Chia sẻ

Tre Làng

Sự thật người dân đổ xô hôi nhựa ở Quảng Bình (!)

LâmTrực@

Trước tiên, các bạn hãy kiên trì đọc hết các bài nhé, rồi hãy phán xét ai đúng, ai sai.

Mấy hôm nay, dân mạng đang bức xúc vì bài báo "dân lấy vật tư thi công QL 1A để làm đường dẫn vào nhà mình. Theo VnExpress.Net, thì sự việc xảy ra là ở Lệ Thủy, Quảng Bình.

Bình tĩnh suy ngẫm để hiểu vì sao nên nỗi. Tôi cực ghét hành vi hôi của. Nhưng cũng cực ghét chuyện doanh nghiệp không giữ lời hứa.

Trong câu chuyện này, phóng viên báo VnExpress.Net đã mắc lỗi nghiêm trọng trong khi tác nghiệp.

Bài 1: Trên Vitalk
Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình. Haz, cái này thì có khác gì vụ hôi bia ở ĐN.

Xin đăng status trên face book của một người bạn là Kỹ sư đang thi công trên cung đường trên:

Đêm buồn tỉnh lẻ 21/7/2014! Trước hết, tui gửi lời xin lỗi đến các anh, em, bạn bè của tui (nếu có) ở dọc tuyến QL1A đoạn km681-km688+200 nếu lỡ xúc phạm. 

Nhận định sau của tui ko mang tính vơ đũa cả nắm, đây chỉ là nổi bức xúc, nổi buồn và hơi cảm giác nhục cho những hành động hôi của, ăn trộm, ăn cướp ngang nhiên của đa phần người dân ở khu vực 2 bên đường này thôi. Chỉ sau hơn 1,5 tháng tham gia dự án nâng cấp QL1A (lý trình ghi trên) tại Lệ Thủy - Quảng Bình, tui thấy ghê tởm cấy độ tham lam, vô ý thức, tinh thần hôi của tự nhiên, ăn cướp trắng trợn và tính chất đầu gấu, giang hồ...của những người dân ở đây. 

Đất lề đổ xuống họ vô tư xúc mang về làm sân, làm đường; đổ ra chưa kịp làm là tối gần như đứt cước; máy đang rải đá họ vô tư cào đá trên đường, xúc đá trên máng như của nhà miềng; thảm nhựa cũng ko thể thoát khỏi những hành động hôi tự nhiên như ruồi, nhặng đó; bất chấp mọi hành động ngăn cản, giải thích, thậm chí gắt gỏng, dọa nhờ chính quyền họ cũng vẫn cứ vô tư hôi. Có nhiều người, biết anh em kỹ thuật là người ở xa đến nên cứ dọa oánh, vác mã tấu rượt mỗi khi anh em quyết liệt ngăn cản; thiệt tình là tui hết cách, chỉ còn nước lạy chéo ngang, chéo dọc những người dân "GIAN" ở đây. 

P/s: làm một lần mà e ấn tượng tởm đến cuối đời.

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/dan-lay-vat-tu-thi-cong-quoc-lo-1a-de-lam-duong-dan-vao-nha-minh-3024526.html

Bài 2: Trên VnExpress.net
Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình

Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh. 

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.

Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở.

Lớp bêtông nhựa cuối cùng để hoàn thành mặt Quốc lộ 1A bị người dân lấy đi, để lại một hố rộng trên mặt đường. Ảnh: Quang Hà.

Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp. Công nhân đứng máy luôn miệng nhắc người dân, nhưng chẳng ai bận tâm. Thấy xe chở bê tông lăn bánh tiếp, nhiều người cầm xẻng dọa rồi yêu cầu dừng lại. Cách đây 10 ngày, vì ngăn cản người dân lấy vật liệu, một nhân viên của nhà thầu đã bị đánh phải nằm viện.

“Người dân đòi hỏi chúng tôi trải thảm bêtông nhựa vào đường dân sinh", một công nhân nói.

Theo hồ sơ thiết kế, đường dân sinh sẽ được thi công sau khi Quốc lộ 1A hoàn thành tùy theo hiện trạng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã vuốt nối, tạo đường ngang tạm thời đảm bảo giao thông cho người dân. 

“Người dân không hiểu quy trình thi công nên kéo ra yêu cầu vuốt nối toàn bộ đường ngang bằng đá dăm. Cán bộ, công nhân bảo người dân đừng lấy thì bị đe dọa, cản trở”, ông Lê Vũ Thức, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Thanh Bình cho biết. 

Bị đe dọa nên công nhân phải dừng máy, bất lực nhìn dân lấy vật tư dù tiến độ, chất lượng bị ảnh hưởng. Ảnh: Quang Hà 

Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi. "Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”, một người dân nói.

“Mỗi nhà dân chỉ lấy một xe đắp đường cũng đủ khiến chúng tôi đau đầu”, một kỹ sư nói. Hiện chỉ mới thi công 6 km, nhà thầu thất thoát 5.000-7.000 m3 đá cấp phối loại 1, với đơn giá 220 nghìn đồng/m3.

Dọc Quốc lộ 1A đang thi công dễ dàng bắt gặp nhiều đường ngang vào nhà dân đổ dày đá dăm, bên trong nhiều nhà còn trữ từng đống lớn. Ảnh: Quang Hà.

Các nhà thầu cho hay đã báo với địa phương nhưng sự xuất hiện của lãnh đạo và công an xã không có tác dụng, người dân vẫn thản nhiên lấy vật tư. Tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), chính quyền chỉ dừng ở việc tuyên truyền người dân không lấy vật tư thi công chứ không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, chủ tịch xã Hồng Thủy thì cho rằng nhà thầu chưa thông báo với chính quyền địa phương về vấn đề này.

Hoàng Táo


Bài 3: Trên Phuocbeo blog
Chê dân gian, tham nhũng thì sao?

Mi An

Đất Việt - Lớp thảm bê tông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân dùng xẻng kéo vào đường dân sinh...

Những người dân Lệ Thủy, (Quảng Bỉnh) ào ra công trình xây dựng đường Quốc lộ 1A lấy vật liệu về làm đường trước cửa nhà mình, tấn công cả công nhân. Nghe chuyện này, nhiều người trách họ: “Đúng là dân gian”.

Bài báo “Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình” trên báo điện tử Vnexpress làm chúng ta nhớ lại vụ hôi bia ầm ĩ ở Biên Hòa (Đồng Nai) hồi năm 2013. Bởi bản chất vụ việc này cũng không có gì khác cả.

Bài báo cho biết: “Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh.

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.

Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở. Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp”.

Còn nữa, trước đó, do ngăn cản dân, một công nhân khác đã bị đánh đến nhập viện. Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi.

Lý lẽ người dân ở Quảng Bình đưa ra là: “Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”.

Câu chuyện là thế đấy. Về bản chất hành vi cũng chẳng khác gì vụ hôi bia, đổ xô ra đường lấy của người khác về nhà mình, lấy cho xóm mình. Hẳn nhiên, đó là một việc cần lên án, rất đáng trách, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Rất đông người đọc xong bài báo đã lên án họ, “đúng là dân gian”, có người đã kết luận như vậy. Có người quy kết vùng miền cho dân miền Trung. Đọc những lời lẽ ấy, chắc ai cũng cảm thấy buồn cho người Việt mình.

Nhưng rất ít người đặt ra câu hỏi: “Vì sao mà dân lại gian?” và lý giải nó cặn kẽ. Cũng những người dân ấy, trong chiến tranh đã không tiếc gì hết, tháo cả cánh cửa nhà mình ra bắc làm đường cho xe bộ đội đi qua hố bom. Cũng những người dân miền Trung ấy, họ đã từng không tiếc mạng người, sức của cho cái chung lớn lao của dân tộc. Tại sao giờ họ lại trở nên như vậy?

Tôi nghĩ, phải chăng họ phần nào đã không còn tin vào lẽ phải và sự công bằng, đến nỗi xóa nhòa luôn ranh giới đúng, sai; tốt, xấu và dần dần trở nên ích kỷ, vụ lợi.

Hãy nghĩ mà xem, liệu có giống như cảnh “Mèo tha miếng thịt xôn xao” không? Những đại án tham nhũng càng ngày càng vỡ ra đem đến cho người dân một cảm giác bức xúc. Những con số ngàn tỷ, trăm tỷ bị thất thoát trong những công trình, dự án, những “ông lớn” đã ra tòa thời gian qua và nhiều “ông lớn” còn chưa bị lộ. Những dinh thự bề thế như lâu đài của các cựu quan chức mà không thể giải thích lý do vì sao đang hàng ngày xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Có thể trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ ích kỷ, vụ lợi: “Thôi thì, giờ đến lúc này rồi, phải nhanh chân giành giật cho bản thân, gia đình được tý nào hay tý ấy? ”.

Tôi nghĩ một tâm lý như thế, nếu có này sinh cũng là điều không khó hiểu. 

Quan lại ngày xưa có trách nhiệm “giáo dân”, triều đình phong kiến luôn nhắc họ vai trò “phụ mẫu”, tức là cha mẹ dân để làm gương cho dân. Cha mẹ mà hư thân đốn đời, trộm cắp tham nhũng thì làm sao con cái nên người?

Buồn thay, ngày càng nhiều những đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử. Những công trình bị rút ruột, kém phẩm chất vì kinh phí thực hiện đã bị chia chác. Dân trông thấy cả, biết hết cả, mà không biết làm thế nào để “dạy lại” cho những kẻ tham nhũng những bài học sơ khai làm người.

Thì hậu quả nhãn tiền là những vụ hôi của, ăn trộm tập thể bất chấp pháp luật đã xảy ra. Ý thức người dân kém, nhận thức của họ yếu, đúng vậy, nhưng họ có đáng trách nhiều hơn những kẻ có quyền lực, có trọng trách, có trình độ mà vẫn không thắng được những dục vọng trong mình, vẫn ăn bẩn của công, thu vén cá nhân?

Làm sao bắt người dân phải đạo đức, ngoan ngoãn, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật nếu có một bộ phận những người làm gương cho họ lại bê bết, gian tham, bất chấp đạo lý? 

Vì vậy, dù có thế nào, chúng ta cũng đừng vội trách dân, đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu họ. Ở đời mọi sự đều “có vay có trả” cả đấy, bạn đọc ạ.

Bài 4: Đăng trên Vitalk
Sự thật đám đông đổ xô hôi nhựa đường ở Quảng Bình

Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc rải thảm bêtông nhựa lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa. 

Hình ảnh được lan truyền trên mạng đã khiến nhiều người bức xúc với hành vi hôi cả nhựa đường. Nhưng sự thật chưa hẳn đã như vậy.

XIN LỖI, tôi thực sự bức xúc vì sự thật chỉ phản ánh theo nhà thầu, còn thực tế thì không phải vậy 

Tôi là người sống cạnh đây, là 1 cán bộ công chức nhà nước. Khi nhà thầu làm tuyến đường quốc lộ 1A đi qua nơi này, nâng cấp lên rất cao, có khi gần tới cả 1m, 1.5m, trong hợp đồng thì phía nhà thầu sau khi làm xong phải trả lại mặt bằng cho dân đi, đường liên thôn, đường liên xã hay các cơ quan trên mặt bằng đường 1 nhà thầu phải tự đổ đá dăm, hoặc đất biên hòa cào bằng lại như cũ.

Khi thi công thời gian dài, rất bụi ô nhiễm, khi mùa vào thì hỏi đường dân sinh làm sao mà chở lúa thu hoạch từ đồng qua quốc lộ về nhà khi cao hơm cả 1m? Dân yêu cầu nhà thầu, nhà thầu trả lời sẽ trả lại mặt bằng khi hoàn thành, nhưng để mấy tháng như vậy người dân phải tự ra làm, và nhà thầu cũng đông ý cho dân làm (nếu nhà thầu trả đúng mặt bằng thì họ phải tự làm).

Người dân bỏ công ra làm, nhà thầu làm xong thì đi luôn, bây giờ thì lên báo? Vậy chúng tôi quá bức xúc đến sáng hôm nay 1/8/2014 phải họp thôn, yêu cầu chính quyền gồm cả công an phải mời nhà thầu về đối chất xem dân hôi của chỗ nào?

Trong khi họ thi công thì chúng tôi cũng phụ làm với họ, có sự chứng kiến của họ, mỗi km đường nghe nói lên tới tiền tỉ, nhưng đường dân sinh chỗ có chỗ không qua loa đại khái, vậy xin hỏi nhà thầu đã làm gì ???

Nguyễn Như Thủy

2 nhận xét:

  1. Thượng bất chính Hạ tất loạn .

    Trả lờiXóa
  2. vụ việc người dân Quảng Bình thi nhau lấy vật tư làm đường quốc lộ 1A của các nhà thầu không còn là hôi của nữa mà nó đã trở thành cố ý ăn cướp giữa ban ngày khi họ còn có hành động ngang nhiên chiếm đoạt của những người làm đường, mặc sự can ngăn, đôi khi người dân còn đánh cả những người công nhân ra ngăn họ. Tất cả cho thấy mọi việc đã đi quá giới hạn và cần các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc để không thể tiếp diễn những việc ăn cắp của công thế này được nữa

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog