Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC CÓ TỰ TUNG TỰ TÁC ĐƯỢC TRƯỚC ÁP LỰC QUỐC TẾ?

(Tin tức 24h) - Cùng với nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích trước lệnh cấm tàu cá nước ngoài đánh bắt trên Biển Đông phi lý của Trung Quốc. Liệu nước này có thể tự tung tự tác được trước áp lực của cộng đồng quốc tế?

Không thể dung thứ

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định bằng cách đơn phương đưa ra lệnh cấm đó, Trung Quốc đang tự xem biển Đông là vùng biển của họ và “động thái như thế không thể được cộng đồng quốc tế dung thứ”.

Ông Onodera còn cho rằng “không chỉ có Nhật mà cả cộng đồng quốc tế đều quan ngại Trung Quốc đang đơn phương đe dọa trật tự quốc tế hiện nay”, khi Bắc Kinh áp dụng lệnh cấm đánh bắt mới ở biển Đông và thành lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, theo Reuters.

Trước đó, Mỹ, Philippines, Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ lệnh cấm đánh bắt mới của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera theo dõi cuộc tập trận của Lữ đoàn không quân số 1 tại Funabashi ở phía đông thủ đô Tokyo hôm 12/1
Chính phủ Mỹ ngày 9/1 cũng tuyên bố, lệnh cấm đánh bắt cá mới của Trung Quốc ở biển Đông “mang tính khiêu khích và có khả năng gây nguy hiểm".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: "Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích hay căn cứ nào dựa theo luật pháp quốc tế cho những tuyên bố mở rộng hàng hải này.

Lập trường lâu nay của chúng tôi là tất cả các bên liên quan cần tránh những hành động đơn phương có thể gây căng thẳng hoặc cản trở các giải pháp ngoại giao, giải pháp hòa bình khác nhằm giải quyết bất đồng”.

Trong khi đó, báo Manila Standard Today đưa tin Chính phủ Philippines khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này trước sự đe dọa của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh nước này sẵn sàng đối phó với việc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Manila. “Chúng tôi sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên của nước mình” - một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cho biết.

Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định quy định mới của Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. “Các quy định này vi phạm tự do hàng hải và quyền đánh bắt cá trên biển theo UNCLOS - Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh - Hành vi của Trung Quốc sẽ làm leo thang căng thẳng, khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.

Việt Nam hỗ trợ ngư dân ra khơi

Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị khẳng định, những hoạt động của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông...

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”, ông Lương Thanh Nghị tuyên bố.

Cùng ngày, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại TƯ, đề nghị các cơ quan chức năng cần phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay những hành động vi phạm của Trung Quốc, bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam.

Trong khi đó, khi được hỏi về quy định bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều ngư dân khẳng định họ vẫn sẽ ra khơi, bởi "biển mình mình làm, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Không những thế, bà con ngư dân còn thiết tha kiến nghị Nhà nước nên tăng cường các đội tàu thu mua loại lớn thường xuyên có mặt khắp các ngư trường chính để thu mua, tiếp tế nhiên liệu, giúp bà con bám biển.

Đáp lại, chính quyền cũng có nhiều hành động giúp đỡ ngư dân tự tin ra khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền.

Cụ thể, UBND tỉnh Phú Yên đang xem xét hỗ trợ cho ngư dân với kinh phí khoảng 9,5 tỷ đồng để thực hiện các chuyến biển khai thác hải sản vùng biển xa.

Tính từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ gần 110 tỷ đồng cho ngư dân.

Riêng năm 2013, Phú Yên đã hỗ trợ ba đợt với hơn 44,5 tỷ đồng cho 455 tàu cá ngư dân thực hiện gần 1.180 chuyến biển khai thác hải sản vùng biển xa.

Những tàu cá được hỗ trợ có công suất từ 90 mã lực trở lên hoạt động nghề lưới vây và nghề câu, chủ yếu là câu cá ngừ đại dương. Tùy theo công suất, mỗi chuyến biển, ngư dân được hỗ trợ chi phí nhiên liệu từ 18 triệu đồng trở lên và nhiều chính sách khác như bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên…

Ngoài số máy liên lạc bằng sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) được trang bị từ nguồn kinh phí hỗ trợ, hơn 90 tàu cá của ngư dân Phú Yên được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh Movimar do Chính phủ Pháp tài trợ nhằm giúp ngư dân thường xuyên liên lạc được với đất liền; giúp các cơ quan chức năng quản lý được hải trình của tàu cá, vùng đánh bắt, cung cấp thông tin về luồng cá cho ngư dân…

Trong khi đó, Ban quản lý cảng Sa Kỳ thuộc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi trong năm 2014 cũng sẽ tăng cường công tác tiếp thị, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường để thu hút các nguồn hàng mới; đặc biệt là khai thác các dịch vụ tàu biển, phấn đấu phục vụ hơn 120.000 lượt hành khách ra vào huyện đảo Lý Sơn.

Bên cạnh đó, cảng đã tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là đối với hành khách đi tàu, tổ chức phục vụ tốt cho hành khách ra thăm đảo; đặc biệt phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện phục vụ các lễ, hội tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn và các đoàn công tác Trung ương, của tỉnh ra thăm, làm việc tại huyện đảo Lý Sơn.

Trung Quốc khó thực hiện lệnh cấm

Trước phản ứng của các nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, bà Hoa Xuân Oánh hôm 9/1 đã bác bỏ thông tin cho rằng, “quy định” mới thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ hay ý đồ muốn "nắn gân" láng giềng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc lại thừa nhận rằng Bắc Kinh sẽ rất khó có thể thực thi quy định mới về đánh bắt cá này ở Biển Đông vì những khó khăn trong việc thành lập lực lượng Cảnh sát biển thống nhất.

Bà Lin Yun, Trưởng phòng Pháp chế thuộc Sở Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam cho rằng Trung Quốc mới đi được nửa chặng đường trong việc chuẩn bị xây dựng lực lượng Cảnh sát biển thống nhất.

Bà này cho biết hiện công cuộc hợp nhất nhiều cơ quan hành pháp khác nhau để thành lập lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã chậm trễ hơn 6 tháng so với thời hạn mà Bắc Kinh đưa ra, và quá trình này vẫn đang vô cùng chậm chạp.

Cũng theo bà Lin, hiện chính quyền Hải Nam và các lực lượng hành pháp trên biển vẫn còn chưa rõ ràng về cách Bắc Kinh xác định “vùng biển thuộc quyền tài phán của tỉnh Hải Nam.”

Bà này nói: “Hiện vẫn chưa có một đường biên giới trên biển rõ ràng nào xác định quyền tài phán của tỉnh Hải Nam. Quốc hội Trung Quốc chưa bao giờ xác định một đường biên giới như vậy, trong khi chính quyền tỉnh Hải Nam không có quyền làm việc đó.”

Vậy nên việc cấm các tàu cá hoạt động của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể thực hiện được.

Bên canh đó, Tiến sĩ Mark Valencia (Viện Nautilus, Mỹ) cho rằng mưu đồ trên của Trung Quốc sẽ có nguy cơ phản tác dụng.

Theo ông Valencia, nếu các quy định trên nhắm đến tàu bè nước ngoài với phạm vi vượt ra ngoài EEZ của Trung Quốc thì các ngư dân nước ngoài đánh bắt trong EEZ của nước họ sẽ phớt lờ các quy định. Điều này sẽ càng làm xói mòn những cơ sở trong tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thùy Vân (Tổng hợp)

6 nhận xét:

  1. Hành động quá ngang ngược của Trung Quốc là minh chứng cho sự cao ngạo quá mức của nước này. Tại sao lại có thể trơ trẽn khẳng định chủ quyền của mình như thế trong khi vốn dĩ thứ đó không thuộc về mình được nhỉ. Chẳng hiểu Trung Quốc nghĩ gì khi sẵn sàng đối diện với một lúc nhiều quốc gia như thế, đúng là vì tham vọng quá lớn khiến cho Trung Quốc không thể tự kiềm chế được bản thân. Đừng bao giờ có cái nhìn tốt đẹp về phía ông bạn láng giềng này nữa

    Trả lờiXóa
  2. Có thể nói rằng trung quốc đang có những việc làm hết sức ngang ngược và rất phi lí.Những việc làm của trung quốc đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của những nước trên thế giới.Việc làm của trung quốc như vậy sẽ không chỉ làm cho mối quan hệ của trung quốc với các nước trở nên căng thẳng hơn và có thể nói rằng trung quốc sẽ không bao giờ thực hiện được mưu đồ của mình như vậy.Hãy dừng ngay những việc làm của mình đi trung quốc.

    Trả lờiXóa
  3. Dư luận thế giới thật sự là bất bình trước những hành động và việc làm hết sức ngang ngược của Trung quốc trong thời gian qua.Trung quốc đang cho thấy tham vọng bá chủ thế giới.Vậy nên chúng không ngừng có những hành động khiêu khích các nước khác đặc biệt là những nước trong khu vực tranh chấp.Vậy nên có thể nói rằng trung quốc sẽ không bao giờ thực hiện được tham vọng của mình nếu như tiếp tục có hành động như thế.Và dư luận thế giới sẽ khiến cho trung quốc phải dừng ngay hành động của mình thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Tại sao lại có thể trơ trẽn khẳng định chủ quyền của mình như thế trong khi vốn dĩ thứ đó không thuộc về mình được nhỉ. Chẳng hiểu Trung Quốc nghĩ gì khi sẵn sàng đối diện với một lúc nhiều quốc gia như thế, đúng là vì tham vọng quá lớn khiến cho Trung Quốc không thể tự kiềm chế được bản thân .trung quốc đang tự cắt đi những đôi tay của mình làm cho con bạch tuộc h chỉ còn là những cục thịt không có xúc tu

    Trả lờiXóa
  5. chúng ta nên đưa việc tranh chấp chủ quyền biển đảo này ra với cộng đồng quốc tế ...để trung quốc không thể tác oai tác quoái..làm những điều sằng bậy được...chúng đang lấy sức mạnh của số đông để chèn ép và cố gắng áp đặt những quy định trên các quốc gia tranh chấp chủ quyền...

    Trả lờiXóa
  6. Việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog