Chia sẻ

Tre Làng

Khi báo chí là nô lệ của Photoshop



Dù không ít lần lớn tiếng phê phán photoshop, thậm chí có tờ còn mạnh mồm đòi “nói không” với “trò” chỉnh sửa ảnh, nhưng rốt cuộc, vì nhiều lý do khác nhau, báo chí vẫn biến thành “nô lệ” của photoshop. Thậm chí còn gánh chịu những hệ lụy nặng nề bởi chính “thủ thuật” mang tính hai mặt này. Scandal chỉnh sửa rồi đăng ảnh đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama ngực trần trên trang bìa của tạp chí Tây Ban Nha Fuera de Serie đang khiến độc giả Mỹ phẫn nộ là ví dụ mới nhất.


Tác phẩm “Chân dung của một người đàn bà da đen” của họa sĩ người Pháp Marie-Guillemine Benoist (1800) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp)

Photoshop - chẳng chừa một ai
Tạp chí Fuera de Serie, số tháng 8/2012. Chễm chệ trên toàn bộ trang bìa là bức ảnh đương kim đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle Obama, đội khăn trùm đầu và mặc chiếc váy trắng để lộ một bên ngực. Bên cạnh đó là dòng ghi chú “Michelle, cháu gái một nô lệ, phu nhân của nước Mỹ”. Ngay khi trang bìa này tới tay độc giả, một cuộc tranh cãi gay gắt bùng nổ trong dư luận Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng Fuera de Serie đã cố tình đưa bà Obama lên để phục vụ mục đích bán báo hơn là tỏ lòng kính trọng đối với đệ nhất phu nhân. “Thật đáng lo ngại khi ban biên tập quyết định miêu tả bà Obama như một biểu tượng của chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân...”, biên tập viên Althea Legal-Miller của tạp chí Clutch giận giữ.

Khuôn mặt bà Obama được cắt dán vào tranh gốc bằng Photoshop




Gần như xảy đến đồng thời với scandal ảnh bìa bà Obama là sự việc nữ ca sĩ quái chiêu Lady Gagatrở nên “dị dạng” vì bị photoshop quá đà trên trang bìa tạp chí Vogue số tháng 9/2012. Xuất hiện trên trang bìa, nữ ca sĩ "Born This Way" khoe thân hình nhỏ nhắn, vóc dáng đồng hồ cát với eo nhỏ, mông cong trong chiếc váy của Marc Jacobs. Tuy nhiên, hình ảnh được cắt ra từ video hậu trường buổi chụp hình của tạp chí thời trang cho thấy sự khác biệt rõ rệt. So với ảnh thật, ảnh trên trang bìa: bộ tóc giả xù bông trở nên gọn gàng hơn, chiếc váy trở nên lộng lẫy hơn, và đặc biệt, cả eo, mông của Lady Gaga đã được "bóp lại” để có được một hình ảnh Lady Gaga nuột nà. Phát hiện này khiến không ít độc giả của Vogue bức xúc cho đó là sự chỉnh sửa quá đà.
Đáng tiếc là đệ nhất phu nhân nước Mỹ và nữ ca sĩ Lady Gaga chỉ là hai trong vô số nhân vật VIP phải hứng chịu “thảm họa” từ việc báo chí quá lạm dụng và phụ thuộc photoshop. Cách đây chưa lâu, ngày 17/7/2012, Hoàng gia Anh được phen “điên cả người” khi công nương xinh đẹp Kate Middleton cũng bị biến thành nạn nhân của photoshop. Với ý định tạo ra sự ngạc nhiên cho Công nương xứ Cambridge và độc giả, bộ phận biên tập của tạp chí Marie Claire Nam Phi đã quyết định ghép đầu của Kate Middleton với cơ thể của một người mẫu. Giải thích về việc này, biên tập viên Aspasia Karras của tạp chí Marie Claire Nam Phi nói trên Telegraph: “Hình ảnh trang bìa là nghệ thuật ghép ảnh nhằm vinh danh biểu tượng hoàng gia mới trong lĩnh vực thời trang" (?!).

Báo chí nói không với photoshop - khó, quá khó
Tháng 6/2012, những người vốn có ác cảm với trò chỉnh sửa ảnh trên mặt báo được dịp vui mừng khi lần đầu tiên có một tạp chí - tạp chí Seventeen (Mỹ) thẳng thừng tuyên bố sẽ nói “không” với ảnh Photoshop, cam kết từ nay chỉ đăng ảnh thật của người mẫu, không chỉnh sửa. Seventeen cũng cam kết “công khai những hình ảnh ghi được trong buổi chụp hình” bằng cách đăng ảnh người mẫu trước và sau buổi chụp, độc giả có thể kiểm chứng trên blog riêng của tạp chí.


Tất cả những động thái trên để làm dịu dư luận trước sự kiện Julia Bluhm - cô bé học lớp 8 đến từ tiểu bang Maine (Mỹ) - làm náo loạn tòa soạn Seventeen ở New York hồi tháng 5 với đơn khẩn cầu tập hợp từ 84.000 người yêu cầu tạp chí này đăng ảnh người mẫu không có sự can thiệp của Photoshop. Theo Bluhm, tạp chí Seventeen và các phương tiện truyền thông đã làm méo mó hình ảnh thật của những cô gái, tôn họ lên mức hoàn hảo bằng những công cụ chỉnh sửa ảnh - tiêu biểu là Photoshop. Các bạn gái trẻ dễ bị lôi cuốn sẽ làm nhiều điều tiêu cực với bản thân, chỉ để có được ngoại hình “hoàn hảo” như người mẫu trên báo.
Tuy nhiên, những tờ báo đủ can đảm nói không với việc chỉnh sửa ảnh nhân vật như tạp chí Seventeen còn quá ít ỏi. Chạy theo thị hiếu độc giả, chạy theo tiêu chí của các nhà quảng cáo, phục vụ những mục đích riêng biệt, hầu hết các tờ báo đã buộc mình trở thành “nô lệ” của photoshop. Công cuộc Keep it Real (Giữ gìn sự chân thực) “bảo vệ hình ảnh chân thật cho nhân vật báo chí” như mong muốn của Julia Bluhm và triệu triệu độc giả - dường như còn quá xa vời.

LâmTrực@


Tác giả tấm ảnh ghép bà Obama là nghệ sĩ Karine Percheron Daniels - người Anh, bạn có thể vào đây để biết tên các VIP bị gán ghép trong những tranh dưới và giá bán mỗi bức












Giải thích bức tranh ghép bà Obama, Karine Percheron Daniels cho rằng ông muốn thể hiện lòng “ngưỡng mộ” của mình tới bà Michelle Obama. “Tôi không bao giờ có ý định xúc phạm bất cứ ai (…) Trong mắt tôi, hình ảnh tôi tạo ra là một người phụ nữ xinh đẹp với một thông điệp đẹp đẽ rằng: lần đầu tiên trong lịch sử, Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ là một phụ nữ da đen, một người luôn tự hào về vẻ đẹp của mình (ảnh khỏa thân), về gốc rễ của mình (nộ lệ), và vai trò của mình (Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ) (…). Tôi không phân biệt chủng tộc, tôi đang nỗ lực cho nghệ thuật của tôi, đầy vẻ đẹp và không dính bụi bẩn”.
Vậy thì ông ta sẽ giải thích ra sao về những bức tranh các nhân vật nổi tiếng như trên?


Chưa thấy bà Ô có phản ứng gì? Mà phản ứng làm gì cho bọn báo chí lại có cớ "bu vào quất" nhất là trong thời điểm hiện nay, đức ông chồng đang bạc đầu trong kỳ bầu cử gay go, vả lại uy danh vang lừng như Vatican mà cũng thấy có "ho he" gì đâu? Im lặng là vàng lúc này mới là thượng sách!

2 nhận xét:

  1. Cái gì cũng có hai mặt của nó!

    Trả lờiXóa
  2. Photoshop là một phần mềm rất hay và có rất nhiều ứng dụng, nhưng nếu không được sử dụng một cách hợp lí thì nó sẽ trở thành một mối lo ngại.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog