Chia sẻ

Tre Làng

MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ GỤC VÀO LAN CÂN CẦU

Một người đàn bà gục vào lan can cầu.

Chị ngồi trên xe máy dừng giữa cầu vượt ngã tư Sở sát thanh chắn an toàn. Chiếc xe máy tồi tàn với đám sắt hàn của dân chạy chợ vẫn treo đầy những chiếc bao xác rắn buộc túm. Người chị đổ xuống hai tay. Yên lặng. Bất động.

Tôi vội vã lướt qua trong giờ tan tầm nhập nhoạng để đi đón con. Cũng như bao người vội vã, không ai dừng lại chỗ người đàn bàn ấy với đinh ninh rằng chị ta bình thường. Hình ảnh thoáng qua ấy cứ đeo đẳng tôi suốt dọc đường và tự nhen lên bao nhiêu câu hỏi. Liệu chị ta có cần được đưa tới bệnh viện? Liệu chị ta có đang định tự tử? Liệu chị ta có cần hỗ trợ điều gì? Hay chị ta đang quá mệt mỏi hay buồn bã.

Ấy hẳn là một sự cả nghĩ bởi có thể đơn giản là xe chị ta chết máy, hết xăng và đang chờ người nhà tới đẩy. Và cũng có thể chị ta chỉ muốn thử cảm giác lãng mạn cuối chiều gì đó. Nhưng không hiểu sao người đàn bà gục bên thành cầu nó làm cả khung cảnh trở nên thê lương, ảm đạm.

Có vẻ như chúng ta đang dễ dàng bước qua nhau hoàn toàn vô cảm.

Có vẻ như dưới những toà cao ốc, ánh đèn rực rỡ và những biển hiệu sang trọng, còn cả những số phận đang oằn mình vì công cuộc mưu sinh chưa bao giờ đơn giản. Họ đến từ đâu? Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình đất bỏ hoang hay Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương không còn đất cho người cày ruộng? Hay thậm chí là một công dân thủ đô không có việc làm?

Đất nước nghèo đang tìm mọi cách vươn lên bằng mọi giá. Đổi lấy con số tăng trưởng kinh tế cao hơn là có những mảnh đời bị tuột tay khỏi tiến trình lịch sử và hố chênh lệch giàu nghèo mỗi lúc một sâu rộng hơn. Và có cả những vô tình của vật chất đè lên sự tử tế con người.

Sự tử tế mà đôi khi được thốt ra thành câu cửa miệng lũ nhà quê hãy cút đi, trả lại thành phố sạch sẽ cho bố.

Ngay dưới chân cầu ấy là ngôi chùa mọi người vẫn đến cầu an và cúng sao giải hạn. Liệu có cơ hội nào cho họ, những người đàn bà đang oằn mình, mệt mỏi chẳng biết tựa vào chiếc lan can nào để không ngã trên cây cầu bắc sang phía bên kia của bờ ảo vọng hay không?

Nguồn ở đây

9 nhận xét:

  1. Đất nước đã có nhiều thay đổi, kinh tế đã có phần khởi sắc. Cuộc sống ngày càng tiện ngi, dịch vụ chăm sóc ngày càng nhiều. Cơ chế thị trường, thời kì hội nhập quốc tế, xu thế toàn cầu hóa. Khiến con người đang ngày càng bận rộn, ngày đêm nỗ lực với công việc. Và ngày càng ta cũng càng có ít thời gian dành cho nhau, ít có cơ hội quan tâm tới những người mà ta yêu thương, đặc biệt là hiếm có cơ hội thể hiện sự tử tế của mình. Người đàn bà này là một ví dụ. Thực sự có rất nhiều người nhìn thấy người đàn bà này và tôi nghĩ không ít người cũng muốn hỏi thăm xem người đàn bà này. Nhưng tôi chắc chắn là họ Sẽ vô tình lướt qua. họ còn quá nhiều việc phải làm. Và từ câu chuyện này ta hãy thử sống chậm lại một chút, lắng nge cuộc sống và quan tâm đến những người thân yêu của ta nhiều hơn

    Trả lờiXóa
  2. Một bài viết đáng suy nghĩ. Khi con người ta lao vào cuộc sống mưu sinh, đồng tiền làm con người ta ngày càng vô cảm với những thứ hiện diện xung quanh. Hà Nội của tôi 20 năm trước khác lắm. Cũng vẫn có những đoàn người chở rau từ những vùng lân cận Hà Nội vào bán hàng, nhưng ai nấy cũng vui vẻ tươi cười. Mặt ai cũng tràn đầy hy vọng. Giờ thì những gánh hàng rong, những chiếc xe thồ chở nặng hàng hoá nhưng cũng nặng nỗi lo. Ai cũng tập trung vào sự lo toan của mình mà quên đi những người bên cạnh. Chẳng còn cảm nhận được cuộc sống quanh mình nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc sống vồn vã quá khiến ta chẳng kịp nhìn ngó sung quanh, chẳng còn cho đi những sự quan tâm vốn có, chẳng còn là những con người thân thiện cởi mở. Lúc nào chúng ta cũng lo được lo mất, lo dừng lại giúp đỡ là bị lừa, lo dừng lại là bị muộn làm, mất quyền lợi, là phiền phức. Cứ mải phô những thứ tốt đẹp lên mạng xã hội, còn thực ra cái lối sống ngoài đời nó tồi tệ lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Trong lòng thành phố này vẫn còn đầy rẫy những mảnh đời như vậy, đi kèm theo nó cũng là đầy rẫy những sự vô tâm thương cảm như vậy, nhìn thấy những cảnh đụng xe, những tai nạn thảm khốc, việc đầu tiên họ nghĩ đến là làm sao chụp ảnh cho rõ, cho cận cảnh để post fb chứ đâu phải là lao vào giúp đỡ người bị nạn, họ không nghĩ rằng chỉ cần một sự giúp đỡ nhỏ, có khi đã cứu được cả một mạng người không.

    Trả lờiXóa
  5. Không chỉ ở nước ta, ở thành phố này mà ở nhiều nước, nhiều thành phố trên thế giới cũng có những mảnh đời như vậy. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển đất nước, không tránh khỏi những mặt trái, đó là chênh lệch giàu nghèo, đó là suy thoái đạo đức. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nâng cao đời sống người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm, giáo dục đạo đức cho mọi người. Không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh, cho chính quyền, chính bản thân mỗi người cũng có một phần trách nhiệm. Hãy cùng chung tay xây dựng đất nước, để ai ai cũng có cuộc sống ổn định, đạo đức xã hội không bị suy thoái.

    Trả lờiXóa
  6. Thiết nghĩ bây giờ lòng tin con người với con giờ đây xuống thấp quá, nhất là người càng từng trải thì họ lại càng cảnh giác với người lạ, chỉ có lứa thanh, thiếu niên là còn đỡ. Tôi đã nhiều làn trải qua cảm giác này. Trong bệnh viện khi thấy một cụ già đi cùng hướng với mình đang khó khăn vì phải tay xách nách mang quá nhiều túi và đồ đạc (không biết người nhà cụ ở đâu), tôi tiến đến và đề nghị xách dùm cụ thì cụ gắt lên: "Không cần". Haiz!

    Trả lờiXóa
  7. Nhìn người phụ nữ này , tôi lại nhớ đến mẹ tôi người mà hy sinh rất nhiều dành cho tôi ,ngủ lúc gà gáy , dậy lúc mẳ trời chưa mọc , Tôi sẽ thật giật mình nếu thấy một người phụ nữ trung niên bị gục do quá mệt mỏi , tôi sẽ chạy tới , đỡ người đó , vì đâu đó ở người phụ này có hình ảnh của mẹ tôi . Tôi là người con học ở xa , vì thế tôi không thể thường xuyên bên mẹ !

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết thật hay. Nhẹ nhàng mà khiến cho ai đọc qua một lần đều nghĩ lại những tình huống mình đã gặp, những người mình đã lướt qua vì suy nghĩ quá đơn giản rằng rồi mọi chuyện sẽ chẳng sao, mình không giúp rồi người khác sẽ giúp, và chúng ta cứ đi qua họ như thế mà không hề hay biết rằng nếu không phải là mình, thì sẽ chẳng là ai cả.
    Chợt giật mình tôi nhớ lại những lần tôi lướt qua một bà cụ ăn xin mà không cho họ được thứ gì với suy nghĩ sợ bị lừa gạt, bời xã hội bây giờ khó tin người quá.
    Nhưng sau bài viết này có lẽ tôi và nhiều người đọc nó sẽ có những thay đổi nhất định về mặt tư duy và hành động. Cám ơn, bài viết thwucj sự ý nghĩa :)

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog