Chia sẻ

Tre Làng

TRÁCH NHIỆM CÔNG BỘC

Ngay sau phiên toà xét xử vụ án "Giết người; Chống người thi hành công vụ” dư luận tiếp tục theo dõi xét xử vụ án "Hủy hoại tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu nghiêm trọng”, đều xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Các bị cáo trong vụ trước đó là những dân thường, vụ sau là những cán bộ có chức, có quyền. Cả dân, cả "quan” đều vi phạm pháp luật, xuất phát từ một vụ việc diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua: Cưỡng chế thu hồi đất. Tất cả họ trước đó, có lẽ đã không ngờ lại bị dẫn đến vòng lao lý, với những phiên toà lẽ ra đều không đáng có này.

Sau sự việc, những người trong cuộc, kể cả ngoài cuộc đều phải suy ngẫm về việc hành xử, và trách nhiệm của mình. Với những người liên quan, vì phạm tội, họ đã phải chịu hình phạt. Dù những mức án nặng nhẹ thế nào, và tới đây đến phiên toà phúc thẩm có tăng giảm bao nhiêu, với đôi bên, và dư luận có lẽ đã không còn quan trọng. Dư luận và xã hội không ai muốn những người dân từng say mê lao động sản xuất, hy sinh, sáng tạo, quên mình lại phải chịu hình phạt nhiều năm tù giam. Cũng không ai vui khi cả một tập thể cán bộ, lãnh đạo đường đường đi thực thi công vụ, làm nhiệm vụ của xã hội giao cũng lại vi phạm pháp luật, chịu hình phạt. Thực tế cả người bị hại, cả dân, cả "quan” trước Toà đều đã có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho nhau. Tuy nhiên, pháp luật là pháp luật, không thể từ những vụ việc cá biệt mà thay đổi, ngoại lệ, trong khi thực tế đã hết mực khoan hồng, hạ dưới mức khung quy định. 

Xung quanh vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng, đã có biết bao vấn đề đặt ra, đã có biết bao bài báo phân tích, mổ xẻ vấn đề. Từ ý thức của người dân, của cán bộ chính quyền, trách nhiệm của mỗi người cho đến những bất cập trong chính sách, pháp luật. Ngay cả những việc nhỏ việc như ứng xử, quan hệ giữa cán bộ với dân, hành xử trong công việc, hay công tác dân vận cũng đã rất đáng bàn. Và đối tượng đáng suy ngẫm, phải suy xét về trách nhiệm, gánh trách nhiệm trước hết vẫn phải là những cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền.

Với người dân có thể do thiếu hiểu biết, do nông nổi, đặc biệt do bị o ép, đẩy vào đường cùng, họ phản kháng, họ vi phạm đã là điều đáng trách. Nhưng đáng trách hơn chính là những cán bộ có hiểu biết, được dân tin, giao trọng trách, là công bộc của dân. Từ Tiên Lãng, rất nhiều những bài học đắt giá đã được rút ra cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh- Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phải là một phương châm từ trong việc hoạch định chính sách, cho đến mỗi hành vi ứng xử, thực hiện của cán bộ, đảng viên, của những người có trách nhiệm. Dù cho ở bất cứ cấp nào, cương vị nào, người cán bộ phải thực sự là công bộc, là "đày tớ của nhân dân”. Nhà nước của ta là Nhà nước của nhân dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Mỗi cán bộ, mỗi vị trí lãnh đạo có được đều từ người dân tin yêu, gửi gắm qua lá phiếu bầu, được dân trao quyền, giao trách nhiệm.Yêu cầu người cán bộ phải gần dân, yêu thương dân. Còn một người dân đau khổ, nghèo đói thì trách nhiệm của chính quyền, của người lãnh đạo chưa tròn, trách nhiệm của xã hội chưa xong. Tiếc rằng không chỉ một số cán bộ ở Tiên Lãng liên quan trong vụ việc này, nhiều cán bộ ở nhiều nơi đã quên đi điều ấy, lại dùng chính cái quyền dân trao để rồi o ép, coi thường, quan liêu, dùng sức mạnh để trấn áp dân, thậm chí dùng thủ đoạn bóc lột, vơ vét cho đầy túi tham của mình.

Lâu nay, căn bệnh vô cảm hình như đã ngấm sâu vào nhiều vị cán bộ, những người được giao trách nhiệm. Dửng dưng trước đau khổ, oan trái của dân. Rất nhiều người dân lếch thếch cơm đùm, cơm gói khiếu kiện khắp nơi nhưng đơn từ lại bị đùn đẩy, chuyển vòng vo. Mấy ai, kể cả những người gần dân nhất từ cơ sở ngồi lắng nghe, thấu hiểu những lời tâm sự, phản ánh những oan trái của những người bị coi là cùng khổ kia. Vụ khiếu kiện của gia đình ông Vươn cũng như nhiều gia đình khác, đành rằng có những bất cập về chính sách, nhưng nếu được lắng nghe, giải quyết rốt ráo, sự việc rất có thể đã được giải quyết ngay tận gốc. Để rồi, nơi này, nơi kia, việc này, việc kia, người ta vẫn cứ làm, cứ thực hiện như cái máy vô tri mà không chợt dừng lại tự hỏi: Tại sao, vì sao? Mỗi cán bộ hãy đôi lúc thử đặt mình vào vị trí của người dân để rồi suy xét, để tìm ra những giải pháp có tình, có lý, nhất là phải dựa trên nguyên tắc: có lợi cho dân. Như cả 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo huyện Tiên Lãng than, họ đâu có động cơ vụ lợi, hay mâu thuẫn gì với gia đình Đoàn Văn Vươn? Vậy nhưng họ vẫn cứ làm, cứ "huỷ hoại tài sản” của gia đình ông Vươn, Quý... Giá như họ biết "đau lòng” sớm hơn, như chính bị cáo Hiền "đau lòng” khi thấy các thuộc cấp của mình cùng phải đứng trước Toà. Càng đau lòng hơn khi họ, lại đều là những người được đào tạo, trải qua nhiều môi trường công tác, hết lòng với công việc...Đây quả là một sự đau lòng thực sự của xã hội, của Đảng, nhân dân.

Hơn một năm qua, sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng, Đảng và Nhà nước đã thực sự xem xét lại tổng thể mọi vấn đề liên quan của xã hội, đất nước, nhất là liên quan đến quyền lợi của người dân. Từ việc Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các cấp, các ngành rà soát lại nhiều lĩnh vực, nhất là việc thực thi các chính sách về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo...cho đến việc bắt tay vào hoàn thiện hệ thống pháp luật. Toàn dân ta đã và đang tập trung sức lực trí tuệ, tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với mong muốn xây dựng bản Hiến pháp mới cho thời kỳ hội nhập, phát triển, một bản Hiến pháp của một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, việc tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là sửa đổi Luật Đất đai, khắc phục những bất cập như từ vụ Tiên Lãng đặt ra đều đang là những việc cấp bách phải làm. Đặc biệt với việc tích cực triển khai, thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về những vấn đề cấp thiết trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ... yêu cầu mỗi đơn vị, mỗi cán bộ - công bộc của dân - phải thực sự suy xét, kiểm điểm và phải làm, phải thực hiện rốt ráo vai trò trách nhiệm của mình, mới mong thực sự hạn chế, tồn tại như những gì đặt ra từ vụ Tiên Lãng.
Kiên Long

8 nhận xét:

  1. Nặc danh13:35 11/4/13

    bài này nghe còn được được một chút,có tiến bộ đấy!

    Trả lờiXóa
  2. trong vụ án này cả hai bên, dân và người thực thi pháp luật đều bị pháp luật trừng phạt. Xét cho cùng thì cả người trong và ngoài cuộc đều phải có sũy nghĩ về vụ việc. dù thế nào thì họ cũng phải chấp nhận vì pháp luật là pháp luật và đó là lời răn đe cho mọi người.

    Trả lờiXóa
  3. Không phải là từ vụ án ông Vươn mà chúng ta mới thấy 1 bộ phận cán bộ vô cảm, thờ ơ với người dân. Cần phải nhìn nhận đánh giá lại việc này. Là người cán bộ là công bộc của người dân là đi đầu gương mẫu, lo cho cuộc sống người dân. Hiện nay số không ít cán bộ ngày xa dời cuộc sống người dân. Chúng ta nhìn nhận vào sự thật, rút ra bài học sửa chữa sai lầm. để người lấy lại niềm tin của người dân

    Trả lờiXóa
  4. Là quan ăn lương của nhà nước làm việc cho nhân dân thì phải biết rõ luật định thế nào là đúng là sai để còn hành xử cho đúng. Đằng này các ông làm ăn quá tắc trách để xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây mất uy tín của nhà nước thì đúng là quá đáng trách!

    Trả lờiXóa
  5. Tháng 10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: "Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người "anh cả" trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy... Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân phải tránh"…

    Trả lờiXóa
  6. pháp luật công bằng mà, ai có tội thì dù là dân hay là quan cũng phải chịu hình phạt như nhau, không thể lấp liếm che giấu cho nhau được. Như vậy thì dân tình mới có thể nể phục và có niềm tin vào chế độ này được.

    Trả lờiXóa
  7. Bài học răn đe cho các quan đối xử với dân cho hợp tình hợp lý.

    Trả lờiXóa
  8. Theo tôi dân làm sai bị phạt đúng theo pháp luật là đúng rồi. Còn quan là người thi hành luật pháp mà cũng làm sai thì phải phạt nặng hơn để cho một số kẻ đừng có thói cậy quyền mà cố tình làm sai.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog