Chia sẻ

Tre Làng

QUAN CHỌN HAY MÁY CHỌN?

(PetroTimes) - Với cung cách vận hành như hiện nay, với các boong-ke ệ, liệu có thể tin vào kết quả thực hiện thi tuyển bằng phương pháp trắc nghiệm ở 100% cơ quan trung ương và 70% cơ quan địa phương vào năm 2015 hay không, khi quỹ thời gian không nhiều, phần mềm chưa hoàn chỉnh.

Để minh bạch trong việc tuyển chọn công chức, người ta đã thí điểm thi tuyển dụng công chức đầu tiên bằng phương thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Theo đó, máy tính tự ra đề, tự chấm điểm cho thí sinh. Thông tin này không cho biết cụ thể kết quả tuyển chọn như thế nào, nhưng các chuyên gia công nghệ thông tin hào hứng đánh giá đây chính là một giải pháp để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong thi công chức, cũng như khắc phục tình trạng chạy công chức hiện nay.

Tuy nhiên, thi tuyển công chức không phải là thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức đã học để lựa chọn phương án trả lời đúng. Ai cũng biết, để tuyển chọn công chức đáp ứng yêu cầu công việc, bên cạnh kiến thức chuyên môn nghiệp vụ còn có những yêu cầu khác mà máy không thể thay người.

Máy nào quan sát nhân tướng học để bác bỏ kinh nghiệm dân gian trong câu: “Những người ti hí mắt lươn/ Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người”. Máy tính làm sao đánh giá người “ngũ đoản” có thể lập nên sự nghiệp lớn như Napoleon, Đặng Tiểu Bình? Có thể dẫn ra vô vàn ví dụ để khẳng định máy không thể thay thế con người để nhận xét, đánh giá và kể cả chấm điểm thí sinh.


Mới đây, khi Quảng Ninh thi tuyển giám đốc Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một phó giám đốc cấp sở đã không dùng phương pháp trắc nghiệm. Lý do chắc hẳn không phải do Quảng Ninh không biết công nghệ mà rất đơn giản, máy tính không thể đối thoại để trả lời chất vấn, để trình bày và bảo vệ mục tiêu, phương án hành động của ứng viên.

Thi tuyển công chức bằng máy sẽ đụng vào một trong những vần “ệ” đang được vận dụng phổ biến hiện nay. Mô hình vần “ệ” (nghe không được thanh cảnh, sang trọng) với 6 chữ “ệ” đó là: tiền tệ, quan hệ, tộc hệ, đồ đệ, công nghệ và trí tuệ đang vận hành ở nhiều cơ quan các cấp.

Trong mô hình này,“tiền tệ” được đôn lên vị trí đầu bảng và liền sau đó là quan hệ, tộc hệ đấy thôi. Câu nói được quy cho Năm Cam, trùm xã hội đen có những cái không mua được bằng tiền, nhưng sẽ mua được bằng “rất nhiều tiền”, trở thành hiện thực trong các ệ này. Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu việc bôi mà không trơn hẳn là do không đủ trơn hoặc không có quan hệ nên không nhận tiền thành hỏng việc.

Phân tích các khía cạnh khác trong công tác cán bộ thường thì khi cất nhắc, bao giờ người ta cũng ưu tiên cho người thân, họ hàng tộc hệ. Tiếp sau đó là đồ đệ, công nghệ và cuối cùng thật đáng buồn mới là trí tuệ.

Hiện nay, phương thức thi trắc nghiệm trên máy tính có xu hướng bị lạm dụng nên khi thi ngoại ngữ, đã có thí sinh đỗ trắc nghiệm cao nhưng vẫn câm - điếc - què vì không nói, không nghe, không viết được ngoại ngữ. Nói vậy để thấy trắc nghiệm không phải là bảo bối vạn năng.

Vì vậy, vẫn đang trăn trở về tình trạng chạy chức, chạy quyền, thậm chí nhiều người đã ví von, gọi đó là căn bệnh mãn tính của xã hội, liệu có thể chống bằng máy tính được không? Đưa máy vào thay người trong công tác tuyển chọn công chức chắc sẽ bị cản trở bởi những người đang khư khư nắm giữ các chữ ệ.

Được biết, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, ngày 18/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, theo mục tiêu chung là xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả, với 8 mục tiêu cụ thể, liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc cải cách chế độ công vụ, công chức. Trong số 8 mục tiêu này, có mục tiêu đến năm 2015, 100% các cơ quan ở Trung ương, 70% các cơ quan ở địa phương ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức. Đây có thể coi là một trong những “liều thuốc” cho tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương để tổ chức thực hiện đề án với mong muốn xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định đây là việc lớn, việc khó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, mong muốn có sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương, sự hưởng ứng của nhân dân để đảm bảo sự nghiệp cải cách chế độ công vụ, công chức được thành công tốt đẹp.

Tuy nhiên, với cung cách vận hành như hiện nay, với các boong-ke ệ, liệu có thể tin vào kết quả thực hiện thi tuyển bằng phương pháp trắc nghiệm ở 100% cơ quan trung ương và 70% cơ quan địa phương vào năm 2015 hay không, khi quỹ thời gian không nhiều, phần mềm chưa hoàn chỉnh.

Xin được hiến kế, Bộ Nội vụ cần vận dụng Nghị quyết IV của Trung ương về xây dựng Đảng hiện nay, trước hết hãy “trắc nghiệm” đội ngũ cán bộ nhân sự, tổ chức trong hệ thống chính trị trước khi “trắc nghiệm” thí sinh. Bác Hồ từng dạy rằng, cán bộ nào phong trào ấy, cán bộ tổ chức quang minh thì tuyển sinh chắc chắn sẽ minh bạch.

V.T

11 nhận xét:

  1. Đáng buồn thay vì cơ chế tuyển chọn người lãnh đạo ở một số nơi trên đất nước ta. Làm kiểu gì thì cũng có kẽ lọt để cho các ông lọt kẽ mà thôi. Tiền có đi trước thì mới hi vọng có được chức danh chứ không có tiền thì cứ xếp gạch mà chờ dài nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Giờ muốn tuyển công chức vào cơ qua nhà nước thì cứ có cái đầu tiên đã ! nếu đầu tiên không giải quyết được thì rất nhiều cái đầu tiên sẽ giải quyết được ! thêm chút quan hệ các kiểu nữa thì chắc chắn 100% ! Nếu các nhà lập trình phần mềm thi tuyển thì có lẽ cần phải xét đến nhánh đầu tiên trước hết chứ còn các nhánh khác thì tạm lùi sau :)
    Một điều nữa là để máy chấm công bằng thì người lập trình cũng cần công bằng :))

    Trả lờiXóa
  3. Máy thì chỉ test được trình độ ! chứ khả năng giao tiếp khả năng nói ngoại hình khả năng sử lý tình huống thì máy giời test được ! bởi vậy không nên tìm những cách khác để thực hiện việc tuyển dụng ! cách làm thì vẫn như vậy chỉ cần thay đổi người chỉ đạo việc làm đó là xong :) Nói thẳng là mấy ông trưởng phải nhìn thấy tiền mà chán ! không có người anh em thân thích nào thì việc tuyển dụng công bằng sẽ được thiết lập :)

    Trả lờiXóa
  4. Máy chọn thì dễ 100% lắm ! người chọn mới khó chứ ! người chọn không những cần kiến thức mà còn cần tiền ! tiền xong còn cần quan hệ ! quan hệ chưa đủ cần cả uy hiếp nữa ý chứ ! nới tóm lại là máy không thể bằng người được ! Máy không thể giải quyết vấn đề tuyển nhân sự được ! vẫn phải dùng người và muốn tối ưu thì phải cần người như máy thì tuyển mới công bằng được :)

    Trả lờiXóa
  5. Cái Ệ kia đã leo lên ở những tầng cao nhất rồi, có những tầng đấy che chở thì tầng dưới cứ tự rưng chứ còn gì nữa. Điều cần thiết nhất bây giờ là làm sao để cho những cái ệ kia biến mất khỏi những vị trí chóp bu, như thế cơ sở mới hết ệ được.

    Trả lờiXóa
  6. thi công chức bằng cách thi trắc nghiệm do máy tính đưa ra. ý tưởng này có lẽ là tuyệt vời nhưng còn cách thực hiện, xây dựng hệ thống máy tính phầm mềm sử dụng vào công tác thi tuyển thì sao? thử nghiêm hả? 1 điều chúng ta thấy rằng việc lập ra kế hoạch rồi bỏ đắp chiếu cho kế hoạch, dự án. không chỉ thấy trong việc tổ chức thi tuyển công chức bằng cách chấm trắc nghiệm.

    Trả lờiXóa
  7. mình cũng đồng tình với quan điểm của tác giả. việc thi công chức đâu có thể giống như việc thi tốt nghiệp để đánh giá kiến thức học sinh. chúng ta đi học còn có điểm học tập và rèn luyện. thi công chức đánh giá được sự khách quan của con người không chỉ có những kiến thức chuyên môn mà còn có đạo đức, phẩm chất...

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là việc chấm thi và tổ chức thi công chức bằng máy 100% có thể giảm thiểu được tiêu cực trong công tác thi tuyển. Song có nhiều vấn đề mà máy không thể đánh giá thay con người được. Bên cạnh đó là vấn đề thời gian chuẩn bị không nhiều và các phần mềm quản lý còn chưa hoàn chỉnh. Do đó, việc đầu tiên phải làm như tác giả nói chính là kiểm tra những người chấm thi trước hơn là kiểm tra thí sinh.

    Trả lờiXóa
  9. Thi tuyển công chức. Nghe cũng quen quen vì tôi cũng đã từng thi và cũng có nhiều người anh em thi. Việc thi công chức không thể máy móc được. Năng lực của cán bộ được tuyển dụng sẽ không được thể hiện hết qua cuộc thi trên máy. Nên chăng việc thi trên máy chỉ là một phần để kiểm tra trình độ chuyên môn, phần còn lại vẫn nên chọn phương pháp vấn đáp trực tiếp.

    Trả lờiXóa
  10. Thực ra nếu công mình thì sẽ công minh chứ còn hình thức này hay khác mà không minh bạch thì vẫn không minh bạch. Như trong bài viết đã nói có người thi trắc nghiệm tiếng anh điểm rất cao nhưng có khi điếc, câm ...Như vậy nếu để tuyển một công chức thì việc thi trắc nghiệm chỉ để kiểm tra kiến thức còn vẫn phải phỏng vấn để kiểm tra nhiều thứ khác. Nói chung nếu lấy thi trắc nghiệm để tuyển công chức 100% bằng máy tính là không khả thi.

    Trả lờiXóa
  11. Nặc danh15:43 19/5/13

    Xiền Xiền Xiền Xiền và Xiền. Đến Bác Sỹ cứu người sắp chết cũng cần đến "Xiền lữa nà" mấy bác muốn sống để bon chen :) Người xấu tồn tại khi nào người tốt vẫn còn, ha ha ha

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog