Chia sẻ

Tre Làng

BỘ TRƯỞNG CHÂN ĐẤT


Thưa Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ở miền núi, nhiều “các cháu” bé 3,4 tuổi vẫn phải đi chân đất tới trường. Nhưng đó không phải là biểu hiện của “dân dã”. Giá như có lúc nào đó ông đi chân trần lên miền núi để nhìn những bàn chân đất của những đứa trẻ vùng cao.

Ít hôm trước, một bài viết về Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với nhan đề: “Bộ trưởng đi chân đất làm cách mạng giáo dục” được đăng tải trên báo Chất lượng Việt Nam. “Hôm đó, Tổng bí thư làm việc với Bộ KHCN và giới trí thức…Cánh phóng viên chúng tôi còn ấn tượng hơn khi thấy, trong buổi họp, Bộ trưởng thường bỏ dép để đi…chân đất, ngay cả khi ra ngoài nghe điện thoại. Sau này, khi tới đặt lịch phỏng vấn ông ở Bộ GD&ĐT, chúng tôi mới biết, khi làm việc, ông cũng hay “đi chân đất cho thoáng” như vậy”- bài báo viết.

Đó có thể là hình ảnh “bình dân” của một vị Bộ trưởng có thói quen gọi học sinh là “các cháu”. Nhưng đó cũng có thể là một biểu hiện về sự… luộm thuộm, đến phản giáo dục, của một giáo sư tiến sĩ, một nhà khoa học, một nhà quản lý, một chính khách, nhất là khi ông “chân đất” ngay cả trong buổi làm việc với Tổng Bí thư và các nhân sĩ trí thức.

Ngày hôm qua, sau khi những phản ánh của TS Trần Đăng Tuấn trên báo chí về về việc do chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn về chi hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em vùng khó nên địa phương gặp khó khăn khi thực hiện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “đã chỉ đạo các Vụ, Cục liên quan khẩn trương rà soát để sớm ban hành”.

Theo giải thích của Bộ Giáo dục: “Ngay sau khi có Quyết định (60/2011/QĐ-TTg quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có nội dung hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu 3,4 tuổi), Bộ GD-ĐT đã khẩn trương chủ trì phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan soạn thảo thông tư hướng dẫn và ngày 13/6/2012 bản dự thảo đã được đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do vướng mắc một số khâu “kỹ thuật” nên cho đến nay thông tư này vẫn chưa được ban hành chính thức”.

Khen cho cái chữ “ngay” của Bộ trưởng. Quyết định 60 của Thủ tướng được ban hành ngày 26/10 và có hiệu lực từ 15/12/2011. Bộ chuẩn bị “ngay” mất 50 ngày. Sau đó, cũng “ngay” tới 6 tháng sau, dự thảo thông tư hướng dẫn mới được… đưa lên mạng. Và đến giờ, 16 tháng từ khi có quyết định 60, 14 tháng sau khi quyết định có hiệu lực, thông tư của Bộ vẫn “vướng mắc một số khâu kỹ thuật” và chưa được ban hành chính thức.

16 tháng, thời gian dài để phá kỷ lục về một thông tư bị bỏ quên khiến những quyết định mang tính chất an sinh xã hội cực kỳ cần thiết đến được tới cuộc sống, nhưng đủ dài để những đứa trẻ phải bỏ học vì không thể nhịn đói.

“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”. Đây là câu hỏi không ít nhức nhối mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra vào sáng 7-1.

Thưa Thủ tướng, câu hỏi của Thủ tướng có thể trả lời, rất dễ dàng, qua trường hợp những đứa bé “sôi bụng” hoặc săn chuột làm thịt trong khi chờ thông tư của Bộ Giáo dục hướng dẫn thi hành một quyết định an sinh mà Thủ tướng đã ký từ 16 tháng trước.

Thưa Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ở miền núi, nhiều “các cháu” bé 3,4 tuổi vẫn phải đi chân đất tới trường. Nhưng đó không phải là biểu hiện của “dân giã”. Nguyên nhân có khi đơn giản hơn nhiều: Vì tiền mua dép còn phải dành nuôi miệng. Giá như có lúc nào đó ông đi chân trần lên miền núi để nhìn những bàn chân đất của những đứa trẻ vùng cao.

Nguồn: Đào Tuấn

3 nhận xét:

  1. đảng và nhà nước ta luôn ưu tiên cho giáo dục, mọi nghị quyết và chính sách của đảng, của chính phủ, bộ giáo dục cũng chỉ mong làm cho nền giáo dục nước nhà tiến lên. vì "HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA" nhưng bên cạnh đó những nơi miền sâu, đồi núi thì cuộc sống còn chưa đủ ăn nói j tới học.

    Trả lờiXóa
  2. mục tiêu cao nhất là đưa nền giáo dục của nước nhà ngày càng tốt hơn tốt hơn nữa.chúc bác thành công

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog