Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC VỚI LÁNG GIỀNG NGÀY CÀNG MÂU THUẪN

Ngày 28/4, tàu du lịch Coconut Princess (Gia Hương công chúa) của Công ty vận tải biển eo biển Hải Nam, Trung Quốc, đã ngang nhiên chở hơn 200 người Trung Quốc từ Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) ra du lịch trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Việc triển khai tour du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là giai đoạn mới nhất trong kế hoạch tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, vốn bị các nước láng giềng phản đối kịch liệt và gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế bởi tính chất khiêu khích và coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Theo Thời báo Hoàn cầu (phụ san của Nhân Dân Nhật báo), giá vé cho tour du lịch trái phép kéo dài 4 ngày 3 đêm này vào khoảng 7.000 - 9.000 nhân dân tệ và chỉ có những hành khách có "sức khỏe tốt và trọng lượng bình thường" mới đủ điều kiện tham gia tour. Nếu chuyến đi (trái phép) đầu tiên thành công, tỉnh Hải Nam sẽ tổ chức 1 đến 2 tour mỗi tháng.


Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông.
Bản tin hôm 2/5 của báo The Globe and Mail nói rằng mặc dù tour du lịch ra Hoàng Sa được phía Trung Quốc miêu tả như một chuyến du lịch bình thường đưa du khách ra tắm nắng trên một hòn đảo ở biển Đông, nhưng đối với các nước trong khu vực, sự hiện diện của các du khách Trung Quốc đầu tiên tại quần đảo Hoàng Sa được coi như một hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền nước khác.

Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông".

Tour du lịch có tính khiêu khích của Trung Quốc được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi, chỉ là một cách để Trung Quốc thách thức quyết tâm của các nước láng giềng trong mấy ngày gần đây.

Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia mới đây cũng khiếu nại về những hành động xâm nhập lãnh thổ của họ, mà các nước này nói nằm bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc.

Tàu Gia Hương Công chúa đã chở hơn 200 người Trung Quốc du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 28/4.
Ngày 15/4, một đại đội Trung Quốc, với sự yểm trợ của trực thăng, đã vượt qua lằn ranh gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC), được thiết lập sau cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962 và được coi như là đường biên giới Ấn - Trung. Binh lính Trung Quốc tiến sâu đến 19 km trong phần lãnh thổ mà Ấn Độ đang kiểm soát và dựng trại ở vùng thung lũng Depsang. Mặc dù truyền hình Ấn Độ chiếu các hình ảnh về trại lính này của Trung Quốc, chỉ nằm cách các vị trí của quân đội Ấn Độ có 100m, phía Bắc Kinh vẫn khẳng định là quân của họ không hề vượt qua biên giới Ấn - Trung.

Trong khi đó ở vùng biển Hoa Đông, mà nhiều tháng qua vẫn căng thẳng, báo chí Nhật Bản tố cáo là khi xâm nhập vùng quần đảo Senkaku/ Điếu ngư tuần trước, các tàu hải giám của Trung Quốc đã được sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu, trong đó có nhiều chiếc Su-27 và Su-30. Một quan chức Nhật Bản xin giấu tên nói với nhật báo Sankei Shimbun rằng đây là "một mối đe dọa chưa từng có" đối với Nhật.

Ngày 29/4, 3 tàu hải giám của Trung Quốc lại xâm nhập khu vực Senkaku/ Điếu ngư trong ngày thứ 10 liên tiếp. Tuần trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên đã tuyên bố quần đảo Senkaku/ Điếu ngư là một trong những "quyền lợi cốt lõi" đối với Bắc Kinh, có nghĩa đây là một vấn đề không có gì phải thương lượng và nếu cần, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để "bảo vệ chủ quyền", giống như đối với biển Đông hoặc Đài Loan.

Bắc Kinh còn trắc nghiệm luôn cả phản ứng của một nước mà cho tới nay ít khi đụng với Trung Quốc, đó làMalaysia. Cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc đã được triển khai đến bãi ngầm James mà Malaysia cũng lên tiếng là có chủ quyền, chỉ nằm cách bờ biển Malaysia có 80km và nằm cách Hoa lục đến 1.800 km.

Các nhà nghiên cứu quốc tế hầu như đều quan ngại trước việc hạm đội hải quân Trung Quốc tiến về bãi đá ngầm James. Hạm đội này bao gồm một tàu đổ bộ lớn và các khu trục hiện đại. Giới nghiên cứu quốc tế ghi nhận là hạm đội này tiến gần Malaysia và Brunei đương nhiên đang dấy lên mối lo ngại từ những quốc gia này.

Sách Trắng về quốc phòng do Bắc Kinh công bố ngày 16/4/2013 đã nêu rõ mối liên hệ giữa sức mạnh quân sự với chủ thuyết mới của Trung Quốc, nói rằng nhiệm vụ của quân đội là thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa". Khi tường thuật về việc công bố Sách Trắng này, Tân Hoa xã đã khẳng định là chính sách quốc phòng của Trung Quốc không thay đổi, nhưng nước này sẽ "không đánh đổi chủ quyền và quyền lợi để lấy hòa bình".

Trung Quốc sẽ có thêm những hành động mới nào ở biển Đông? Theo giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, Trung Quốc gây áp lực ở hậu trường đối với các thành viên ASEAN để họ vận động Philippines từ bỏ đơn kiện ở Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, đánh đổi lấy việc nối lại các cuộc đàm phán về Bộ Luật ứng xử (COC). Do thời tiết tốt hơn và giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 đang tới gần, khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, hải quân và các tàu dân sự thực thi pháp luật của Trung Quốc sẽ “năng động” hơn trong việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Các hành động của họ được tính toán một cách cẩn thận, không để xảy ra các vụ tấn công vũ trang, nhưng đủ mạnh để dọa nạt.

Trong lúc Philippines theo đuổi vụ kiện trước Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc sẽ từng bước củng cố sự hiện diện của họ ở biển Đông. Nếu Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển cho lập một Tòa án Trọng tài, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trong thời gian nghị án. Philippines đánh giá rằng, tòa án có thể cần từ 3 đến 4 năm để ra quyết định. Trong thời gian đó, Trung Quốc sẽ càng xác lập chủ quyền rõ hơn.

Cũng theo ông Thayer, việc thể hiện quyết tâm của Trung Quốc là một trắc nghiệm đối với tân Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng như đối với chính quyền Obama trong nhiệm kỳ thứ hai này. Trung Quốc sẽ tìm cách thúc ép Mỹ hợp tác trên các lợi ích chiến lược đối ngoại, đánh đổi lấy việc giảm bớt vai trò quân sự năng động của Mỹ trong việc tái cân bằng lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương

Theo Mộc Thạch

2 nhận xét:

  1. Trên giấy tờ thì Trung Quốc đã đồng ý ngồi lại đàm phán về bộ ứng xử với các nước khối ASEAN rồi, nhưng mà hanh động của TQ lại không như vậy, đây mới là bộ mặt thật của Trung Quốc, vừa đánh vừa xoa.

    Trả lờiXóa
  2. Với những hành động gần đây của Trung Quốc giường như Trung Quốc nghĩ mình mạnh rồi nên việc gì phải sợ bố con thằng nào việc gì phải hàng xóm với bố con thằng nào hay sao ấy. Chính họ đang tự cô lập mình khỏi các nước láng giềng với những hành động xâm phạm chủ quyền của họ và rất nhiều hành động gây hấn ngang ngược khác.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog