Chia sẻ

Tre Làng

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH: VIỆT NAM KHÔNG PHẢI LÀ ỐC ĐẢO

TT - Như thường lệ mấy năm gần đây, trước thềm năm mới Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi để đánh giá, nhìn nhận, bình luận về những vấn đề đối ngoại, quốc phòng...


Ông mở đầu: Chúng ta đang được sống trong không khí xã hội rất tốt, cuộc sống mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đủ cho mỗi người hưởng niềm vui, thành quả lao động của họ trong suốt một năm dài. Đúng là chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết: nạn tham nhũng, những khó khăn về kinh tế, nhưng sự ổn định xã hội và sự bình yên đem lại cho chúng ta những điềm lành, những tín hiệu tốt về tương lai.

Bình yên nhưng vẫn còn sóng ngầm

* Có những phân tích rằng năm 2013 là một năm biển Đông lặng sóng. Ông có nghĩ như vậy không?

- Nếu nói 2013 là một năm biển Đông lặng sóng theo cách chơi chữ ẩn dụ như vậy thì có lẽ chưa thật sự chính xác. Phải nói rằng thời gian qua chúng ta đã rất cố gắng để xây dựng vùng biển Đông, vùng đặc quyền kinh tế, vùng Trường Sa của chúng ta có những bước phát triển mới.

Chúng ta duy trì được các hoạt động bình thường trên biển như hoạt động nghề cá của ngư dân, thăm dò và khai thác dầu khí, nghiên cứu biển, hoạt động của hải quân, cảnh sát biển... Biển Đông ổn định, hòa bình, không có vướng mắc gì lớn trước những khác biệt về chủ quyền của VN với nước ngoài.

Nói như vậy để hiểu rằng biển Đông lặng sóng không phải là chúng ta ngồi yên, không làm gì cả, mà chúng ta phải đem rất nhiều sức lực ra để đảm bảo cho mọi hoạt động lao động sản xuất, đi lại trên biển diễn ra một cách bình thường, hòa bình.

Vừa qua tôi có đi đến một số địa phương thì thấy ngư dân của chúng ta có thể yên tâm đi lại, làm ăn trên các ngư trường truyền thống của mình. Đây là điều rất đáng mừng và chính nó là một nhân tố tạo ra không khí bình yên, sự yên tâm đối với tình hình chung của đất nước.

* Điều gì đã tạo nên không khí yên bình như vậy, thưa ông?

- Trước hết, phải nói rằng Đảng, Nhà nước chúng ta đã có những bước đi hết sức đúng đắn, với tinh thần thật sự mong muốn giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc hợp tác cùng phát triển giữa các nước có lợi ích trên biển Đông.

Chúng ta cũng đã đi trước rất xa mới có được ngày hôm nay. Phải kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký được những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển. Rồi chuyến thăm Trung Quốc và một số nước khác của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chúng ta chủ động nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Và điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại của chúng ta là bài phát biểu hết sức minh bạch, rõ ràng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị Shangri-La (Singapore).

Trong ngoại giao, chúng ta đã không nói lấy được mà chúng ta chân thành nói và làm, là một thành viên có trách nhiệm với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Phải nói rằng chúng ta là một tấm gương về việc nói và làm theo xu thế chung của thế giới hiện đại là hợp tác, phát triển, là bạn, đối tác tin cậy của mọi quốc gia trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, giữ gìn bản sắc của VN và luôn luôn bảo vệ mạnh mẽ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc.

Sự bình yên mà chúng ta có chính là kết quả của một loạt hoạt động có tính thống nhất, sự hội tụ như vậy và đó chính là kết quả có nguồn gốc từ ý chí mạnh mẽ của nhân dân về độc lập, tự chủ, hòa bình.

* Nhưng liệu rằng sự bình yên, ổn định trong năm 2013 có mang tính bền vững hay vẫn ẩn chứa trong đó những cơn sóng ngầm?

- Với những biến động tình hình trên thế giới và khu vực hiện nay cũng như chiến lược của các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn, thì không thể nói rằng biển Đông không còn sóng ngầm. Chúng ta cần nhìn nhận là tình hình còn rất phức tạp.

Nhưng một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh là nếu chúng ta vẫn giữ được độc lập tự chủ trong đường lối đối ngoại, giữ được phương châm mà Bác Hồ đã vạch ra là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, giữ cho được sự chủ động trong quan hệ đối ngoại với các nước trên tinh thần tin cậy, hợp tác, phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế thì chúng ta tin rằng về phần chúng ta sẽ từng bước ổn định hơn tình hình đất nước, tình hình biển Đông. Không những thế, chúng ta còn tự tin rằng VN sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

* Ông nhắc đến từ tin cậy trong đối ngoại, tại hội nghị Shangri-La Thủ tướng cũng đề cập cụm từ “lòng tin chiến lược” và mới đây trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng tái khẳng định “chúng ta đối ngoại chân thành”, nhưng chắc chắn rằng lòng tin không thể tạo ra từ một phía...

- Đã nói đến lòng tin thì phải nói ít nhất từ hai phía. Thủ tướng nói lòng tin chiến lược là gì? Tôi nghĩ rằng có hai yếu tố cơ bản để xây dựng lòng tin chiến lược.

Một là chân thành và thực tâm. Hai là lòng tin chiến lược dựa trên lợi ích chiến lược.

Lòng tin chiến lược hoàn toàn không chỉ dựa vào lời nói, nó xuất phát từ sự chân thành và thực tâm trong việc tìm ra những điểm tương đồng để giải quyết vấn đề lợi ích chiến lược trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên.

Đây cũng là xu hướng chủ đạo đang diễn ra trên phạm vi thế giới. Nếu ở đâu đó tồn tại sự áp đặt, cục bộ lợi ích thì ở đó không thể có lòng tin chiến lược.

Chúng ta minh bạch, đàng hoàng

* Thưa ông, khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông thì tình hình khu vực đã trở nên nóng bỏng với sự phản đối của Nhật Bản, nhiều người VN đã nghĩ rằng liệu Trung Quốc có thiết lập vùng nhận dạng phòng không tương tự ở biển Đông? Và phải chăng việc Trung Quốc tập trung điểm nóng vào biển Hoa Đông cũng là nguyên nhân khiến biển Đông lặng sóng?

- Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề không nên né tránh và cũng không thể nói rằng đây là việc chúng ta không quan tâm. Mỗi người, mỗi quốc gia sẽ nhận thức vấn đề và phản ứng về nó một cách khác nhau.

Với VN, chắc chắn rằng dù bên ngoài có thế nào đi nữa thì chúng ta vẫn giữ vững nguyên tắc về chủ quyền với toàn vẹn lãnh thổ mà chủ quyền biển bao gồm trên mặt biển, trên bầu trời và dưới đáy biển theo đúng luật pháp quốc tế, cái gì không đúng luật thì chúng ta không chấp nhận.

Chúng ta phải dựa vào sức mình để làm chủ bầu trời của mình, làm chủ mặt biển của mình và làm chủ đáy biển của mình. Và chúng ta công khai, minh bạch với thế giới quan điểm của mình.

* Có thể nói là chưa bao giờ có sự hiện diện tập trung của các cường quốc tại khu vực Đông Nam Á và rộng ra là cả khu vực Đông Á như năm 2013, với những lợi ích và mâu thuẫn đan xen. VN đứng trước cơ hội và thách thức gì trong bối cảnh này, theo ông?

- Sự hiện diện của các nước lớn tại khu vực này đã diễn ra 5-7 năm nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, với chiến lược xoay trục của Mỹ, chiến lược hướng đông của Ấn Độ, sự quan tâm và can dự của các nước châu Âu và trong khu vực thì các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với các lý do chủ quan và khách quan của mình cũng phải phát triển rất mạnh mẽ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Như vậy, tự nhiên tình hình khu vực trở nên nóng, trở thành tâm điểm quan tâm của thế giới.

Tất nhiên, một khi khu vực được chú ý thì từng quốc gia trong khu vực cũng được chú ý và cũng có tiếng nói có trọng lượng trước cộng đồng quốc tế, nhưng sự can dự đa chiều và mạnh mẽ của các cường quốc cũng khiến các nước nhỏ dễ đánh mất mình.

Như vậy, có nước sẽ tạo được điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh hơn, có nước bị rơi vào vòng xoáy của sự tranh giành lợi ích giữa các cường quốc. Vấn đề đặt ra với chúng ta là giữ cho được độc lập tự chủ, tranh thủ được cơ hội để phát triển.

* Một đặc điểm rất đáng chú ý của năm 2013 là sự biến động, mất ổn định chính trị tại các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan... Bối cảnh này tác động thế nào tới VN?

- Cái gọi là “phong trào dân chủ” theo kiểu Bắc Phi, Trung Đông hay người ta gọi là “cách mạng màu trực tuyến” là một căn bệnh hay lây và thực tế nó đã lây lan sang nhiều khu vực trên thế giới. Khu vực của chúng ta cũng đã có dấu hiệu bị lây căn bệnh này.

Mỗi một “phong trào dân chủ” có sắc thái, mức độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là đòi xóa bỏ chế độ hiện hành, xóa bỏ kết quả bầu cử, hậu quả là gây ra biến động xã hội và tình trạng mất kiểm soát.

Chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề này. Bởi nó là bệnh hay lây nên nếu chúng ta không cẩn thận thì nó cũng có thể lây sang đất nước mình, nhất là với tầng lớp thanh niên. Vậy chúng ta phải làm gì?

Trước hết là phải nhận thức được căn bệnh ấy trong một thế giới phẳng, không được chủ quan. Thứ hai, điều đặc biệt quan trọng là không được để xảy ra mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền. Không được để sự bức xúc của người dân ở một số lĩnh vực đất đai, môi trường... trở thành những phong trào chống lại đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhìn nhận trên thực tế thì tôi thấy rằng chúng ta đã rất chủ động giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, đặc biệt là qua việc thực hiện nghị quyết trung ương 4, chính vì vậy chúng ta đã giữ được ổn định.

Trở lại vấn đề với câu hỏi rằng: VN có là ốc đảo không? Không. VN không phải là ốc đảo. Chúng ta đã hội nhập, đã giao lưu kinh tế, văn hóa rất sâu với khu vực và thế giới. Vậy thì chúng ta phải có gì mới giữ được ổn định chứ, chúng ta phải có gì mới không bị lây. Bởi vì chúng ta kịp thời thay đổi, điều chỉnh, chúng ta minh bạch, đàng hoàng.

* Ông nghĩ sao về chuyện Mỹ vẫn chưa bán vũ khí sát thương cho VN?

- Tôi có thể nói rằng tại thời điểm này VN chưa có nhu cầu mua vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, về sự cấm đoán này, tôi có nói chuyện với một số đồng nghiệp và chính giới Hoa Kỳ thì họ giải thích đây là chuyện của Quốc hội.

Và điều bất thường là Quốc hội Mỹ gắn việc cấm bán vũ khí sát thương với cái gọi là tình hình dân chủ nhân quyền ở VN. Tôi có nói lại với những người tôi gặp rằng trong bối cảnh hai nước đã tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện thì sự cấm cản trên là điều bất thường và chưa tạo dựng được lòng tin chiến lược.

* Trong thời gian qua, khi VN tăng cường các hoạt động trao đổi quân sự như tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm, máy bay... từ nước ngoài thì báo chí quốc tế rất chú ý, có nhiều bài bình luận rằng VN mua sắm vũ khí là để đối phó với sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Là người gắn bó với công tác đối ngoại quốc phòng, ông nói gì về chuyện này?

- Câu chuyện này cũ rồi. Việc VN phải mua sắm trang bị quốc phòng bây giờ cũng là muộn, bởi nền kinh tế của chúng ta chưa phát triển.

Chúng ta đã và đang từng bước, phù hợp với sự phát triển kinh tế, để mua sắm vũ khí, trang bị quốc phòng đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong việc bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình.

Việc mua sắm như vậy là chuyện bình thường ở mọi quốc gia, kể cả những quốc gia hàng trăm năm nay chưa từng biết đến chiến tranh.

Những dự án mua tàu ngầm Kilo và các dự án khác thì chúng ta đã chuẩn bị, đã ký kết nhiều năm trước nên đã là chuyện cũ.

Chỉ có một điều cần phải nói là việc mua sắm vũ khí, trang bị không làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.

ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện

5 nhận xét:

  1. Năm 2013 không phải là một năm lặng sóng của biển Đông. Bởi cái làn sóng ngầm vẫn luôn hiện diện và bất cứ lúc nào cũng có thể bùng phát trở thành xung đột. Quan trọng mỗi người dân phải ý thức được đúng đắn những chính sách và đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Không được để những kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc nhà nước, cho rằng chúng ta hèn nhát, sợ Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  2. Với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, với chiến lược xoay trục của Mỹ, chiến lược hướng đông của Ấn Độ, sự quan tâm và can dự của các nước châu Âu và trong khu vực thì các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Tình hình trên biển Đông đang là mối quan tâm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nó trở thành vấn đề nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào những nhà lãnh đạo của đất nước cũng như nhân dân Việt Nam cần tin tưởng vào con đường đối ngoại của chúng ta.

    Trả lờiXóa
  3. Biển đảo đang trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây. Việt Nam mua tàu ngầm Kilo không phải là cuộc đua vũ trang. Đó là ý kiến thiếu căn cứ. Việt Nam là quốc gia biển với 3.200km bờ biển, 1 triệu km vuông biển, chiếm ¾ diện tích đất nước, việc tăng cường phòng vệ biển là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần nâng tầm quốc gia trong khu vực để có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là hết sức cần thiết. Việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam là vấn đề thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ bảo vệ trên đất liền mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ trên biển vì diện tích biển đảo lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Do Việt Nam là nước gắn liền với biển, nên muốn bảo vệ được Tổ quốc, trước tiên phải bảo vệ được biển đảo.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu có chuyện gì trên đất liền, 90 triệu dân có thể trực tiếp hành động. Như Bác Hồ nói: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nhưng chuyện xảy ra ngoài biển thì không thể ngay một lúc huy động toàn dân được. Cho nên, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho biển: tăng cường sức mạnh phòng thủ của các đảo; tăng cương lực lượng hải quân; không quân; tên lửa đất/biển.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog