Chia sẻ

Tre Làng

LÃNG PHÍ PHẢI XỬ NHƯ THAM NHŨNG

Đó là những đề xuất đáng chú ý của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 6-6. Theo các ý kiến này, thực tế hiện nay có những công trình đầu tư đến ngàn tỉ đồng nhưng rồi lại bỏ hoang, gây tác hại, lãng phí còn hơn rất nhiều so với hành vi tham nhũng.

Làm 1 đồng nhưng phá 10 đồng

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp), lãng phí có mặt ở khắp mọi nơi, biểu hiện qua hàng ngàn hecta đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng rồi bỏ hoang; hay những khu chợ xây xong không ai buôn bán, công trình thủy lợi, tưới tiêu không sử dụng, hàng ngàn tỉ đồng làm kè vừa xây xong đã trôi sông... “Có những công trình đầu tư đến cả ngàn tỉ đồng nhưng rồi bỏ hoang. Như thế có khi chúng ta làm ra được 1 đồng nhưng lại phá đến 10 đồng, lãng phí kinh khủng quá” - ông Đương nói.

Chưa dừng lại, ông Đương điểm danh tiếp về sự lãng phí trong hiệu quả công việc khi “có không ít cán bộ, công chức sáng vác ô đi tối vác ô về”, rồi 30% cán bộ, công chức không sử dụng được. “Dân kêu nhiều quá, đóng thuế nuôi công chức nhiều quá. Nếu tôi được quyết định thì tôi cho số công chức này nghỉ hết. Tôi cũng đề nghị từ nay đến năm 2016 không tăng biên chế, không để bộ máy phình to ra nữa”.

ĐB Đỗ Văn Đương: “Nếu tôi được quyết định thì tôi đuổi hết 1/3 số công chức không được việc”. Ảnh: THU HẰNG
Tương tự, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng than: “Chúng ta nói rằng 30%-40% cán bộ, công chức hoạt động không hiệu quả, “có cũng như không”. Vậy sao cơ quan nào cũng thấy kêu thiếu biên chế. Cái này phải tính toán lại, phải nghiên cứu xây dựng khoán biên chế cho các cơ quan nhà nước chứ không thể để mãi thực trạng này được, rất lãng phí”. Một thực trạng lãng phí nữa được bà An chỉ ra là nhiều lãnh đạo ngay sau khi được lên chức là lập tức mua ngay xe mới. “Nhân dân, cử tri bức xúc lắm. Họ bảo chiếc xe sang đâu có chứng minh anh là người giỏi, người có tầm. Cái này là rất lãng phí” - bà An nói.

Đề cập đến Điều 35 của dự thảo về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho biết qua theo dõi thấy lãng phí ghê gớm. “Mời nhiều ĐB, tổ chức hoành tráng và luôn có quà tặng. Vậy tiền ở đâu ra, đó là ngân sách, tiền thuế của nhân dân. Do đó, cần phải có quy định rõ vấn đề trên để tránh lãng phí”.

Phải xử lý hình sự

Lãng phí ghê gớm như vậy nhưng theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM),dự luật còn nhiều quy định mang tính vận động tuyên truyền. “Nếu chỉ vận động tuyên truyền thôi thì không khả thi. Luật là phải có chế tài thì mới khả thi” - bà Dung nhấn mạnh.

Dẫn lại quy định tại Điều 41 của Dự thảo về “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất”, bà Tâm cho biết hiện nay có nhiều dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng nhưng 10 năm vẫn chưa xong, gây lãng phí, tổn hại nhưng chế tài lại không thấy có trong luật. “Đã là luật phải có chế tài chứ gây bức xúc cho người dân và lãng phí rất là lớn” - bà Tâm nói.

Chia sẻ với các ý kiến trên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cần phải có chế tài xử lý hành chính và phải xử lý hình sự nếu gây lãng phí lớn. ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề nghị: “Nên đưa vào Bộ luật Hình sự chế tài hành vi gây lãng phí ngang bằng với hành vi tham nhũng. Đồng thời, phải tăng tính minh bạch trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Chứ cứ đóng kín cửa còn dân đứng bên ngoài thì làm sao giám sát, phát hiện ra lãng phí được”.

Cũng theo ông Đương, phải quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Lãnh đạo phải làm gương chứ làm sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê, đi chùa thì nói sao được cấp dưới. Làm sếp là phải đặt kỷ luật lên đầu tiên và nếu để vi phạm nghiêm trọng thì phải truy cứu hình sự” - ông nói.

Về hưu rồi thì cũng phải đưa ra xử

Đề cập về Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, ĐB Bùi Thị An cho rằng hiện đang có tình trạng vô cùng bức xúc là nếu các công trình do các cá nhân hoặc các doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn ra làm thì rất hiệu quả, lời lãi cao. Nhưng nếu nguồn vốn do Nhà nước bỏ ra thì lại hiệu quả rất thấp, thậm chí chất lượng không tương xứng. Bên cạnh đó, có rất nhiều người khi sử dụng tiền nhà thì rất chi ly, tính toán. Nhưng khi sử dụng tiền nhà nước thì rất lãng phí.

Do đó, bà An đề nghị giữ lại quy định như Điều 60 của luật hiện hành về quy định trách nhiệm của người phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kết quả đấu thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. “Chúng ta phải có quy định chế tài về việc xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu, trách nhiệm đó phải đi đến cùng. Thậm chí nếu họ có về hưu thì cũng phải lôi ra xử” - bà An nói.

Dự báo thiên tai sai phải chịu trách nhiệm

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị cần bổ sung vào dự thảo quy định trách nhiệm pháp lý khi cơ quan chủ trì dự báo, cảnh báo, truyền tin sai về thiên tai. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy đã không ít lần những dự báo, cảnh báo thiếu chính xác của các cơ quan khí tượng thủy văn đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

Nhìn ở góc độ đầu tư cho hệ thống cảnh báo thiên tai, ĐB Bùi Thị An cho rằng chưa tương xứng. Bà An đề nghị cần phải đầu tư mạnh hơn về trang thiết bị khoa học kỹ thuật để có thể dự báo tốt hơn. “Chúng ta không thể dựa mãi vào kinh nghiệm được bởi vì chính chuyện dự báo không tốt đã gây ra hậu họa cho dân. Tôi đề nghị Nhà nước nên có đầu tư trang thiết bị để đầu tư dự báo bão, báo sóng thần, báo sụt đất cho chính xác để nhân dân đỡ khổ”.

Dự kiến chất vấn năm bộ trưởng, trưởng ngành

Ngày 6-6, danh sách các bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến trả lời chất vấn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Danh sách này gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng viện trưởng VKSND Tối cao. Phiên chất vấn dự kiến sẽ bắt đầu từ chiều 12-6 và kết thúc vào cuối ngày 14-6.

Các nhóm vấn đề sẽ chất vấn là: Công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất; công tác quản lý nhà nước về báo chí để hạn chế tiêu cực như đưa tin sai sự thật, giật gân; sự “xuống cấp” đạo đức, văn hóa trong xã hội. Những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm… cũng sẽ được quan tâm.

THU HẰNG - THÀNH VĂN

14 nhận xét:

  1. Lãng phí. Có nhiều công trình nhà nước đầu tư xây dựng nhưng hiệu quả kinh tế không cao mà rõ ràng trước khi được duyệt làm thì phải khảo sát nghiên cứu chán. Nào là tính toán thời tiết, mật độ dân cư, xe cộ tất tần tật ấy thế mà khi làm cứ bảo là không được, là không tốt. Thế là thế nào. Nhận lương của nhân dân mà làm ăn tắc trách, trình độ kém, nhũng nhiễu nhân dân. Cái này phải xử phạt thật nghiêm, cán bộ lãnh đạo phải làm gương thì cấp dưới mới neo theo

    Trả lờiXóa
  2. Ai cũng biết lãng phí đã ngốn đi tài sản rất lớn của Nhà nước và xã hội. Nhưng dùng luật chưa đủ, quan trọng phải tạo thành tập tính xã hội. Việt Nam vốn là dân tộc từng có tập tính hết sức tiết kiệm. Đương nhiên có thể đó là thời kỳ chúng ta chưa giàu có nhưng những tập tính đó đã ăn sâu trong đời sống con người rồi. Bây giờ cần nghiên cứu kỹ cái gì làm con người Việt Nam mất dần tính tiết kiệm.

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay nước ta còn nghèo, dân còn nghèo, nhưng nhiều người dân tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội rất tốn kém. Một đám tang mấy trăm vòng hoa, trướng, đem đến xong lại bỏ đi. Nếu đứng ngoài mà nhìn thì thấy sốt ruột lắm. Vòng hoa người trước mới đặt vào, vòng hoa người sau lại chen lên, rồi lại đem vứt đi. Thần, Phật đâu có mong muốn nhân dân cúng bái phung phí như vậy. Nhìn lên các vị quan chức thì thấy nhiều vị cứ lên chức là lại thay đổi phòng ốc, chỗ ngồi, mua xe mới...”.

    Trả lờiXóa
  4. theo quy định tại khoản 2 điều 27 của luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Nghiêm cấm việc bố trí dàn trải vốn đầu tư gây nợ đọng khối lượng xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định này, nhiều dự án ở nhiều bộ, ngành và địa phương thường không cân đối đủ vốn đầu tư, vượt quá khả năng kinh tế, có quá nhiều dự án được phê duyệt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng XDCB, nhiều dự án dở dang, gây lãng phí lớn cho ngân sách.

    Trả lờiXóa
  5. Ít nước nào làm các lễ động thổ, khởi công, hợp long nhiều như chúng ta. Ví dụ hầm đường bộ Kim Liên ở Hà Nội cũng chỉ là một công trình bình thường mà khánh thành rầm rộ. Hay như dự án đường cao tốc Hà Nội - Cần Thơ có rất nhiều dự án thành phần trong đó và có khoảng 17 cây cầu. Cứ mỗi cây cầu thông thường phải tổ chức ba lễ là khởi công động thổ, rồi hợp long và lễ thông xe, 17 cây cầu là 51 lễ, như vậy từ nay cho đến khi thực hiện xong toàn bộ dự án đường cao tốc này thì không biết bao nhiêu lễ, tốn kém vô cùng

    Trả lờiXóa
  6. Ai cũng biết lãng phí đã ngốn đi tài sản rất lớn của Nhà nước và xã hội. Nhưng dùng luật chưa đủ, quan trọng phải tạo thành tập tính xã hội. Việt Nam vốn là dân tộc từng có tập tính hết sức tiết kiệm. Đương nhiên có thể đó là thời kỳ chúng ta chưa giàu có nhưng những tập tính đó đã ăn sâu trong đời sống con người rồi. Bây giờ cần nghiên cứu kỹ cái gì làm con người Việt Nam mất dần tính tiết kiệm.

    Trả lờiXóa
  7. Lãng phí tiền của của nhân dân làm cho đất nước mất đi những khoản tiền có thể dành cho đầu tư và phát triển đất nước. Tôi ủng hộ ý kiến khi cho rằng phải xử lãng phí và tham nhũng phải tương đương nhau thì thực tế cho thấy có những vụ việc lãng phí gây thất thu ngân sách hàng tỷ, thậm chí hàng chục hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy cần nhìn nhận, đánh giá lại tác hại của lãng phí

    Trả lờiXóa
  8. Bài toán "Lãng phí" có khi còn đau đầu hơn việc "Tham nhũng" ấy chứ. Tiền bạc của cải cứ thất thoát mà chẳng cho ai cả. Nhưng nếu chúng ta làm chặt ra thì nó lại khác, lãng phí nguyên nhân chính là do ý thức của mỗi cá nhân. Chỉ cần xử lý hợp lý để nâng cao ý thức mỗi người thì sự việc sẽ được giải quyết một cách vô cùng đơn giản mà không cần phải đau đầu nữa

    Trả lờiXóa
  9. Đất nước ta còn nghèo việc sử dụng lãng phí thì hậu quả so sánh với tham nhũng có lẽ còn nặng nề hơn, sử dụng lãng phí theo kiểu tiền chùa tiền của công cha chung không ai khóc thì sẽ có tác hại vô cùng to lớn, 1 người lãng phí sẽ kéo theo nhiều người khác lãng phí rồi sẽ thành cả một dây chuyền thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy cần ngăn chặn ngay tình trạng này khi nó còn trong trứng nước để tránh hậu quả về lâu về dài

    Trả lờiXóa
  10. Lãng phí cũng chính là làm thất thoát tài sản, hiện nay lãng phí trong đầu tư công, trong xây dựng ở nước ta là rất nghiêm trọng. Hành vi lãng phí gây nguy hiểm cho đất nước, làm suy thoái nền kinh tế quốc gia. Lãng phí cũng như tham nhũng, tiền của người dân đóng thuế nhưng lại bị đổ hết xuống sông xuống bể, thử hỏi có đáng bị xử phạt không?

    Trả lờiXóa
  11. Từ trước tới này vẫn chưa xử lý được hành vi lãng phí, thậm chí trách nhiệm kỷ luật cũng chưa nghiêm túc. Mà bản thân việc lãng phí cũng gây nguy hiểm không kém gì tham nhũng. Qua Quốc Hội có nhiều ý kiến vần hình sự hóa tội danh lãng phí. Tôi nghĩ đây cũng là điều nên làm. Cần phải xem xét chi tiết các hành vi gây lãng phí để truy đúng người, đúng tội. Những người gây lãng phí cần phải bồi thường cho lãng phí mình gây ra.

    Trả lờiXóa
  12. Đúng thật, chuyện tham nhũng tuy lớn nhưng nhiều vụ còn bị phanh phui đưa ra xử lý, Nhưng chuyện lãng phí chưa thấy đưa ra xử lý vụ nào cả, Làm một đồng, phá 10 đồng quả không phải là bịa đặt, Có lẽ nên có một chế tài nào đó để xửc lý, chứ cái kiểu cha chung không ai khoc thế này thì còn tốn tiền tốn của nhiều.

    Trả lờiXóa
  13. Mình tâm đắc nhất quả "về hưu rồi cũng đem ra xử" bởi vì có 1 hiện tượng, đó là khi các sếp sắp sửa về hưu thì các sếp cho làm đủ thứ, lãng phí, tiêu tốn rất nhiều tiền xương máu của dân, để đến khi làm xong, có hư hỏng gì thì lúc đó các xếp về hưu rồi, ko ai truy cứu được nữa.

    Trả lờiXóa
  14. Tham nhũng còn chưa dẹp được thì tốt nhất đừng có gán lãng phí với tham nhũng. Nếu muốn chống lãng phí thì từ lãnh đạo cấp cao nhất hãy gương mẫu đi đầu trong việc chống lãng phí, tranh trường hợp chỉ có nói mà không chịu làm...

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog