Chia sẻ

Tre Làng

ĐANG... CAI NGHIỆN PHONG BÌ?

CuTeo@

Đọc bài: "Cho nhận phong bì: Bộ trưởng Y tế rất hướng thiện" trên báo Đất Việt, thấy ái ngại vô cùng. 

Trước tiên, cần khẳng định là tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của thầy Nguyễn Hiền Lương, giảng viên môn Y Đức và Xã hội học, Đại học Y Hà Nội. Thứ nữa, tôi nhận thấy cách nói của thầy Lương giống như một kiểu bao biện cho những đòi hỏi vô lý về phong bì của đội ngũ y bác sĩ đối với các bệnh nhân.

Chúng ta đã cùng nhau nhìn nhận nạn đưa phong bì, phong bao cho nhân viên công quyền nói chung và y bác sĩ nói riêng là một vấn nạn xã hội cần phải được dẹp bỏ. Hình ảnh bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, trước, trong hay sau khi khám bệnh và điều trị đều là hình ảnh xấu, rất xấu đối với ngành y. Nó không chỉ vi phạm y đức mà còn vi phạm các quy tắc ứng xử xã hội, các giá trị, các chuẩn mực đạo đức. Vì lí do đó, nó không được phép tồn tại.

Về bản chất, một bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân chính là hành vi nhận hối lộ, nó không khác gì cảnh sát giao thông nhận tiền của người vi phạm luật giao thông để bỏ qua cho họ. Điều khác biệt có chăng ở đây là các bác sĩ và các loại nhân viên công quyền khác nhận tiền không phải ở giữa ngã tư đường, và vì thế nó khó phát hiện và ít bị bêu riếu trước công luận.

Thầy Lương là giảng viên dạy Y đức và Xã hội học cho rằng: "Cho nhận phong bì là lựa chọn cách điều chỉnh hành vi ít xấu nhất, nói cách khác, vấn nạn đang ở bậc thang cao thì phải hạ xuống từ từ. Và nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy Bộ trưởng đang rất hướng thiện" là không thể chấp nhận được. Nói như thầy, việc nhận phong bì của bệnh nhân là xấu nhưng chưa xấu lắm và đó là cách làm ít xấu nhất. Thầy cho rằng, trong những cái xấu và rất xấu thì ta nên chọn cái xấu hoặc ít xấu hơn. 

Thưa thầy, đã là điều xấu thì giống nhau cả thôi, không thể chọn cái ít xấu hơn để tiếp tục dung dưỡng cái xấu y đức. Đã là cái xấu, dứt khoát phải bị lên án và dẹp bỏ, bất kể nó xấu đến cỡ nào. Thầy cũng không nên lý giải câu nói của  bà Bộ trưởng theo cách của mình để chứng minh cho ngành y tế đang tiến bộ, và để khen bà Bộ trưởng hướng thiện. Với lời khen này của thầy, tôi nghĩ bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ không hoan nghênh những lời khen như thế. Với chúng tôi, những người dân nghĩ rằng những lời khen kiểu này sẽ chỉ góp phần làm cho thói bợ đỡ, xu nịnh trong xã hội được đà phát triển.

Suy cho cùng, việc nhận phong bì của bệnh nhân là việc làm vô nhân tính, trái y đức, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nghèo. Theo tôi, ngay cả bệnh nhân có điều kiện kinh tế khấm khá thì hành vi nhận tiền của họ cũng là hành vi lệch chuẩn. 

Cách đây không lâu, bà Bộ trưởng đã mở đường cho bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân bằng việc cấm không cho bác sĩ nhận phong bì trong quá trình điều trị. Dư luận hiểu rằng điều đó đồng nghĩa với việc bác sĩ sẽ được quyền nhận phong bì của bệnh nhân hay người nhà của họ nếu như nó được đưa trước và/hoặc đưa sau quá trình điều trị cho bác sĩ. Với lời phát biểu đó, chúng ta hoàn toàn không lấy gì làm ngạc nhiên khi dư luận nổi đóa và ném đá bà Bộ trưởng.

Ngay chính bà Bộ trưởng cũng đã cho rằng đấu tranh với nạn phong bì là cuộc "đấu tranh Thiện - Ác", và bà cũng thừa nhận trước Quốc hội "vấn đề phong bì là hình ảnh khó chấp nhận, có (phong bì) thì bác sĩ vui vẻ, không có (phong bì) thì (bác sĩ) mặt lạnh như tiền". Rõ ràng, vấn nạn phong bì là cơn ác mộng đối với người dân, và đó cũng là cách hiểu của cả người dân và cả người lãnh đạo cao nhất của Bộ Y Tế. 

Tại cuộc họp báo cách đây không lâu, Bộ trưởng Kim Tiến cũng đã kêu gọi người dân: "Người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì. Nơi nào chứng kiến thì chụp ảnh, ghi âm, ghi tên lại, gửi cho tôi!". Phát biểu của bà tuy rằng còn chưa gọn, chưa chặt chẽ và phần nào "đánh đố" người dân, nhưng nó cũng cho thấy quyết tâm của bà trong việc tuyên chiến với vấn nạn phong bì.

Có lẽ với bài trả lời phỏng vấn của thầy Lương, người dân chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục liếm phong bì để có cơ may khỏi bệnh hoặc sống cho đến khi ngành y tế của thầy "cai nghiện" thành công bệnh "nghiện phong bì".

Hải Phòng, ngày 17 tháng 4 năm 2013

----------------------------------------------------
Đây là bài trên trang Đất Việt

Cho nhận phong bì: Bộ trưởng rất hướng thiện

PV:- Mới đây, Bộ Y tế khẳng định sẽ thay đổi phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân theo hướng lịch sự, thân thiện, tận tình, mở lớp tập huấn để đạt được những mục tiêu này. Điều này làm người ta nhớ đến những nỗ lực để cải thiện hình ảnh người cảnh sát giao thông thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực này của những người nô bộc cho dân?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Cấu trúc đạo đức gồm ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức, tình cảm đạo đức nhưng đặc biệt quan trọng là hành vi đạo đức. Không thể nói đội ngũ y bác sĩ hiện nay có y đức thấp. Họ là những người được đào tạo, rèn luyện, được lựa chọn từ những người có y đức rất cao. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, những hành vi không đúng mực khiến dư luận nhìn nhận không đúng, dẫn đến những đánh giá rất lệch lạc.

Cho nhận phong bì, Bộ trưởng rất hướng thiện. (Ảnh minh họa)
Nói vậy để thấy, điều chỉnh hành vi đạo đức là vấn đề của toàn xã hội chúng ta. Trong phạm vi một y nghiệp, một nghề, việc điều chỉnh các hành vi này cần được tổ chức, quản lý và có một chuẩn mực tiết chế chung. Việc Bộ Y tế đang làm hoàn toàn hợp quy luật đạo đức.

Về mặt ý thức trách nhiệm, tôi nghĩ phải biểu dương ghi nhận công của những người làm lãnh đạo, làm quản lý ngày hôm nay. Họ đã biết đặt vấn đề này ra và mày mò, tìm kiếm cách xử lý. Nhưng về mặt khoa học, cần phải có phương pháp và kiến thức. Nếu đưa ra mà không có phương pháp, kiến thức có thể sẽ phải nhận thất bại đau đớn.

PV:- Vậy, ông có tin tưởng rằng, những nỗ lực đó sẽ đem lại kết quả thật sự chứ không phải "nói vậy mà không phải vậy"?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Việc nói vậy mà không làm vậy là cách đánh giá có phần tiêu cực của người ngoài cuộc, chứ xưa nay không có ai nói mà không làm, ngoại trừ trong một số trường hợp do năng lực, trình độ, tình thế không thực hiện được.

Tất nhiên, về cơ bản, việc này không dễ thực hiện được vì quy luật khoa học đạo đức rất khó.

PV:- Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đồng ý cho bác sĩ được nhận phong bì của người dân sau khi điều trị. Phải chăng bất lực trước chuyện nhận phong bì của y, bác sĩ nên Bộ trưởng đành phải mở đường cho chuyện nhận bồi dưỡng một cách công khai, minh bạch, tránh việc người dân bệnh nhân dúi phong bì vào túi bác sĩ, bác sĩ quá tải mà khó chịu với bệnh nhân? 

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Câu chuyện phong bì chỉ là một biểu hiện của hiện tượng đạo đức. Hiện tượng này chỉ xuất hiện trong một giai đoạn hành nghề đặc biệt, do bị tác động của xu hướng thương mại hóa chứ không phải lúc nào cũng có.

Nghề y chưa bao giờ, chưa khi nào lại đặt ra vấn đề trao đổi, thương mại tiền bạc, phong bì, dù trước, dù sau. Vì thế nên khi đặt vấn đề nhận phong bì ra là một sự vi phạm đạo đức trong ngành y.

Tuy nhiên, hiện nay, đây là một hiện tượng có thật và rất dễ gặp trong nghề. Trước thực tế đó, chúng ta không được chối bỏ mà phải coi đó là một cuộc đấu tranh hết sức gay gắt.

Về nguyên tắc chúng ta phải cảm hóa lại cộng đồng, phải nội tâm hóa, phải xây dựng lại những quy tắc đạo đức lý tưởng như thế nào cho đúng, phải tìm cách nâng cao những "cái đẹp để dẹp cái xấu".

Chẳng hạn, có thể khơi dậy niềm tự hào nghề, khơi dậy những hình ảnh được xã hội tôn vinh để người ta thấy giá trị đích thực của nghề, để thấy nghề đó mà bị mua bán, đổi chác là không thể chấp nhận được.

PV:- Như thế liệu lời thề Hypocrates mà mỗi bác sĩ tuyên thệ "sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết" còn có ý nghĩa?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Bộ trưởng đã thừa nhận là có chuyện như vậy. Trong tình huống nhất định chúng ta phải lựa chọn tình thế ít xấu nhất. Nên hiểu rằng, Bộ trưởng muốn chúng ta tốt dần dần, nghĩa là đang ở bước thang cao thì cũng cần phải đi xuống từng bước một. Nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy Bộ trưởng đang rất hướng thiện, đang rất cố gắng.

Nhưng đứng trên hệ quy chiếu giá trị chuẩn mực đạo đức chung, như vậy cũng là không được.

Bác sĩ gạ gẫm thì bệnh nhân phải định hướng đạo đức

PV:- Nhiều ý kiến cho rằng việc bác sĩ nhận phong bì đó là do lương của y bác sĩ quá thấp so với mặt bằng giá cũng như công sức lao động bỏ ra. Việc nhận phong bì cũng chính là một nguồn thu nhập mà người dân cố gắng bù đắp lại cho bác sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Bộ trưởng có cách lý giải là, vì lẽ sinh tồn, vì nghề y quá căng thẳng mà để tái sản xuất sức lao động, phong bì coi như một chút gọi là bù đắp tại thời điểm ấy. Nhưng với cương vị Bộ trưởng, nên tính đến việc bù đắp và quản lý giá trị nghề nghiệp thông qua những giá trị đảm bảo của hệ thống bằng lương, bằng quy định, bằng luật, chứ cho phép nhận phong bì sau điều trị là không nên và không thể kiểm soát được.

Khi chưa kịp điều chỉnh các hệ thống quy định pháp luật khác thì tạm coi phong bì cảm ơn là một kênh có thể chấp nhận được. Song, tôi nhắc lại, đây không phải là chủ trương mà chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp căn bản vẫn phải tuân thủ các quy luật của đạo đức, nghề y không thể hành nghề vì những mục tiêu như vậy được. 

PV:- Nếu như vậy, sẽ xảy ra một vấn đề là: người dân đóng thuế cho nhà nước để trả lương hệ thống y tế nhưng vẫn phải trả thêm tiền (bằng hình thức phong bì sau khi khám chữa bệnh) để bù đắp cho phần thu nhập thiếu hụt (vì chưa được nhà nước trả công xứng đáng) của bác sĩ. Điều này có đúng không thưa ông? Quan điểm của ông như thế nào?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Trong đời, tôi cũng từng nhận quà. Tùy từng món quà mang lại những giá trị khác nhau.
Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào từng bối cảnh. Nếu chúng ta đang đói thì món quà là chiếc bánh mì nó sẽ là một món quà cực kỳ thiêng liêng nhưng nếu đang no mà tặng bánh mì là xúc phạm mà phải tặng hoa hồng.

Hành vi nhận phong bì đôi khi là tôn trọng người bệnh vì đó là tấm lòng thì hành vi đó thể hiện sự tôn trọng. Nhưng sau khi nhận thì phải thấy đó là điều bị xúc phạm. Vì tôi nhận của bạn, sẽ còn bao nhiêu người bệnh đau khổ kia họ sẽ nghĩ rằng vì món quà mà tôi chữa cho bạn. Làm như thế là bạn xúc phạm tôi bởi vì tôi đến với bạn không phải vì sau này để bạn phải đưa tôi phong bì. Vậy thì, chính người bác sĩ phải cảm hóa lại người bệnh.

Tại sao, bạn không làm giúp tôi một việc, nếu như chiếc phong bì này của bạn tặng tôi được đem chia cho những người cùng cảnh ngộ hoặc bạn mua một một bông hoa tặng cho mọi người. Như vậy nghề nghiệp của tôi sẽ được tôn vinh hơn, y đức của tôi được tôn vinh hơn. Làm như vậy nghĩa là tôi tôn trọng người bệnh, thông qua đó cũng phải tôn trọng chính mình.

Ngược lại, người bệnh cũng phải biết bác sĩ cần gì, ra sao để tìm món quà phù hợp. Nếu người bệnh thật sự có tấm lòng tại sao không tìm những món quà có giá trị tinh thần thiêng liêng chứ không chỉ riêng phong bì.

Ở đây không thể trách bác sĩ, kể cả bác sĩ gạ gẫm thì bệnh nhân cũng phải định hướng đạo đức cho bác sĩ. Không nên đổ hết sai lầm lên đầu bác sĩ, một người đang phải lo cho mình.

Bộ trưởng đặt vấn đề phong bì ra để nói rằng đó là thể hiện sự biết ơn, thể hiện tấm lòng của con người đầy tính nhân văn cần được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu cứ nhăm nhăm nhìn vào cái phong bì, tôi thấy có gì đó thô thiển và xúc phạm quá.

PV: Nghĩa là y đức hiện nay thực sự đang có vấn đề, thưa ông?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Thực ra nếu nhìn tổng thể, một vài hiện tượng đang xảy ra là nhỏ so với giá trị y đức so với sự hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, so với những điều kiện hành nghề hiện nay đòi hỏi y đức rất cao. 

Đặt vấn đề phong bì, đó là một sự thật rất buồn. Là một bác sĩ cần phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Tôi cho rằng, Bộ trưởng cũng phải nên đào tạo cả bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp nữa.

Chất lượng dịch vụ, dân phải chờ

PV:- Một vấn đề khác cần phải được đặt ra là chất lượng dịch vụ y tế. Người dân luôn nghe tới điệp khúc, tăng viện phí để đảm bảo chất lượng nhưng cho tới thời điểm này, viện phí đã tăng một vài lần mà chuyện bệnh viện bẩn thỉu, giường ghép... Cứ cho rằng người dân sẵn sàng phụ nhà nước đảm bảo đời sống cho bác sĩ, vậy thì ai sẽ đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Hiện nay chúng ta đang có nhiều sự nhầm lẫn. Khái niệm dịch vụ, chăm sóc sức khỏe là một nghĩa rất rộng. Khám chữa bệnh, tính mạng bệnh tật, mới là nghề y (nghĩa là khám và chữa bệnh). Còn chăm sóc sức khỏe là nghề chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, y tế công cộng, y tế kỹ thuật...).

Không thể nóng vội, không phải cứ ném tiền ra là giải quyết được, ném tiền ra là khắc phục được mà người dân phải chờ đợi, kiên nhẫn đó là cả một quá trình thực hiện. Nếu đòi hỏi kết quả ngay là không thể.

Trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn như hiện nay, tôi đánh giá y đức của họ trong cống hiến là rất lớn. Nếu chúng ta đầu tư ngân sách, có một chiến lược đúng đắn với nghề y, tôi đảm bảo người bệnh sẽ được chăm sóc, được phục vụ tốt hơn rất nhiều so với việc bỏ cùng khoản đầu tư đó ở nước ngoài.

PV:- Không chỉ chất lượng dịch vụ y tế khiến người dân phàn nàn, nhiều vụ việc liên quan đến thai phụ tử vong, bệnh nhi tử vong vì tiêm vắc-xin, bác sĩ tiêm nhầm thuốc rửa rốn khiến bệnh nhân tử vong. Nhưng khi sự việc xảy ra, bệnh nhân thì mất mạng, bác sĩ vòng vo, đổ vấy trách nhiệm cho nhau hoặc có chăng cũng chỉ là một lời xin lỗi. Vậy, vấn đề y đức trong trường hợp này được đặt ra như thế nào? Lời cảm ơn, thái độ phục vụ tận tình thì cũng tốt đấy nhưng điều kiện khám chữa bệnh như vậy thì hẳn nhiên "đồng tiền đi trước vẫn là đồng tiền khôn" và sự mở đường của Bộ trưởng chỉ giúp minh bạch hóa nạn phong bì đang diễn ra, quan điểm của ông như thế nào?

Thầy Nguyễn Hiền Lương: Cái này là một phạm trù khác. Tôi gọi đó là rủi ro và tai nạn trong nghề y. Nghề y rủi ro rất lớn, nguy hiểm, liên qua đến tính mạng con người. Vấn đề là thái độ, nguyên tắc ứng xử trước những rủi ro như vậy thế nào?. Tôi khằng định, nghề y không bao che thậm chí còn phê bình gay gắt hơn. Song trong thực tế vẫn còn một số những trường hợp, một vài hiện tượng dẫn đến những hiểu lầm.

Đứng trước những sai sót, rủi ro, một số trường hợp dũng cảm đối mặt, nhận lỗi nhưng cũng có một số trường hợp chối tội, quanh có, đổ vấy cho nhau. Tất nhiên điều này xảy ra không chỉ trong ngành y, ngành nào cũng vậy.

Nhưng đáng tiếc, khi đã lựa chọn nghề thì phải rèn luyện, nếu nhận thức không đúng phải có những hành động điều chỉnh.

4 nguyên tắc y đức được đưa ra từ tình huống y đức của Mỹ đã được đưa vào tài liệu giảng dạy cho sinh viên tại trường Đại học Y Hà Nội:

1- Lòng nhân ái và có tình thương đồng loại:Con người trong lúc bệnh tật, trong lúc khó khăn trước cái sống và cái chết, trong lúc nguy hại về sức khỏe người thầy thuốc và người bệnh không chỉ đối xử với nhau bằng nghề mà phải có lòng nhân ái, có tình thương đồng loại.

Bác Hồ đã nói, đỉnh cao của tình thương đồng loại là tình mẫu tử (tình mẹ thương con cao cả hơn tất cả mọi loại tình cảm khác. Bác Hồ cũng yêu cầu người thầy thuốc phải có cái tình cảm như vậy với người bệnh cho nên người bệnh có sai, đúng, hư, đánh, có không đưa phong bì... thì bác sĩ cũng vẫn phải hết lòng cứu chữa, yêu thương).

2- Sự tôn trọng người bệnh: yêu thương người bệnh nhưng không phải là được quát mắng, sẵng giọng, ra lệnh. Nguyên tắc này thể hiện qua các hành vi. Trong đó có hành vi đạo đức.

3- Không được xâm hại người bệnh: dù bệnh nhân có tình nguyện, có muốn xin được chết thì bác sĩ cũng không được phép vì bác sĩ là người có chuyên môn.

4- Phải công bằng: Y đức cao cả, không phải ai có tiền, có quyền thì chữa trước,.. nghề y là bệnh nặng chữa trước, bệnh nhẹ chữa sau, ai đến trước chữa trước, ai đến sau chữa sau... Nhà quản lý cũng phải công bằng không phải vì ưu tiên vùng này mà đầu tư vùng này bỏ vùng kia.

Hiếu Lam (Thực hiện)

29 nhận xét:

  1. ...Chúng ta cứ hứa, chúng ta cứ phê phán nhưng có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt tệ nạn này được vì nó đã có từ ngàn xưa, có từ khi cha ông chúng ta chưa có phong bì...."ngày xưa.. có ông quan nổi tiếng là liêm khiết nên dân ai cũng kính trọng, có người được quan giúp, muốn trả ơn nên hỏi vợ quan là ông quan tuổi gì, khi biết quan tuổi tý người này mới đúc con chuột bằng vàng mang đến tặng vợ quan trả ơn. Sau này về hưu cuộc sống khó khăn, bà vợ mới mang con chuột vàng ra và nói thật cho chồng biết...Ông chồng la bà vợ...sao hồi đó bà không nói tui tuổi sữu"...

    Trả lờiXóa
  2. Bệnh phong bì ko chỉ xuất hiện ở Bộ y tế mà hầu như nó xuất hiện ở tất cả các cơ quan nhà nước khác. Mình rất mong Đảng và Nhà nước ta sẽ có những biện pháp cúng rắn trong việc sử lý những cán bộ, đảng viên và các nhân viên của các cơ quan nhà nước ta hoàn toàn trong sạch để xây dựng niềm tin nơi nhân dân.

    Trả lờiXóa
  3. Việc giải quyết vấn nạn phong bì gần như là không thể, nó đã ăn sâu không chỉ ngành y tế mà còn rất nhiều ngành khác trong xã hội. Vấn nạn này chính là tiền thân của vấn nạn tham ô, tham nhũng đang hết sức nhức nhối, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào chính quyền, vào Đảng ta, bọn phản động cũng liên tục lợi dụng vấn đề này để chống phá

    Trả lờiXóa
  4. Không gì là không thế, nạn phong bì là con sâu đục khoét cái xã hội này, nó làm cho xã hội càng ngày càng lộn xộn không có tí trật tự nào. Việc này lẽ ra phải bị chấm dứt từ lâu rồi nhưng bây giờ mới vào cuộc thì chưa hẳn là quá muộn. Cần phải xử mạnh tay ở tất cả, tất cả các ngành chứ không chỉ riêng ngành Y.

    Trả lờiXóa
  5. Theo tôi nhận phong bì không hẳn là xấu. Nếu trong lúc làm việc mà có thái độ, hành vi đòi hỏi phong bì, gây khó khăn cho người bệnh thì rất đáng lên án. Bởi như thế là không có đạo đức, lợi dụng lúc người ta bệnh tật để kiếm tiền. Nhưng trong trường hợp bác sĩ làm việc đúng với trách nhiệm của mình hoặc hơn, bệnh nhân với người nhà thành tâm muốn cảm ơn bác sĩ thì không có gì là sai hết.

    Trả lờiXóa
  6. Thói xấu này thật không chịu nổi. Hôm qua mình sang Viện da liễu trung ương khám. Mới bước vào bà lật tờ phiếu khám xem có tiền không chứ. Mình không có thế là bà quay gọi điện thoại như gần chục phút quay lại nói em không sao đâu. hiaiz. Dù xấu nhưng sau này cũng phải làm thôi, không thì lại ăn hành như thế. Buồn quá, khi nào xã hội mới hết những nỗi buồn này đây.

    Trả lờiXóa
  7. Tệ nạn này biết bao giờ mới có thể chấm dứt được. Tiền thì ai chả cần, Khám chữa bệnh chu đáo nhiệt tình hơn ai chả muốn. Đồng tình từ hai phía, ai cũng hài lòng. Dù biết tệ nan này là rất xấu nhưng chấm dứt nó thì chắc chắn là đang con rất lâu

    Trả lờiXóa
  8. Việc "cai nghiện" phong bì là rất cần thiết , giảm tránh tiêu cực để mọi người làm việc được hiệu quả hơn . Hiện nay rất nhiều người sử dụng phong bì để đạt được mục đích của mình , họ bất chấp bao nhiêu tiền để có thể có được những gì mình muốn , tệ nạn này cần được chấm dứt không thể để tệ nạn này tiếp tục diễn ra được phải có biện pháp ngăn chặn

    Trả lờiXóa
  9. Không có lửa làm sao có khói. Bác sỹ nhận phong bì vì lương không đủ sống. Bệnh nhân dúi phong bì vì điều kiện cơ sở vật chất, chăm sóc sức khỏe chưa đảm bảo. Thiết nghĩ muốn trừ tận gốc nạn hối lộ thì phải giải quyết đến căn nguyên triệt để. không chỉ ngành y tế mà các ngành khác cũng vậy.

    Trả lờiXóa
  10. Vấn đề này đã ăn sâu vào ý thức của người dân cũng như Bác sĩ rồi, khó có thể mà chấm dứt được. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì lớn trong khi cơ sở vật chất cũng như đội ngũ y bác sĩ chứ đủ số lượng để đpas ứng dẫn đến người nhà đưa phong bì nhằm để bác sĩ quan tâm đến người nhà mình hơn. Bác sĩ thì đã nhận phong bì nên không thể không giúp, tạo thành tiền lệ xấu.

    Trả lờiXóa
  11. Văn hóa phong bì giờ đây đâu còn là của riêng ngành y tế nữa đâu. Giờ làm gì mà chẳng phải phong bì. Thử xem không có phong bì thì có làm được cái gì ra hồn không hay chỉ là mất thời gian vô ích. Lẽ đời là vậy thôi thì thuận theo chứ đừng tự tách mình ra. Khó sống lắm

    Trả lờiXóa
  12. Chúng ta đang sống trong thời đại của sự phát triển , nhiều bác sỹ nhật phong bì do bệnh nhân cảm ơn , và cũng có nhận do bị ép buộc vào tình thế khó , chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng này , không thể có những hành động tiêu cực như vậy được.

    Trả lờiXóa
  13. Bác sĩ ngày nay khác với lương y ngày xưa rồi. Lương y ngày xưa trị bệnh cứu người còn bác sĩ ngày nay làm việc vì đồng tiền, vì cuộc sống của bản thân hơn là vì tính mạng của người bệnh. Căn bệnh này có lẽ còn lâu mới có được thuốc chữa khi mà nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bệnh nhân lẫn người bác sĩ rồi

    Trả lờiXóa
  14. Văn hóa phong bì được chúng ta thường thấy ở những nước đang phát triển , điển hình như việt nam một số năm gần đây văn hóa phong bì được những người cho và nhận đều hưởng ứng kéo theo những hệ lụy và một thói quen không tốt trong chất lượng công việc , vì vậy chúng ta cần phải có cái tâm với công việc và khẳng định giá trị của riêng mình ,phải tự đặt mình vào khuôn phép và không nên có những hành động như vậy nữa . để chất lượng công việc cũng như cuộc sống được đẩy lên một mức cao hơn nữa nhé mọi người.

    Trả lờiXóa
  15. Cai làm sao được cơ chứ? Bây giờ thử hỏi người thân của bạn đang ở trong viện trong tình trạng nguy cấp liệu bạn có bình chân như vại được không. Chẳng xoắn hết cả lên ý chứ. Điều đầu tiên bạn nghĩ là phải bảo bác sĩ đến để chữa ngay, nhưng còn phải xếp hàng dài mới đến lượt. Rồi ý nghĩ tiêu cực nảy ra và bạn sử dụng phong bì như một cách để giải quyết. Như vậy bảo sao mà các bác sĩ không tiêu cực được cơ chứ

    Trả lờiXóa
  16. Phong bi tuy nhỏ nhưng giá trị về tinh thần lẫn vật chất của nó đem lại thì lại không hề nhỏ chút nào , nó có thể giải quyết được các tình huống khó khăn trọng mọi thì không phải nhưng mà là rất nhiều trường hợp , nhiều công việc mà đòi hỏi người ta phải cộng thêm xúc tác như phong bì phản ứng mới thành công được , đó là một văn hóa không hay trong cuộc sống hiện tại, việc này đã trở nên phổ biến vì thế chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng và cần có những biện pháp với những ai vi phạm

    Trả lờiXóa
  17. ấy chết ấy cái đó cấm hết ,chúng tôi phải hét lên chúng tôi không lấy phong bì, để cho nhanh cứ đưa tiền mặt phong bì làm chi lỡai chụp hình đăng lên là phiền, thái độ bác sĩ khi đi khám bệnh đã hành hạ người bệnh nhiều và cái kiểu coi trọng tiền bác thì khỏi nói

    Trả lờiXóa
  18. Giải quyết hay còn gọi là đi tìm lời giải cho bài toán phong bì là điều không hề dễ , nhất là trong thời đại phát triển hiện nay thì sức mạnh của đồng tiền hay còn gọi là trung tâm của phong bì có sức mạnh ghê gớm , điều đó còn là hiện thân của vấn nạn tham ô , tham nhũng đang diễn ra rất phức tạp và ẩn núp dưới muôn hình vạn trạng vì thế đã gây mất lòng tin trong nhân dân , ngoài ra còn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề đó để tiến hành các hoạt động . vì thế mà chúng ta cần phải đưa ra giải pháp hạn chế bài toán phong bì này và cần có chế tài trong từng trường hợp cụ thể.

    Trả lờiXóa
  19. Tất cả công nhân viên chức Nhà nước đều đã có lương nhà nước, đó là tiền nộp thuế của nhân dân và mỗi ngành nghề, tùy theo tính chất công việc đã có mức lương phù hợp nhất.
    Nhìn chung, công chức trong ngành Y nói chung là không thấp so với xã hội, tất nhiên nếu nói công việc ngành Y là vất vả, phải nghiên cứu, căng thẳng nhiều cũng không sai. Nhưng cũng không thể vì thế mà sinh ra cái gọi là "tiền bồi dưỡng" này được.

    Trả lờiXóa
  20. Thử làm phép so sánh nghề bác sĩ và nghề Cảnh sát hình sự xem, ai sẽ vất vả hơn, ai sẽ căng thẳng hơn, ai sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn?... không thể có câu trả lời vì mỗi công việc có một đặc thù riêng, nhưng theo đặc thù đó, lương theo từng ngành cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợpThử làm phép so sánh nghề bác sĩ và nghề Cảnh sát hình sự xem, ai sẽ vất vả hơn, ai sẽ căng thẳng hơn, ai sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn?... không thể có câu trả lời vì mỗi công việc có một đặc thù riêng, nhưng theo đặc thù đó, lương theo từng ngành cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợp, cho nên không thể để phong bì tồn tại được, điều đó sẽ làm mất cân bằng xã hội

    Trả lờiXóa
  21. Không đồng ý với ý kiến tác giả là “chúng tôi” nói chung không đồng ý với ý kiến của bác Nguyễn Hiền Lương. Tác giả hãy bày tỏ quan điểm riêng của mình mà thôi.
    Tuy nhiên, về phần đánh giá của tôi, tôi cũng cho rằng hiện tượng đưa phong bì khi đi khám chữa bệnh là quá đúng. Còn việc thực hiện thế nào để bó ngày mất đi hẳn thì theo Bác Nguyễn Hiền Lương cũng có ý không sai, có điều tôi thấy phải đặt ra những quy định cụ thể hơn, xử từ nhẹ đến nặng

    Trả lờiXóa
  22. ý kiến về việc phải chú ý đào tạo về tâm đưc cho những cán bộ, mà trước mắt là những sinh viên ngành y đang còn trong quá trình học trên giảng đường, đó là việc phòng bị tốt nhất

    Trả lờiXóa
  23. đúng là đã từ rất lâu rồi, tồn tại song song trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam là một thứ văn hóa gọi là văn hóa phong bì!nó gần như ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước ta, đó là một điều vô cùng xấu!vấn đề không chỉ là sự đòi hỏi của những người có chức có quyền mà còn là cả sự không minh bạch của chính những người chủ nhân phong bì!tôi không hiểu sao ngay tới chuyện một đứa con bắt đầu đi mẫu giáo, bố mẹ đã lo tiền phong bì để đi thầy, đi cô!đây là một vấn đề không đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, cần phải sửa đổi và thay đổi nhận thức của mỗi người thì xã hội mới tốt lên được!

    Trả lờiXóa
  24. "Cai nghiện" phong bì cơ à? Phải công nhận phong bì không phải làm từ chất liệu độc hại, cũng không phải trong phong bì chứa chất gây nghiện nhưng mà sức cuốn hút của nó lại rất lớn, đã dính vào là khó "cai" lắm. Bây giờ mà bảo là "cai" phong bì, phải chăng là dùng cái khác thay phong bì? Hay là đưa thẳng tiền luôn cho nó tươi? Thiết nghĩ cái "bệnh" này khó cai lắm, kinh tế thị trường mà.

    Trả lờiXóa
  25. Dung la phong bi dau chi rieng nganh y te, sai sot o dau cung co nhung nganh y ma sai xot la ho rum beng len vi tinh mang con nguoi la quan trong. Xa hoi bay gio toan tham o tham nhung, muon co viec lam la cu p tien nhieu , muon co dia vi tien lai cang nhieu, bao gio cho het co che nay thi nguoi dan cung do kho.

    Trả lờiXóa
  26. Bệnh phong bì ngày nay vẫn đang rất phổ biến trong các cơ quan ban ngành, các tổ chức.... Nó gần như là đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân việt nam từ bao đời nay. Đó là 1 điều vô cùng xấu, cần phải tẩy chay ngay. Các cơ quan chức năng hãy vào cuộc, để " bệnh phong bì" 1 ngày nào đó không còn xuất hiện ở việt nam nữa

    Trả lờiXóa
  27. mình không nói cái văn hóa này từ đâu ra nhưng thật sự mà nói thì đúng là nó làm ảnh hưởng xấu tới văn hóa ứng sử giữa con người với con người, giữa mọi tầnhg lớp trong xã hội. mình thấy nó làm con người ta thực dụng với đồng tiên và thực dụng với chính công cuộc xây dựng đất nước ấy. mình nghĩ mọi người cần có quan điểm sống có khuôn khổ và có trách nhiệm hơn là lễ phong bì để có được cái mình muốn

    Trả lờiXóa
  28. Cái nhận phong bì này thực chất ý ! theo cá nhân mình không phải chỉ do bác sĩ này nọ ! âu cũng do mấy ông nhà giàu vào sau muốn khám trước cứ dúi phong bì nọ phong bì kia ! thì bảo sao mấy ông bác sĩ không nhận ! chẳng nhẽ lại bảo vứt đi thì nó lại bảo hâm không thèm tiền ! mặt khác thì bây giờ kiếm được người chê tiền theo kiểu đó thì đúng là mò kim đáy bể ! nó vừa kín không ai phát hiện mà vẫn vui vẻ ! Khó lắm !

    Trả lờiXóa
  29. Những người giàu người ta có tiền thì không nói làm gì. Nhưng xã hội đâu phải ai cũng giống ai. Có người nọ người kia, có kẻ giàu người nghèo họ nghèo, không có tiền để đi bệnh viện và khi có tiền đến viện rồi thì họ lại thêm một nỗi lo khác đó là lo tiền phong bì cho các y bác sỹ. Những người sống trên phong bì của người bệnh hãy tự suy ngẫm xem cái đồng tiền đó có trong sạch hay không.? Đừng để cho ngành Y học nước nhà trở nên rẻ mạt như vậy...

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog