Chia sẻ

Tre Làng

TIN HOT: HIẾP DÂM Ở ẤN ĐỘ VÀ THIẾN Ở VIỆT NAM

ĐBQH Đỗ Văn Đương tán thành việc thiến, một trong những nguyên do là đề “Ngăn ngừa không để tái phạm tội và cũng không để sinh ra một đứa trẻ có “gien” phạm tội bẩm sinh, tức là đời cha đã hiếp dâm thì đời con cũng không loại trừ”

Buổi tối ngày 16-12, nữ sinh viên 23 tuổi ngành y đã đi xem bộ phim “life of Pie”, một tác phẩm được ví như “ngụ ngôn thời hiện đại” với thông điệp: Thượng đế, nếu có, thì đó chính là con người biết sống theo lẽ yêu thương. Sau buổi chiếu, cô cùng bạn trai lên xe buýt trở về nhà. Tuy nhiên, đó là chuyến xe “định mệnh”! Ngay sau đó, cô và bạn trai bị những kẻ côn đồ trên xe tấn công bằng một thanh sắt, bị lột hết quần áo. Nữ sinh viên 23 tuổi bị 6 gã đàn ông thay nhau hãm hiếp và bị ném xuống đường trong tình trạng “người đầy máu me”. Những kẻ tấn công còn cầm một chấn song sắt rỉ tấn công tình dục, khiến cô bị thương tổn nghiêm trọng (phải cắt bỏ 95% vùng ruột). 13 ngày sau, nạn nhân qua đời tại một bệnh viện ở Singapore trong đau đớn, trong sợ hãi, trong uất hận, và trong sự xúc động mãnh liệt của dư luận.

Đó là bạo lực. Đó là tội ác. Đó là sự man rợ.

Vụ việc gây kích động dư luận đến nỗi biểu tình nổ ra tại 5 bang của Ấn Độ. Một cuộc vận động trên mạng xã hội Facebook có tên “Hãy treo cổ bọn hiếp dâm” nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm ngàn người Ấn. Thủ tướng Manmohan Singh nói trên truyền hình: “Là một người cha của ba cô con gái, tôi xúc động mạnh mẽ về sự kiện như mỗi người trong các bạn vậy”. Tại Paris, những người tuần hành tới đại sứ quán Ấn Độ đã trao đơn yêu cầu hành động để làm cho Ấn Độ an toàn hơn cho phụ nữ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ra tuyên bố “Bạo lực đối với phụ nữ không bao giờ được chấp nhận, không bao giờ được biện minh, không bao giờ được tha thứ”.

Ở Việt Nam, báo chí theo dõi sát sao những diễn biến của vụ việc với âm hưởng chung là sự giận dữ, căn phẫn trước tội ác. Tất nhiên, báo chí Việt Nam nhân vụ việc này đã điểm lại những vụ án hãm hiếp gây căm phẫn dư luận trong thời gian vừa qua.

Suy cho cùng, khi thấy được bộ mặt của tội ác, lên án nó, cũng như thông cảm sẻ chia với gia đình nạn nhân, có nghĩa là người ta cũng sẽ tự giáo dục chính mình, tránh xa tội ác.

Cho đến hôm qua, trên một tờ báo xuất hiện một dòng tin với tựa đề: “Thiến” những kẻ hiếp dâm mới là nhân văn.

Người phát ngôn là Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. Trong bài, ông Đương nói đến một “ngày xưa”, khi “Pháp luật phong kiến người ta có hình phạt rất hay, người ăn trộm thì bị chặt tay, anh nào hiếp dâm người ta đem thiến”. Ông đề xuất “Cùng với tuyên hình phạt tù, cần tuyên “thiến hóa chất” (như) là một hình phạt bổ sung. Tức là cùng với việc đi tù, thì đồng thời tiêm loại thuốc đó để mất khả năng tình dục…Khi tiêm vào rồi phải tính đến khả năng không lấy lại được như cũ nữa, tức là làm suy giảm triệt để thì có dùng loại thuốc nào cũng không kích lên được nữa”. Bởi theo ông, việc thiến “Khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội”.

“Cái nhân văn chúng ta phải hiểu là nhân văn cho cái đa số chứ không phải là thiểu số”- Vị Ủy viên ủy ban tư pháp của QH lý luận. Ông cũng nói thẳng: “Giả sử trong trường hợp bản thân lâm vào tình trạng này tôi cũng đồng ý chịu hình phạt đó. Kể cả con cái mình, tôi cũng đề nghị như thế bởi vì không cần thiết tố chất dục vọng trái pháp luật, gây hại cho người khác, gây hấn cho xã hội, nhục nhã cho dòng họ, cho gia đình như vậy”.

Đi xa hơn, ông nói việc thiến những kẻ phạm tội “Đồng thời, cũng ngăn ngừa không để tái phạm tội và cũng không để sinh ra một đứa trẻ có “gien” phạm tội bẩm sinh, tức là đời cha đã hiếp dâm thì đời con cũng không loại trừ”.

Thưa Đại biểu QH Đỗ Văn Đương. Đồng ý với ông là hình phạt “thiến hóa chất” đang được áp dụng ở cả Mỹ (dù không phổ biến), cả Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan… cả ở một đất nước được coi là văn minh như Hàn Quốc. Và nếu phải kể thêm thì đó là Argentina, Úc, Israel, New Zealand. Nhưng nói gì thì nói, “thiến (bằng) hóa chất” có khác gì “cung hình”, một trong những hình phạt “tàn khốc” nhất trong lịch sử phong kiến. Và sự “không phải là cá biệt”, là những tiền lệ Mỹ và Châu Âu, Hàn Quốc cũng không phải là lý do để một hình phạt “tàn khốc” như vậy có thể được áp dụng ở Việt Nam.

Hôm 3.1, một tòa án ở Hàn Quốc đã ra phán quyết “thiến hóa chất” đối với một tội phạm ấu dâm. Người đàn ông 31 tuổi, được chẩn đoán bị rối loạn ham muốn tình dục này bị kết tội hiếp dâm 6 lần với 5 trẻ em mà y làm quen qua dịch vụ trò chuyện bằng điện thoại. Song song với án tù 15 năm, tội phạm bị tuyên “thiến hóa chất” do “có nhận thức méo mó về tình dục và có ham muốn tình dục quá mức khiến hắn không thể kiểm soát hành vi tình dục của bản thân”.

Dẫu vậy, không phải ai cũng đồng tình với biện pháp này “Thiến hóa học là một hình phạt ẩn danh biện pháp điều trị. Và đó là điều trị vô nhân đạo”, giáo sư tâm thần học Song Dong Ho của Đại học Yonsei nói. Nói đến thiến, cũng không thể không nhắc đến Tư Mã Thiên. Sử gia nổi tiếng đã viết những dòng cay đắng khi nghĩ lại giây phút bị cung hình: “Mỗi khi nghĩ đến nỗi nhục đó thì mồ hôi ướt đầm áo, nghĩ mình chỉ đáng canh cửa cho đàn bà hay tốt hơn là nên ẩn thân vào nơi sơn cùng thuỷ tận”.Những người chưa từng bị thiến, có lẽ, sẽ không bao giờ hình dung sự hiểm độc của hình phạt. Một hình phạt vừa dã man, vừa tàn bạo khiến tội phạm, bắt đầu trở thành nạn nhân, sẽ sống cả đời trong sự hoảng loạn, sợ hãi, nhục nhã.

Dường như không thể dẹp bỏ một sự man rợ bằng một sự man rợ khác dù dưới bất cứ danh nghĩa nào.

Theo bạn, thiến có phải là một biện pháp dành cho những kẻ tấn công tình dục?

Theo bạn, hình phạt đó là nhân văn hay vi phạm quyền con người?

Theo bạn, có hợp lý không khi những đứa trẻ phải chịu nhục cả cuộc đời vì tội lỗi của cha chúng. Thậm chí ngay cả những đứa trẻ chưa được sinh ra đã bị quy kết về “gien phạm tội bẩm sinh”?!

Theo Đào Tuấn

9 nhận xét:

  1. Tội ác quá dã man. Bọn hiếp dâm này có đem tử hình một nghìn lần cũng không rửa hết tội ác này.

    Trả lờiXóa
  2. Cô gái ấy thật đáng thương quá, bọn hiếp dâm kia đem đi thiến là hợp lý!

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi việc này nên bàn luận lại thêm nữa, nếu thấy sự cần thiết phải đưa ra hình phạt này mới đủ sức răn đe thì chúng ta cứ tiến hành.

    Trả lờiXóa
  4. Nếu biết sợ thì đừng làm. Lúc các ông hiếp dâm con gái nhà người ta thì chắc là bị thiến còn oan ức lắm nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Mỗi người có một ý kiến. Đưa ra hình phạt làm sao đủ sức răn đe quả là rất khó.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi ủng hộ chủ trương này! Phải thế thì may ra mới bớt cái thể loại súc vật đó.

    Trả lờiXóa
  7. Sau này Việt Nam tỷ lệ nam nữ chênh lệch chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng loại tội phạm này. Theo tôi nếu không đưa ra hình phạt này thì ta nên nâng mức phạt thấp nhất là mức xử tù chung thân.

    Trả lờiXóa
  8. Cho những kẻ này chọn 1 trong 2 hình phạt: 1 là tử hình và 2 là thiến.

    Trả lờiXóa
  9. Hãy có nhưng phương thức tử hình như người cổ đại." Ngũ mã phanh thây".

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog