Chia sẻ

Tre Làng

Em là vũ nữ thoát y

Chuyện đời của những cô gái thoát y lắm lúc cũng bức bí, chật chội và quẩn quanh như cái mặt bàn rộng chưa đầy 3m2 là “sàn diễn” của họ, là nơi họ kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình.

Sàn diễn trên bàn

Gần tàn cuộc nhậu túy lúy, ông anh xã hội hô: “Đi hát!”, thế là cả đám đàn ông nồng nặc hơi men chui lên xe ôtô đến địa điểm kế tiếp. Trên xe, ông anh tiếp lời: “Mệt rồi nên hôm nay các chú không phải hát nữa”. Ơ, đi hát mà không hát thì đi làm gì? Tiếng trả lời thủng thẳng nhả ra: “Không hát thì ngồi xem, thế thôi”. Chúng tôi lờ mờ hiểu được ẩn ý của ông anh có đầu con rồng xăm trọn ở bắp tay và bờ vai bên trái. 

“Sô diễn” theo lời quảng cáo của ông anh dẫn đường là vô cùng thú vị và vui vẻ được diễn ra tại một quán karaoke trên đường Nguyên Hồng (Hà Nội). Phòng hát chỉ có đúng một màn hình tivi, hai chiếc bàn to, có một bàn được đặt sẵn cốc, bim bim, hoa quả, bánh kẹo, còn một bàn để trống. Đèn phòng hát bật sáng, nhạc chưa mở nhưng tay quản lý đã xuất hiện cùng một loạt ''chân dài'' theo đúng nghĩa đen. Tất cả đều mặc loại váy ngắn liền thân, đi giày cao gót và trang điểm bắt mắt. Đại ca của nhóm không nói gì, giơ ba ngón tay lên rồi lần lượt chỉ vào ba cô gái. Tay quản lý dẫn các ''chân dài'' không được lựa chọn khỏi phòng, vị chủ tiệc mới cất lời: “Không cần nhiều em, chỉ cần các em rót rượu và diễn hết mình, vui vẻ là được”.

Như đã quen với vị khách giang hồ từng nhiều lần xuất hiện ở quán, ba ''chân dài'' không ai bảo ai bắt đầu công việc. Một cô bật tivi, lựa chọn danh sách bài hát toàn những bản “remix” theo kiểu nhạc sàn, một cô rót rượu phục vụ khách, người còn lại bóc khăn ướt để ngay ngắn trước mặt khách. Tiếng nhạc sàn kích động được mở lên. Sau tiếng ''dô'' cho lượt rượu đầu tiên, chủ tiệc phát lệnh ngắn gọn: “Cởi đi em”. Đây là lúc bắt đầu của buổi thác loạn với tâm điểm là chiếc bàn rộng chưa đầy 3m2 được đặt giữa phòng hát và chúng tôi cũng tỏ được câu chuyện đến phòng karaoke nhưng không phải hát, mà để… xem múa.

Không để khách phải đợi lâu, ba “vũ nữ” chân vẫn nguyên giày cao gót bước lên bàn bắt đầu uốn éo theo điệu nhạc và từ từ… tụt váy. Đám khách có người là khách quen và “có uy” nên không phải tốn phí mào đầu cho quán hát. Nghĩa là, để được thưởng thức màn thoát y của vũ nữ, ít ra khách phải mở gần 2 két bia hay đã sang chai rượu thứ hai. Đồng thời, khách còn phải bỏ tiền mua đồ của vũ nữ, để từng món, từng món rơi xuống mặt bàn sau mỗi tờ tiền dúi vào người cô gái. Đám bạn đi cùng cười ngả ngớn và làm đủ thứ trò, nhưng chuyện đến Z thì ở phòng hát cấm tiệt. Sau mỗi bản nhạc, các vũ nữ bước xuống bàn quệt mồ hôi, kéo vội váy lên rồi sà vào ngồi cạnh khách. 

Những tò mò của chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề của những vũ nữ thoát y dần được hé lộ khi đã làm quen được với những nhân vật chính của “sô diễn trên bàn”. Hóa ra cuộc đời của các vũ nữ thoát y có khi cũng bức bí, chật chội, khó tìm thấy lối thoát như cái mặt bàn rộng chưa đầy 3m2 là sàn diễn chính của họ. 

Cái nghèo, cái khó bó thân em

Thúy Ngọc là “nghệ danh” được nhân vật tự giới thiệu với chúng tôi. Chẳng để chúng tôi phải hỏi tiếp, cô nói luôn: “Em thích cái tên vậy đó”. Câu nói như gián tiếp thông tin rằng đó không phải là tên thật của cô gái, đồng thời người nói cũng nhắc nhở luôn rằng không muốn nói về tên thật của mình.

Ngọc bảo cô mới sa chân vào chốn đèn mờ gần 2 năm. Vẻ ngoài của Ngọc còn khá trẻ, chưa có những dấu vết tàn tạ trong chốn phấn hương. “Tại sao em lại đi làm việc này?”. Cô gái chưa đầy hai mươi nhìn thẳng chúng tôi, đáp: “Kiếm tiền chứ sao anh. Anh bảo đứa con gái thất học từ lớp 8 làm nghề gì để mỗi tháng gửi về cho gia đình gần chục chai (triệu đồng) đặng má còn nuôi hai đứa em đang tuổi ăn học”.

Cô gái bảo quê mình ở Hậu Giang còn nghèo lắm, “ông bà già” chỉ trông chờ vào mấy công lúa. Cô nghỉ học rồi đến lúc 15 tuổi thì lên TPHCM đi rửa bát thuê cho một quán ăn. Công việc này chỉ đủ nuôi sống một mình cô, nhưng cũng là bước đệm để một cô gái mới lớn ở vùng miệt vườn khó khăn chứng kiến ánh sáng chói lòa ở đô thị, cùng với nó là những cám dỗ khó chối từ. 

Một người chị cùng địa phương biết chuyện rủ Ngọc đi làm massage ở tận Hà Nội. Ngọc gọi điện hỏi ý kiến mẹ, rồi từ TPHCM đi ôtô thẳng ra Hà Nội để bắt đầu con đường “buôn hương bán phấn”. Điểm massage trên đường Trần Khát Chân một lần nữa cũng chỉ là điểm dừng tạm thời của Ngọc. Đó là nơi Ngọc làm quen dần với các chị em cùng nghề, tìm hiểu xem làm thế nào để kiếm được tiền nhanh nhất có thể.

Ở chốn massage, vài đồng tiền bo của khách sau mỗi ca thư dãn không giúp Ngọc dư dả nhiều để gửi về gia đình bởi hàng loạt các khoản phí phải đóng cho quản lý, cho chủ rồi thi thoảng cả phí “trị an” nộp cho đám đầu gấu đầu mèo mỗi đêm hôm. Ngọc trần tình: “Thật ra cũng có cách có được tiền nhanh, nhưng nói thật là em không muốn đi khách. Chả hiểu sao tính em nó thế”. Được sự giới thiệu của một người bạn, Ngọc chuyển nghiệp từ đấm bóp sang nơi có ánh đèn màu nhấp nháy, tiếng nhạc sôi động và “sàn diễn” là chiếc bàn đặt giữa phòng hát này. 

Chuyện vào nghề vũ nữ thoát y của Thùy Dung - cô gái 23 tuổi nhưng đã tỏ ra khá dày dạn trong nghề - không quá khác với Thúy Ngọc: Vẫn là nhà nghèo, thất học và sa chân vào chốn đèn màu. Nhưng câu chuyện của Dung có nhiều gập ghềnh, quanh co hơn. 

Dung quê ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, lớn lên trong gia đình 4 anh em, Dung là con đầu và thất học từ năm lớp 3. Thật ra, độ dài của con đường học vấn của Dung cũng được thể hiện ngay ở những tin nhắn thi thoảng cô tâm sự với chúng tôi. Những tin nhắn đó thường có những lỗi chính tả rất sơ đẳng, khó chấp nhận được ở một người đã 23 tuổi. Bỏ học, Dung bươn trải bán trà đá ở bến xe TP.Mỹ Tho kiếm tiền phụ giúp gia đình. Quyết định cho Dung rời quê để đi làm ăn xa được gia đình đưa ra khi cô gái tròn 14 tuổi.

Dung kể: “Má cho em xuống Vũng Tàu phụ buôn bán càphê cho một người quen. Vì thấy em xinh xắn, nên bà chủ cũng trả tiền kha khá cho ba mẹ trước một năm. Khách vào quán càng đông, nhiều thằng nó đeo em như sam. Cái tuổi quá nhỏ để em nhận thức được đâu là những kẻ lừa dối, ăn chơi qua đường. Em mất đời con gái cho một kẻ như thế sau khi ngấm những lời dụ dỗ như mật ngọt rót vào tai”. 

Sau cái lần bị lừa tình ấy, Dung hận kẻ đã cướp đi đời con gái của mình nên quay trở về Mỹ Tho, vào làm tiếp viên quán bia ôm. Dung kể: “Gia đình không hay biết gì, mà chỉ biết em đi làm nhà hàng gì đó, khuya về nhà lảo đảo say khướt”. Cái nhà hàng bia ôm này cũng chính là điểm đầu cho quãng đường trượt dài của cô gái Mỹ Tho. Vì làm ở đây, cô đã phải đi tập trung phục hồi nhân phẩm trong một năm. Thời gian đó đối với Dung dài như thế kỷ, tưởng như không chấm dứt. Cô kể lại quãng thời gian đó với hai mắt ngấn nước: “Nhiều lúc nghĩ lại mình dại dột, thiếu suy nghĩ mà làm khổ cả gia đình anh ạ, cả năm trời gia đình thăm nuôi. Ba thì im lặng không nói gì, má cứ khóc hoài vì con gái đầu lòng sa chân lỡ vận. Mọi hy vọng gia đình đặt lên em, vậy mà làm má thất vọng ê chề”. 

18 tuổi, Dung rời trại phục hồi nhân phẩm rồi lặng lẽ bỏ nhà lên TPHCM kiếm sống. Bản thân cô gái cũng xác định cần “phục hồi” lại cuộc đời mình, sống bằng lao động, sức lực chân chính. Dung xin việc ở một xưởng in ở quận 6, TPHCM. Nhưng cuộc đời không dễ dàng với Dung, lại một lần nữa cô gái rơi vào bẫy tình. Lần này, kẻ “Sở Khanh” không chỉ lấy đi tình cảm của cô gái mà còn cuỗm sạch khoản tiền ít ỏi Dung dành dụm không dám ăn, không dám mặc để gửi về gia đình. Cú sốc quá nặng cùng với cảnh quẫn bách vì không có tiền, Dung tìm đến quán massage gửi thân qua ngày.

Vào làm tiếp viên massage cũng chẳng yên, không “làm bậy” thì khách không boa, mà làm thì bị quản lý lúc thì xin tiền, lúc thì hăm dọa, đủ thứ đường. Một đêm khuya lơ khuya lắc, trên đường lang thang về nhà trọ, một vị khách dừng xe cho Dung đi nhờ. Từ đó, Dung chấp nhận một cuộc tình già nhân ngãi, non vợ chồng với người đàn ông đã quá tuổi trung niên.

Dung không phải đi làm massage nữa mà được người tình già bao trọn. Dung không phải bỏ tiền thuê nhà trọ, sáng ngủ nướng thoải mái, thi thoảng đi chợ nấu cơm đón “chồng hờ” về ăn hay được rước đi ăn nhà hàng. Đêm đến, cô tháp tùng “chồng” trong những buổi thác loạn trong tiếng nhạc rậm rật ở vũ trường. Dung bảo, thật ra cuộc tình này cũng chẳng có điều gì đáng nói vì cơ bản hai bên cần ở người khác cái mà mình không có: Em cần tiền, còn ông ta cần tình.

Nhưng điều mà Dung nhớ nhất là cuộc tình này đã khiến cô “bén mùi” sàn nhảy, quen màu đèn nhấp nháy. Sau khi gã chồng hờ bỏ đi, Dung chính thức trở thành “gái nhảy”.

Nguồn: Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog