Chia sẻ

Tre Làng

NHỮNG QUY KẾT VÔ CĂN CỨ VÀ ĐÒI HỎI PHI LÝ


Vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo pháp luật, đó là điều mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều thực hiện, bởi chỉ có như thế, kỷ cương xã hội mới được duy trì. Vậy mà gần đây, sau khi Nhà nước Việt Nam bắt giữ và xử lý một số đối tượng phạm tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự và Nghị định số 38/2005/NÐ-CP, một số tổ chức nhân danh nhân quyền, cơ quan ngoại giao một số nước phương Tây lại lên tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền, đòi xóa bỏ Ðiều 88 và Nghị định nói trên. Ðó là những quy kết vô căn cứ, là đòi hỏi hết sức phi lý, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Ở Việt Nam, quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp của công dân nói riêng được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và được thực thi trong thực tiễn. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia khác, Việt Nam không dung túng cho các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động, kêu gọi lật đổ chế độ, xuyên tạc con đường xã hội chủ nghĩa đã được nhân dân lựa chọn; kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người gây rối trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân, cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước... Ðiều 69 - Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 có nội dung cụ thể: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Như vậy, trong khi khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình, Hiến pháp cũng đồng thời khẳng định các quyền đó phải thực hiện trên cơ sở pháp luật, phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự, Nghị định 38/2005/NÐ-CP đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi đó. Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự, quy định người nào có một trong các hành vi: "a. Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b. Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" sẽ bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm; và "Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm". Nghị định 38/2005/NÐ-CP đưa ra các quy định cụ thể về tập trung đông người ở nơi công cộng, thủ tục đăng ký tập trung đông người ở nơi công cộng, các hành vi bị cấm cũng như nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

Không chỉ có Việt Nam đưa ra các hạn chế đối với những hành vi lạm dụng tự do ngôn luận, tự do hội họp. Mặc dù thừa nhận, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, song luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các nước, kể cả những nước phát triển nhất thế giới trong lĩnh vực lập pháp đều có các hạn chế nhất định đối với những quyền dân sự, chính trị. Như Ðiều 29, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Liên hợp quốc thông qua năm 1948 khẳng định: "...Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, và đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ...". Ðiều 19 và Ðiều 21, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị thừa nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, song cũng kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể do pháp luật quy định nhằm "tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội". Vì thế, phải nhận thức được rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đến lợi ích của dân tộc và an ninh quốc gia.

Ngay nước Mỹ, vẫn tự cho mình là quốc gia đi đầu trong bảo đảm dân chủ, nhân quyền, cũng có những hạn chế nhất định đối với quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Mặc dù Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ đã quy định Quốc hội sẽ không ban hành một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do hội họp của công dân; tuy nhiên đến năm 1798, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật Phản loạn quy định "việc viết, in, phát biểu hay phổ biến... mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội". Thực chất mục đích của Ðạo luật Phản loạn là để ngăn chặn việc tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền. Bên cạnh đó, Ðiều 2385 Chương 115 - Bộ luật Hình sự Mỹ, nghiêm cấm mọi hành vi "in ấn, xuất bản, biên tập, phát hành, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết, tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực". Theo đó, pháp luật Mỹ không chỉ cấm hành vi trực tiếp sử dụng vũ lực hoặc bạo lực nhằm lật đổ chính quyền mà còn nghiêm cấm cả các hành động tiếp tay, tuyên truyền, xúi giục những hành vi này.

Như vậy, Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự, và Nghị định 38/2005/NÐ-CP của Việt Nam không hề vi hiến hay đi ngược lại với các tuyên ngôn và công ước quốc tế, và Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất ban hành các quy định này. Việc ban hành, thực thi các quy định kể trên là nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, tài sản, quyền lợi của mỗi công dân. Vậy mà sau khi Việt Nam bắt giữ, xét xử một số đối tượng có hành vi vi phạm Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự và Nghị định 38/2005/NÐ-CP, các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, một số tổ chức quốc tế núp bóng nhân quyền, cơ quan ngoại giao của một số nước, trong đó có nước Mỹ, lại lên tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, yêu cầu Việt Nam xóa bỏ các điều luật, quy định luật pháp của mình. Thực chất đây là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước khác. Họ chỉ căn cứ vào loại thông tin đã bị xuyên tạc, bóp méo đăng tải trên các website, blog thiếu thiện chí và một số địa chỉ truyền thông có thái độ chống Việt Nam của người Việt ở nước ngoài, để từ đó cố tình phủ nhận các tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Trên thực tế, các đối tượng bất mãn chính trị và lệch lạc về tư tưởng như Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần... đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết bài, trả lời phỏng vấn tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội trong nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Lợi dụng lòng yêu nước, tâm lý muốn bày tỏ thái độ, tình cảm về một số sự kiện liên quan đến chủ quyền của Việt Nam và một số vấn đề bất cập trong nước như đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, phục vụ lợi ích chung, tệ tham nhũng..., các đối tượng phản động trong và ngoài nước đã kích động một số người nhẹ dạ tham gia tụ tập đông người. Cho nên cần khẳng định rằng, các đối tượng trên đã bất chấp quy định của pháp luật thể hiện qua Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự, và Nghị định 38/2005/NÐ-CP. Việc bắt giữ và xét xử những đối tượng này là phù hợp với các quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội và mang tính răn đe, giáo dục.

Như vậy, việc xây dựng, ban hành Bộ luật Hình sự, trong đó có Ðiều 88 quy định về "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" cùng Nghị định 38/2005/NÐ-CP quy định về "một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng" của Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn hợp hiến, không vi phạm nhân quyền. Thực tế đã chứng minh các quy định này đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng. Vì thế, những lời lẽ vu cáo, chỉ trích việc ban hành, thực thi Ðiều 88 - Bộ luật Hình sự, và Nghị định 38/2005/NÐ-CP, thậm chí yêu cầu xóa bỏ Ðiều luật, Nghị định này là vô căn cứ, và phi lý.

HẢI PHONG

10 nhận xét:

  1. Luật Pháp đưa ra là để chính quyền quản lý chính nhà nước của mình và chính dựa vào pháp luật làm căn cứ để đưa ra mức xử phạt, vậy mỗi quốc gia có một khung hình phạt cũng như bộ luật khác nhau và chính điều đó khẳng định không quốc gia nào được quyền can thiệp vào luật pháp của nước khác, chỉ có nhân dân nước ấy mới thực sự là chủ nhân đưa ra các điều luật ấy thông qua các ký họp sửa đổi bổ sung.

    Trả lờiXóa
  2. Điều 88 quy định rất rõ về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam chính vì vậy hãy phổ biến rộng rãi để mọi người cùng biết nào! và hãy cho những kẻ phản động thấy rõ sự quyết tâm đấu tranh chống lại các thế lực thù địch như thế nào nha, Đảng và nhân dân cùng hành động.

    Trả lờiXóa
  3. Video Sinh viên Chile biểu tình ngày 28/5 chống lại hệ thống giáo dục tư bản, những cuộc biểu tình liên tiếp được lãnh đạo bởi phong trào sinh viên Cộng sản Chile
    http://www.cooperativa.cl/noticias/site/artic/20130528/mmedia/multimedia_video120130528143625.mp4
    http://www.cooperativa.cl/noticias/pais/educacion/movimiento-estudiantil/la-marcha-estudiantil-convocada-por-secundarios-y-universitarios/2013-05-28/095356.html

    Trả lờiXóa
  4. Việt Nam ta là một quốc gia độc lập chủ quyền chúng ta có luật pháp riêng cho đất nước mình và nghiêm cấm mọi sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam có rất nhiều thế lực thù địch từ ngàn xưa và kể cả mới phát, đó là những kẻ xấu xa đê tiện lợi dụng, lừa gạt bất kỳ ai miễn là có lợi cho chúng, những người dân Việt Nam phải hết sức cận trọng với chúng.

    Trả lờiXóa
  5. Ôi zào chúng muốn tìm cái cớ để hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ý mà nên chúng mới nói như thế cái quan trọng là nhân dân ta hiểu như thế nào mà thôi, hiểu đúng thì tốt hiểu sai thì hỏng, theo địch có mà bán nước hại dân thôi chứ tốt đẹp sao được,

    Trả lờiXóa
  6. Bảo Thái16:14 2/6/13

    Tôi thấy ở Việt Nam tự do quá hay sao ấy. Cứ làm đúng thì chẳng ai làm gì bạn cả còn nếu bạn làm sai thì lắm khi còn chưa bị xử lý thích đáng ấy chứ. Không hiểu sao mấy ông Tây ở nước ngoài mà phán tình hình nước ta như thật thế nhỉ. Không hiểu Việt Nam vi phạm nhân quyền chỗ nào, đàn át nhân dân thế nào. Chẳng lẽ để những kẻ phạm tội thích làm gì thì làm sao, vậy lấy cái gì để đảm bảo an toàn , bình yên cho cuộc sống của những người dân lương thiện đây.

    Trả lờiXóa
  7. Dân Hoa16:24 2/6/13

    Việt Nam không dung túng cho các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động, kêu gọi lật đổ chế độ, xuyên tạc con đường xã hội chủ nghĩa đã được nhân dân lựa chọn; kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người gây rối trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân, cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước... thì có gì sai cơ chứ. Không lẽ cứ để chúng làm càn thì tốt hay sao. Nếu vậy thì rồi ai sẽ phải chịu thiệt thòi từ việc đó. Không lẽ không phải là những người dân hay sao?. Mỗi nước một khác nhau, đâu phải nước nào cũng giống nước nào. Các nước phương Tây lấy quyền gì mà can thiệp quá sau vào tình hình nước ta trong khi nước họ thì không ít những vấn đề.

    Trả lờiXóa
  8. Thực sự thì phương Tây ít nhúng tay vào Việt Nam, mà chủ yếu chỉ có Mỹ là hay quan tâm tới Việt Nam hơn những nước khác. Chúng lấy gì ư, chúng lấy đô la, lấy vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử ra để nhúng tay vào nước khác chứ còn gì nữa, từ xưa đến giờ cá lớn lúc nào cũng nuốt cá bé mà.

    Trả lờiXóa
  9. luật pháp đưa ra là để phục vụ lợi ích của toàn xã hội, đảm bảo sự vững chắc của chế độ, của nhà nước. Ngoài việc phục vụ lợi ích cho nhân dân, cho xã hội, thì việc đảm bảo duy trì những chuẩn mực trong xã hội cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của luật pháp của mỗi quốc gia. Việc VN xử phạt, tuyên án những người vi phạm pháp luật VN là một điều hết sức bình thường, và là việc đương nhiên. Đó là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, vậy mà những tổ chức nước ngoài, phương tây lại tham gia, can thiệp quá sâu vào chuyện này. thật là quá đáng. Thực ra, chúng ta cần tỉnh táo nhận ra rằng, đó chỉ là cái cở để các nước phương tây, cụ thể là mỹ can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nước ta. chúng ta cần thận trọng và đề phòng cao độ với những âm mưu đó.

    Trả lờiXóa
  10. tôi không phải là dân chuyên luật, nhưng theo như tôi biết, mỗi dân tọc, mỗi quốc gia có quyền tự quyết, có quyền quy định những điều luật của riêng họ để đảm bảo an ninh trật tự trong nước, đảm bảo an ninh quốc gia từ các mối đe dọa bên ngoài và chống lại các âm mưu,các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. và quan trọng hơn hết, đó là giữ vững chế độ của đất nước đó, đảm bảo lợi ích tối đa cho nhân dân. Đó là quyền riêng của mỗi dân tộc, miễn sao là không đi ngược lại, không vi phạm các quyền con người cơ bản mà quốc tế, các tổ chức quốc tế đề ra. Việt Nam cũng vậy, việc bắt và xét xử các tội phạm với những hành động, âm mưu chống lại chính quyền, với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân là một điều đương nhiên. nó đúng với tinh thần của cả dân tộc, toàn dân trong việc bảo về chủ quyền của quốc gia. Đó là một điều hết sức đúng đắn, vậy thì cớ sao các nước phương tây tham gia quá sâu vào chuyện này làm gì? khi VN vừa thực hiện đúng đắn các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự quốc gia. thực hiện đúng nhân quyền và dân quyền. trong khi đó, các nước phương tây, được cho là chuẩn mực về nhân quyền dân quyền lại có những vụ việc đàn áp nhân dân đến đổ máu. Nói tóm lại, các nước phương tây không có quyền can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam, khi mà Việt Nam đang hoàn toàn làm đúng, theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân và đúng theo luật pháp chung quốc tế.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog