Chia sẻ

Tre Làng

TẮM TIÊN Ở VÙNG CAO


Đến Tây Bắc, bên con sông Nậm Nhé, ta có thể nhận ra bản Thái qua những đặc điểm như cọn nước, cối nước, những điệu múa xoè liên tu bất tận và cả những mó nước yên bình kín đáo, nơi những cô gái dân tộc Thái thả mình vào dòng nước thiên nhiên mát lạnh.

Thật khó tưởng tượng nổi khi trên các khe nước, suối nguồn của Mường Pồn, Mường Lay, Mường Tè, thị xã Lai Châu mất đi bóng dáng của con gái Thái đi "tắc nặm" (vác nước), "pây áp nậm" (đi tắm suối)? Nếu thế thì khác gì núi rừng Tây Bắc không còn hoa ban. Người Thái rất coi trọng những nguồn nước xung quanh họ và coi đó như một sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Những nét sinh hoạt của người Thái đều gắn liền với dòng nước từ giã gạo, ăn uống, giết mổ và cả việc tắm táp.

Con gái Thái rất kín đáo nhưng giỏi giang, nếu bạn lên Lai Châu sẽ gặp không ít các cô gái Thái lái máy cày làm đất trên cánh đồng Mường Thanh, hướng dẫn thăm hầm Ðờ Cát và giao dịch đổi ngoại tệ cho du khách ở sân bay Ðiện Biên Phủ.

Một hình ảnh rất ấn tượng khác đôi khi gặp là các cô gái Thái mặc đẹp đi lao động và vai trần, váy cạp lửng bầu vú khi về nhà. Dù đi xúc cá hay vác xẻng vạt bờ ruộng thì lúc về nhìn họ vẫn sạch sẽ tinh tươm, duyên dáng bởi suối mát đã đem lại sảng khoái và tôn lên vẻ đẹp của họ sau một buổi lao động.

Ðầu mỗi bản Mường ven lối mòn đều có ống bương dẫn nước từ khe suối và mỗi con suối đều có bến tắm riêng dành cho phụ nữ - không che chắn, nhưng có lẽ đã thành lệ: không có người đàn ông nào dám bước vào thế giới riêng dành cho phụ nữ. Trước đây lúc đi tắm, con gái Thái thường vác theo ống bương nước lá thơm để tráng người - bây giờ đã được thay thế bằng xà phòng thơm.

Vào chiều tà nóng nực dọc suối Nậm Lay - con suối từ Mường Tùng chảy dọc Mường Lay và thị xã Lai Châu thường hay gặp cô gái váy cuốn đội đỉnh đầu tắm tiên phơi mình trên dòng suối mát. Nếu bạn "vô tình" phải lội qua gần chỗ tắm, họ sẽ thả váy xuống dần theo mực nước - cạp váy lửng lên bờ.

Thật là tài tình, ngay từ những bước đầu tiên lội xuống dòng nước suối trong vắt, chiếc váy xoè dần được nâng lên theo nhịp chân bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc lấy thì váy áo sẽ nằm trên đỉnh đầu.
Dòng nước trong vắt chảy nhẹ nhàng chỉ vừa đủ để khiến mặt suối lăn tăn gợn sóng như muốn ngăn những ánh mắt tò mò của những chàng trai bản vô tình đi ngang.

Có khi các cô gái có thể vừa tắm vừa trò chuyện với những người trai bản bơi lội trong mó nước gần đó mà không hề e sợ phơi lộ những bí mật tạo hóa ban tặng. Đến khi tắm xong, váy áo rất hiếm khi bị ướt mà cơ thể thì đã được tắm táp thoả thích trong dòng nước mát. Váy áo lại được thả dần xuống theo bước chân cô gái Thái lên và tới gần bờ thì trang phục đã gần như chu chỉnh hoàn toàn, váy được khéo léo cuốn lên ngang ngực.

Lúc này mái tóc mới được quan tâm đến, cô gái cúi gập người bên suối mà rũ tóc, quay tóc trong làn nước trong lành tinh khiết như pha lê. Sau này, khi làn sóng ăn mặc hiện đại tràn đến những thôn bản người Thái, họ vẫn giữ thói quen nguyên cả người xuống tắm chứ không một tòa thiên nhiên như những dân tộc khác quanh miền Tây Bắc.

Tắm tiên ở Tây bắc có lẽ là một nghệ thuật mà người con gái dân tộc Thái được học ngay từ khi bắt đầu biết khép nép thẹn thùng. Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của các cô gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa…

Nhiều áng văn thơ, ca khúc như: Tiễn dặn người yêu - (trường ca dân tộc Thái), Nhớ vợ, Em tắm, đều lấy bối cảnh sông suối để ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Thái. Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi:

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường

Ở một nơi khác: người Thái ở Tú Lệ (Yên Bái) ngày nay vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống tắm hồn nhiên bên dòng suối Tú Lệ và trở thành những nàng tiên giữa trời đất.

Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn. Tuy nhiên tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không sẽ bị trai bản và chính quyền trừng phạt.

Không chỉ ở Tây Bắc mà ở nhiều vùng cao khác, cả ở Tây nguyên: phụ nữ vẫn khỏa trần tắm suối sau buổi lao động cực nhọc trên rẫy. Ở nhiều nơi vào buổi chiều tà, hàng chục sơn nữ bỏ công cụ lao động trên những tảng đá lớn rồi hồn nhiên trút xiêm y như chốn không người. Các sơn nữ phơi làn da trắng ngần ngồi trên tảng đá, khua chân dưới nước, nói cười rổn rảng, khiến cảnh đại ngàn âm u trở nên đẹp như một câu chuyện cổ tích, đó thực là một bức họa thiên nhiên tuyệt tác. Nhìn từ xa mọi thứ đều mờ ảo trước mắt, chỉ có làn da của các sơn nữ là nổi bật giữa cảnh hoang sơ chập choạng trong bóng chiều tà... khiến dòng suối già nua, trầm mặc cũng trở nên lung linh, huyền ảo. Nếu tình cờ xuất hiện người lạ, các sơn nữ vơ vội quần áo mặc ngay dưới nước hoặc núp sau những tảng đá.

Văn minh ngày nay đã vào tận những bản làng xa xôi hẻo lánh cộng với những ánh mắt tò mò của người miền xuôi khiến nhiều phong tục, tập quán của đồng bào mất đi, trong đó, tục tắm suối cũng mai một rất nhanh.


Mà cũng phải: người miền xuôi tò mò, trố mắt nhìn đăm đăm rồi chụp ảnh phổ biến trong cộng đồng kèm với những dòng bàn tán không mấy hay ho.

Chính cái sự quá đà này đã khiến người vùng cao ngày nay kín đáo hơn, tránh né hơn khi tắm tiên. Giờ đây, tìm được một con suối, nơi mà các thiếu nữ khỏa tấm thân ngọc ngà trong làn nước trong mát hiếm dần.

Có lẽ tắm suối đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc cần bảo tồn. Suy cho cùng thì loại trừ suy nghĩ dung tục, có lẽ “tắm tiên” là phương pháp tốt nhất để con người hòa mình với thiên nhiên một cách trọn vẹn nhất, ai tắm mà không phải khỏa thân?

Ở thành phố: người đông đúc, nhà san sát nhau nên trong một cắn hộ có đầy đủ các tiện nghi từ nhà vệ sinh, nhà bếp đến nhà tắm... thì giữa chốn rừng núi bao la ít người: nhà tắm là một con suối trong vắt chảy từ đỉnh cao khác gì một phòng tắm đầy đủ tiện nghi giữa thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ?

Nếu trân trọng phong tục cổ truyền, nếu biết nhìn sự việc dưới ánh mắt nghệ thuật, biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn Tây Bắc, Tây nguyên trong một chiều các cô sơn nữ tắm tiên thì bạn sẽ thấy lòng mình trong sáng, thanh cao hơn như được hòa mình cùng đất trời và người của vùng cao huyền thoại.

Người ta vẫn kháo nhau, lên Tây Bắc mà xem con gái Thái tắm tiên. Con gái Thái da trắng như hoa ban, uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Con gái Thái dịu dàng, hiền thục… Mới nghe có vẻ như thô và phàm tục, nhưng với những người đã từng ở Tây Bắc, hoặc am hiểu văn hóa Thái thì cảnh con gái Thái tắm tiên là một phần không thể tách rời trong văn hóa Thái và nếu thiếu cảnh trữ tình, nên thơ ấy, suối ngàn Tây Bắc sẽ kém đi vẻ lung linh huyền ảo. Tây Bắc sẽ phần nào kém đi vẻ đẹp dung dị nhưng vô cùng lãng mạn, nên thơ.

Người ta đi ngắm các cô gái hòa mình với thiên nhiên đậm chất hoang sơ và huyền thoại như ngắm ánh bình minh trong sương sớm, ngắm hoa ban khoe sắc mùa xuân, hay thả hồn trong một tiếng chim lảnh lót đầu non, chẳng khác nào được nồng say trong vũ điệu xòe, hay lâng lâng trong men rượu cần ngọt lịm, một điệu khắp trữ tình… để rồi tự lúc nào thấy mình trong sáng hơn, biết trân trọng nâng niu những gì mà tạo hóa đã ban cho con người, giúp con người hướng thiện hơn, có thêm nghị lực, niềm tin, vươn lên trong cuộc sống.

Các cô gái Thái ngay từ lúc còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cho cách thắt khăn nơi thắt lưng – xài yêu để có được thân hình tuyệt đẹp theo tiêu chí: Eo kíu manh po – nghĩa là thắt đáy lưng con tò vò, giống như thắt đáy lưng ong của các cô gái miền xuôi. Còn mái tóc luôn được chăm chút gội bằng các loại lá thơm như hương nhu, sả, bồ kết… và chải chuốt bằng nước vo gạo nếp. Lại được tắm mình trong không khí trong lành của thiên nhiên hùng vĩ, bởi vậy cô gái Thái nào cũng cao ráo, trắng hồng, mái tóc đen dài mềm mại.
Không những thế, các cô còn rất giỏi trong những công việc nội trợ như làm ruộng, quay xa, thêu thùa, dệt vải, múa xòe… mà những câu dân ca Thái đã miêu tả được phần nào: Nướng quả ớt thơm mùi đĩa chéo Đụng vào khung cửi vải thành hoa Tung nắm tấm thành ra đàn gà…, Úp bàn tay trái đã thành hoa đào Ngửa bàn tay phải đã thành hoa tươi đất Mường Hỏ Ngồi xổm thêu được thành hình chim phượng hoàng Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa so se (dân ca Thái).
Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của các cô gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… Bởi vậy, khi ngắm các cô gái Thái dịu dàng trong trang phục truyền thống: váy đen bó sát người, xửa cỏm – áo ngắn lung linh đôi hàng mák pém – cúc bạc hình bướm, khăn piêu bồng bềnh trên đầu như áng mây xuân sớm tôn sắc hồng má đào thiếu nữ, một dải khăn xanh là điểm nhấn nơi thắt lưng và dây xà tích bạc buông lơi bên hông, mỗi người đều như thấy ngân rung trong lòng một cảm giác thanh cao trước một vẻ đẹp hoàn mỹ đến mức thật khó đặt tên, cứ dư ba trong lòng người và chợt thổn thức dâng dâng trong ký ức mỗi khi xa nhớ về Tây Bắc… Sau mỗi buổi lao động về, các cô gái nghỉ chân bên suối, làn nước mát lành làm sạch sẽ bụi bặm, trả lại nước da trắng ngần của mẹ, của cha và tinh hoa của núi ngàn chung đúc hàng ngàn năm mới có được. Bao nỗi mệt nhọc trôi theo dòng nước, con người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.

Nếu các chàng trai thường chọn nơi vực sâu, nước xiết để vẫy vùng thỏa sức trai thì các cô gái lại tìm nơi dòng chảy nông hơn, kín đáo. Các cô quay mặt vào bờ, ý tứ cởi cúc áo, chiếc váy lúc này được kéo cao che kín khuôn ngực thanh tân, lội xuống nước tới đâu váy được nâng dần lên đến đó. Cho đến khi dòng nước đủ che kín thân mình, các cô gái khéo léo quấn chặt váy trên đầu như một bông hoa, dù bơi lội, đùa nghịch, chiếc váy vẫn không thể rơi được. Thân hình tuyệt mỹ của các cô gái ẩn hiện dưới dòng nước biếc, thực đấy mà ảo đấy. Các cô hồn nhiên té nước, trong ánh chiều Tây Bắc, từ những bàn tay như bông hoa ban huyền thoại tung lên muôn ánh cầu vồng.

Dòng suối như lòng mẹ ôm ấp vuốt ve tấm thân tuyệt mỹ, sỏi đá nơi lòng suối thêm rạng ngời ngần trắng, chim rừng ngưng hót, gió như ngừng thổi, chỉ còn xanh ngắt đến thẫn thờ ngàn con mắt lá của đại ngàn. Tất cả như lặng đi trước kiệt tác của núi ngàn Tây Bắc…

Những dòng suối của khắp vùng Tây Bắc thường có những cái tên vô cùng thơ mộng, chở đầy khát vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc, về tình yêu trắng trong chung thủy: Suối Tiên, Suối Mơ, Suối Xuân… Không biết có phải từ khi các cô gái Thái khỏa mình trong dòng biếc, những dòng suối già nua trầm mặc chợt nhận ra mình có một trái tim và tâm hồn trẻ trung, để rồi cứ mộng mơ, khao khát một cuộc sống bình dị, yên vui – ước mơ cháy bỏng của bao đời? Để rồi những ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn Tây Bắc trong một chiều các cô gái Thái tắm tiên, chợt thấy mình trong sáng hơn, thanh cao hơn, như được hòa mình cùng đất và người của Tây Bắc huyền thoại…

Sơn nữ tắm tiên – tuyệt tác núi rừng ở Phú Thọ Hàng chục sơn nữ bỏ công cụ lao động trên những tảng đá lớn, rồi hồn nhiên trút xiêm y, như thể là chốn không người. Các tiên nữ phơi làn da trắng ngần ngồi trên tảng đá, khua chân dưới nước, nói cười rổn rảng, khiến cảnh đại ngàn âm u trở nên đẹp như một câu chuyện cổ tích. Đó thực là một bức họa thiên nhiên tuyệt tác.

Con đường vào bản Bến Thân (Đồng Sơn, Phú Thọ) nhầy nhụa bùn đất, cheo leo dốc ngược. Ngày trước, để vào Bến Thân, không có cách nào khác là cuốc bộ gần chục km. Con đường đang được một đơn vị lâm nghiệp của tỉnh mở để vận chuyển nguồn nguyên liệu ra ngoài.

Thế nhưng, đi được một đoạn, tôi đành phải vứt xe máy bên vệ đường, rồi cuốc bộ hơn giờ đồng hồ mới vào tới Bến Thân. Cơn mưa bất chợt đã khiến con đường trở thành bãi sình lầy bùn đất nhão nhoét, trơn trượt không thể đi nổi.

Bến Thân hiện ra với vài nóc nhà co cụm dưới thung lũng, chìm nghỉm trong sự bao bọc của rừng rậm.

Bến Thân là bản của người Dao, là nhóm người di cư từ Sơn La về lập bản từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Hiện Bến Thân vẫn chưa có điện, nhà nào khá giả thì sắm máy thủy điện cá nhân, thắp vài bóng phập phù. Đại đa số vẫn dùng đèn dầu như người miền xuôi mấy chục năm trước. Theo Phó Chủ tịch xã Hà Thanh Vận, chính vì cuộc sống tự cung, tự cấp giữa rừng già, ít giao lưu với bên ngoài vì đường sá xa xôi hiểm trở, nên đồng bào nơi đây vẫn giữ được những phong tục tập quán cổ xưa, trong đó có tục “tắm tiên” dưới suối. Dòng suối Thân mát lành cắt con đường dẫn vào Bến Thân, chảy uốn lượn một vòng quanh bản trước khi chảy ra bản Xuân, xuống tận Lai Đồng để hòa vào sông Bứa. Cô giáo tiểu học Lý Thị Thơm đã dẫn tôi cuốc bộ nửa ngày trời để đi tìm thượng nguồn suối Thân. Dòng suối này chảy ra từ bụng dãy núi đá vôi hùng vĩ.

Cô giáo Thơm cùng tôi chui vào một hang động khổng lồ, đi miên man mãi không hết lòng núi. Có một dòng sông ngầm chảy ào ào trong bụng dãy núi đá vôi đó. Con suối Thân nhận nước từ lòng núi, nên mát lạnh trong mùa hè và ấm áp trong mùa đông. Nước trong đến nỗi, những vũng nước sâu vài mét vẫn nhìn thấy con cua đá đang bò lổm ngổm.

Chị Lý Thị M, người đàn bà góa chồng, ở tuổi ngót 40 vẫn đẹp rực rỡ như một bông hoa rừng nhẹ nhàng cởi chiếc gùi trên lưng, trút bộ quần áo lấm lem rồi hồn nhiên khỏa mình dưới dòng nước trong mát. Làn da trắng ngần lấp lánh, sóng sánh trong làn nước phản chiếu ánh mặt trời. Tôi nhảy lên một tảng đá chụp ảnh lia lịa. Người đàn bà hai con này bẽn lẽn giấu kín mình sau vạt áo, đôi má chợt ửng đỏ. Chị bảo: “Mình già rồi, đừng chụp ảnh nữa, xấu hổ lắm. Nếu nhà báo muốn chụp hình thì chiều mình dẫn nhà báo lên bến tắm, ở đầu nguồn suối Thân, cuối bản cơ. Ở bến tắm đó nước trong vắt, mới có nhiều người đẹp”.

Khi mặt trời đã bắt đầu ngấp nghé đỉnh núi, hoàng hôn đỏ rực trên những mỏm núi gần núi xa. Bóng tối đã bắt đầu chìm ngập dưới các thung sâu.
Đứng trên sườn núi nhìn xuống, thấy từ những con đường mòn vắt vẻo trên sườn núi, từng đoàn người vác cuốc xẻng, gùi nặng trên vai đổ về bến tắm ở cuối bản. Tôi và chị Mai lội bộ ngược suối, đến một tảng đá lớn, bến tắm là một bãi đá rộng mênh mông, nơi dòng suối Thân lắng nước từ thượng nguồn đổ về, rồi mới tiếp tục chảy xuống hạ nguồn.

Hàng chục sơn nữ bỏ công cụ lao động trên những tảng đá lớn, rồi hồn nhiên trút xiêm y, như thể là chốn không người. Các tiên nữ ngồi trên tảng đá, phơi làn da trắng ngần, khua chân dưới nước, nói cười rổn rảng, khiến cảnh đại ngàn âm u trở nên đẹp như một câu chuyện cổ tích.

Khi đó, tiếng chim rừng ngừng hót, đàn vượn cãi nhau chí chóe trên núi Lìu cũng im bặt. Hình như, gió cũng ngừng thổi. Nhìn từ xa mọi thứ đều mờ ảo trước mắt, chỉ có làn da của các sơn nữ là nổi bật giữa cảnh âm u, nhập nhoạng của chiều tà. Dòng suối Thân già nua, trầm mặc cũng trở nên lung linh, huyền ảo. Cách bến tắm của các sơn nữ, có một bãi tắm của “sơn nam”. Điều kỳ lạ là bãi tắm của đàn ông Bến Thân rất kín đáo, được che kín bởi những lùm cây, những tảng đá lớn, mà nếu không đến gần, thì sẽ không nhìn thấy gì cả. Hơn nữa, đàn ông Bến Thân không khỏa trần hoàn toàn như các sơn nữ. Trong khi đó, các sơn nữ đều khỏa trần 100% và hồn nhiên nô đùa giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong khi ngồi quan sát, tôi nhận thấy, đàn ông Bến Thân vào bãi tắm đều đi lối khác, và khi tắm xong, họ lại vòng lối khác để về, chứ không xuôi suối Thân, qua bến tắm của các sơn nữ để về bản. Chị Mai bảo, sở dĩ chị em phụ nữ Bến Thân tắm trần truồng một cách vô tư thoải mái như vậy là vì đàn ông nơi đây không có “thói” nhìn trộm người tắm bao giờ. Theo chị Mai, mặc dù các sơn nữ hồn nhiên tắm tiên như vậy, nhưng nếu xuất hiện người lạ, họ lập tức trốn sau tảng đá, hoặc dìm sâu dưới nước rồi mặc quần áo lại.
Trời tối, đứng quan sát từ xa, không thể nào chụp ảnh được, nên tôi cùng Mai “đánh liều” đi qua bến tắm tiên của các sơn nữ Bến Thân. Thấy người lạ, các sơn nữ vơ vội quần áo mặc ngay dưới nước, rồi núp sau những tảng đá nhìn tôi như người ngoài hành tinh. Một số sơn nữ cẩn thận, sợ có người lạ bất chợt đi qua thì quấn váy trên đầu trong khi tắm. Khi phát hiện ra người lạ, người đẹp tắm tiên chỉ việc gỡ váy trùm kín cơ thể, rồi nàng hồn nhiên lên bờ mặc quần áo. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn (Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ) là người đã có mấy chục năm ăn rừng ngủ thác nghiên cứu phong tục tập quán đồng bào ở Thanh Sơn và Tân Sơn. Ông luôn đau đáu với những giá trị văn hóa của vùng đất bản bộ Vua Hùng.

Theo ông Nhàn, cũng như nhiều tập tục khác, tắm suối là nét văn hóa có từ hàng ngàn năm trước. Sau mỗi buổi lao động mệt nhọc trên nương, các bà, các chị, các em đều trầm mình tắm gội dưới suối trước khi về nhà. Làn nước mát lành làm sạch sẽ bụi bặm, trả lại nước da trắng ngần mà núi rừng và tạo hóa hàng ngàn năm mới tạo nên được. Sau buổi tắm suối, bao nỗi mệt nhọc trôi theo dòng nước, con người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.
Do đó, theo ông Nhàn, việc bảo tồn nét văn hóa này cũng là điều cần thiết.
Tôi chợt khi nghĩ rằng, chỉ thời gian không xa nữa, con đường vào Bến Thân hoàn thành, người miền xuôi và đồng bào Bến Thân sẽ có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ. Và rồi, nhiều phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào nơi đây sẽ mất đi. Bến tắm cũng sẽ vắng bóng tiên nữ, giống như bến tắm ở bản Xuân và Lai Đồng thuở nào.

Nguồn: Nhặt trên NET
Trang nguồn: Dulichgo.blogspot (mới sửa thêm vì trước đó không đề rõ nguồn, Tre Làng mới chỉ ghi là nhặt trên net - Giờ xin cáo lỗi cùng tác giả)

8 nhận xét:

  1. Hay và đẹp quá, bác ơi!
    Cho nhà cháu mang về bên cháu nha!
    Thk!

    Trả lờiXóa
  2. nhiều phong tục tập quán đặc sắc

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh14:14 3/2/13

    mình về Tây Bắc cũng thử tăm tiên cái, sinh ra ở đây mà chưa đc nễm mùi, hòa mình cùng thiên nhiên, hehe,

    Trả lờiXóa
  4. Quả là một phong tục độc đáo hehe

    Trả lờiXóa
  5. Quang Ngoc Lc11:36 6/3/13

    Ở đậy tôi không nói về cái đẹp của người con gái vùng cao .Tôi thấy cuộc sống ở vùng cao thật gần gũi với thiên nhiên ,giá trị của con người vùng cao ,đó là một kho bản sắc văn hóa của dân tộc .cần được gìn giữ và tôn trọng.

    Trả lờiXóa
  6. Cũng là một nét văn hóa độc đáo, tuy nhiên tắm như thế này có dẫn đến tệ nạn xã hội không. Các chị các cô cứ tơ hớ ra thế này thằng đàn ông nào mà chẳng ham. nó ham không chịu nổi rồi nó làm liều thì sao. giữa rú rừng như thế có chống cũng không được. cũng khá là lo ngại nhưng nếu sự việc có trở nên bi quan như thế thì đã không còn tắm tiên như thế này.

    Trả lờiXóa
  7. không ngờ lại có một phong tục độc đáo thế này, tuy nhiên đối với thời đại ngày nay thì những cái này không nên giữ lại. ở góc độ cá nhân tôi thấy đây vẫn là một hủ tục,, nếu không được loại bỏ sẽ làm hại chính những người phụ nữ ở nơi đây. tai sao tôi nói như vậy, bởi lẽ hầu như đây là các dân tộc thiểu số, các dân tộc này có ít điều kiện tiếp xúc với xã hội văn minh và phàm là một người việt nam, có nét phong tục phương đông thường kín đáo, nhẹ nhàng, không nên làm quá lộ liễu như thế, và đơn giản nếu như các cô gái này xuống thành phố sinh sống thì sẽ gặp khá nhiều bất cập, chỉ đơn giản là sẽ có người lợi dụng những hủ tục này gây hại cho các em

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog