Chia sẻ

Tre Làng

TÍN NHIỆM CAO CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ DÀNH CHO VIỆT NAM

Sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam

LTS- Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016, với số phiếu cao nhất tại cuộc bỏ phiếu của Ðại hội đồng LHQ ngày 12-11. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của sự kiện này và những định hướng lớn của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn.


PV: Xin Bộ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những vấn đề quốc tế lớn, là một trong ba trụ cột hoạt động chính của LHQ, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển. Với tầm quan trọng như vậy của vấn đề quyền con người, năm 2006, Ðại hội đồng LHQ đã thành lập Hội đồng Nhân quyền LHQ để thay thế Ủy ban Nhân quyền trước đây bị các nước phê phán là hoạt động kém hiệu quả. Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của LHQ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Hội đồng có nhiều cơ chế giúp việc như: Ủy ban Tư vấn, Văn phòngCao ủy Nhân quyền, Các thủ tục đặc biệt gồm 48 báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia độc lập hoặc nhóm làm việc... Ðặc biệt là Cơ chế Kiểm điểm phổ cập định kỳ (UPR), theo đó, tất cả các nước phải định kỳ nộp báo cáo và kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền LHQ về việc bảo đảm quyền con người tại nước mình.

Việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại "là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" và "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Quyết tâm này cũng thể hiện quan điểm của Ðảng và Nhà nước ta coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của nước ta trong lĩnh vực này.

Vì vậy, việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên LHQ dành cho Việt Nam và có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Trước hết, điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Trong sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước là sửa đổi Hiến pháp, vấn đề quyền con người cũng được chú trọng, theo hướng vừa thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.


Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những định hướng lớn của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách là quốc gia thành viên?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của nước ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên LHQ.

Là một quốc gia thành viên, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp; chia sẻ thực tế tôn trọng và bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam, kết quả tích cực về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, qua đó góp phần phản bác các thông tin sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Chúng ta cũng có thêm điều kiện tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.

Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của LHQ về nhân quyền.

Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, việc tham gia vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các cơ chế đa phương quan trọng trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế.

Theo Nhân Dân

6 nhận xét:

  1. Mỹ liên tục cáo buộc Việt Nam vi phạm dân quyền vi phạm quyền con người nhưng Mỹ giải thích thế nào về việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền liên hợp quốc với số phiếu cao nhất lần này. Việt Nam vi phạm nhân quyền, khong có dân chủ mà lại được cọng đồng quốc tế tín nhiệm vậy sao? Việc trúng cử vào Hội đồng nhân quyền liên hợp quốc lần này sẽ khiến cho Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn quyền con người. Xa hơn còn bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đồng thời đấu tranh chống lại những âm mưu thủ đoạn lừa bịp của các thế lực thù địch trong đó đầu xỏ là Mỹ

    Trả lờiXóa
  2. Theo Thông tin mới nhất thì Việt Nam được bầu chọn vào ủy ban nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất. Thông tin này là một vinh dự lớn đối với đất nước, nó thể hiện sự đi lên của vị thế đất nước, thể hiện chỗ đứng của Việt Nam trên trường Quốc tế và đặc biệt nó vô tình là một cú đấm tàn bạo, mạnh mẽ nhất vào mặt những người mang danh rận chủ, phản động, phản bội đất nước.

    Trả lờiXóa
  3. Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện quan trọng nhưng không bất ngờ. Kết quả bỏ phiếu ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, bình đẳng giới… Việt Nam không có sự kỳ thị sắc tộc và xung đột tôn giáo.

    Trả lờiXóa
  4. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và là một trong 6 quốc gia có những thành tựu đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo với tỷ lệ đói nghèo giảm còn 1/3. Năm 2002, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam là 29%, nhưng đến năm 2012 chỉ còn khoảng 10%. Việt Nam cũng có những thành tích tốt trong giáo dục cơ bản, chỉ số về y tế, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tôi nghĩ về tổng thể thành tích này rất đáng được ca ngợi và ghi nhận ở Liên Hợp Quốc cũng như toàn cầu.

    Trả lờiXóa
  5. Việc các nước như Cuba, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Việt Nam, Algeria..., cùng với Việt Nam, được bầu vào HRC là sự bác bỏ các tiêu chuẩn kép và những nỗ lực dai dẳng của các cường quốc phương Tây sử dụng HRC cho các mục đích chính trị. Cuộc bỏ phiếu lần này dường như cũng là câu trả lời trực tiếp của cộng đồng thế giới trước vụ phanh phui nghe lén của Mỹ đang lộng hành trên thế giới, đẩy ngọn cờ dân chủ nhân quyền của Mỹ vào thế hạ phong.

    Trả lờiXóa
  6. Tổ quốc Việt Nam vô cùng thiêng liêng trong trái tim mỗi người Việt Nam. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm kết hợp với dựng nước và giữ nước. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để dành lại độc lập tự do cho dân tộc. Khát vọng tự do ấy chính là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam, đồng thời cũng là ước mơ của toàn nhân loại. Nhưng chỉ có điều chúng ta nên nhớ, quyền tự do tốt đẹp nhất của mỗi con người, của mỗi dân tộc chính là quyền tự do trong pháp luật.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog