Chia sẻ

Tre Làng

AI BIẾT MẸ TÔI Ở ĐÂU KHÔNG?

Khoai@ - Phố Hà Nội giờ tan tầm buổi chiều, chật như nêm, một chiếc taxi cố tạt sát vào lề đường, nơi một bà lão ăn xin đặt chiếc nón trước mặt với vẻ mặt khó mô tả, hằn sâu những nếp nhăn nhẫn nhịn. 

Anh lái xe cẩn trọng mở cửa và chạy vòng lên hè, rút ví, bỏ vào chiếc nón mấy đồng lẻ, thì thầm điều gì đó với bà cụ rồi vội vã đánh xe đi. 

Ngạc nhiên về hành động hiếm gặp ấy trong cuộc sống hiện đại, nơi phố thị ồn ã, vị khách ngồi ghế sau cất tiếng:

- Anh vẫn làm thế khi gặp người ăn xin à?

- Ồ, không hẳn là như thế. Thực ra có nhiều người ăn xin, nhưng cần phân biệt những người ăn xin vì hoàn cảnh với những kẻ lười biếng và lừa đảo. Tôi chỉ góp mấy đồng cho những người mà linh cảm mách bảo họ cần được giúp đỡ, và dĩ nhiên, chỉ khi nào tôi có sẵn tiền lẻ và không vội.

- Tôi thấy tò mò vì trong xã hội này, người giàu rất nhiều, nhưng người ta…

Vị khách không nói tiếp vì nghĩ rằng người thanh niên có thể hiểu được mình định nói gì. Đáp lại thắc mắc đó là nụ cười hiền hậu của người thanh niên qua gương chiếu hậu.

- Dù sao thì đoạn đường chúng ta đi cũng khá dài, anh có thể giai thích cho tôi được không, tôi tò mò vì hành động của một người lái xe taxi như anh. Xin lỗi, nếu anh không phiền...

Ra khỏi nút giao thông, người thanh niên bắt đầu kể chuyện mình với giọng trầm ấm, cảm giác như của một người từng trải và điềm đạm.

Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi, không có gia đình, cũng không biết bố mẹ mình là ai. Chỉ biết cho tới khi lớn lên, tôi đã gọi một người đàn bà bị tâm thần là mẹ. Nghe hàng xóm kể rằng, ngày đó, khi mẹ nhặt tôi về nuôi, tôi gầy guộc đen đúa như con mèo hen. Mẹ nhặt được tôi ở đâu thì không ai biết. Sau ngày đưa tôi về, đi đâu bà cũng mang tôi theo. Cũng nhờ cái nghề xin ăn thiên hạ của mẹ mà tôi được như ngày hôm nay. Cho đến giờ tôi vẫn không lí giải nổi tại sao một người đàn bà tâm thần, xin ăn ngày đó đã quyết định đèo bòng thêm một đứa trẻ không biết từ đâu ra.

Tôi sống với mẹ gần 16 năm như sống với người thân ruột thịt duy nhất trong đời mình. Tôi đã có thể kiếm tiền nuôi mẹ và không cho mẹ đi xin ăn nữa. Nhưng bệnh của mẹ tôi ngày càng nặng. Bà thường trốn nhà đi, có khi 3 ngày mới về. Một hôm khi đi làm về, tôi không thấy mẹ ở nhà. Tôi tìm mọi cách nhưng không sao tìm thấy mẹ. Bao nhiêu năm qua, tôi không chuyển chỗ ở, hi vọng một ngày nào đó mẹ lại trở về…

Có ai biết mẹ tôi ở đâu không?

Câu chuyện vừa dứt, trời bắt đầu mưa. Cả hai người trong chiếc taxi đều im lặng, có lẽ họ đang tự vấn mình. 

Bên ngoài, bóng dáng những bà mẹ đang đội mưa trở về với những đứa con.

P/s: Viết tặng em H ở Mỹ Tho - Một người thiệt thòi, nhưng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình, làm thiện nguyện giúp đỡ những người nghèo. Xin lỗi em vì sáng nay em gọi anh không nghe máy.

1 nhận xét:

  1. thương cho anh chàng lái taxi quá, được mẹ nuôi lớn 16 năm mà đến lúc trưởng thanh kiếm được tiền rồi mà mẹ lại bị bệnh nặng thêm. Rõ khổ, câu chuyện có nhiều tầng ý nghĩa, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Cũng may người mẹ tâm thần kia đã nuôi được một đứa con tốt

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog