Chia sẻ

Tre Làng

KHÔNG CÓ TRANH CỬ, KHÓ CÓ NGƯỜI TÀI

Khi nào mà vẫn còn tình trạng một ứng cử viên cho một chức danh, không có phản biện, tranh cử thì khi đó chúng ta rất khó để có được một đội ngũ cán bộ đủ tâm và đủ tài.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Và: “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém…”

Từ câu nói trên, có thể hiểu ở thời điểm đất nước phát triển vững mạnh tức là công tác cán bộ tốt và ngược lại, nếu đất nước rơi vào suy thoái cũng đồng nghĩa với công tác cán bộ yếu kém, không thành công, thậm chí thất bại.

Then chốt của công tác cán bộ nằm ở ba khâu: Đào tạo – bồi dưỡng, đề bạt – cất nhắc, quản lý - giám sát.

Đối với đào tạo – bồi dưỡng, chúng ta chưa có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chính thức. Đặc biệt là gần đây, hiện tượng “công chức 100 triệu” đã ở mức báo động.

Về đề bạt – cất nhắc, đã xuất hiện tình trạng chạy chức, chạy quyền ở nhiều cấp.

Một trong những tiêu chí để đề bạt, cất nhắc khác là bằng cấp, trong khi đó thì bằng cấp lại không đủ niềm tin vì tình trạng bằng giả, học giả bằng thật không còn là chuyện hiếm, thậm chí khá tràn lan. Không chỉ có vậy, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội còn lo ngại tình trạng cứ vào Trung ương rồi về làm bộ trưởng: “… phải gắn chuyên môn với tư duy chính trị vĩ mô chứ không thể không hiểu gì lĩnh vực đó, cứ vào Trung ương rồi về làm bộ trưởng”. Ông Mão còn nhấn mạnh: “Lâu nay công tác cán bộ vẫn có phần áp đặt, phụ thuộc vào những người có trách nhiệm đứng đầu. Không có cọ xát, tranh cử, phản biện. Cơ chế nhân sự vẫn xuôi chiều, người trước chọn người sau”.

Về quản lý – giám sát. Có thể nói đây là khâu yếu nhất hiện nay. Hầu hết các trường hợp tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện nhờ cơ quan điều tra và báo chí. Vai trò giám sát của các tổ chức xã hội hình như rất ít hiệu quả. Tuy giám sát là một trong ba chức năng chính của Quốc hội nhưng cho đến nay, có lẽ chưa có vụ tham những, tiêu cực nào được phát hiện bởi đại biểu Quốc hội hay đoàn đại biểu Quốc hội.

Tóm lại là về đào tạo – bồi dưỡng, hình như chưa có chiến lược cụ thể, nói như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là “soi đuốc đi bắt ếch”, nặng về cảm tính và nể nang.

Về đề bạt – cất nhắc đang báo động nạn chạy chức, chạy quyền.

Về quản lý – giám sát vẫn còn lỏng lẻo, thiếu cọ sát, tranh cử.

Để khắc phục tình trạng trên, có lẽ việc cần làm ngay là xây dựng cơ chế tranh cử, phản biện, đặc biệt là tránh tình trạng một ứng cử viên cho một chức danh. Mặc dù vấn đề này đã nhiều lần được đề cập nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự biến chuyển rõ rệt.

Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri quận Ba Đình trước Kỳ họp Quốc hội thứ 5 chiều 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “…chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn”.

Khi nào mà vẫn còn tình trạng một ứng cử viên cho một chức danh, không có phản biện, tranh cử thì khi đó chúng ta rất khó để có được một đội ngũ cán bộ đủ tâm và đủ tài.

BÙI HOÀNG TÁM (DÂN TRÍ)

7 nhận xét:

  1. Có thể nói: Không tranh cử thì không chọn hết được người tài. Như bài phát biếu của đ/c Nguyễn Phú Trọng được nêu trong bài viết thì cần có nhiều chỉ số dư để lựa chọn chứ không phải chỉ chú ý vào độc diễn (tranh cử). Lâu nay, đất nước ta không có chế độ tranh cử, vận động tranh cử nhưng vẫn tìm kiếm được người tài phục vụ nhân dân. Tôi vẫn cho rằng người có năng lực, có tài thì luôn được sử dụng và phát huy tốt khả năng của mình.

    Trả lờiXóa
  2. Mấy ý kiến này đưa ra làm tôi cũng thấy cần nghĩ lại về vấn đề chạy chức chạy quyền hiện nay, tất nhiên chúng ta vẫn đang trọng dụng, phát huy những người tài, nhưng so vơi cả hệ thống bộ máy chính trị nói chung thì con số này phải chăng còn quá ít?

    Trả lờiXóa
  3. Muốn vậy thì đầu tiên và cơ bản nhất tôi nghĩ là phải xuất phát từ khâu giáo dục, cấp bằng cấp đúng chất lượng, đảm bảo khâu tiền đề, như vậy công tác tuyển chọn người tài, người có năng lực thực sự không phải quá khó

    Trả lờiXóa
  4. Nạn chạy chức chạy quyền cần phải tiêu diệt triệt để, tiêu diệt được nó tuy khó nhưng sớm muộn cũng phải làm, nó là nguyên nhân trực tiếp và nguy hiểm hàng đầu sớm sẽ tiêu diệt mất sự phát triển của

    Trả lờiXóa
  5. Việt Nam mình đang còn tồn tại nhiều vấn đề quá, nếu không giải quyết hết chúng thì xã hội chúng ta khó mà phát triển cao lên được, tuy không ảnh hưởng trực tiếp và thể hiện ngay ra bên ngoài nhưng việc chọn những người lãnh đạo không đủ đức đủ tài sẽ là nguy cơ làm hỏng sự nghiệp phát triển của đất nước.
    Giải quyết vấn đề đó tất nhiên không phải một hai lời nhận của tôi ở đây là được, nhưng tôi vẫn rất hy vọng một chút ý kiến nhỏ nhoi của mình sẽ được người khác, mà nhất là những cán độ lãnh đạo có thời gian để ý đến

    Trả lờiXóa
  6. Đất nước muốn tiến bộ hơn thì cần phải có tranh cử. Nếu mà cứ làm ào ào ai lên cũng được thì còn gì là trọng dụng nhân tài nữa. Cốt lõi của vấn đề vẫn là tìm ra được người có đủ đức đủ tài vào vị trí chủ chốt lãnh đạo để đưa đất nước phát triển đi lên mà thôi

    Trả lờiXóa
  7. Đăng Hồng17:20 19/5/13

    Đúng vậy, cần phải có nhiều người tài đứng ta tranh cử, ứng cử thậm chí là diễn thuyết để cho nhân dân có nhiều sự chọn lựa. Như vậy mới có thể con ra người có khả năng nhất, xứng đáng nhất đứng vào vị trí lãnh đạo đó. Việc này đã được thực hiện song là chưa phổ biến ở nhiều cấp lãnh đạo. Có thể nói thực hiện việc này phổ biến là một bước tiến lớn trong dân chủ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog