Chia sẻ

Tre Làng

CHUYỆN TỌA ĐÀM ĐÀN XÃ TẮC - NÓNG MẶT ...BỎ VỀ

Hòn đá "ghi dấu mốc" Đàn Xã Tắc
Đại biểu vừa ngắt lời, nhận tiếng ồ và tràng pháo tay vang rền phía dưới, còn ông thì đi thẳng ra cửa, bỏ về.

Tọa đàm “Đàn Xã Tắc có đáng được bảo vệ không” diễn ra sáng 8/5, tại Hà Nội, có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học từng có những phát ngôn về “Đàn Xã Tắc” trên báo chí thời gian qua.

Lý do tổ chức của cuộc tọa đàm bắt nguồn từ phát biểu của ông Nguyễn Văn Hảo, người từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học:“Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc”. Ngay sau đó, người phụ trách khai quật khảo cổ học di tích này năm 2006, TS Nguyễn Hồng Kiên phản pháo: “Phát biểu sai của ông Hảo hẳn đã khiến không ít người nghĩ chúng tôi làm ăn bậy bạ”.

Cuộc tọa đàm sáng nay mục đích để các bên “ba mặt một lời” tranh luận trực tiếp, có gì nói thẳng với nhau.

“Còn cái Đàn bỏ nốt thì tôi cũng chịu”

Cuộc tọa đàm bắt đầu lúc 9h sáng, nhưng mới hơn 8h, hội trường tại Không gian cà phê Trung Nguyên (đường Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở nên nhốn nháo vì hết chỗ ngồi. 

Người thuyết trình chính, TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên nhắc lại quá trình ông phụ trách khảo cổ Di tích Đàn Xã Tắc và khẳng định cần phải bảo tồn. 

Nhà nghiên cứu Bùi Thiết nhận mình là người 30 năm nay luôn chiến đấu vì sự bảo tồn, nâng cấp di sản Thăng Long, đồng thời chống lại sự bịa đặt những di sản cho Thăng Long một cách không có chứng cớ. 

Ông Thiết cho rằng, không cần bàn cãi về di tích Đàn Xã Tắc. Lý do: “Các cụ xưa không thể nói ngoa chuyện ấy được, không ai bịa đặt chuyện thần thánh. Tôi không ngờ ông Nguyễn Văn Hảo là giáo sư lại phủ nhận ghi chép của lịch sử”. 

Ông Thiết đề nghị bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc, bởi: “Bây giờ chúng ta chưa có điều kiện làm, sau này con cháu chúng ta sẽ làm to hơn. Không có gì giết chết Đàn Xã Tắc nhanh hơn là xây cầu vượt”.

Sau lời phát biểu, gần nửa hội trường đứng dậy vỗ tay ủng hộ ý kiến của ông Thiết. Không khí hội trường “nóng” rừng rực khi bên dưới hàng loạt cánh tay giơ lên. Một số đại biểu rời vị trí lên đứng phía hàng ghế đầu cho tiện theo dõi và giơ tay phát biểu.

Nhà nghiên cứu Bùi Thiết. Ảnh Hòa Anh (Khampha.vn)
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Đoàn Đức Thành cho rằng cuộc tọa đàm này quá nhiều nhà khoa học mà thiếu “nhà giao thông”. Ông mong ước, có nhà hoạch định giao thông tại đây để nghe ý kiến từ các nhà khoa học. 

Ông Thành hăng hái đưa ra những luận điểm chứng minh cho ý kiến của ông, cần bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc. Ông Thành khẳng định, việc tìm được ra Đàn Xã Tắc như vậy là hết sức quý báu đối với người dân Thủ đô. Nên khoanh vùng bảo vệ Đàn Xã Tắc đến cùng. Không thiếu phương án kiến trúc, giải pháp cho giao thông qua khu vực Ô Chợ Dừa, chỉ có những ai “có vấn đề” mới xây cầu qua đây. 

Câu khẳng định chắc như đinh đóng cột của ông Thành nhận được sự cổ vũ nhiệt thành của các đại biểu tham dự phía dưới. Ngày càng có nhiều đại biểu muốn phát biểu và tràn lên hàng đứng ở hàng ghế đầu. Thậm chí, đang giữa buổi họp, một đại biểu ở phía dưới đứng dậy, đề nghị các đại biểu phía trên ngồi xuống, để anh em phía dưới có theo dõi. 

PGS. TS Nguyễn Khắc Lợi tự nhận mình là nhà khoa học về văn bia nên ông chỉ thông tin một số ý kiến về văn bia. Vị PGS này cho rằng, tại khu vực Ô Chợ Dừa này có đình Đông Tác và văn bia ở Đình này thế kỷ 17 là biểu trưng của Thăng Long Hà Nội. 

“Nhưng giờ nó là trụ sở công an Phường Ô Chợ Dừa. Còn tấm bia đang lăn lóc ở làng khác. Khu vực ấy thời Lê – Trịnh có Đàn Xã Tắc, Đình Đông Tác quá đẹp nhưng chúng ta bỏ Đình, giờ còn cái Đàn Xã Tắc bỏ nốt thì tôi cũng xin chịu”.

“Vồ trượt” Đàn Xã Tắc?

Càng lúc, buổi tọa đàm càng sôi nổi, những cánh tay tiếp tục giơ lên chờ phát biểu. Ban tổ chức liên tiếp ngắt lời các đại biểu và ra quy chế tại chỗ “phát biểu đúng trọng tâm và hạn thời gian không quá 5 phút”.

Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA - TS. Vũ Thế Khanh lên phát biểu về các tiêu chí của Đàn Xã Tắc. Ông Khanh đọc tham luận quá dài, và “được” một tràng pháo tay cùng tiếng la ó mời xuống khiến ông bối rối. Ông xin mọi người nghe thêm một chút và tiếp tục đọc, nhưng vẫn bị vỗ tay. Ông lại tiếp tục đọc. Và lại bị vỗ tay. 

Ban tổ chức đề nghị ông đi thẳng vào phần kết luận. Ông Khanh nổi nóng: “Nếu các bác muốn tôi phát biểu có nên xây cầu vượt quan đó hay không, tôi phát biểu tiếp, nếu không tôi không phát biểu nữa”. 

Ban tổ chức xuống nước hỏi lại, vậy theo bác có nên xây hay không? Ông Khanh còn chưa kịp nói, ban tổ chức đã mời đại biểu khác lên phát biểu. Dưới hàng ghế đầu, vị đại biểu kia đã sẵn sàng.

Ông Khanh cố nói trong tiếng ồn ào: “Chúng ta đưa Đàn Xã Tắc lên cao, làm cầu và dùng nghệ thuật kiến trúc và khoa học hiện đại đưa Đàn Xã Tắc lên cao và làm cầu vượt đi qua”, ông Khanh nói câu cuối rồi đi thẳng ra cửa, bỏ về. 

Mặc dù chưa được BTC mời, nhưng do hết kiên nhẫn chờ đợi, ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học – người từng có phát ngôn Hà Nội chưa từng tìm ra Đàn Xã Tắc lên phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó viện trưởng
Viện Khảo cổ học, người từng có phát ngôn Hà Nội chưa từng tìm ra Đàn Xã Tắc
Theo ông Hảo việc bảo vệ di tích có nhiều biện pháp khác nhau, điều đó tùy thuộc từng loại di tích, thực trạng di tích mà chúng ta có biện pháp thích hợp. Dù những năm trước các nhà khảo cổ đã khai quật hơn 900m2 để tìm Đàn Xã Tắc và nhiều chuyên gia cho biết đã tìm được dấu tích của nó ở đây. 

Tuy nhiên, theo ông Hảo cuộc khai quật ở đây có thể nói là đã “vồ trượt” Đàn Xã Tắc. “Đến nay, Đàn Xã Tắc vẫn giữ nguyên là một ẩn tích không biết đến bao giờ mới tìm được. Nếu có tìm ra thì hình hài cũng đã bị phá hủy nặng nề”.

Trong khi đa số ý kiến đòi bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc, ý kiến của ông Hảo có vẻ không được sự đồng tình của ban tổ chức, nhưng bên dưới vẫn có những tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ. Trong lúc ban tổ chức loay hoay tìm lời đáp lại ông thì ông đã lặng lẽ ra về. Có tiếng hỏi: “Bác ra ngoài giải lao à?”, ông Hảo trả lời: “Về thôi chứ còn ở lại mà nghe cái quái gì nữa”.

Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội được một số tờ báo phong chức “Đại sứ giao thông” với đề xuất ưu tiên giao thông, di tích là quá khứ không có gì đáng để phải luyến tiếc... Tại tọa đàm, ông Liên cho rằng, các nhà khoa học khi phát biểu ra ngôn luận đừng có "dọa dân". Ví dụ như nói: Mất Đàn Xã Tắc là mất dân, mất nước; ngồi lên đầu tổ tiên.

Ông Liên nói: “Người dân làm nhà cao tầng cũng gọi là ngồi lên đầu tổ tiên à? Máy bay trên trời cũng là đi trên đầu tổ tiên, hay thành lập vùng cấm bay qua Hà Nội đi”. Ông Liên kết luận, hãy dừng tranh luận, vì có nói nữa cũng không đi đến đâu. 

Kết thức tọa đàm, BTC kết luận: “Buổi tọa đàm hôm nay chỉ kể lại câu chuyện về việc khai quật Đàn Xã Tắc trước đây. BTC không đưa ra kết luận gì, qua các ý kiến tại đây, tự mỗi người dự có kết luận của riêng mình”.
Đáp lại ý kiến của ông Vũ Thế Khanh, Đại diện BTC, TS Nguyễn Hồng Kiên nói: Tôi nói thêm, khi tôi khai quật ở Đàn Xã Tắc, UBND Hà Nội nói với tôi làm nhanh lên để sang đào Đàn Nam Giao chỗ tòa nhà Vin Com (đường Bà Triệu). Anh em bên Vin Com nói với tôi: Anh đào gì thì đào, để cho em làm thêm hai cái tháp nữa, bên cạnh hai tháp đã làm rồi. Sau này trên đỉnh bốn cái tháp em làm cho bác một cái đàn Nam Giao trên đó. Đàn tế trời, càng gần trời càng tốt.



Dương Tùng

12 nhận xét:

  1. Đọc bài này có vẻ như có những người không tôn trọng những cái di sản văn hóa của ông cha để lại. Nói hơi quá nhưng như thế chẳng khác nào các bác quên mất nguồi cội, quên mất chính tổ tiên mình. Theo tôi được biết có nhiều di sản văn hóa thế giới của các nước Pháp lấy về nước mình mà họ còn gìn giữ như chính di sản văn hóa của ông cha họ. BUỒN.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có Đàn Xã Tắc tại đó thật thì nên giữ gìn và khôi phục. Dù là tường thuật lại buổi tọa đàm những có cảm giác như tác giả viết bài này cũng không coi trọng việc giữ gìn các di tích lịch sử. Dẫu sao đấy là minh chứng cho nền văn hóa của các thời đại, giữ gìn thì càng làm tăng các giá trị văn hóa của Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi ông một phách chẳng ai chịu nghe ai cả. Đúng là bảo tồn đàn Xã Tắc là cần thiết nhưng việc xây cầu vượt cũng rất chính đáng. Nếu các nhà khảo cổ khăng khăng là tìm ra được đàn Xã Tắc rồi thì hãy định vị cụ thể để ban thi công dự án cầu vượt có thể tiến hành xây dựng ra chỗ khác để không ảnh hưởng gì hết. Cứ làm căng lên rồi chẳng giải quyết thì phí công vô ích

    Trả lờiXóa
  4. Chán thế, hội thảo với chả tọa đàm. Ông nào cũng cho ý mình là nhất chẳng chịu nhường nhịn ai cả. Lại còn bỏ về giữa chừng nữa chứ, chẳng coi mọi người ra cái thể thống gì cả. Nếu các ông không tìm ra được biện pháp cụ thể thì các ông cứ xin từ chức đi để người khác có tài trí lên thay

    Trả lờiXóa
  5. Đùm má nhà chúng nó, đàn xã tắc là một di tích lịch sử thật, nhưng con người ta sống là phải hướng về tương lai chứ không phải tắc đường ở xã đàn rồi đứng với nhau chém gió về đàn xã tắc đâu nha. Đàn xã tắc, tắc xã đàn. Nói thật nhiều người không có lập trường, chả có suy nghĩ cái con mẹ gì sất, chỉ chạy theo mấy lời nói của mấy ông giáo sư hày tiến sỹ "Cổ học " nào đó, coi đó là đúng. Cái loai ba phải. Xây cầu mà đi thì không muốn, lại muốn tắc đường ngắm nhì một đàn xã tắc chả biết nó đang ỏ chỗ đéo nào cả

    Trả lờiXóa
  6. Theo mình thì không nên đụng chạm đến đàn Xã Tắc, bởi vì nó là một công trình kiến trúc lịch sử, nó là một di tích lịch sử nên chúng ta cần tìm biện pháp khác thích hợp hơn để xây dựng các công trình giao thông phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước!

    Trả lờiXóa
  7. Di sản với chả bảo tồn, mẹ cái đàn xã tắc có thấy nó ở chỗ đéo nào đâu, đào bới tung lên cũng chả thấy hình ngang mũi dọc nó thế nào, mà có đào được nó lên thì cũng làm gì, xây một cái bảo tàng để chứa nó thay cho cây cầu giảm ùn tắc giao thông ah, chả hiểu mấy cha suy nghĩ kiểu gì, Giả sử đàn xã tắc nó nằm trong nhà dân liệu mấy bố có bắt người dân di dời, đào nhà, phá tường đi để tìm lại nó không.

    Trả lờiXóa
  8. Di sản với chả bảo tồn, mẹ cái đàn xã tắc có thấy nó ở chỗ đéo nào đâu, đào bới tung lên cũng chả thấy hình ngang mũi dọc nó thế nào, mà có đào được nó lên thì cũng làm gì, xây một cái bảo tàng để chứa nó thay cho cây cầu giảm ùn tắc giao thông ah, chả hiểu mấy cha suy nghĩ kiểu gì, Giả sử đàn xã tắc nó nằm trong nhà dân liệu mấy bố có bắt người dân di dời, đào nhà, phá tường đi để tìm lại nó không.

    Trả lờiXóa
  9. Theo quan điểm của tôi những gì là di sản, thể hiện một quá trình lâu dài phát triển của đất nước nếu giữ được thì nên giữ, bởi mới thì có thể xây nhưng đồ cổ thì không thể làm mới được... Nhưng việc xây dựng cầu vượt nếu cảm thấy thực sự cần thiết, không còn biện pháp khác nữa thì lịch sử hi sinh vì tương lai cũng là điều nên làm.

    Trả lờiXóa
  10. Đọc từ đầu tới cuối bài viết này của tác giả nói về buổi tranh luận sôi nổi về đàn xã tắc tôi thấy , việc tìm có được hay không đàn xã tắc còn phải là một vấn đề lớn , cần phải nghiên cứu và khám phá , trong khi vấn đề giao thông thì cũng quan trọng không kém , để nói giữa giao thông và di tích lịch sử thiêng liêng thì tất nhiên lịch sử sẽ quan trọng hơn , vì thế mà các nhà khoa học cùng các nhà nghiên cứu lịch sử cần nhanh chóng có những xác minh và có bằng chứng thực tế để có thể giải quyết được mọi vấn đề vướng mắc gặp phải hiện nay.

    Trả lờiXóa
  11. Đàn xã tắc là một di tích lịch sử văn hóa thiêng liêng của Hà Nội , thành phố ngàn năm , việc chúng ta có nên xây cầu vượt hay không thì tôi nghĩ còn phải bàn thêm nữa , cần có một giải pháp hợp lí sao cho thuận cả đôi đường ,sao cho vẫn giữ được những di tích lịch sử lại vừa có biện pháp làm giảm ùn tắc giao thông là một điều cần phải làm ngay từ bây giờ , nếu được như vậy thì quả là không có gì tuyệt vời hơn.

    Trả lờiXóa
  12. Tôi thấy có những đoạn đường chẳng vào chỗ di tích lịch sử ấy vậy mà các bố nhà mình còn nắn nó theo ý cá nhân được. Huống hồ cái di tích lịch sử thiêng liêng vậy mà họ không có cách khắc phục sao. Còn cuộc tọa đàm về Đàn Xã Tắc thì chẳng khác gì trẻ con. Nói không ai nghe rồi đứng dậy bỏ về. Toàn các nhà khoa học, nhà lãnh đạo mà còn cư xử như trẻ con trách sao xã hội không lộn xộn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog