngay phương pháp dự báo tiên tiến của Nhật vì dạo này hay làm gia cát dự quá

    Trả lờiXóa
  9. thế mới chỉ là dự báo, trang thiết bị của nước ta còn kém các nước khác, các trung tâm đã cố gắng hết sức rồi m.n ạ

    Trả lờiXóa
  10. Nhưng mà người dân nói chung là rất khổ, mong trung tâm dự báo thật chính xã để cho nhân dân còn biết đường có phương án đề phòng.

    Trả lờiXóa
  11. Mong là nghành này sẽ được đầu tư hơn, phải dự báo chính xác thì người dân mới đỡ khổ

    Trả lờiXóa
  12. Dự báo thời tiết chỉ mang tính chất tham khảo, không thể chắc ăn 100% được, cũng do tình hình nước ta còn khó khăn, đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho ngành này cũng chưa nhiều, phải thông cảm cho họ

    Trả lờiXóa
  13. Còn nhớ năm 2009 hay 2010 gì đó, dự báo thời tiết sai làm cho ngư dân tránh bão xa bờ ai ngờ tránh đúng tâm bão. Một phần là do cơn bão, nhưng một phần cũng là do dự báo sai. Hi vọng không xảy ra điều tương tự

    Trả lờiXóa
  14. Thời tiết càng ngày càng khó lường. Thế thì người ta mới gọi là "dự báo" chứ, có ai dám chắc chắn cái gì đâu. Dự báo sai là chuyện bình thường, tuy nhiên sai nhiều quá thì khó có thể chấp nhận được, dự báo cũng phải thế nào cho người ta còn biết đường, đề phòng tình huống xấu nhất, chứ cứ dự cho xong thì... thương lắm!!!

    Trả lờiXóa
  15. Nếu công việc dự báo thời tiết là chính xác, người dân sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt và lao động , làm việc, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tránh được những rủi rỏ , hậu quả có thể dự đoán được trước

    Trả lờiXóa
  16. Làm việc trong nghề dự báo thời tiết đòi hỏi không chỉ phải có trình độ, kiến thức cao, còn cần phải có kinh nghiệm, trách nhiệm với công việc của mình. Cộng thêm với nhưng trang thiết bị công nghệ hiện đại được trang bị, hi vọng việc dự báo thời tiết sẽ chính xác hơn

    Trả lờiXóa
  17. NHìn những tấm ảnh hậu quả thiên tai để lai thật sự thấy đau lòng, thiệt hại gây ra là rất lớn cả về người và của, nếu như việc dự đoàn thời tiết chính xác hơn, có thể chúng ta sẽ tránh được, hay ít nhất hậu quả gây ra cũng không nặng đến vậy

    Trả lờiXóa
  18. Đúng, nắng mà là chuyện của trời , ai mà cản được, nhưng có thể dự đoán được trước mà . Cha ông ta ngày xưa cũng đã có thể dự đoán được trước thời tiết rồi, còn để lại bao nhiêu bài học đấy thôi. Ngày nay với công nghệ và thiết bị hiện đâị, không phải việc đó càng dễ dàng sao

    Trả lờiXóa
  19. Làm việc cần có trách nhiệm với công việc của mình nhé, nếu cảm thấy không đủ năng lực thì nên để người khác làm, đừng vì lợi ích cá nhân mà gây ảnh hưởng đến người khác. Đó còn là đạo đức nghề nghiệp nữa

    Trả lờiXóa
  20. Nắng mưa là chuyện của trời, con người làm sao mà biết trước được hết, dù thiết bị hiện đại đến đâu thì cũng không thể lường trước được, mình tự lo cho mình trước vẫn hơn.

    Trả lờiXóa
  21. Dự báo thời tiết không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm mà còn đòi hỏi cả kỹ thuật công nghệ. Chúng ta không thể ép buốc 1 con người làm gì mà mình muốn được.
    Tuy nhìn qua thiệt hại nếu dự báo sai là khá lớn nhưng chúng ta chỉ có cách mong chờ sự đổi mới về chất lượng của đài báo mà thôi

    Trả lờiXóa
  22. Với sự nóng dần lên của trái đất thì việc thời tiết càng diễn biến phức tạp hơn. Cơ quan chức năng dự báo thời tiết cũng chỉ đúng khoảng 60-70(%) mà thôi. Cũng cái khó là sự diễn biến phức tạp của thời tiết ở bản tin dự báo 3 ngày tới là khả năng đúng ở mức bình thường chấp nhận được.

    Trả lờiXóa
  23. Không trách 1 phía được. Muốn chất lượng dự báo tốt hơn cần cho cán bộ nhân viên thực hiện đi thức tế nhiều, mở thêm các lớp đào tạo.

    Trả lờiXóa
  24. Làm công việc này cũng khổ lắm chứ có phải ăn không ngồi dồi đâu mà mọi người chê trách nhiều thế nhỉ. Ở Thành Phố thì không sao, những người theo dõi khí tượng ở những nơi vùng xâu vùng xa phải canh giác báo cáo hết sức cẩn mật đó thôi. VỚi lại máy moc của chúng ta đâu phải là hoàn hảo, vẫn có sai số mà.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog