Chia sẻ

Tre Làng

NGUY CƠ KHAI HỎA Ở BIỂN HOA ĐÔNG


Lời mào: Mình không tin là chiến tranh xảy ra ở Hoa Đông, mà tin là nó sẽ xảy ra ở Biển Đông của Việt Nam. Nhưng dù sao đây cũng là một tài liệu tham khảo, do đó mình đăng lại để anh em chiêm nghiệm.

(Petrotimes) - Mỹ ngày càng thể hiện rõ quan điểm của mình đối với căng thẳng đang leo thang tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và điều này đang khiến những nước hữu quan gấp rút hoàn tất kế hoạch trong lĩnh vực nhạy cảm này. Nhất là khi tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này có kế hoạch phối hợp với quân đội Mỹ đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, nếu hai nước xảy ra chiến tranh.

Trong khi đó, Thiếu tướng Bành Quang Khiêm tuyên bố với truyền thông Trung Quốc rằng: Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn thì điều này có nghĩa là khai chiến và Trung Quốc sẽ không chờ đến phát đạn thứ hai mà sẽ lập tức phản công. Tuyên bố này xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi Thiếu tướng La Viện khẳng định: Trung Quốc không sợ chiến tranh với Nhật Bản. 

Washington ủng hộ Tokyo, Bắc Kinh lo lắng

Ngày 17/1, trang tin Đa chiều (Hongkong) cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ý thức tới nguy cơ bùng nổ xung đột Nhật - Trung do căng thẳng leo thang tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang ngày càng tăng cao. Do đó, Washington lo bị Tokyo cuốn vào xung đột này nếu đất nước mặt trời mọc áp dụng các biện pháp, trong đó có việc bắn pháo hiệu, xung đột Nhật - Trung có thể xảy ra và đó không phải là “tai nạn ngoài ý muốn”, mà là sai lầm trong quyết sách.

Mỹ đã phát tín hiệu cảnh cáo đối với Nhật Bản, yêu cầu Lực lượng Phòng vệ nước này không được bắn pháo hiệu nhằm vào các máy bay Trung Quốc bay ở vùng trời gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngoài ra, Mỹ cũng thể hiện sự kiềm chế trong phát ngôn của mình bởi ý thức được rằng, khả năng bùng nổ xung đột ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ vượt ra ngoài vòng kiểm soát của việc “súng cướp cò”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nói với trang tin Đa chiều rằng, Washington lo lắng về những diễn biến hiện nay ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời yêu cầu Nhật Bản phải thận trọng trong hành động liên quan tới khu vực đang tranh chấp này. Mỹ cũng nhấn mạnh, Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật không có ích lợi gì đối với tình hình căng thẳng ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhất là trong bối cảnh Trung - Nhật đang thách thức giới hạn đỏ của nhau.

Thượng tướng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng
Ngày 20/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, Bắc Kinh hết sức bất bình và kiên quyết phản đối bình luận gần đây của Mỹ về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc còn gọi lập trường của Mỹ về tranh chấp trên biển Hoa Đông (ủng hộ Nhật Bản) là “phản bội” với tuyên bố trung lập trước đó của Washington. Những chỉ trích kể trên được đưa ra sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Washinton - Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm làm suy yếu sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 18/1, Ngoại trưởng Hillary Clinton một lần nữa lên tiếng bảo đảm với Nhật Bản rằng, Mỹ sẽ ủng hộ nước này trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông. Bà Hillary Clinton cũng mời tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Washington vào cuối tháng 2 để hội đàm với Tổng thống Barack Obama nhằm duy trì mối quan hệ kinh tế, an ninh Mỹ - Nhật.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida không những hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời khẳng định, Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ sẽ chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào xâm phạm quyền quản lý của Tokyo. Ngày 17/1 tại Tokyo, giới chức ngoại giao và quốc phòng Nhật - Mỹ bắt đầu phiên hội đàm chính thức về việc sửa lại Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật nhằm thúc đẩy hợp tác giám sát, kiểm soát giữa các đồng minh quân sự để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại những khu vực đang có tranh chấp.

Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật được đưa ra năm 1978, được áp dụng từ năm 1997 và 2 nước muốn đẩy mạnh thu thập tin tức tình báo, hoạt động giám sát, do thám trong điều kiện bình thường và bất thường. Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng Mỹ ủng hộ Nhật Bản sửa đổi hiến pháp và tăng cường năng lực quốc phòng.

Đằng sau tuyên bố của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama

Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đang bị dư luận Nhật Bản chỉ trích sau khi ông thừa nhận "có tranh chấp" ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Trung Quốc. Thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera còn coi ông là "kẻ phản bội". Việc thừa nhận kể trên được ông Yukio Hatoyama đưa ra nhân chuyến tư tác 4 ngày tới Trung Quốc (từ ngày 15 đến 18/1) bởi điều này trái ngược với quan điểm của Tokyo khi khẳng định: Nhật Bản có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát trên biển Hoa Đông bởi đòi hỏi này là phi lý và không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định, quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng đối với Nhật Bản và hai nước đều có trách nhiệm vì nền hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.

Nhật Bản muốn mua máy bay không người lái
Global Hawk của Mỹ để bảo vệ nhóm đảo Senkaku
Ngày 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cáo buộc Nhật Bản tạo ra căng thẳng tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, chống lại hướng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Bởi đã điều động máy bay ra không phận, gây khó khăn cho các chuyến bay bình thường của Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trước đó (17/1), ông Giả Khánh Lâm, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc khi tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã kêu gọi Bắc Kinh - Tokyo nên giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bằng đối thoại và tham vấn.

Cũng trong ngày 17/1, nhật báo Yomiuri đưa tin, Tokyo đang xem xét việc triển khai một lực lượng không quân tại quần đảo Sakishima, phía tây đảo Okinawa nhằm rút ngắn thời gian cất cánh tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài đảo Sakishima, Tokyo cũng xem xét thêm các phương án lựa chọn sân bay hàng không dân dụng Shimojishima trên đảo Miyakojima, sân bay New Ishigaki trên đảo Ishigaki để phục vụ yêu cầu kể trên.

Ngày 20/1, Nhật báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đoàn kết chặt chẽ trong việc đối phó với mối uy hiếp ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Cũng trong ngày 20/1, Đài NHK cho biết, ông Shinzo Abe sẽ yêu cầu xem lại cương lĩnh quốc phòng Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại vùng biển gần Nhật Bản.

Dư luận thực sự quan tâm tới thông tin trên tờ Bưu điện Hoa Nam (Hongkong) khi dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, mọi tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở các vùng biển châu Á phải được giải quyết một cách hợp pháp, đồng thời chia sẻ 5 nguyên tắc trong quan hệ với ASEAN, trong đó bao gồm duy trì tuyến hàng hải tại Biển Đông phải được quản lý bằng luật pháp quốc tế chứ không phải bằng sức mạnh.

Trong khi đó, tờ Sankei cho rằng, Trung Quốc không những đang muốn bình thường hóa việc cho tàu xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, mà còn cho máy bay xâm phạm không phận nước này và cuộc đối đầu giữa Nhật - Mỹ với Trung Quốc ở biển Hoa Đông đã bước vào giai đoạn mới. Bởi trước đó (16/1), tờ Sankei Nhật Bản cho biết, chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bám theo 2 máy bay Mỹ (trinh sát P-3C và vận tải quân sự C-130) sau khi họ tiếp cận không phận Senkaku/Điếu Ngư. Giới quân sự coi đây là dấu hiệu tham dự của Mỹ vào tranh chấp tại biển Hoa Đông.

Hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, ngày 15/1, Tokyo đã quyết định ngân sách bổ sung năm 2012, trong đó chi 8,7 tỉ yên để chế tạo mới 6 tàu tuần tra lớp 1.000 tấn (hoàn tất trong năm 2015) cho lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Những cảnh báo đáng quan tâm

Ngày 20/1, tờ Tân Kinh đưa tin, Trung Quốc vừa ban hành "Quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc 5 năm lần thứ 12", trong đó sẽ xây dựng các khu nghỉ mát, du lịch nhiệt đới trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tờ Enegy Tribune cho rằng, tham vọng độc chiếm của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã rất rõ ràng và Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật “giả bộ hiền lành” nhằm từng bước thực hiện tham vọng của mình.

Ngày 17/1, Đài GMA Philippines dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Dầu khí Philippines Philex cho biết, họ muốn hợp tác với Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) cùng thăm dò, khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Philex Manuel V.Pangilinan cũng cho biết, việc 2 tập đoàn này có bắt tay được với nhau ở dự án này hay không còn phụ thuộc vào những gì giới chức Bắc Kinh sẽ nói. Tuyên bố này diễn ra sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hoan nghênh việc doanh nghiệp 2 nước muốn hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực nhạy cảm này.

Chiến đấu cơ F-15 Nhật Bản

Ngày 19/1, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) thông báo, 2 đội tàu (Hải tuần 84, 74 và Hải tuần 262, 263) của nước này đang đồng thời tiến hành các chuyến tuần tra thường kỳ ở Biển Đông. Đây là hành động mới nhất trong chuỗi hoạt động hiếu chiến mà Trung Quốc thực hiện thời gian qua ở khu vực đang có tranh chấp này. Trước đó (15-1), tàu Hải tuần 21 có bãi đáp trực thăng cũng được điều tới Biển Đông. Vẫn theo SOA, trong năm 2012, tàu hải giám Trung Quốc đã tiến hành 58 chuyến tuần tra ở Biển Đông.

Ngày 19/1, Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo kháng nghị về vụ xâm nhập của 3 tàu hải giám Trung Quốc tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng 19/1 và rời khỏi vùng biển này lúc 13 giờ 50 phút cùng ngày. Trước đó (16/1), tờ Epoch Times xuất bản tại Đài Loan cho biết, Trung Quốc đã thành lập "tổ Điếu Ngư" do ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ huy.

Tổ Điếu Ngư bao gồm các quan chức đầu ngành từ quân đội, tình báo, đến ngoại giao, công an, hải giám thường trực nắm tình hình, ứng phó với các tình huống bất ngờ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Giới truyền thông Đài Loan cho rằng, “tổ Điếu Ngư” được thành lập hồi tháng 9/2012, ngay sau thời điểm Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vừa có bài viết cho biết, tại Bắc Kinh, Công ty TNHH công nghiệp nặng tàu thủy Vũ Xương (thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc) đã ký hợp đồng chế tạo 9 tàu công vụ trị giá 2,5 tỉ NDT (khoảng 397 triệu USD). 9 tàu này sẽ được Trung Quốc đưa tới các vùng biển có tranh chấp để “khoe cơ bắp”. Đài Truyền hình CCTV Trung Quốc cho biết, một lữ đoàn tên lửa thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược (Pháo binh 2) vừa tiến hành diễn tập đột kích cụm, lần đầu tiên vận dụng chức năng điểm hỏa tự động tiến hành phóng nhiều tên lửa cùng một lúc (trên 10 quả) tấn công chính xác đối với một mục tiêu.

Giới truyền thông Canada và quân sự Nga cho rằng, Pháo binh 2 Trung Quốc có thể đang phát triển tên lửa chống bức xạ lắp nhiều đầu đạn kiểu mới và đây là dấu hiệu cho thấy có sự dịch chuyển tới duyên hải đông nam của nước này. Giới truyền thông Nhật Bản nhận định, Trung Quốc đã triển khai một lượng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D dọc biển Hoa Đông để đối phó với tàu sân bay của Mỹ và tàu chiến cỡ lớn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Trong một diễn biến có liên quan, Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động vẽ bản đồ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với sự hỗ trợ của máy bay do thám và quân đội nước này. Trong năm 2013, Trung Quốc sẽ phát hành các thông tin địa lý trong việc khảo sát và vẽ bản đồ các quần đảo và bãi đá ở vùng tranh chấp dưới sự chỉ đạo của Cục Khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ngày 17/1, tờ Malaya Philippines đưa tin, tân Tổng tham mưu trưởng Philippines, Trung tướng Emmanuel Bautista cho biết, sẽ xây dựng một thế trận quốc phòng đáng tin cậy, đủ mạnh để đối phó, giải quyết các mối đe dọa từ bên ngoài, đồng thời hỗ trợ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua con đường hòa bình và đối thoại.
Trung tướng Emmanuel Bautista được Tổng thống Benigno Aquino III bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Jessie Dellosa về nghỉ hưu và ông đã có tuyên bố gây sự chú ý của dư luận. Bởi cho rằng, quân đội Philippines sẽ được xây dựng để trở thành chuyên nghiệp, mạnh mẽ, đầy đủ năng lực và đáng tin cậy nhằm đối phó với những thách thức hiện nay.
Trước đó (16/1), tờ Liên Hợp xuất bản tại Đài Loan phản đối Philippines nâng cấp sân bay trên đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), đồng thời cho biết, Đài Loan bắt đầu nâng cấp sân bay quân sự trên đảo Ba Bình (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) - kéo dài từ 1.200m hiện nay lên 1.500m. Việc kéo dài đường băng trên đảo Ba Bình (thêm 300m) nhằm đáp ứng nhu cầu cất hạ cánh của máy bay vận tải quân sự C-130H.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

6 nhận xét:

  1. chuyện này chưa biết được.tình hình biển đông rất phức tạp.liên quan đến nhiều nước

    Trả lờiXóa
  2. trung quốc và nhật bản đánh nhau là hay nhất.nhưng không ngờ bọn trung quốc lại đểu thế

    Trả lờiXóa
  3. có cả mỹ can thiệp cơ à.đúng rồi mỹ cũng đang ngắm đến vùng biển đông này mà

    Trả lờiXóa
  4. Theo tôi, nguy cơ khai hỏa trên biển Hoa Đông đang đến rất gần và Trung Quốc đang chờ đợi có một "cái cớ" để có thể dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp mà không cần giải quyết trên bàn đàm phán. Với sự hiếu chiến của "anh láng giềng thân thiện" này, các cuộc tranh chấp sẽ lan nhanh và phát triển thành chiến tranh trên khắp biển Đông

    Trả lờiXóa
  5. Theo tôi, Trung Quốc thực hiện "rung cây dọa khỉ" mà thôi, sẽ không có chiến tranh trên bất kì vùng biển nào, các nước đều rất thận trọng trong vấn đề tranh trấp. Mọi chuyện nên kìm chế...

    Trả lờiXóa
  6. Tham khảo cách làm tăng các bắp cơ với ghế đẩy tạ TẠI ĐÂY

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog