Chia sẻ

Tre Làng

Tiếng nói của cái tục trong văn Nguyễn Huy Thiệp

Sưu tầm 

Không còn nghi ngờ gì nữa, Cái Tục là một phạm trù văn hoá thẩm mỹ trong lịch sử tinh thần của nhân loại. Không chỉ khai sinh ra loài người, Cái Tục còn khai sinh ra tín ngưỡng, phong tục và văn chương nghệ thuật. Phạm trù Cái Tục bao hàm tất cả những vấn đề nhân sinh thuộc cuộc sống trần thế đối lập với cái Thánh Thiện của Thiên đàng trong quan niệm của tôn giáo. Hiện thân của Cái Tục là Vật tổ, linh khí của Trần gian, bao gồm các bộ phận sinh dục như Chim và Dái, Bướm và Vú. Sau này vô cớ mà các thứ uế tạp như cứt và đái cũng được xếp vào hàng Cái Tục. Cái Tục vì thế trở nên mất thiêng. Ảo tưởng đi tìm Thiên đường và sự tôn thờ Quyền lực đã làm cho loài người phản bội lại cội nguồn của mình. Chúng ta quên một điều rằng, Cái Tục có mặt trong văn hoá, nghệ thuật trước tất cả mọi phạm trù khác. 

Bài viết này không nhằm một mục đích nào khác là giải quyết vấn đề Cái Tục trên tinh thần khoa học nghiêm túc qua văn bản nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp.[1] 

Không đợi đến Nguyễn Huy Thiệp, chính danh nhà Nho, cụ Tam nguyên Yên Đỗ, là người đầu tiên làm thơ tục nhất trong thi ca Việt Nam: 

Đầu làng Ngang có một chỗ lội 
Có miếu ông Cuội cao vòi vọi 
Đàn bà đến đó xắn quần lên 
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối 

Ông Cuội ngồi trên mủm mỉm cười: 
“Cái gì trông trắng như con cúi” 
Đàn bà khép nép đứng lên thưa: 
“Con trót hở hang, xin xá tội!” 

“Không không mi chẳng tội tình gì 
Chỉ tội làm ông cứng con buồi 
Về bảo đàn bà khắp làng này 
Ra đây ông cho giống ông Cuội”… [2] 

Cái Tục ở đây đã được mang hình thức chính danh: gọi đúng bằng tên Nôm của nó, cái hình thức mà dân gian vẫn dùng trong cách đặt tên con, nói năng với nhau trong đời sống và sáng tạo trong truyện tiếu lâm, câu đố, ca dao, dân ca. Còn với Cái Tục không chính danh [3] được nguỵ trang bằng một cái gì đó như chiếc quạt, con ốc nhồi, quả mít, cái cọc… như trường hợp Hồ Xuân Hương, lấp chìm trong thiên nhiên hoặc trong từ Hán Việt như bóng dương, bóng đồ mi… [4] như trường hợp Nguyễn Gia Thiều… thì ê hề. Gần đây, văn học hiện thực phê phán (trường hợp Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…), cả trong văn chương cách mạng cũng xuất hiện tiếng tục như mẹ kiếp, đ. mẹ, con c. (truyện của Anh Đức, Nguyễn Thi…). Cái Tục xem chừng đã hoạt động trong bất cứ lãnh địa nào của văn học. 

Thế mà Nguyễn Huy Thiệp để cho Cái Tục cất lên tiếng nói khoảng dăm lần trên trang văn của mình đã lập tức bị phê phán là tự nhiên chủ nghĩa.[5] Sự phê phán này không chỉ nằm trong một số người chê Thiệp mà còn ở cả những người khen Thiệp.[6] Những người này thừa biết rằng, văn chương Việt Nam không thiếu Cái Tục, nhưng họ vẫn cứ khăng khăng phải nói như thế nào cho thanh nhã. Theo tôi, dùng từ Hán Việt hay thuần Việt, viết đủ hay viết tắt, nói thẳng hay nói lái, nói trực tiếp hay vay mượn một hình ảnh nào đó về Cái Tục đều tục như nhau. Nên nhớ, danh có chính thì ngôn mới thuận.[7] Có một số trường hợp không hề dùng tiếng tục, chỉ nói bóng gió thôi còn tệ hại hơn kia. Nó chẳng khác gì việc hành dâm không chân chính của kẻ đạo đức giả. 

Cái Tục tồn tại như một phạm trù văn hoá thẩm mỹ. Thời tiền sử, những cái linga, yoni là cái Cao Cả, được tôn thờ như những vị thần linh. Những Cái Tục ấy còn là hiện thân của Cái Đẹp, bởi vì nó là Đạo với lẽ hài hoà Âm Dương. Thời phong kiến, với tư tưởng khắc kỷ và diệt dục thái quá, một cuộc đảo chính bất hợp pháp đã ném Cái Tục từ vị thế uy nghi trong các điện thờ ra vỉa hè, đầu đường xó chợ. Mặc cho giai cấp thống trị tha hồ phỉ báng, dân gian vẫn yêu thương thần tượng của mình. Cái Tục biến thành Cái Bi và Cái Hài với tiếng cười ra nước mắt. Nhưng dù là cái gì đi nữa, Cái Tục vẫn hiên ngang lững lững xuyên suốt qua các phạm trù văn hoá thẩm mỹ khác nhau. Trong xu thế hiện nay, theo tôi, Cái Tục nên được tách riêng ra thành một phạm trù riêng. Nó là Cái Tục để khỏi phải ngồi chung chiếu với Cái Cao Cả, Cái Đẹp hay Cái Bi, Cái Hài như quan niệm văn hoá thẩm mỹ chính thống.[8] 

Với tư cách ấy, trừ hiện tượng văng tục vô tội vạ để làm oai,[9] Cái Tục sẽ xuất hiện trong văn chương với ý nghĩa nhân văn cao cả của nó. Cái Tục gây ra hiện tượng nghịch dị, phô trương sự thật để đả phá mặt nạ đạo đức rởm hoặc ngợi ca hạnh phúc trần thế của con người. Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng yếu tố tục trên tinh thần ấy. 

Điều trước tiên cần khẳng định: Nguyễn Huy Thiệp không nói tục, văng tục mà chính Cái Tục cất lên tiếng nói của nó. Khi Cái Tục bị đè nén trong một môi trường phi nhân bản của những quy tắc đạo đức văn hoá cực đoan, thì Cái Tục sẽ cương lên (theo lẽ biến dịch) với tiếng nói phản kháng đòi hỏi quyền sống, quyền tự do của con người. Điều quan trọng hơn là thế giới nghệ thuật trong văn Thiệp đã phá vỡ mọi tôn ti, thế giới mất niềm tin, người không có vua, biển không có thuỷ thần, Cái Tục mới được dịp cất lên tiếng nói dân chủ.[10] Muốn hay không, bản thân một nhà văn như Thiệp không đủ sức đóng vai trò một ông cảnh sát để khống chế tiếng nói tự do ngôn luận của Cái Tục. Tiền bối của Thiệp, nhà văn Vũ Trọng Phụng có một so sánh rất hay: “Cái giường của me Tây cũng giống như cái dùi cui của thầy cảnh sát, cũng giống như cái cổ của một ông nghị An Nam”.[11] Giá như nhà văn họ Vũ gọi đích danh Cái Bướm của me Tây thì hay biết mấy. Nó tồn tại bình đẳng với tất cả mọi thứ quyền lực chính trị trong đời sống. Đẹp hay xấu, chưa cần bàn luận. 

Xem đi xét lại, Nguyễn Huy Thiệp thường dùng những từ thuộc bộ tứ quý, tứ linh:[12] Chim và Dái, Bướm và Vú. Đối lập với bộ tứ quý, tứ linh ấy là cái uế tạp: cứt và đái.[13] Những tiếng tục này xuất hiện đúng lúc để cho nghĩa nghệ thuật phát sinh. 

Trước tiên là bộ tứ quý, tứ linh: Chim và Dái, Bướm và Vú. Tôi gọi là tứ quý, tứ linh vì ắt hẳn nó quý giá và linh thiêng trên cả hai mặt. Thứ nhất, trong đời sống, trừ kẻ mang mặt nạ đạo đức hoặc kẻ chưa ý thức đầy đủ về cái vưu vật của mình mới cho là bẩn thỉu, còn sự thật ai cũng biết nâng niu trân trọng cái của quý của mình. Thứ hai, trong văn Nguyễn Huy Thiệp, không có chỗ nào có câu văn văng thừa cái của quý ấy. Tất cả đều đáng giá. 

I. Chim: tên tục, tên nôm là Cặc, là Cu, là Buồi. Tên tự là Dương Vật. Tên văn hoá, tín ngưỡng là Linga. Chim có lẽ là tên hiệu để được cất cánh bay vào thi ca, nghệ thuật: “Ai làm cho bướm lìa hoa. Cho con chim xanh nỡ bay qua vườn hồng”. Nguyễn Huy Thiệp dùng món đệ nhất tứ quý, tứ linh này khoảng vài ba lần khi nói về lẽ nhân sinh của cuộc sống trần thế. 

1.Trong "Những bài học nông thôn". Bữa cơm gia đình Lâm. Chị Hiên mời: “Các cụ xơi tự nhiên”. Thằng Tiến đòi: “Cho em làm các cụ với”. Mẹ Lâm gạt: “Hỗn nào! Chim bằng quả ớt thì làm các cụ ra sao?”… Bà Lâm thở dài: “Các cụ toàn chim to…” “Ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình”. Bố Lâm gắt: “Bà lão hay nhỉ!”. Bà Lâm lẩm bẩm: “Hay con mẹ mày! Tao tám mươi tuổi đi nói sai à?”. Chim cũng có đẳng cấp: Chim to, Chim nhỏ để được ngồi mâm trên mâm dưới, nằm trên nằm dưới. Biết đâu chế độ phân biệt đẳng cấp trong cơ cấu xã hội, chính trị chẳng phải học tập từ tôn ti của Chim. Loài người từ xưa thường tư duy về chính cái trong quần của mình trước khi tư duy về thế giới bên ngoài. Có điều tôn ti của Chim sòng phẳng, công bằng hơn: nó đòi hỏi một sự lao động cật lực để được tôn vinh ở vị thế xứng đáng. 

2. Cũng trong "Những bài học nông thôn". Chị Hiên kể về cảnh xem diễn vở chèo Tần Hương Liên xử án: “Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: “Làm gì thế?” Tay này cũng dơ, nói thản nhiên: “Làm chủ nhiệm hợp tác”. Cái Lược mắng: “Thôi đi chứ”. Tay này lại bảo: “Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm”. Xung quanh cười ồ. Cái Lược chạy ra ngoài, đằng sau quần ướt đẫm. Ả sợ quá. Chỉ sợ chửa thì chết, thế là về nhà vứt ngay cái quần xuống ao”.[14] Cảnh ở ngoài sân khấu này chắc chắn hay hơn cảnh trên sân khấu. Bao Thanh Thiên trịnh trọng xử án tay Trần Sỹ Mỹ bạc tình bỏ vợ với tội hổ đầu trảm, nhưng chắc chắn không thể xử được vụ con chim dí bậy của thằng cha dâm đãng kia. Vụ án ngoài đời này may ra có nhân dân xử: tội xúc phạm uy danh của Chim và của cán bộ, dám đem Chim dí bậy và đặt ngang hàng với chủ nhiệm hợp tác xã. 

3. Trong "Không có vua". Lão Kiền nhìn trộm cô con dâu xinh đẹp tắm. Bị thằng con là Đoài (làm việc ở Bộ Giáo dục) bắt quả tang, lão đánh bài ngửa: “Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con buồi”. Đoài ngồi im, uống thêm một cốc rượu nữa rồi bỗng thở dài: “Kể cũng phải”. Nhìn trộm con dâu tắm là tà dâm, không danh chính ngôn thuận, nhưng triết lý của lão Kiền, đúng hơn là tiếng nói của con Buồi lại rất chân thực. Lão Kiền thương con không lấy vợ kế, ít học, vô giáo dục, thèm Bướm đến mức không làm chủ được mình. Không tởm bằng tay Đoài, nhà giáo dục, mang mặt nạ của đạo đức đi cướp Bướm của người khác. Chính tiếng nói của con Buồi trong hoàn cảnh này đã tố cáo ngay chủ nhân của nó là lão Kiền, vì đạo nghĩa làm cha mà huỷ diệt đạo-làm-một-con-người. 

II. Dái: trước nay chỉ có một tên tục ấy. Tên tự là Tinh Hoàn, dân gian có khi truy phong cho một cái tên cũng rất Hán: Ngọc Hành.[15] Tên hiệu để đi vào thơ văn là Trứng Chim: “Thương anh thương cả trứng chim. Ghét anh giấu cái của chìm cho giai”. Vai trò của Dái như là cận thần của Chim. Với vị thế ấy, lâu nay Dái bị lu mờ bởi cái bóng cả của Chim. Thực ra Dái mất, Chim cũng trở nên vô tác dụng. Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên đã khôi phục vị thế của Dái để Dái lừng lững ghi danh trong thiên hạ, và… thậm chí chui vào giữa triều đình. 

1. Cũng trong truyện "Những bài học nông thôn". Bà Lâm kể: “Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại”. Mẹ Lâm bảo: “Đàn bà thế là bạc”. Bà Lâm bảo: “Bạc gì? Có hai hòn dái là của quý thì mất rồi còn đâu?”. Thời phong kiến, giới hủ nho coi khinh Cái Tục nhưng trong lòng vẫn đề cao Dái. Dái chứng tỏ cái uy danh của đàn ông. Cắt Dái là dùng nhục hình để hạn chế quyền lực của những kẻ gần vua. Lão Hai Chép trong chuyện trên dại. Tưởng cắt Dái là vợ có thể tha thứ không ngờ giết chết cái hy vọng lớn lao nhất của đàn bà. Mất Dái cũng đồng nghĩa với mất vợ. Không ai dễ thuỷ chung với kẻ coi thường cái của quý của mình. 

2. Trong truyện "Phẩm tiết". Cảnh ở cung đình Gia Long. Gia Long đánh chiếm Phú Xuân. Tướng Trương Viết Thi vào trước, kéo quân vào thẳng hậu cung, cướp được nhiều cung tần mỹ nữ, cướp được cả Ngô Thị Vinh Hoa. Gia Long biết được gọi Thi ra mắng: “Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn ham gái đẹp ư? Ta cho cắt dái mày!” Nói rồi nhà vua sai cắt dái Thi đuổi về quê quán”.[16] Cảnh này cho thấy Gia Long biết thừa giá trị của Dái. Dái không phân biệt già trẻ, vua hay quan. Dái đã làm cho tên Thi dám đứng bình đẳng với vua. Mất Dái, tên Thi dâm đãng kia sẽ chẳng còn hám gái nữa, để… chỉ còn mỗi mình vua tha hồ chiếm đoạt gái. Trò chơi muôn đời của các bậc đế vương: kẻ gần vua phải mất Dái để giữ gìn tôn ti trật tự và uy quyền của đấng chí tôn. Quyền lực phong kiến xét đến cùng là sự độc quyền có Dái. 

Có một câu chuyện cười lưu truyền trong các nhà trường ở Việt Nam. Một cô giáo phản ánh với ông hiệu trưởng về sự mất dạy của học sinh. Ông hiệu trưởng đáng kính hỏi: “Nó mất dạy thế nào?”. Cô giáo nói: “Bài tập tiếng Việt yêu cầu giải thích chữ dũng cảm, nó dám viết: dũng cảm là đéo sợ”. Ông hiệu trưởng phán: “Ừ mất dạy thật. Thế thì kỷ luật nó đi. Đéo cho học nữa”. Khi đưa ra hội đồng kỷ luật, không ngờ nó là con ông cháu cha, chính ông hiệu trưởng ấy phải bào chữa: “Nhưng mà nó nói như thế cũng đéo có sai”. Cô giáo tức giận văng luôn: “Biết thế này bà đéo có nói”. Nghe nói, sau này, chính cô giáo ấy bị kỷ luật. 

Khép lại câu chuyện Chim và Dái là giá trị nhân sinh của nó. Thuở nhỏ, có ai doạ đòi cắt Chim và Dái của mình là sợ thon thót. Nhưng thời ấy, cái tuổi vô tư lự, chỉ biết mất Chim Dái là mất cái để đứng đái. Sau này đến lúc trưởng thành, người ta mới hiểu, đấy không chỉ nhà vệ sinh mà còn là xưởng đẻ, cơ quan trung ương của sự sinh tồn. Cu Hiếu trong "Những bài học nông thôn" trưởng thành nhờ sự phát hiện ra chính mình qua Chim và Dái. Trời mưa, cu Hiếu cùng với chị em Hiên ra đồng bắt cá. Cu Hiếu tự bạch: “Quần áo ướt dán chặt vào người chị Hiên với cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên và cái Khanh đều tuyệt đẹp. Những đường cong cân đối gợi cảm lạ lùng. Máu rần rật dồn đầy ngực tôi. Chị Hiên gọi: “Hiếu lại giúp tôi”. Ánh mắt chị Hiên gặp mắt tôi. Thoáng nhanh, tôi thấy một nét nanh nọc hớn hở trên khoé mép ấy. Tôi đi lom khom, tôi định nâng rổ cá lên thì chị Hiên như vô ý xáp lại để đùi chạm vào người tôi. Tôi bủn rủn, hàm cứng lại. Một thoáng, tôi thấy chị Hiên nhìn sâu vào mắt tôi rồi đỏ bừng mặt. Tôi không thở được nữa, chân khuỵu xuống bãi cát, người run bắn lên… Tôi thở dốc, nằm lăn lộn trên bãi cát ướt. Hai viên tinh hoàn ở dương vật tôi nặng trĩu, rất đau”. Nguyễn Huy Thiệp đã phát hiện ra giờ phút âm dương gặp gỡ thật tuyệt vời, tự nhiên và hồn nhiên như lẽ giao cảm của trời và đất. Chính trong giờ phút ấy, con người mới bắt đầu hiểu cõi bí mật của lòng mình và mọi huyền bí của vũ trụ. Chim và Dái cất lên lời thơ trữ tình cho hạnh phúc và toan lo của cuộc sống trần thế: “Vĩnh biệt nhé tuổi thơ/ Tôi đã trưởng thành/ Từ nay tôi phải gánh vác trách nhiệm với tôi, với mọi người... ” 

III. Bướm: tên tục là Lồn, Hĩm, Cũm, Bòi, Thẹp, Thẽm… Tên tự là Âm Hộ. Tên văn hoá tín ngưỡng là Yoni. Bướm là tên hiệu để đi vào thơ ca: “Bướm ơi, bướm hãy vào đây. Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi..” Bướm là nữ thần sinh sản, mẹ của thế gian, thiên đường của tình yêu. Bướm đi vào truyện của Nguyễn Huy Thiệp như sự phục sinh những giá trị ấy. 

1. Trong truyện "Phẩm tiết". Cả Quang Trung lẫn Gia Long đều bị khuất phục trước vẻ đẹp thánh thiện của Bướm. Bướm được mang tên Vinh Hoa, nơi hội tụ và giao hoà giữa trời và đất. “Khi đẻ ra Vinh Hoa, trên nóc nhà bỗng có đám mây ngũ sắc bay đến, toả ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Trên cổ Vinh Hoa có bảy tràng hoa quấn cổ, xoè lòng bàn tay thấy có viên ngọc ở trong, trên khắc ba chữ: “tri thiên mệnh”. Vinh Hoa xuất hiện trong triều Quang Trung làm đảo điên cả quyền lực. “Đặng Tiến Đông thấy Vinh Hoa xinh đẹp lạ lùng, đánh rơi cả kiếm. Là người có học, Đông biết anh hùng mỹ nhân ở đời đều hiếm, nông nổi phạm đến có tội với trời”. Quang Trung “thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay”. Chính Bướm đã giải toả sự nóng giận của Quang Trung và giải oan cho Ngô Khải. Quang Trung thuộc ông vua biết giới hạn quyền lực và sự ham muốn để giữ gìn cho sự cao cả của đấng chí tôn. Yêu Cái Đẹp mà không xúc phạm Cái Đẹp. Ngược lại, Gia Long đi quá giới hạn của quyền lực, dám xúc phạm Cái Đẹp: “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong nhà”. Sự xúc phạm ấy đã biến quyền lực thành cái thấp hèn. Vinh Hoa tâu: “Bệ hạ muốn làm vua gà, vua vịt hay sao?”. Tiếng nói của Bướm cuối cùng có sức mạnh hơn mọi thứ quyền lực, bắt quyền lực phải cúi đầu khuất phục. Ngôn vô ngôn, xuất kỳ hương: “Nhà vua đến gần, thấy Vinh Hoa đẹp quá, bỗng nhiên sây sẩm mặt mày. Nước từ âm hộ Vinh Hoa tiết ra thơm ngát như mùi hoa sữa. Nhà vua thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi”.[17] Bướm là siêu quyền lực: “Công hầu khanh tướng trong thiên hạ. Rót lại không đầy mắt mỹ nhân”.[18] 

2. Trong "Những người thợ xẻ". Bường hiếp dâm cái Quy không thành, bèn luận về Bướm: “Ai lại đi tính tuổi bướm bao giờ. Một bà già hay một cô gái đều hệt như nhau”. Ngọc, nhân vật kể chuyện, đánh giá: “Anh đểu cáng và độc ác lắm”. Bường cười nhạt: “Con ơi, thế Giêsu Crit có đểu cáng và độc ác không? Như Lai có đểu cáng và độc ác không?”. Ngọc bảo: “Con người - Sự cao cả hình như chính ở giới hạn của nó”. Bường bảo: “Đúng thế đấy! Mày có thấy khi con Quy bị lột truồng không? Với cách quặp đùi của nó, nó hoàn toàn cao cả về mặt tinh thần”. Bường thích Bướm là khát vọng chính đáng. Cả Ngọc cũng thế. Trong lời đối thoại trước đó, Bường đã móc đúng ruột gan của Ngọc khi bảo cái Quy: “Con ranh con, mặc quần vào! Có thích xem đánh nhau thì đứng mà nhìn. Chúng ông đánh nhau vì mày đấy”. Có điều hành động cưỡng hiếp của Bường là tà dâm. Còn giới hạn trong ý thức của Ngọc là hiện thân của sự cao cả. Trong quan hệ bộ ba này, cao cả một cách hiện thực nhất vẫn là Bướm. Bướm biết khép mình một cách khiêm nhường trong cái quặp đùi cao cả của Quy. 

3. Trong truyện "Sang sông". Cảnh qua đò. “Sang đò có một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò”. Đầy đủ các thể diện của nhân gian. Bướm khiêm nhường nấp sau các chiếc quần. Giá như không có tình yêu, Bướm chỉ là cái bị kẹp chặt trong cặp đùi đạo đức đang khép lại của thiếu phụ. Chỉ khi đôi tình nhân kia “giở trò khỉ”: “chàng trai luồn bốn ngón tay qua lần chun quần của cô gái”, Bướm mới lên tiếng. Vẫn ngôn vô ngôn, Bướm cười thầm trong quần của thiếu phụ lẫn cô gái: “Cô gái ngồi ở đầu mũi đò cựa quậy. Người yêu của cô luồn bốn ngón tay sâu thêm chút nữa vào trong quần lót của cô. Cử chỉ của anh không lọt qua mắt thiếu phụ. Bằng kinh nghiệm riêng của đàn bà, thiếu phụ biết cặp tình nhân đang giở trò khỉ …”. “Cô gái ngồi ở đầu mũi đò bật lên tiếng rên khe khẽ”. Đây là bản hoà âm của Bướm cùng với giai điệu của thơ ca, nó cất lên đúng lúc nhà thơ, ông giáo và nhà sư đang thưởng thức thơ của cụ Nguyễn Gia Thiều. Bướm ghét cái thói đạo đức giả và sự thiếu cẩn trọng trong tình yêu, ném ra cái sợi lông loăn xoăn của mình để thách thức: “Chàng trai bực mình rút tay khỏi lòng cô gái. Anh len lét chùi tay vào khe ván đò nhưng không làm sao gạt được sợi lông loăn xoăn dính ở ngón tay”. 

IV. Vú: tên tự là Nhũ Hoa. Tên hiệu là Đôi Gò Bồng Đảo để ung dung đi vào thi ca một cách sang trọng: “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm...”. Vú đứng ở hàng cao nhã nhất trong bộ tứ quý, tứ linh của cái Tục. Mọi nguồn sinh lực của nhân loại nằm ở Vú. Thiếu sót lớn nhất của Nguyễn Huy Thiệp là quên khả năng dưỡng sinh của Vú. 

Có hai lần anh nói đến Vú, nhưng chẳng ra gì. Lần thứ nhất để cho Bường trong "Những người thợ xẻ" khuyên nhà mỹ học tên Khang về nhà bú tí. Vú trong trường hợp này thật vô hình và trừu tượng như chính cái đẹp trong bài giảng của nhà mỹ học ấy. Lần thứ hai được nói đến qua câu chuyện của Đoài trong "Không có vua". Đoài kể: “Lại có chuyện thế này. Nhà kia có cô con dâu. Bố chồng bóp vú cô ta. Đứa con trai hỏi: “Sao ông bóp vú vợ tôi?”. Ông bố bảo: “Để trừ nợ. Thế ngày xưa sao mày bóp vú vợ tao?”. Nghe nói những người này cũng được phong thần”. Chuyện này hoàn toàn nằm trong kho tàng tiếu lâm. Không có gì mới. Đáng ghét nhất là Vú bị hạ giá thành phương tiện giải trí. 

Nói đến Cái Tục trong bộ tứ quý, tứ linh trên trang văn Nguyễn Huy Thiệp thế là đủ. Nhưng trong dư luận về Nguyễn Huy Thiệp, người ta có nói đến chuyện cứt đái như là cái bẩn nhất và tục nhất lẽ ra phải kiêng kỵ trong sáng tạo văn học. Cái bẩn vào trong văn học không đồng nghĩa với sự bôi bẩn mà có nghĩa lý về mặt nhân sinh. Có phạm trù Cái Đẹp cái Cao Cả thì hẳn nhiên có Cái Xấu, Cái Thấp Hèn như hai mặt biện chứng của một vấn đề. Trong phạm trù Cái Tục, hai mặt tốt và xấu, cao cả và thấp hèn tồn tại song hành như một cấu trúc thẩm mỹ đương nhiên. 

Nhiều nhất trong văn Thiệp là cứt. Không đợi đến Thiệp, cứt xuất hiện đầy dẫy trong văn học. Cứt trong tục ngữ, ca dao: “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó”, “Em như cục cứt trôi sông. Anh như chú chó chạy rông trên bờ”… Cứt vun thành đống khổng lồ trên trang văn của nhà văn vĩ đại F. Rabelais. Hình như chính Cụ Hồ, người khai sáng cho nền văn học cách mạng ở Việt Nam, có khen một nhà văn Nga để cho anh lính Nga văng cứt vào mặt kẻ thù. Có kẻ nói một cách hài hước: ừ thì văn chương xưa nay không từ chối cứt, nhưng là cứt khô, cái tệ hại của Thiệp là dám ném cứt tươi vào văn học. Cứt tươi hay cứt khô gì cũng là cứt, đều thối cả. Cứt tươi thối hơn thì rõ ràng mang tính tranh đấu cao hơn chứ sao. Nhà thơ TMH, có lần nói chuyện với tôi rằng, văn chương không từ chối những thứ bẩn thỉu dơ dáy nhất, nhưng phải nói như thế nào đó cho sạch sẽ, thơm tho. Xin lỗi anh, cái gì chứ món này tuyệt đối không được. Có chiên xào gì nó vẫn cứ thối. Cứt là thứ vũ khí hữu hiệu cho những cuộc khẩu chiến đến độ căng thẳng nhất. Cứt là huyệt tử chôn vùi những kẻ tham lam, cơ hội. 

1. Trong "Phẩm tiết". Cảnh trong triều đình Quang Trung. Quang Trung mở tiệc chiêu đãi doanh nhân của đất Phú Xuân. Ngô Khải được mời đến dự. “Khách dự tiệc lần lượt cho dâng vào các lễ vật mừng, đủ đồ ngọc ngà châu báu, sơn hào hải vị rất lạ. Vua Quang Trung đứng xem, trầm trồ thán phục. Đến lượt Khải, Khải cho đầy tớ khênh vào ba cái rương to, mở ra thấy toàn đồ giả, vải lụa bị cắt ra thành từng mảnh vụn nhỏ. Khải thất sắc, mọi người có mặt thảy kinh hoàng. Vua Quang Trung giận lắm, mắng rằng: “Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống đến năm mươi tám tuổi, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm, tưởng xênh xang ư? Xuống địa ngục quỷ sứ lột da mày! Ta cho mày ăn cứt, xem có chê lợm không”. Nói rồi nhà vua cầm phất trần quất ngang miệng Khải, quát tả hữu nọc ra đánh, nhét cứt vào mồm, lột truồng đuổi Khải về nhà”. Trường hợp này Khải bị oan vì tên Phương nhỏ nhen hãm hại. Nhưng cũng không trách được Quang Trung trong cơn nóng giận. Nếu vì cái món vải lụa kia chưa chắc Quang Trung đã nhét cứt vào mồm hắn. Sự thể bắt đầu từ thái độ ăn uống khen chê khiếm nhã, vô ơn của Khải: “ăn miếng ngon không biết đậy mồm còn chê là lợm”. Kể ra cũng không oan. 

2. Trong "Huyền thoại phố phường". Hạnh, gã trí thức nửa mùa muốn leo thang danh vọng và tiền tài đã mua chuộc lòng mẹ con bà Thiều bằng cách nhúng bàn tay của mình vào cứt. Y cố gắng tìm chiếc nhẫn của cô Thoa dưới cái cống rãnh hôi thối. “Y xắn tay áo rồi đưa tay mò dọc theo cái rãnh đầy bùn, lõng thõng nước bẩn, thậm chí còn có cả cục phân người”. Danh vọng, tiền tài tất cả đều chỉ là cứt cả. 

3. Tởm nhất là cứt nằm trong giấc mơ của thằng sinh viên tên Khảm. Cảnh trong "Không có vua". Gia đình lão Kiền tối giao thừa. Khảm kể: “Em mơ thấy đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười, thế là bị đi đuổi đi dọn cả một bể cứt. Bể cứt xây xi măng, kích thước 10 x 6 x 1,5 mét, dung tích 90 khối. Mưa bão đến, bể cứt trôi phăng, em ngập trong ấy, cứt vào cả mồm, cả lỗ tai”. Đoài (nhà giáo dục) bảo: “Giấc mơ tốt đấy, còn công việc để ý làm gì. Mày chơi xổ số đi, thế nào cũng trúng…”. Chuyện này Thiệp không đùa tí nào. Giả vờ nói chuyện đoán mộng theo kiểu các cụ vẫn nói: “Các cụ bảo dẫm vào cứt thì có lộc về”. Trong khi giấc mơ lại như thật, cái bể cứt được tính toán một cách chính xác, như một cỗ quan tài đúc bằng bê tông, sản phẩm của nền văn minh công nghiệp hiện đại. Nền giáo dục thực dụng đã sinh ra một mẫu sinh viên chỉ biết có tiền tài danh vọng. Học hành chữ nghĩa đầy mình để cuối cùng đeo đuổi một giấc mơ làm giàu. Ừ thì làm giàu chính đáng bằng trí tuệ và sức lực của mình, đằng này làm giàu bằng một cuộc đánh số. Ngày xưa các cụ nói học trước tiên là để làm người. Đạo học ngày nay toàn một lũ cơ hội, học thì ít, mơ màng danh vọng thì nhiều. Cứt! 

4. Cứt lẫn đái dồn chứa cả một “dòng sông trữ tình” trong truyện "Trương Chi". Trương Chi cổ tích đẹp với vẻ đẹp huyền thoại, lãng mạn và thơ mộng. "Trương Chi" của Nguyễn Huy Thiệp khơi vào sự thật ẩn chứa bên trong lớp vỏ huyền thoại mộng mơ ấy. Làm gì có bóng hình một chàng trai chèo thuyền trên dòng sông lụa với tiếng hát trong veo bay bổng để đi vào giấc mơ của mỹ nhân khi cuộc đời chàng trai này đã ngập chìm trong nỗi buồn và sự uất ức. Nhớ lại lần gặp Mỵ Nương, cái xấu của chàng đã bị phỉ nhổ, cuộc đời chàng từ đó chỉ còn có cứt và đái: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy…” Chàng vẫn hát đấy chứ. Vẫn là “tiếng hát vút cao”, nhưng trong đêm tối mù mịt. Nốt đệm là những tiếng “cứt!” tạo nên tiết tấu đầy âm vang của câu chuyện. Trương Chi năm lần văng cứt, yết hậu cho các bài hát của mình và hiển nhiên rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng cứt. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng. Lỗi ở cuộc đời, ở sự tàn nhẫn và phi lý. Cái đáng ghét là lũ hoạn quan kia. Chúng đòi hát ngợi ca công danh, tiền bạc. Hát những thứ ấy ư? Ừ thì hát, và đúng như chúng nói: “Hát như cứt!”. 

Vậy là tôi đã chỉ ra hết Cái Tục trong văn Thiệp. Sáng tạo và phê bình văn học của ta hiện nay cứ lẩn quẩn trong những thứ cao siêu, thanh nhã như chủ nghĩa yêu nước, lòng nhân đạo trừu tượng mà quên đi những gì trần tục, tinh tế và cụ thể nhất của đời sống. Đáng xấu hổ nhất là loại sáng tạo và phê bình ăn theo, nói leo để được một chút danh vọng, tiền tài. Nghệ thuật là tiếng hát, nhưng phải là tiếng hát cho những giá trị nhân văn, nhân bản của con người chứ không phải hát ngợi ca tiền tài, danh vọng. Hát ngợi ca tiền tài, danh vọng ư? – Hát như cứt! Đừng ngồi đó mà than phiền thiếu tự do, thiếu kinh phí cho sáng tác, thiếu sự hỗ trợ cho phê bình. Văn học thiếu đỉnh cao không phải vì thiếu một cái gì cả. Trừ thiếu bản lĩnh của những tâm hồn lớn. 

Khi Cái Tục tràn vào văn chương nghệ thuật với hình thức chính danh, có người bảo Cái Đẹp đã chết. Tôi nghĩ, Cái Đẹp không chết. Chỉ có cái chết đến với Cái Đẹp giả tạo. Cái Đẹp đích thực nằm ở những giá trị nhân bản đích thực. Các nhà mỹ học vĩ đại, từ Socrate đến Platon, từ Aristote đến Kant, từ Hegel đến Nietzsche,… tất cả đều thống nhất trên tinh thần: Cái Đẹp là Sự Thật. Có điều, mỗi người đi tìm Sự Thật ở mỗi chân trời khác nhau, từ đó sinh ra những ảo tưởng và nhầm lẫn. Sự Thật cuối cùng nằm ở ngay trong lòng người với cả một cõi huyền bí cần được khám phá. Trong lúc thế giới xuất hiện quá nhiều cái giả: hàng giả, tiền giả, bằng cấp giả… và cả những nhân cách giả, thì, có khi Cái Tục là Thật nhất. 

Nhưng nên nhớ rằng, phải có bản lĩnh và khả năng làm chủ Cái Tục mới có thể sáng tạo và tiếp nhận, phê bình Cái Tục. 

Ất Dậu, những đêm mất ngủ
***

[1]Những tư liệu khảo sát trong bài viết này đều dựa vào những bản in đầu tiên trên các Báo Văn nghệ, Tạp chí Sông Hương. Những lần in lại, một số Cái Tục đã bị những người biên tập “thiến” mất. 
[2]Bài thơ "Chuyện làng Cuội" của Nguyễn Khuyến. 
[3]Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam bào chữa là thanh, các nhà ngôn ngữ học gọi là nhã ngữ, từ đó sinh ra kiểu lý luận cù nhầy “tục mà thanh”. 
[4]Cung oán ngâm khúc: "Cái đêm hôm ấy đêm gì. Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng…" 
[5]Thực ra những người này không hiểu gì về Chủ nghĩa Tự nhiên. Nói cho sang. 
[6]Xem Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và biên soạn. NXB Văn hoá Thông tin, 2001. 
[7]Điều này thuộc về thuyết chính danh của Khổng Tử: “Danh chính ngôn thuận”. “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con”. Xin nói thêm “tục cho ra tục”. Chẳng hạn, trong Hòn đất, nhà văn Anh Đức để cho Ba Rèn trật quần hô lên: “Đầu hàng cái con c.”. Cái kiểu viết tắt đọc lên không thuận, mất sướng. 
[8]Xem bài Văn hoá tục của Nguyễn Hưng Quốc; Cái ấy, chuyện ấy... sự thật và những giới hạn của Châu Minh Hùng. 
[9]Theo tôi văng tục bừa bãi không phải xúc phạm ai mà là xúc phạm chính mình. Vật tổ là linh khí cần phải tôn trọng và kiêng huý. 
[10]Xem Châu Minh Hùng, Cuộc tìm kiếm hình thức đa thanh mới của văn xuôi hiện đại qua tổ chức truyện của Nguyễn Huy Thiệp. 
[11]Vũ Trọng Phụng. Kỹ nghệ lấy Tây. 
[12]Đối lập với bộ tứ quý, tứ linh như tùng, cúc, trúc, mai ; lân, ly, quy, phượng của văn học phong kiến phương Đông. 
[13]Trừ trường hợp Cứt được tôn vinh trong tín ngưỡng ở làng Cổ Nhuế. 
[14]Bản in của NXB Trẻ và tạp chí Sông Hương, Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận, bị thiến mất chữ “chim”: “Một tay áp vào đít cái Lược”. Câu văn tối nghĩa, thiếu sự minh bạch, trong sáng. 
[15]Từ điển giải thích Ngọc hành đồng nghĩa với Dương vật. Tôi nghĩ, chữ này dành cho Dái mới phải. 
[16]Bản in của NXB Trẻ và tạp chí Sông Hương, Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận, chữ “Dái” cũng bị thiến mất. 
[17]Các Bản in sau này đều mạo phạm thiến mất chữ “Âm hộ”: “Nước từ người Vinh Hoa tiết ra thơm ngát như mùi hoa sữa”. Cái thậm vô lý của những tâm hồn không lành mạnh. 
[18]Thơ Phạm Thái. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog