Chia sẻ

Tre Làng

GS CARLYLE THAYER: HAI TÂN PHÓ THỦ TƯỚNG VIỆT NAM ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ CAO


Hiện tại Chính phủ Việt Nam có ba phó Thủ tướng từng được đào tạo ở phương Tây.

Bên lề Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông vừa diễn ra tại Hà Nội, GS Carlyle Thayer (đại học New South Wales, học viện Quốc phòng Australia), một trong các chuyên gia về Việt Nam, đã chia sẻ những góc nhìn của mình về hai tân phó thủ tướng mới được bổ nhiệm của Việt Nam.

Việc ông Nguyễn Thiện Nhân thôi giữ chức phó Thủ tướng và Quốc hội phê chuẩn hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh trở thành các phó Thủ tướng mới thì hiện tại Chính phủ Việt Nam có ba phó Thủ tướng từng được đào tạo ở phương Tây. Cụ thể ông Hoàng Trung Hải từng học tập tại CH Ireland, ông Vũ Đức Đam tại Bỉ và ông Phạm Bình Minh tại Mỹ.

Đây là một sự phát triển đáng chú ý đối với Việt Nam. Tháng 4 vừa qua bộ Chính trị đã ra nghị quyết về hội nhập quốc tế. Giờ đây các bạn đã có thêm hai phó thủ tướng là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và quan hệ quốc tế.

Nếu nhìn lại những dấu ấn trong lĩnh vực đối ngoại có thể thấy ông Phạm Bình Minh đã có những thành công trong thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam được đề ra từ Đại hội XI. Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác chiến lược toàn diện với 13 trong số những nước quan trọng nhất trên thế giới gồm có Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc (2009), Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011).

Trong năm 2013 là Ý, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Pháp. Cũng trong năm nay, Việt Nam và Mỹ đã nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác toàn diện. Đáng chú ý là Việt nam đã có quan hệ đối tác chiến lược hoặc tương đương với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các thành viên của hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Thành công lớn thứ hai của chính sách đối ngoại Việt Nam là trong việc xử lý các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông. Việt Nam đã khéo léo sử dụng các đặc phái viên để đạt được các mục tiêu của mình và tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam đã tránh không để vấn đề Biển Đông chi phối quan hệ song phương với Trung Quốc. Chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng 10 năm nay cho thấy Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác trong các vấn đề trên biển.


Việc được đề cử và bổ nhiệm cho thấy ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đã có được sự ủng hộ cao trong Đảng. Họ có lẽ là những nhân vật được hoạch định cho tầm nhìn tương lai, cho sự hội nhập của Việt Nam.

Việt Nam cần hội nhập với kinh tế thế giới. Hiện Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nhưng xuất siêu sang Mỹ. Việt Nam cũng có quan hệ kinh tế quan trọng với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và đang trong giai đoạn cuối cùng của việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có thể thấy Việt Nam muốn đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ chứ không muốn đứng giữa sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Vấn đề khoa học công nghệ cũng là rất quan trọng. Ông Vũ Đức Đam là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng ông Đam sẽ thu hút và kéo theo những gương mặt trẻ và năng động để thúc đẩy lĩnh vực khoa học, công nghệ ở Việt Nam.

Còn ông Phạm Bình Minh có rất nhiều kinh nghiệm trong làm việc với các tổ chức quốc tế, như tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Liên hiệp quốc (UN), những lĩnh vực đòi hỏi các kinh nghiệm khác biệt. Kinh nghiệm quốc tế của ông Phạm Bình Minh sẽ rất quý báu trong việc xử lý các mối quan hệ của Việt Nam với những cường quốc lớn và thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua tình trạng trì trệ hiện nay.

Tôi không nghĩ những nhân tố mới này sẽ tạo ra những thay đổi hoàn toàn trong chính sách phát triển của Việt Nam nhưng tôi mong đợi sẽ có những tư vấn tốt hơn cho Thủ tướng và sự hiện diện mạnh mẽ và thực chất hơn trong các chính sách đối ngoại của Việt Nam.

9 nhận xét:

  1. Xung quanh sự kiện này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến chung nhất cho rằng cách bổ nhiệm lãnh đạo như vậy "chỉ có ở Việt Nam" - đất nước mà lúc nào cũng ở "thời kỳ quá độ" mãi mê tìm tòi khám phá những điều mà nhân loại đã đi qua rồi! Đó cũng là lý do tại sao Đảng, Chính phủ và Quốc hội liên hồi kêu gọi "cải cách hành chính", "tinh giản biên chế"..., nhưng đội ngũ công chức không ngừng tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế; tại các lễ hội, phần giới thiệu danh sách đại biểu thường dài đến sốt ruột!

    Sở dĩ việc bổ nhiệm cùng lúc 2 phó Thủ tướng mới được dư luận hoan nghênh trước hết là vì người Việt Nam đã quá thất vọng với giới lãnh đạo già nua bảo thủ và giờ đây rất sẵn lòng chào đón những gương mặt trẽ hơn. Tuy nhiên, đó là thứ tình cảm nhất thời khiến người ta quên đi những điều kiện khác mà Việt Nam đang rất cần, đó là tầm nhìn và bản lĩnh độc lập của người lãnh dạo. Thực tế thế giới cho thấy không phải độ tuổi trẻ hay già mà tầm nhìn và bản lĩnh độc lập mới là yếu tố cần thiết nhất của một nhà lãnh đạo. Ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, độ tuổi lãnh đạo có thể rất trẻ nhưng cũng có thể khá già dặn (như Lý Quang Diệu của Singapore, Đặng Tiểu Bình cuả Trung Quốc v.v...) vì ở đó người ta căn cứ vào bản lĩnh và tầm nhìn để lựa chọn lãnh đạo. Tất nhiên tầm nhìn cần được thể hiện công khai, tốt hơn hết là bằng cương lĩnh và chương trình hành động cụ thể, đủ sức thuyết phục trước công chúng. Đó cũng là thước đo để đánh giá công tác trong suốt nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo ngoài việc tuân thủ nguyên tắc công tác và nghĩa vụ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, điều quan trọng là phải tỏ rõ bản lĩnh và lập trường riêng của mình nhằm đảm bảo thục hiện cương lĩnh hành động đã cam kết. Khi xét thấy không đạt yêu cầu thì họ sẽ tự nguyện từ chức hoặc bị thay thế mà không phải đợi hết nhiệm kỳ. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Pháp v.v...việc từ chức hoặc bị cách chức là hoàn toàn bình thường nhằm đảm bảo hoạt động của guồng máy và vì lợi ích của quốc gia. Đó là một đặc điểm của phong cách lãnh đạo trong thế giới hiện đại.

    Tiếc rằng điều này chưa có và có lẽ còn lâu mới có trong nền chính trường Việt Nam. Nghe nói trong quá trình họp Quốc hội vừa qua đã có ý kiến đề nghị 2 vị Phó Thủ tướng được đề cử trình bày chương trình hành động..., nhưng không hiểu vì lý do nào, đến nay vẫn chưa thấy gì ngoài những lời phát biểu chung chung. Đây chính là một lổ hổng trong quy trình lựa chọn và đề bạt cán bộ ở Việt Nam như nó vốn dĩ vẫn thế. Vẫn biết, nếu xét từng cá nhận lãnh đạo Việt Nam không thiếu người tài và bản lĩnh, nhưng tiếc thay họ không được tạo điều kiện để thể hiện một cách công khai trước công chúng, do đó sau khi nhận nhiệm mới vụ họ thường dễ trở nên tự mãn, tự phụ và xa dần với quần chúng nhân dân, thậm chí trở nên quan cách, độc đoán. Không có cương lĩnh hành động từ trước, họ thường lúng túng và dẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị thao túng bởi giới lãnh đạo đàng anh. Là thiểu số mới lên họ dẽ bị rơi vào thế "thiểu số phải phục tùng đa số". Rốt cuộc họ chỉ còn cách lựa chọn, một là chịu "bị đồng hóa" bởi ê kíp cũ, hai là bị loại bỏ giữa chừng, ba là "bị liệt vị" không thể phát huy được gì trong một guồng máy tập thể đã an bài.


    Trả lờiXóa
  2. Mong muốn hai Tân Phó Thủ tướng sẽ làm những điều tốt đẹp hơn cho đất nước, con người Việt Nam! Nhân dân ta còn gặp nhiều khó khăn,thực trạng về kinh tế thì nước ta là nước có nền kinh tế nông nghiệp và lạc hậu,du lịch dịch vụ còn hạn chế! Hai ngài đã được sự đồng ý để làm những cương vị có trọng trách thì nên có sự chăm lo cho nhân dân, nghĩ đến lợi ích cho con cháu,cho muôn đời về sau! Hãy tự tin đứng lên làm những điều chính nghĩa.

    Trả lờiXóa
  3. Quê choa tiếp theo22:16 15/11/13

    Nhiều người hẳn còn nhớ trường hợp cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã bị "loại bỏ" như thế nào trước sức ép của các thế lực "thù trong giặc ngoài" vào những 1980. Ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng về phong cách và bản lĩnh cũng đã từng là nạn nhân trong nhiều năm liền. Rất nhiều trường hợp người tài đức đã "biến mất" trong quá trình vận hành nền chính trị của đất nước này. Thực tế cho thấy không chỉ bản thân họ bị "ngã ngựa giữa dòng" và sự nghiệp của đất nước cũng bị ảnh hưởng. Sự thật phủ phàng và trớ trêu đến nỗi nhiều người đã rút ra bài học rằng muốn làm nên sự nghiệp lớn trước hết hãy biết bảo vệ mình...bằng cách dĩ hòa vi quý (!). Nhưng thực ra đó chỉ là cách ngụy biện thuận tiện nhất đối với những kẻ cơ hội chờ thời. Liệu đất nước này có thể cải cách và phát triển với một đội ngủ quan chức với quan niệm đầy thực dụng như vậy không?

    Thiết nghĩ, điều Việt Nam đang thiếu hiện nay không chỉ là lãnh đạo trẻ mà là lãnh đạo có bản lĩnh và tầm nhìn với phong cách hiện đại. Họ phải là người dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chí có những lãnh đạo như thế mới có thể công phá vào cái lô cốt được xây bằng thứ vật liệu của sự dối trá và mị dân cũng những khái niệm mơ hồ như "lãnh đạo tập thể", "nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên", "đấu tranh phê và tự phê" v.v... Khi nào còn thiếu vắng những lãnh đạo như thế thì chưa thể hy vọng đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ và bảo thủ đã ăn sâu bám rể trong trong thời gian dài./.

    Trả lờiXóa
  4. Chúc mừng hai tân phó thủ tướng. mong rằng hai phó thủ tướng sẽ có chính sách tốt nhất giải quyết không chỉ về kinh tế mà còn về chủ quyền, an ninh đất nước. nhưng mọi người chắc đều có một thắc mắc nho nhỏ : tại sao nước ta nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khu du lịch sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh vậy mà du lịch của chúng ta vẫn chưa phát triển, bên cạnh đó nếu các mỏ tài nguyên của Việt Nam cạn kiệt thì kinh tế của chúng ta sẽ trông chờ vào sự tăng trưởng từ đâu? con người Việt Nam thông minh hoạt bát nhưng sao vẫn phải nhập khẩu những hàng mà các nước khác mua nguyên liệu của chúng ta về để chế biến, ví dụ như dầu. sao chúng ta không đầu tư vào từ những thứ thiết thực, đơn giản nhất.

    Trả lờiXóa
  5. Xin chúc mừng hai tân phó thủ tướng, Vũ Đức Đam và Phạm bình Minh. Tôi rất tự hào vì hai phó thủ tướng trong chính phủ! Tôi mong rằng hai tân phó thủ tướng sẽ là tấm gương về đức độ, về tài năng về giải quyết công việc, tham mưu tốt cho chính phủ để dẹp bọn quan tham làm nghèo đất nước dân tộc mà thực trạng quan tham đang ở mọi cơ quan, mọi lĩnh vực của xã hội, chúng rút ruột của dân của đất nước dưới mọi hình thức..., mong hai vị thường xuyên vi hành xuống cơ sở lắng nghe và nghiêm trị quan tham.

    Trả lờiXóa
  6. Phải nói đã rất lâu rồi người dân Việt Nam mới có được cảm giác biết ơn và toại nguyện như vậy, vì chúng ta lựa chọn được hai vị phó Thủ tướng thực sự hợp lòng dân: Trẻ trung, thông minh, đức độ và có tầm nhìn sâu rộng. Tôi rất mừng vì có những cán bộ phấn đấu nỗ lực đạt được vị trí xứng đáng, tôi tin tưởng vào sự lựa chọn nhân sự của Đảng , quốc hội và chính phủ, mừng cho đất nước có những cán bộ như vậy để cùng gánh vác giang sơn. Xin chúc mừng hai tân phó thủ tướng!

    Trả lờiXóa
  7. Chúc mừng hai phó thủ tướng vừa mới được bổ nhiệm, đó là ông Vũ Đức Đam, và ông Phạm Bình Minh. Hi vọng với tài năng, sức trẻ của mình hai ông sẽ góp phần chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, vươn ra thế giới. Sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của đất nước.

    Trả lờiXóa
  8. Trước hết xin chúc mừng tới hai tân phó thủ tướng chính phủ, hai vị được bổ nhiệm vào lúc đất nước đang gặp khủng hoảng kinh tế chưa thể giải quyết dứt điểm, vấn đề biển Đông vẫn ngày một nóng lên... Hi vọng với trách nhiệm cao nhất hai tân phó thủ tướng sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn động.

    Trả lờiXóa
  9. Hi vọng với mộ máy nhân sự mới tì sẽ giải quyết được các vấn đề đang tồn tại hiện nay, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông, giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội....
    Hi vọng Việt Nam sẽ thay đổi mạnh mẽ một cách tích cực nhất

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog