Chia sẻ

Tre Làng

PHẠT CHỊ EM XÀI NỊT NGỰC, QUẦN LÓT DỎM LUÔN THỂ



Trong khi những tranh cãi về việc phạt hay không phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm chưa ngã ngũ thì dư luận lại một phen sốc khi Cục Quản lý thị trường (QLTT) đòi ra đứng chốt chung với CSGT để bắt người đội mũ bảo hiểm dỏm.

Cụ thể, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục QLTT đề nghị: “QLTT sẽ phối hợp với CSGT xử phạt mũ bảo hiểm tại một số tuyến phố thí điểm. Trong đó QLTT yêu cầu dừng xe và xử phạt trường hợp nào thì CSGT có nhiệm vụ dừng xe trường hợp đó.” (Người Lao Động, 8-5).

Nếu đề xuất này của ông cục phó được chấp thuận thì quả thực người dân hết dám ra đường! Hằng ngày họ bước ra đường nơm nớp bao nỗi lo. Hết lo kẹt xe lại đến lo đề phòng cướp giật. Hết lo bị “hiệp sĩ” đường phố rình mò, bây giờ lại đến nỗi lo bị ông QLTT vẫy… Kể cũng lạ, sao công việc chính của ông cục phó là QLTT thì ông chẳng lo mà lại đòi quản lý người đi đường thế nhỉ?

Lý ra việc của ông là phải dẹp cho được những cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm dỏm. Rồi tiếp theo là những điểm bán hàng dỏm nhan nhản ở khắp các đường ngang ngõ dọc. Những cái này mắt thường của người dân còn thấy, huống gì con mắt nghiệp vụ tinh tường của các ông!

Nhưng ngẫm lại, nếu dẹp mũ dỏm từ gốc rồi thì QLTT các ông lấy gì để làm nữa. Còn nếu làm theo “sáng kiến” của ông cục phó thì ngành của ông sẽ có việc làm dài dài. Khi ấy, các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm dỏm vẫn tự do phát triển và tuồn ra thị trường thật nhiều sản phẩm. Các ông chỉ cần đứng ở các các chốt giao thông mà “hốt” phần ngọn từ ngày này qua tháng khác mà không bao giờ hết việc. Đã vậy, ngành các ông lại có cơ hội tuyển dụng thêm nhiều biên chế cho hoạt động này. Lượng biên chế mới tuyển chắc cũng phải ngang với số CSGT trên cả nước.

Vậy là sáng kiến của ông Trần Hùng sẽ có thêm hai cái lợi mới là vừa tăng thêm việc làm cho một đội ngũ khổng lồ cán bộ QLTT, vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách từ tiền phạt.

Ấy là chưa kể khi vẫy người vào phạt mũ bảo hiểm dỏm, nhân tiện các ông phạt luôn “tội” đeo mắt kiếng giả, đồng hồ giả, túi xách nhái thương hiệu. Và nhân đây ông cục phó tha hồ mà kiểm tra và phạt những chị em nào mang nịt ngực, đồ lót nhái hàng hiệu. Cần thiết thì tịch thu hàng giả của chị em ngay tại hiện trường mà tiêu hủy cho nhanh gọn.

Tuy chỉ là một sáng kiến nhưng quả nhiên nó đang phát huy nhiều tác dụng!

Theo Pháp Luật TPHCM

4 nhận xét:

  1. Việc phạt đội mũ bảo hiểm giả là cần thiết, không thể lấy việc này để so sánh với chuyện phạt đồ lót giả vs hàng hiệu giả được. Bởi bản thân người dân chẳng ai muốn mua nhầm đồ giả cả, vừa tốn tiền vừa hại người, người ta chỉ mua đồ giả khi bị lừa, tưởng nhầm đó là hàng thật hoặc không đủ tiền chơi hàng thật, phải dùng hàng giả thay thế. Còn mũ bảo hiểm thì lại khác, ai nhìn cái mũ 25k chẳng biết đó là hàng giả, từ chất liệu đến giá tiền, làm gì có ai bị lừa rằng đây là hàng thật. Họ cố tình mua để đối phó vs csgt, không muốn chi ra 200k mua mũ thật, họ cố tình mua chứ không phải bị lừa mua nên việc phạt người đội mũ giả là cần thiết

    Trả lờiXóa
  2. Giờ hàng giả tràn lan trên thị trường. Hàng giả nhiều và tinh vi đến mức mà ta không phân biệt được bằng mắt thường nếu không qua sử dụng lâu dài. Mà đa số hàng giả , hàng nhái trên thị trường Việt Nam đều xuất phát từ Trung Quốc. Không biết đến bao giờ thì chúng ta mới có thể thực sự nói không với hàng hóa Trung Quốc khi giá cả của nó thì quá cạnh tranh và đa dạng chủng loại.

    Trả lờiXóa
  3. Đội mũ bảo hiểm có chất lượng chính là bảo vệ chính tính mạng của người đội nó. Nhưng thực tế người Việt nam mình thường hay chủ quan và ham rẻ nên không ít người đang đánh cượt tính mạng bằng chiếc mũ chỉ với 30k-40k. Việc xử phạt là hoàn toàn chính xác và cần thực hiện, nhưng cũng phải nhìn nhận việc quản lý của các nhà chức trách cũng chưa được đồng bộ nên việc làm này có biểu hiện không thuận lợi vì có quá nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia ngay trên đường.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi không ủng hộ bài viết này. Đúng là còn nhiều khâu rơ trong vấn đề quản lý của các ban nghành chức năng nhưng việc xử phạt là hoàn toàn đúng. Xử phạt để răn đe. Mỗi người phải biết tự bảo vệ tính mạng cho mình đừng đối phò vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của người tham gia giao thông.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog