Chia sẻ

Tre Làng

Lũ Lụt Miền Trung: ĐỔ LỖI VÒNG QUANH

Lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã làm 40 người chết và mất tích, hơn 250.000 ngôi nhà bị lũ cuốn, ngập sâu, hàng triệu hộ dân bị ảnh hưởng. Đến sáng 18-11, hàng nghìn hộ dân vẫn còn ngập trong nước lũ.

Những con số báo cáo “vênh” nhau!

Mặc dù mực nước lũ tại các tỉnh miền Trung vừa qua được nhận định, một số nơi vượt mốc lũ lịch sử năm 1999 không lớn, chỉ từ 0,2-0,4m, nhưng ngập lụt lại diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo nhận định, mưa cục bộ, dồn dập cả ngày 15 và sáng 16-11 đã khiến nước lũ lên rất nhanh, người dân trở tay không kịp. “Hiện nay rừng cũng bị phá nhiều nên không giữ được nước khiến nước dồn về các sông nhanh. Một phần nữa do các thủy điện, hồ chứa đầy nước từ cơn bão số 11 phải xả lũ khi mưa lớn làm tốc độ tập trung dòng chảy trên các sông nhanh hơn khiến lũ lên cao”, ông Bùi Đức Long - Trưởng Phòng dự báo thủy văn Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định.

Báo cáo của Văn phòng BCH PCLB Bộ Công Thương cho thấy, lưu lượng nước xả từ các hồ thủy điện khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong đợt lũ vừa qua không đáng kể. 

Cụ thể, báo cáo cho biết tại thời điểm ngày 15-11, khu vực Bắc Trung bộ có 8 hồ chứa thì chỉ có 2 hồ xả nước điều tiết, đó là hồ thủy điện A Lưới xả 134m3/s; hồ Bình Điền xả 296m3/s. Hồ Hương Điền dự kiến xả 360 m3/s. Tại khu vực Tây Nguyên, với 21 hồ thì chỉ có 1 hồ xả là thủy điện Buôn Kuốp xả 36m3/s. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ với 14 hồ có 3 hồ xả, gồm hồ Vĩnh Sơn A xả 22m3/s, hồ Vĩnh Sơn C xả 15 m3/s. Riêng thủy điện Sông Ba Hạ, mức xả theo báo cáo cập nhật ngày 15-11 là 500 m3/s. Tuy nhiên, con số này không khớp với con số từ báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương. 

Theo báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương trong ngày 15-11, nhiều hồ thủy điện đã xả lũ với lưu lượng rất lớn. Cụ thể, thủy điện An Khê (Gia Lai) đã xả lũ với lưu lượng 2.400m3/s từ 17h đến 19h ngày 15-11, và xả với lưu lượng 1.000m3/s từ 6h sáng 16-11. Từ 19h45- 20h30 ngày 15-11, thủy điện Sê San 4 (Gia Lai) xả với lưu lượng 3.682m3/s, từ 6h30 sáng 6-11, xả với lưu lượng 1.149m3/s. Thủy điện Sê San 4A trong tối 15-11, từ 17h-19h cũng xả với lưu lượng 3.369m3/s, và từ 5h sáng 16-11 xả với lưu lượng 2.684m3/s. 

Trong các ngày sau đó, các hồ khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn, nhưng báo cáo từ Văn phòng BCH PCLB Bộ Công Thương phát đi luôn thấp hơn so với con số từ BCĐ PCLB Trung ương. Cụ thể, cùng vào thời điểm 6h sáng 17-11, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thủy điện Sê San 4A chỉ xả lũ với lưu lượng 777m3/s, nhưng báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương là 1.724m3/s. Đến sáng 18-11, vẫn còn 14 hồ thủy điện tại đây đang xả, trong đó thủy điện sông Tranh 2 là 1.688m3/s, sông Ba Hạ 1.200m3/s; Yaly 800m3/s; Sê San 4A 1.182m3/s.

Dân cơ cực trong lũ

Trong khi đó, ông Đồng Văn Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho rằng lũ lớn ở Nam Trung bộ trong những ngày vừa qua là do mưa quá lớn. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện ở khu vực Nam Trung bộ đang thiếu nước, lượng nước tích trong hồ mới chỉ đạt 40%-60% dung tích; có nơi hồ chứa còn chưa tích đủ nước để xả. “Cũng có một số hồ thủy điện trong khu vực xả lũ nhưng đều xả có kế hoạch để cắt lũ, chứ không phải xả cấp tập, vì vậy việc xả nước của những hồ thủy điện không ảnh hưởng gì nhiều đến tình trạng lũ lụt kinh hoàng tại khu vực này”.

Không đồng tình với báo cáo từ các Bộ, ngành, đại diện nhiều địa phương đều cho rằng, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung vừa qua là có sự “góp sức” của thủy điện ồ ạt xả lũ. Tại cuộc họp với các ngành ngày 17-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã lên tiếng: “Những năm gần đây, ở miền Trung hễ có mưa là có lũ lớn và rất lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT phải tham gia để đánh giá vì sao chuyện đó xảy ra, chứ bây giờ chẳng ai nói được hết. Hễ có lũ lớn, ông thì đổ cho thủy điện, ông đổ cho thủy lợi, ông thì đổ mưa to, ông thì đổ do phá rừng, đủ thứ, cuối cùng không biết đổ đâu thì nói là do biến đổi khí hậu. Nếu cứ để thế này thì đời sống của người miền Trung ngàn đời nữa còn cơ cực, không cách chi mà ngóc đầu lên nổi”. 

Đành rằng, theo cách nói của Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT, trước khi xả lũ, các hồ đều có cảnh báo đến chính quyền cũng như người dân địa phương, nhưng đồng loạt, các hồ ồ ạt xả với lưu lượng lớn, cấp tập trong thời gian ngắn, dân nào chạy kịp? Cũng báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, có đến 21 hồ thủy điện (chiếm gần 50%) xả lũ trong những ngày qua, thủy điện có vô can như nhận định của Bộ Công Thương? 

Hạ Quỳnh

9 nhận xét:

  1. Thủy điện tràn lan, Bộ chủ quản không quản lý nổi. Quy trình xả lũ tùy tiện, tích nước đến cực đại để tích tiền vào túi. Đến lúc bão lũ thì xả nước vô tội vạ, ai ngập mặc kệ, dân chết cũng không sao, đường sá cầu cống hỏng thì có tiền thuế sửa chữa. Cuối cùng không biết lỗi tại ai là sao, thật không ra làm sao cả.

    Trả lờiXóa
  2. Năm nay các tỉnh miền Trung mấy lần bị lụt nặng, những gì gom góp được sau các trận lụt thế này là hết. Môi trường sống của hàng chục triệu người dân sẽ ra sao?. Hàng triệu năm rồi thiên nhiên tạo dựng lên thế cân bằng cho sự sống. Thế mà chỉ cần vài chục năm thôi chúng đã tàn phá tất cả, để rồi biết bao lâu nữa mới hy vọng lập lại hệ sinh thái bình thường, cân bằng?

    Trả lờiXóa
  3. Khi bão nàng Hải Yến không vào miền Trung, nhiều người cho rằng đã gặp “may mắn”. Nhưng linh cảm của Nông dân tôi lúc đó lại mách bảo rằng tai họa chưa hết, vì vậy tôi mới kết bài – Vạch váy tìm chỗ nông, sâu của nàng Hải Yến là: “ Việt Nam ta sợ nhất là mưa, vì có nhiều đập thủy điện lắm!, phố xá thấp lắm!. Trời bảo những thiệt hại mất mát đó là “nhân tai” chứ không phải là “thiên tai”, đừng đổ lỗi cho tao!”. Y rằng chỉ chưa đầy hai ngày sau, các đập thủy điện miền Trung thi nhau xả lũ. Ôi mình phục mình quá!!!, hay Nông dân có “giác quan thứ 6” nhỉ?, nếu có tớ thà chết chứ không làm “nhà ngoại cảm”.

    Trả lờiXóa
  4. Đa số dân mình, cả gia tài có khi chỉ là con lợn, bầy gà, con bò, vườn rau, chút nông sản tích cóp lại. Lũ cuốn đi là họ trắng tay, chẳng còn gì. Ít mì tôm, ít quần áo, chút tiền giúp đỡ ” lá lành đùm lá rách” cũng chỉ giúp họ không chết đói, chứ em nghĩ qua lũ là bao người dân thành bần cùng, lại ngoi ngóp cố mà tồn tại mà gầy dựng lại. Người nông dân, người buôn bán nhỏ..họ là tầng lớp chịu thiệt thòi thảm khốc nhất của những chính sách bất cập.

    Trả lờiXóa
  5. Vừa qua có thể thấy là những ngày khó khăn khổ cực của nhân dân miền Trung họ đã phải gồng mình lên để chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên thiên tai bão lũ và giờ đây cuộc sống của họ đang trở nên vô cùng khó khăn đói khổ bởi vì thiên tai đã càn quét đã cuốn đi tất cả những tài sản của họ và đặc biệt hơn đó chính là cướp đi những người thân yêu của họ. Vì vậy trước những cảnh đau thương mà đồng bào miền Trung đang phải trải qua chắc hẳn chúng ta không cầm được nỗi đau sự xót xa. Chúng ta hãy chung tay góp sức để cùng với đồng bào miền Trung chia sẻ sự mất mát đau thương này để giúp họ có thể vượt qua được những khó khăn ổn định lại cuộc sống!

    Trả lờiXóa
  6. Các cụ ta đã có câu " Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn ". Hai câu ca giao trên như là lời răn dạy của cha ông ta đối với chúng ta đó là người trong một nước tuy rằng có khác cha mẹ dòng họ nhưng hãy biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau bởi vì chúng ta đều là những người dân Việt Nam đều chung sống trên đất nước Việt Nam nên cần phải biết giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Vừa qua đồng bào miền Trung đã phải gánh chịu những hậu quả to lớn từ sự khắc nghiệt của thiên tai đã cuốn đi không chỉ là tài sản mà cả tính mạng của đồng bào ta làm cho cuộc sống của đồng bào ta đang rất khó khăn. Vì thế chúng ta hãy nên chúng tay góp sức để chia sẻ những khó khăn này với đồng bào miền Trung để giúp họ có thể vượt qua được những khó khăn và nhanh chóng ổn định lại cuộc sống!

    Trả lờiXóa
  7. Vòng vo mãi để rồi kết luận do thiên nhiên khắc nghiệt thế là hết. Mọi chuyện lại lãng quên dần cho đến mùa bão lũ năm sau. Việt Nam là thế sao? Việt nam không thế nhưng cán bộ thì như thế.

    Trả lờiXóa
  8. Hi vọng miền trung của chúng ta có thể vực dậy sau những khó khăn, mất mát to lớn như thế. Càng hi vọng hơn chính phủ ta quan tâm một cách đúng đắn để giúp đỡ đồng bào miền trung vượt qa khó khăn lần này.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh03:46 21/11/13

    CÁC QUAN NGỒI CHƠI HƯỞNG THỤ BÃO LỤT KHÔNG LO CHO DẦN ,ÔNG NỌ ĐỖ ÔNG KIA SÂU DÂN MỌT NƯỚC MỘT LŨ ĂN HAI ,CHỈ NGUOI DÂN LÀ KHỔ ÔI HƯƠNG QUÁ NGUOI DÂN VIỆT NAM

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog