Chia sẻ

Tre Làng

LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ

“Lãnh đạo phục vụ” là cụm từ dịch nhẹ nhàng của từ “servant leader”. Servant có nghĩa là người phục vụ, tôi tớ, ôsin. Lãnh đạo phục vụ là người lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là phục vụ mọi người xung quanh. Servant leader thì ngược hẳn với leader leader (tạm dịch “lãnh đạo kiểu sếp”), là người lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là làm sếp.

Leader leader lệ thuộc vào quyền lực cuả mình và ra lệnh cho cấp dưới; đây thường là mô hình lãnh đạo trong quân đội, trong các công ty, và trong guồng máy công quyền. Servant leader luôn xem mình là người phục vụ của mọi người khác.

Mô hình servant leader được Robert K. Greenleaf sáng tạo khi ông viết bài The Servant As Leader năm 1970. Trong bài này Greenleaf viết về nguồn gốc của tư tưởng lãnh đạo phục vụ:

“Tư tưởng người phục vụ là lãnh đạo đến [với tôi] khi [tôi] đọc cuốn Hành Trình Về Phương Đông (Journey to the East) của Hermann Hesse [viết năm 1958]. Trong truyện này, chúng ta thấy một nhóm người đang đi trong một hành trình thần bí… Nhân vật chính trong truyện là Leo, đi theo cả đoàn như là người phục vụ làm các việc lặt vặt cho đoàn, nhưng cũng giữ cho đoàn mạnh mẽ với tinh thần và các bài hát của anh ta. Anh ta là người có một sự hiện diện lạ thường. Mọi sự đều tốt cho đến khi Leo biến mất. Cả đoàn rơi vào hỗn độn và cuộc hành trình bị hủy bỏ. Người kể truyện, một người trong đoàn, sau khi lang thang vài năm, thì tìm thấy Leo và được đưa vào Tu viện đã đỡ đầu cho cuộc hành trình. Tại đó, anh ta khám phá ra rằng Leo, người mà anh ta đã biết như là một người phục vụ, thật ra là người cầm đầu Tu viện đó, là tinh thần dẫn dắt Tu viện, một lãnh đạo vĩ đại và thanh cao.”

Với ý tưởng đó, Greenleaf suy tư và nghiên cứu lãnh đạo phục vụ trong 15 năm, trước khi bắt đầu viết về nó. Greenleaf nói về lãnh đạo phục vụ:

“Người lãnh đạo phục vụ là người phục vụ trước hết… Điều này bắt đầu với một cảm giác tự nhiên là ta muốn phục vụ, phục vụ trước hết. Rồi sau đó [ta mới có] một lựa chọn ý thức đưa ta đến mong muốn lãnh đạo. Người như vậy thì rất khác với người mà lãnh đạo là điều trước hết, có lẽ là vì [người này] có nhu cầu phải thỏa mãn một ham mê bất thường về quền lực hay của cải…. ‘Lãnh đạo trước hết’ và ‘phục vụ trước hết’ là hai mô hình đối nghịch. Ở giữa là mọi loại hình và mọi kết hợp vô tận của con người… Sự khác biệt thể hiện rất rõ ràng trong sự quan tâm mà ‘người phục vụ trước hết’ có để đảm bảo là những nhu cầu ưu tiên cao nhất của người khác được chăm lo ngay lúc này.”

Và cách đo lường lãnh đạo phục vụ tốt nhất là:

“Cái test tốt nhất, dù là khó sử dụng, để đo lường là: Những người được mình phục vụ có phát triển tốt như là những cá nhân không? Trong khi được phục vụ, họ có thành mạnh khỏe hơn, thông minh hơn, tự do hơn, có nhiều độc lập hơn, có khả năng cao là chính họ sẽ trở thành người phục vụ? Và, ảnh hưởng trên những người yếu kém nhất trong xã hội như thế nào? Họ có được lợi ích gì không, hay tối thiểu là cũng không bị tước đoạt thêm?”

Ngày nay người ta thường dùng hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ hay Mẹ Têrêxa cứu giúp người nghèo trên đường phố là biểu tượng của lãnh đạo phục vụ.

Theo truyền thống, chúng ta thường chia ra ba loại lãnh đạo chính: Lãnh đạo chuyên quyền (hay độc tài, autocratic), lãnh đạo dân chủ (democratic hay participatory), lãnh đạo tự do (laissez-faire). Lãnh đạo độc tài thì ai cũng chán. Lãnh đạo tự do thì rất ít xảy ra, thường chỉ có trong các nhóm nghệ sĩ như họa sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ…

Trong lãnh đạo dân chủ thì lãnh đạo thường hỏi ý các thành viên và dùng nhiều ý của thành viên, dù là lãnh đạo vẫn là người có trách nhiệm quyết định cuối cùng. Lãnh đạo phục vụ gần với lãnh đạo dân chủ nhất, nhưng lãnh đạo phục vụ vẫn có chiều sâu tâm linh hơn rất nhiều, vì lãnh đạo không xem các thành viên là thành viên mà là người mình phục vụ.

Greenleaf nói đến 10 nguyên lý (hay 10 kỹ năng) của lãnh đạo phục vụ:

1. Nghe (Listening): Nghe và nói luôn quan trọng cho các lãnh đạo xưa nay. Trong lãnh đạo phục vụ, nghe lại càng rất quan trọng. Nghe kỹ để hiểu được từng từ của người nói, nghe cả điều không được nói ra, nghe để hiểu tâm sự của người nói. Lắng nghe cũng để hiểu tinh thần của cả nhóm đang như thế nào. Và lắng nghe để nghe trái tim và tinh thần của mình đang nói gì với chính mình.

2. Đồng cảm (Empathy): Luôn cố gắng để đồng cảm với các thành viên của mình. Chấp nhận các cá tính đặc biệt của mỗi người, và luôn đặt giả thiết là mỗi người đều có ý tốt, kể cả khi mình không chấp nhận tác phong của người đó.

3. Chữa lành (Healing): Chữa lành những vết thương lòng là phương cách rất hiệu quả để chuyển hóa và hợp nhất. Kết nối giữa lãnh đạo phục vụ và người được phục vụ sẽ rất mạnh nếu cả hai cùng thầm hiểu rằng họ đang cùng nhau đi tìm một “lành lặn hoàn toàn”.

4. Nhận thức/nhạy cảm (Awareness): Nhận thức được mọi điều quanh mình, nhất là nhận thức được chính mình, sẽ làm cho liên kết giữa lãnh đạo và thành viên mạnh mẽ hơn.

5. Thuyết phục (Persuasion): Khi làm quyết định, lãnh đạo phục vụ dùng thuyết phục, hơn là dùng quyền lực để ép buộc. Lãnh đạo phục vụ thường rất giỏi về tạo đồng thuận trong nhóm.

6. Khái niệm hóa (Conceptualization): Greanleaf nói lãnh đạo phục vụ cần có khả năng “mơ giấc mơ lớn” và đặt tất cả những việc làm hàng ngày vào trong viễn ảnh về giấc mơ đó. Đây chính là điều mà ngày nay ta gọi là “tầm nhìn” (vision).

7. Thấy trước (Foresight): Đây là khả năng hiểu quá khứ và hiện tại, để thấy được kết quả trong tương lai của quyết định bây giờ của mình. Greenleaf cho rằng đây là một kỹ năng sâu sắc của trực giác của ta (không phải là lý luận).

8. Cương vị quản gia (Stewardship): Theo Greenleaf trong mọi tổ chức, mọi người từ tổng giám đốc đến các lãnh đạo và nhân viên, đều giữ vai trò quan trọng trong việc nắm giữ tổ chức của họ cho quyền lợi chung của xã hội.

9. Cống hiến cho sự phát triển của mọi người (Commitment to the Growth of People): Lãnh đạo phục vụ cống hiến sâu sắc cho sự phát triển tính cách cá nhân, nghề nghiệp, và tâm linh của mỗi cá nhân trong tập thể của mình.

10. Xây dựng cộng đồng (Community Building): Lãnh đạo phục vụ biết rằng sự thay thế các cộng đồng nhỏ địa phương (làng xã) bằng những tổ chức xã hội và chính trị lớn (quốc gia, đoàn thể quốc gia, đại công ty) như là khí cụ chính trong việc uốn nắn cuộc sống của con người đã làm chúng ta cảm thấy lạc lỏng thường xuyên. Lãnh đạo phục vụ sẽ tìm cách xây dựng cộng đồng cho những người làm việc trong một tổ chức hoặc sống trong một địa phương.

Lãnh đạo phục vụ được xem là phương cách lãnh đạo lý tưởng ngày nay, trong rất nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, trong một số lãnh đạo cao cấp của các đại công ty, và đặc biệt thịnh hành trong các tổ chức thiện nguyện và tôn giáo.

Làm được đến đâu là do ta giỏi đến đâu. Nhưng đương nhiên ai cũng có thể thấy rằng đây là cách lãnh đạo sâu sắc, văn minh, và hiệu quả nhất.

Chúc các bạn luôn phục vụ tốt.

Mến,

Hoành


© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog