Chia sẻ

Tre Làng

SỰ HI SINH CAO CẢ KHÔNG BAO GIỜ UỔNG PHÍ

Tháng 11 năm 1985, tôi được điều động sang Đoàn chuyên gia quân sự 478. Lúc đó, Phnom Pênh đã được giải phóng gần 7 năm, nhưng cuộc chiến với Khmer Đỏ - người dân Campuchia gọi là À Pốt (bọn Pol Pot) vẫn chưa giảm mức độ căng thẳng, khốc liệt. Lúc mới sang Campuchia, chúng tôi đi tới đâu đều bị chó sủa, trong khi chúng không sủa khi thấy người Campuchia. Bực quá, mắng lũ chó theo À Pốt.

Chỉ ít lâu sau, được cử trực tiếp làm sĩ quan trong đơn vị Quân đội Nhân dân Cách mạng Campuchia (chuyên gia tăng cường - chùm nia-ing-ca boòng-caơn), tôi đi tới đâu, lũ chó của nguời Campuchia không sủa nữa. Nhưng khi tôi tới nhà của chuyên gia Việt Nam, của bộ đội Việt Nam, lại bị lũ chó ở đó sủa. Trong quần áo, trong mồ hôi, trong hơi thở của tôi đã có mùi mắm bò hóc, món ăn truyền thống của người Campuchia.

Một trận sốt thương hàn nặng, đó là hao tổn sức khỏe lớn nhất và duy nhất của tôi ở Camuchia. Không bị thương, không sốt rét, tôi may mắn hơn rất nhiều so với nhiều đồng đội của tôi, những người đã để lại một phần thân thể, đã nằm xuống mãi mãi ở đất nước Chùa Tháp. “Gạt bùn đất mà đi, gỡ mìn mà tiến, bao chiếc xe dính mìn bốc cháy, bao bàn chân bạn tôi gửi lại…” Trần Văn Thịnh, người bạn cùng lớp đại học với tôi kể lại, trong bài thơ “Những nẻo đường chiến tranh”. Trần Bá Toàn, một bạn học đại học khác của tôi đã bỏ mình ở Mặt trận 579, Đông Bắc Campuchia, chỉ hơn hai tháng sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự. Mãi tới cuối năm 2009, gần một phần tư thế kỷ sau khi Trần Bá Toàn mất, chúng tôi mới tìm thấy mộ Toàn. Bây giờ, Toàn vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ…

Khi biết tôi là cựu chiến binh ở Campuchia, có nhà báo trẻ hỏi tôi, hồi đó được cử sang Campuchia, tôi nghĩ gì? Tôi không xung phong, không viết thư bằng máu để được sang Campuchia làm nhiệm vụ, nhưng nhận lệnh sang Campuchia một cách bình thản, như những kẻ làm trai thời chiến, những người lính khác. Là người trong cuộc, tôi thấu hiểu ý nghĩa những việc chúng tôi đã làm ở Campuchia. Tôi tự hào đã ở trong “đội quân Nhà Phật”, góp phần hồi sinh đất nước Campuchia, hồi sinh dân tộc Khmer. Đó là sự thật không thể phủ nhận.

Tháng 7/2012, khi Campuchia có những hành xử được cho là có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, có những ý kiến rằng, sự hy sinh cuộc sống, tuổi xuân, xương máu của chúng tôi ở Campuchia là uổng phí. Tôi đã viết bài “Những đôi mắt ở Tuol Sleng” https://www.facebook.com/notes/thi%E1%BB%81m-th%E1%BB%AB/nh%E1%BB%AFng-%C4%91%C3%B4i-m%E1%BA%AFt-%E1%BB%9F-tuol-sleng/10151114314806983

Tháng 11/1985, lần đầu tiên đến Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh, Campuchia. Trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày Khmer Đỏ thống trị đất nước Chùa Tháp, đây là Nhà tù Tuol Sleng – S21. Khoảng 17.000 người đã bị giam giữ và giết tại đây. Bọn đồ tể chụp ảnh tất cả những người bị giam và bị giết tại Tuol Sleng. Khi Bảo tàng Diệt chủng được lập, ảnh của các nạn nhân được trưng bày chung trong những khung lớn.

Năm 1985, ảnh của các nạn nhân chỉ được phóng nhỏ, cỡ 4-6, trưng bày trong một gian phòng, xưa là phòng giam tù nhân. Đứng trong căn phòng đó, giữa hàng chục ngàn đôi mắt của những người đã chết như nhìn thẳng vào mình, cảm giác thật khó tả.

Bây giờ, ảnh nạn nhân được phóng to hơn, mỗi khung trưng bày có ít ảnh hơn. Nhưng khách thăm thấy rõ hơn những đôi mắt nạn nhân. Nao nao, bần thần, bùi ngùi…, nỗi ám ảnh từ những ánh mắt ấy vẫn như gần 30 năm trước.

Trong số nạn nhân ở Tuol Sleng, có không ít người Việt. Phần lớn trong số họ là bộ đội, như anh Nguyễn Tấn Hải, Nguyễn Thanh Sơn trong ảnh này.

Lúc này đây, có nhiều người cho rằng, sự hy sinh của những người lính Việt như anh Hải, anh Sơn, như nhiều người bạn của tôi ở Campuchia là uổng phí. Phải vậy chăng?

Tôi tin, nếu đã một lần đối điện với những đôi mắt ở Toul Sleng, bạn sẽ trả lời “Không” với câu hỏi đó.

Những ngày này, kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng 7/1/1979, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, Thủ tướng Campuchia Hunsen và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Somrin đã sang thăm Việt Nam. Những lời nói chân tình của hai ông về công lao của Việt Nam đối với đất nước Campuchia, là minh chứng cho niềm tin của tôi. 

Nguồn: Thiềm Thừ

1 nhận xét:

  1. Hình ảnh quân đội Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot được cả thế giới đánh giá cao. Nhưng chúng ta cũng phải chịu những thiệt hại không hề nhỏ, nhiều chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh trong cuộc chiến tranh này, xương máu của các anh đã đổ để đổi lại cho chính nghĩa cho hòa bình ổn định, hình ảnh của các anh sẽ sống mãi không bao giờ người dân Campuchia quên được công ơn này.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog