Chia sẻ

Tre Làng

BÀN THÊM VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Nguyễn Văn Tuấn

Xin giới thiệu một bài viết của Gs Pierre Darriulat về đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Bài báo "Đào tạo tiến sĩ : đối diện với thực tế" (bản tiếng Anh là Vietnamese PhDs : the need to face reality). Bản gốc bài báo viết bằng tiếng Anh, và báo Tia Sáng dịch sang tiếng Việt. Bản tiếng Anh có vẻ đầy đủ hơn bảng tiếng Việt (xem so sánh dưới đây). Bài viết nêu lên những bất cập trong đào tạo tiến sĩ, kể cả chuyện mua bán bằng cấp và viết hộ luận văn. Không chỉ là những vấn đề tiêu cực như thế, mà còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như qui trình đào tạo, chuyên môn của thầy cô hướng dẫn, cơ sở vật chất cho đào tạo, v.v.. Hệ quả là nhiều luận án cấp tiến sĩ nhưng không xứng đáng với học vị đó. Tôi thì nghĩ nên rà soát lại và nhận ra những trung tâm nào và cá nhân nào có thể đào tạo tiến sĩ, cũng như chấn chỉnh lại qui trình đào tạo và quản lí nghiên cứu sinh. Cách làm đại trà như hiện nay thì chỉ có thể cho ra những doctor chẳng ai công nhận. 



Trước khi gửi đăng báo, Pierre gửi cho vài bạn bè bình luận và cho ý kiến. Tôi đọc bản nháp và có góp ý (xem phần dưới). Trong lá thư góp ý, tôi muốn nhấn mạnh 3 điểm chính : mục tiêu học tiến sĩ sai lạc, qui trình đào tạo, chất lượng đào tạo, và chương trình hậu tiến sĩ. 

Mục đích học tiến sĩ có phần lệch lạc, và điều này thì báo chí cũng đã nêu lên nhiều lần. Mục đích của đào tạo tiến sĩ là đào tạo những nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientist) và những giảng viên, giáo sư tương lai cho đại học, qua trang bị những kĩ năng nghiên cứu khoa học và kiến thức chuyên sâu. Làm quản lí hay hành chính không cần phải học tiến sĩ. Nhưng ở Việt Nam, trong thực tế, nhiều người theo học tiến sĩ chủ yếu là để hợp thức hoá vị trí công tác hiện tại, hoặc thăng tiến trong nấc thang hành chính và quản lí. Cũng có người theo học vì mục tiêu tiến bộ khoa học nhưng số này chắc không nhiều. Do đó, mục đích đào tạo và học vị tiến sĩ đã bị làm cho lệch lạc.

Qui trình quản lí nghiên cứu sinh cũng cần phải được bàn thảo một cách nghiêm chỉnh. Ở Việt Nam, qui trình đào tạo tiến sĩ thoạt đầu nhìn vào thì khá chặt chẽ, nhưng hình như chỉ lúc ban đầu. Nghiên cứu sinh phải thi và bảo vệ đề cương, có người hướng dẫn, tức không khác gì ở nước ngoài. Nhưng những người xét duyệt đề cương có khi chẳng có chuyên môn gì liên quan. Lại còn có vấn đề mã số, rất rắc rối và hành chính hoá đến mức độ … khó tin. Ngoài ra, qui trình quản lí nghiên cứu và nghiên cứu sinh thì không thấy đề cập đến. Luận án chủ yếu thông qua bởi một hội đồng gồm 6-8 người, mà nghiên cứu sinh phải chạy đôn chạy đáo để chọn và chi tiền cho họ ngồi xét duyệt ! Có thể nói rằng qui trình như thế mang tính hành chính nhiều hơn là khoa học. Hệ quả là nhiều nghiên cứu sinh khi vào học mới thấy mình tự học là chính, và người hướng dẫn thì chẳng giúp gì mà có khi lại chính là rào cản.

Ở Úc, mỗi đại học hay viện đều có một hội đồng (thường gọi là Higher Degree Committee hay HDC) chuyên lo quản lí tiến độ của nghiên cứu sinh. Cứ mỗi 6 tháng, nghiên cứu sinh và người hướng dẫn phải đi dự phỏng vấn của HDC, để nhận ra những vấn đề đang vướng mắc và bàn biện pháp giải quyết. Có những vấn đề như nghiên cứu sinh thiếu chuyên môn phân tích, chưa biết viết bài báo khoa học, thiếu kĩ năng lab, v.v. thì HDC có nhiệm vụ giới thiệu nghiên cứu sinh đi học thêm những kĩ năng cần thiết. Những vấn đề cá nhân (như mâu thuẫn giữa thầy và trò) cũng có thể giải quyết. Ngoài làm việc với HDC, nghiên cứu sinh phải dự seminar hàng tuần, họp lab hàng tuần nghe người khác trình bày nghiên cứu, họp journal club để điểm qua những nghiên cứu của người khác, v.v. Mỗi năm, nghiên cứu sinh còn phải trình bày kết quả nghiên cứu để người khác săm soi. Với một qui trình như thế, nghiên cứu sinh cảm thấy mình không bị bỏ rơi, mà có hẳn một "bộ máy" hỗ trợ đằng sau mình, và tiến độ nghiên cứu được đảm bảo theo đúng thời gian định ra.

Vấn đề chất lượng đào tạo rất đáng quan tâm. Thật vậy, những vấn đề đào tạo tiến sĩ ở trong nước có thể tóm tắt trong 2 chữ “chất lượng”. Chất lượng người hướng dẫn, chất lượng đề tài nghiên cứu, và chất lượng môi trường.

Một nhân tố rất quan trọng trong đào tạo tiến sĩ là người hướng dẫn (tạm hiểu như là mentor). Ở Việt Nam, nơi nào có người với chức danh phó giáo sư hay giáo sư thì xem như đủ tư cách khoa học để hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nhưng trong thực tế, không phải ai có bằng tiến sĩ hay chức danh giáo sư đều có thể hướng dẫn tiến sĩ. Những người có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh không chỉ có chuyên môn cao, có tên tuổi trong chuyên ngành (qua công bố quốc tế), mà còn phải có chương trình nghiên cứu riêng. Không có chương trình nghiên cứu riêng, nghiên cứu sinh sẽ chẳng khác gì một người lang thang trong rừng, mất định hướng nghiên cứu. Nếu người hướng dẫn không có chuyên môn và kiến thức tốt, thì nghiên cứu sinh sẽ loay hoay với những đề tài tầm thường, những đề tài mang tính “me too” (bắt chước người khác một cách máy móc), không xứng đáng với luận án tiến sĩ. Khó nói ở Việt Nam có bao nhiêu người đủ khả năng hướng dẫn tiến sĩ, nhưng có lẽ con số không nhiều.

Trong thực tế, nhiều đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ bị giới báo chí mỉa mai là “vô bổ”. Không biết các ngành khác thì sao, nhưng trong ngành y, chỉ nhìn vào nội dung luận án và phương pháp nghiên cứu của những luận án được công bố trên mạng, tôi phải nói rằng những luận án này chưa đạt trình độ tiến sĩ. Đại đa số những luận án này chỉ có một nghiên cứu và do đó phần kết quả rất ư là nghèo nàn. Đề tài cũng chỉ quanh quẩn những vấn đề cổ điển, hoặc những vấn đề mang tính dịch vụ, chứ không mang tính khoa học hay khám phá. Ở UNSW, chúng tôi vẫn cho những đề tài như thế cho sinh viên cử nhân hạng danh dự và học viên masters làm. Do đó, có thể nói rằng không ít luận án tiến sĩ ở Việt Nam (chỉ nói trong ngành y) chưa đạt chuẩn mực của một luận án tiến sĩ thực thụ.

Chất lượng môi trường nghiên cứu cũng quan trọng. Ở Thái Lan, tuy họ có nhiều trường đại học, nhưng số trường có khả năng và điều kiện cơ sở vật chất đào tạo tiến sĩ thì rất ít. Trong các chuyên ngành như y học, đào tạo tiến sĩ rất tốn kém. Ở Úc, tính trung bình chi phí đào tạo tiến sĩ y học tốn khoảng 50 ngàn USD mỗi năm (so với các ngành khoa học tự nhiên chỉ khoảng 20 đến 30 ngàn USD). Cơ sở vật chất cho nghiên cứu sinh cần phải được đảm bảo ở mức độ tốt nhất, sao cho khi nhận nghiên cứu sinh vào là tất cả các điều kiện về thiết bị, kĩ thuật, cơ sở yểm trợ, v.v. đều đã sẵn sàng. Còn ở Việt Nam, tôi biết có nhiều nghiên cứu sinh tuy nói là học tiến sĩ nhưng chủ yếu dựa vào cơ sở vật chất nơi họ đang công tác. Ở ngoài, nghiên cứu tiến sĩ là phải tập trung toàn thời gian, còn ở Việt Nam, đại đa số chỉ làm bán thời gian. Nhiều nghiên cứu sinh "tự bơi" trong điều kiện thiếu thốn.


Một vấn đề quan trọng khác mà tôi muốn nhấn mạnh là chương trình đào tạo hậu tiến sĩ. Sau bài góp ý này, Pierre có thêm phần đào tạo hậu tiến sĩ. Ở trong nước, người ta nghĩ rằng xong chương trình tiến sĩ là đạt đỉnh cao học thuật, không cần học gì thêm nữa. Quan điểm này hết sức sai lầm. Xong tiến sĩ có thể ví von như là xong học nghề. Người học cần phải trao dồi tay nghề mới có thể trở thành độc lập. Nhưng rất tiếc là đại đa số tiến sĩ được VN gửi ra ngoài đào tạo chưa qua chương trình hậu tiến sĩ, vì theo qui định họ phải về nước. Vì thế, phần lớn chưa có cơ hội thực tập sau tiến sĩ, và trình độ có khi cũng còn hạn chế. Còn ở trong nước thì không có chương trình hậu tiến sĩ. Theo tôi, cần phải gửi nghiên cứu sinh xong tiến sĩ ra ngoài để theo đuổi chương trình hậu tiến sĩ để đào tạo những người này thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Điều này có thể không dễ, vì xin được một suất học hậu tiến sĩ rất khó và cạnh tranh ác liệt. Nhưng nếu nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trên các tập san tốt thì việc xin nghiên cứu hậu tiến sĩ cũng dễ dàng hơn.


Tóm lại, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam còn tồn tại khá nhiều vấn đề, từ qui trình đến chất lượng. Tôi nghĩ cần phải rà soát lại tất cả các đại học đang đào tạo tiến sĩ để nhận ra những người hướng dẫn có khả năng, có chương trình nghiên cứu, và cơ sở vật chất thích hợp. Ngoài ra, cũng cần có những chương trình hậu tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp có cơ hội rèn luyện để trở thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Đào tạo tiến sĩ rất quan trọng, và quan trọng nhất là phẩm chất khoa học, chứ không phải là những con số tròn trĩnh để đạt một “mục tiêu chính trị” nào đó.

N.V.T 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog