Chia sẻ

Tre Làng

ĐÀO TẠO TIẾN SĨ Ở VIỆT NAM: VẤN ĐỀ LUẬN ÁN VÀ TIÊU CHUẨN



Xin giới thiệu phần II của bài bàn luận về đào tạo tiến sĩ trên sgtt.com. Trong phần này, tôi bàn về tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ,và đối chiếu với những luận án ở Việt Nam. Tôi muốn nói một điểm quan trọng là nếu luận án chẳng có bài báo nào công bố quốc tế, thì nó chỉ là một đống giấy trên kệ sách trong thư viện, ai mà biết được chất lượng luận án ra sao, có đạt chuẩn hay không. Tôi cũng bàn về vấn đề đào tào hậu tiến sĩ (postdoc) mà Việt Nam gần như không có hay không biết đến vì người ta nghĩ học xong tiến sĩ là “đỉnh” rồi, nên chẳng cần học hỏi thêm gì nữa cả.





Vấn đề học thuật

Thứ ba là đề tài nghiên cứu. Suốt năm này sang năm khác, báo chí đều nêu ra những trường hợp luận án tiến sĩ … vô bổ. Có báo còn đặt câu hỏi mang tính giật gân “Việt Nam có bao nhiêu luận án tiến sĩ … vô bổ”? Tôi nghĩ chẳng ai có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng đọc qua tựa đề của những luận án không khỏi làm người ta nêu câu hỏi liệu đó có phải là một đề tài nghiên cứu khoa học hay đề tài hành chính. Theo một thống kê công bố trước đây, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở một trường đại học kinh tế, có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ.Xin trích một nhận xét khác của Gs Trần Văn Thọ: “Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên của Gs Trần Văn Thọ. Tôi đã có dịp đọc qua nhiều luận án trong ngành y từ Nam chí Bắc thì cảm nhận chung là luận án tiến sĩ ở VN chưa đạt chuẩn mực của một luận án cấp tiến sĩ. (Xin mở ngoặc đế nói thêm là tôi “chưa thấy”, chứ không phải “không thấy”). Đại đa số những luận án tôi đọc qua chỉ là tập hợp hai hoặc ba báo cáo của một nghiên cứu duy nhất. Nội dung thì rất đơn giản, phần lớn chỉ mang tính kiểm kê lâm sàng (giống như làm bài tập thống kê, và đếm bao nhiêu ca bệnh). Phương pháp cũng chưa đạt, vì hình như các tác giả chưa am hiểu phương pháp nghiên cứu. Cách trình bày kết quả là một thất vọng lớn, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những bảng số liệu và biểu đồ hết sức đơn giản, chỉ nói lên một điểm! Bàn luận càng thất vọng hơn, vì hình như các tác giả chưa biết viết bàn luận. Do đó, tất cả các luận án tiến sĩ y khoa mà tôi xem qua chỉ có 50 đến 120 trang. Thật ra, số trang thì chẳng nói lên điều gì, nhưng ở đây, vì nội dung luận án quá đơn giản nên tác giả cũng chẳng có gì để viết. Có thể nói không ngoa rằng tuyệt đại đa số những luận án tôi xem qua chỉ xứng đáng luận án cử nhân danh dự hay cao học (thạc sĩ) mà thôi.

Thứ tư là thiếu chuẩn mực đào tạo tiến sĩ. Ở Việt Nam, các đại học chưa có những chuẩn mực đào tạo tiến sĩ. Người ta chỉ nói chung chung rằng một luận án phải có “cái mới”, nhưng không nói rõ cái mới là gì, thế nào là "cái mới", và dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu một cách về văn bằng tiến sĩ. Vì thế chất lượng đào tạo không đồng đều nhau.

Trước đây, tôi đã đề nghị 6 tiêu chuẩn cho một luận án tiến sĩ (Box 2). Để có được văn bằng tiến sĩ, ứng viên phải đạt hai điều kiện. Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học. Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tìm đọc và cố gắng hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó. Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa , đối với bậc tiến sĩ kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học. Để mở rộng kiến thức về một đề tài, nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu khoa học theo sự hướng dẫn của thầy cô. Chính phần nghiên cứu khoa học này phân biệt giữa tiến sĩ và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ. Học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học. Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v. Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. Xin nhớ rằng khám phá insulin phải đợi đến gần 50 năm sau mới ứng dụng trong lâm sàng.

Học tiến sĩ không phải chỉ “làm luận án”

Có rất nhiều người tưởng rằng học tiến sĩ chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không phải như thế vì luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo. Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ.

Một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp tiến sĩ hay không. Do đó, nghiên cứu sinh cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh.

Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ ở các đại học bên Âu châu, Mĩ châu, và Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) nghiên cứu sinh phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ở một số nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v. cũng có qui định tương tự.

Ở Việt Nam, có nhiều người nghĩ rằng xong chương trình tiến sĩ là đạt đỉnh cao học thuật, không cần học gì thêm nữa! Quan điểm này hết sức sai lầm. Xong tiến sĩ có thể ví von như là xong học nghề. Người học cần phải trau dồi tay nghề mới có thể trở thành độc lập. Nhưng rất tiếc là đại đa số tiến sĩ được VN gửi ra ngoài đào tạo chưa qua chương trình hậu tiến sĩ, vì theo qui định họ phải về nước. Vì thế, phần lớn chưa có cơ hội thực tập sau tiến sĩ, và trình độ có khi cũng còn hạn chế. Còn ở trong nước thì không có chương trình hậu tiến sĩ. Theo tôi, cần phải gửi nghiên cứu sinh xong tiến sĩ ra ngoài để theo đuổi chương trình hậu tiến sĩ để đào tạo những người này thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Điều này có thể không dễ, vì xin được một học bổng hay suất học hậu tiến sĩ rất khó và cạnh tranh ác liệt. Nhưng nếu nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trên các tập san tốt thì việc xin nghiên cứu hậu tiến sĩ cũng dễ dàng hơn.

Nước ta có chiến lược đào tạo 20,000 tiến sĩ từ nay đến năm 2020. Hiện nay, theo nhiều nguồn thống kê, Việt Nam đã có 24,000 tiến sĩ. Nhưng trong số này, chỉ có khoảng 7300 người hay 30% làm việc tại các đại học (niên học 2011-2012). Chính con số này giải thích một phần lớn tại sao mức độ hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Thái Lan và 1/8 của Singapore, trong khi hai nước đó có số tiến sĩ thấp hơn nước ta. Đã đến lúc phải chấn chỉnh lại các chương trình đào tạo tiến sĩ trên toàn quốc (chứ không phải chỉ vài nơi) để nâng cao uy tín học thuật nước nhà.

N.V.T 


Box 2: Tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ
Trong cuốn Chất lượng giáo dục đại học (Nhà xuất bản Tổng Hợp, 2011)dựa vào tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm cá nhân, tôi đề nghị nghiên cứu sinh phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi;
  • Nghiên cứu sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình; 
  • Nghiên cứu sinh phải làm chủ được phương pháp nghiên cứu khoa học hay phương pháp thí nghiệm cơ bản;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.

TB. Sẵn đây, xin chân thành cám ơn các bạn đã gửi thư riêng góp ý và bày tỏ sự đồng cảm trong bài viết trước. Vì thời lượng có hạn, tôi chưa thể trả lời cho mỗi bạn, nhưng tôi hứa sẽ trả lời trong tương lai khi có thời giờ. Tôi cũng ghi nhận những ý kiến của các bạn đã công bố trên website của sgtt.vn.


Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn Blog

5 nhận xét:

  1. ờ VN có quá nhiều tiến sỹ nhưng số lượng công trình khoa học thì lại quá ít so với các nước trong khu vực bởi một phần là bệnh thành tích. Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết để điều chỉnh

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cũng nghĩ rằng các vị tiến sỹ khi đã bảo vệ xong thì cần có sự đóng góp nhiều hơn nữa cho nền khoa học nước nhà. Không phải cứ bảo vệ tiến sỹ xong là xong. Mà cần phải cống hiến nhiều hơn nữa cho nước nhà.

    Trả lờiXóa
  3. Các bác tiến sỹ hồi xưa thì thường là tuổi cũng cao rồi nên sức làm việc và cống hiến cũng kém đi rồi. Bây giờ thì tuổi tác của các tiến sỹ còn được cải thiện 1 tí, cũng được trẻ hóa rồi nên cũng đỡ hơn hồi xưa.

    Trả lờiXóa
  4. Các vị tiến sĩ Việt Nam số ít là có khả năng nghiên cứu khoa học và làm việc chuyên nghiệp. Còn phần đông là khi họ đã bảo vệ tiến sĩ rồi thì họ tự bằng lòng với mình và không còn chí tiến thủ nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Rất đáng buồn là Việt Nam ta vẫn chưa có công trình nào được cấp bằng sáng chế.Nền giáo dục cần học tập theo mô hình của các nước tiến tiến có nền giáo giục phát triển trước ta rất nhiều năm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog