Chia sẻ

Tre Làng

VỤ KIỀU NỮ HẢI DƯƠNG: CẦN LÀM RÕ SỰ THẬT


TT - Sau khi đơn tố cáo của “kiều nữ Hải Dương” bị Công an tỉnh Hải Dương trả lời là không có cơ sở để xử lý về tội vu khống, một số luật sư đã có ý kiến về vấn đề này.

Luật sư HOÀNG CAO SANG (Đoàn luật sư TP.HCM):

“Cách trả lời thiếu trách nhiệm”

Công an Hải Dương có thông báo trả lời bà Phạm Thị Thanh Ngọc rằng báo Người Đưa Tin không nêu cụ thể họ tên, địa chỉ nên không gây ảnh hưởng đến bất cứ cá nhân nào, theo tôi, đây là cách trả lời thiếu trách nhiệm, vòng vo, không đi vào trọng tâm yêu cầu. Rõ ràng bà Ngọc đề nghị một đằng, công an lại trả lời một nẻo. Trong đơn bà Ngọc đề nghị làm rõ, truy tố về tội vu khống đối với các cá nhân đã viết bài và cung cấp thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà. Lẽ ra khi nhận được đơn tố cáo của công dân, Công an tỉnh Hải Dương phải làm rõ xem nhân vật N. trong các bài báo có phải bà Ngọc không, nếu không phải bà Ngọc thì là ai? Nếu không phải bà Ngọc mà bài báo viết vu vơ, lung tung về một ai đó thì cũng cần làm rõ. Trong các bài báo có nêu các phóng viên nhập vai đi gặp bà Ngọc, sau đó bị bà Ngọc cưỡng dâm thì bỏ chạy thoát thân, Công an Hải Dương có gọi các phóng viên này hỏi xem bà N. có phải bà Ngọc không? Những tài xế taxi được viết tắt tên trên các bài báo có được làm rõ không? Đọc thông báo của Công an tỉnh Hải Dương thì thấy những việc này đều chưa được làm rõ.

Báo Người Đưa Tin cho rằng bà N. trong bài báo không phải là bà Ngọc, nhưng lại chụp hình ngôi nhà bà Ngọc, miêu tả trúng đến 90%? Việc đăng tải như vậy đã gây thiệt hại và hậu quả cho bà Ngọc là chủ nhân căn nhà.

Điều 122 Bộ luật hình sự quy định tội vu khống là biết rõ không có nhưng vẫn loan truyền, tố giác tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bây giờ các phóng viên, nhân vật tài xế taxi nếu bị bà Ngọc hiếp dâm nhưng không đưa ra căn cứ chứng minh được điều này thì phạm vào tội vu khống.

Luật sư PHẠM VĂN THẠNH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Bà Ngọc tố cáo là có cơ sở

Trong các bài báo “Hoang mang kiều nữ có sở thích... cưỡng hiếp lái xe taxi”, “Lết khỏi nhà kiều nữ, tài xế lẩy bẩy nhập viện” và “Diện kiến kiều nữ thích lạm dụng tài xế taxi trong phòng ngủ” do phóng viên Diệu Nam, Sa Hà đăng trên báo điện tử Người Đưa Tin các ngày 26, 28 và 31-12-2013 phản ánh về một hiện tượng, vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhân vật N. được gọi là “nữ dâm tặc”, “kẻ cuồng dâm”... Dù trong bài viết không nêu đích danh họ tên, địa chỉ cụ thể nhưng lại đăng hình ảnh của bà Ngọc (dù có dùng kỹ thuật che mặt) và căn nhà bà Ngọc đang sinh sống với chú thích nhà của một Việt kiều thì rõ ràng đã chỉ cụ thể bà Ngọc. Bà Ngọc tố cáo, khiếu nại việc này đến cơ quan chức năng là có cơ sở.

Theo điều 122 Bộ luật hình sự, khoản 1, “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Thông báo số 22 của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hải Dương trả lời đơn của bà Ngọc:... trong bài viết không bị nêu đích danh họ tên, địa chỉ cụ thể. Do đó không có cơ sở cho rằng phóng viên Sa Hà và Diệu Nam viết bài xâm phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bất cứ cá nhân nào, vì vậy không có dấu hiệu của tội vu khống theo điều 122 Bộ luật hình sự là không thỏa đáng và chưa đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện. Bởi nếu cho rằng nhân vật kiều nữ này không phải bà Ngọc, vậy thì là ai, trong khi bài lại sử dụng hình ảnh, căn nhà của bà Ngọc? Dù bài báo có hư cấu một người nào đó hay đăng chơi để giật gân, câu khách... mà lại dùng hình ảnh, căn nhà của người khác là vi phạm pháp luật. Còn về mặt nghiệp vụ đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái với tôn chỉ, mục đích của báo chí.

Ngoài ra, trong bài báo cho rằng các tài xế lái xe taxi có tên Bối, Q., N. và K. thuộc Hãng taxi Mai Linh nói bà Ngọc là nữ dâm tặc, kẻ cuồng dâm chuyên đi dụ dỗ, cho tài xế uống thuốc kích dục để ép buộc các tài xế quan hệ tình dục trái ý muốn của họ thì công an cũng cần phải làm rõ những người này có thật và họ có tố cáo hay không?

TÂM LỤA ghi 

2 nhận xét:

  1. đây là vấn đề danh dự của một con người, hiện nay rất nhiều báo chí muốn câu view, bán báo nên đăng tải nhiều bài viết, giật tít, đưa tin thiếu trách nhiệm, do vậy cần phải có chế tài đối với các báo, phóng viên khi đưa tin về các vấn đề như thế này.

    Trả lờiXóa
  2. Loạt bài về Kiều nữ Hải Dương tốn cho ngành Báo chí rất nhiều giấy mực, tốn rất nhiều thời gian của những người đọc báo để rồi kết quả là một câu chuyện nhảm nhí, sai sự thật hoàn toàn. Trách nhiệm thuộc về ai? Người viết báo hay những tờ báo đưa thông tin như thế này? Câu trả lời là chẳng ai cả. Cuối cùng thì người đọc bị tốn thời gian, nhân vật Kiều nữ Hải Dương bị xâm hại tư cách nghiêm trọng. Cơ quan chức năng thì không giải quyết được, chán.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog