Chia sẻ

Tre Làng

NHÂN DÂN

Bài của GiadinhNet - Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới này, khái niệm "Nhân Dân" được sử dụng như ở Việt Nam. Đây là danh từ, là phạm trù có nhiều thuộc tính. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945, gần 70 năm qua, nhà nước ta vẫn vận hành theo tôn chỉ nhà nước của dân, do dân và vì dân.


Theo cách hiểu thông thường, nhân dân, từ trẻ em đến cụ già, đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, nghề nghiệp, gồm công dân đang sống và làm việc trong xã hội đương đại thuộc lãnh thổ quốc gia và toàn bộ ai mang dòng máu Việt cư trú khắp thế giới. Nhưng nhìn xa hơn, nhân dân tôi là những anh hùng hào kiệt, là những người lính đã đổ xương máu chiến đấu chống ngoại xâm, là con dân nước Việt yêu nước.

Nhân dân, là chinh phụ chờ chồng chinh chiến thời phong kiến, là người vợ thuỷ chung nơi quê nhà, đợi ngày chiến thắng. Là những người cha, người chồng anh dũng. Là những chàng trai chưa từng yêu và được yêu, vĩnh viễn không có cơ hội được làm chồng làm cha vì ngã xuống lúc tuổi thanh xuân nhất. Là đôi lứa, là những em bé mong lớn mong Tết, chờ được ra đời...

Lòng đất mẹ Việt Nam tích tụ đời này qua đời khác máu xương nhân dân, đất nuôi sống chúng ta qua vụ mùa trồng trọt, đất giữ những phận kiếp trở về nên đất thiêng ngàn đời. Khái niệm đất nước gần gũi và lớn lao như Nhân dân - người làm chủ, giữ gìn, bảo vệ và phát triển nó. Nhân dân còn có cách gọi khác - đồng bào, từ truyền thuyết về khởi nguồn dòng giống con Lạc cháu Hồng, cha Rồng mẹ Tiên.

Đất nước "Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng loà", Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) đã viết về đất nước mình khái quát mà sâu sắc. Đất nước nông nghiệp, văn minh lúa nước, 80% dân số là nông dân, gắn với ruộng, bùn bao đời và lắm phen bị xâm lăng, đánh chiếm, cai quản như thuộc địa luôn có những anh hùng, từ nhân dân, vùng lên khởi nghĩa, xung trận, không chịu làm nô lệ dưới ách nô dịch, áp bức.

Các đời vua nước Việt, dù bị áp lực cạnh nước lớn phương Bắc đàn áp, đe doạ, âm mưu đồng hoá, vẫn có chính sách trị nước độc lập. Có chủ trương pháp trị, đức trị với mỗi vị vua, nhà cầm quyền, song ở đâu, lúc nào, tư tưởng "an dân" vẫn luôn được xem trọng.

Tư tưởng lớn của chính trị gia, đại thi hào Nguyễn Trãi (1380 - 1442) vẫn sáng mãi cùng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” viết thay Lê Lợi (Lê Thái Tổ) sau khi đánh thắng quân Minh, công bố Xuân 1428: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo", "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn / Lấy chí nhân thay cường bạo". Ức Trai đề cao nhân nghĩa, yêu thương, trọng dân. Ông coi nhân dân là lực lượng sản xuất ra vật chất xã hội và quyết định sự hưng vong của triều đại. Dù kẻ thù tứ phía có gây hấn, tấn công, thì các triều đại trị vì, nước Việt vẫn kiên cường chống trả và vẫn nuôi giữ hoà khí, khao khát hoà bình.

Lãnh tụ lỗi lạc của Việt Nam thế kỷ 20 là Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969). Người đã dành 30 năm cuộc đời bôn ba các châu lục, tiếp thu các luận thuyết, chủ nghĩa, hiện thực xã hội của nhiều quốc gia, chính thể, để trở về gây dựng lực lượng, làm cách mạng giải phóng dân tộc. Người được tôn vinh, xem như một vị thánh của dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt yêu nước thương dân là lẽ sống của đời mình và giáo dục các cộng sự, cán bộ của mình. Thương dân, thương nòi là truyền thống được kế truyền của dân tộc. Vĩ nhân muốn làm được việc lớn lao không bao giờ xem thường điều nhỏ. Dù có từ "thảo dân" (dân cỏ) thì quần chúng là nền tảng của mọi cuộc cách mạng, chính biến. Đẩy, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, thuyền là chính thể, triều đại, có thể đổi thay, song đất nước là của nhân dân, tồn tại cùng nhân dân.

Thương dân là đạo lý của người làm quan, làm lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh thương dân từ miếng ăn cái mặc, tiết kiệm từng quả cà, bát gạo bữa ăn để làm gương vận động toàn dân đóng góp cho mục tiêu giải phóng đất nước. Tư liệu, hình ảnh, tác phẩm về Người ít, vì sinh thời Người không muốn chụp, quay về mình.

Người nói với các nhà quay phim: "Phim hiếm, các chú quay Bác làm gì, để quay nhân dân". Các phóng viên, hoạ sĩ nghe Bác quá, thành ra hậu thế thiệt thòi. Nhân dân là quần chúng số đông, tinh hoa lại thuộc về số ít. Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của những tinh hoa. Không có vĩ nhân không có nhân tố kiệt xuất làm thủ lĩnh, lãnh đạo thì nhân dân không thể làm nên lịch sử.

Nhân dân là mãi mãi vô hạn. Nhân dân là đối tượng hướng tới của những người làm báo, làm nghệ thuật. Hi vọng, tương lai của mỗi dân tộc là trẻ em. Em bé công dân thứ 90 triệu của nước Việt Nam đã được ba tháng tuổi. Việt Nam đang phát triển trước đầy vận hội và thách thức. Hồn thiêng sông núi hội tụ hồn của đất trời, triệu triệu người qua bao thế kỷ.

Quan nhất thời, dân vạn đại. Thế nước, vận nước là do hợp sức dân, bởi lòng dân. Ruộng đồng xanh và hoa vẫn nở bên những hố bom, trẻ em vẫn sinh ra, đi học dù bom đạn. Tôi kính trọng nhân dân đất nước tôi. Việt Nam, một đất nước chịu nhiều cuộc chiến, nhân dân vất vả lam lũ nhiều đời, nhưng đầy bác ái, khát vọng sống lạc quan. Mỗi năm mới, là Xuân mới, những mùa mới. Nhân Dân Việt Nam xứng đáng được viết hoa trong tâm khảm mỗi người, trong huyết mạch truyền đời.

BLOG rất mong nhận được ý kiến của các bạn xung quanh vấn đề này. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm. Chân thành cảm ơn các bạn.

Tùy bút của VI THUỲ LINH

5 nhận xét:

  1. Nói đến tương lai của đất nước là nói đến sự phát triển của mỗi dân tộc, và nhân dân chính là nhân tố có vai trò quyết định rất lớn. Bởi vì lịch sử của mỗi dân tộc, thì trong mỗi giai đoạn đều có những đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết mà con người phải đáp ứng. Và hơn hết, lực lượng quần chúng nhân dân là những con người có thể đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử. Nhân dân và tương lai của đất nước là hai yếu tố không thể tách rời. Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, nâng cao không ngừng của văn hóa, kinh tế, đất nước. Để có thế bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân

    Trả lờiXóa
  2. Quần chúng nhân dân là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho Tổ Quốc Việt Nam ta. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc, mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là một lý tưởng sống. Và nhất làhiện nay, những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước phải xác định được cho mình một lý tưởng sống đúng đắn, như thế thì mới có thể phát triển đất nước ta tươi đẹp hơn

    Trả lờiXóa
  3. Thời nào cũng vậy, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó khăn. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời chiến. Những người con của đất nước đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình - cái tuổi 20 đầy ước mơ ấy - cho Tổ quốc với lý tưởng sống thật cao đẹp và thánh thiện. Đấy là những thanh niên của gần 40 năm trước, còn lớp thanh niên ngày nay thì sao, chúng ta phải làm gì nếu như lớp người đi trước đã quên mình cho thế hệ sau được độc lập, no ấm thì ngày nay, tuổi trẻ chúng ta sẽ tiếp tục duy trì truyền thống đó như thế nào

    Trả lờiXóa
  4. Hạnh phúc không tự nhiên mà có. Mà đó là xương máu, tâm huyết của biết bao con người trên đất nước này. Họ là ai? Họ là những con người yêu quý quê hưong đất nước. Họ cho rằng được hiến dâng cho quê hương là hạnh phúc, là niềm tự hào, là vinh dự quý báu. Thế thì sao chúng ta không học theo họ. Mọi suy nghĩ, hành động đều bắt nguồn từ ý nghĩ. Ý nghĩ, tư tưởng là nền móng cơ bản dẫn việc làm, lối sống của thế hệ trẻ. Mỗi một thời đại, mỗi một hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, những lý tưởng sống và suy ngẫm riêng.

    Trả lờiXóa
  5. Cả dân tộc ta hiện nay đã khẳng định được tiếng nói và lý tưởng sống của mình chính là phấn đấu tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Với riêng mỗi cá nhân, đã sinh ra trong đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc. Hơn thế nữa, từ đáy lòng của con người luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, vui tươi, không lo âu buồn phiền, không đau khổ oán than, muốn an hưởng sự may lành hơn là bất hạnh, giàu sang hơn là nghèo nàn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog